Hợp tác nông nghiệp giữa Việt Nam - Nga có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế và đảm bảo an ninh lương thực của 2 quốc gia.
Nông nghiệp Nga phát triển ngoạn mục
Bộ Nông nghiệp Liên bang Nga vừa tổng kết tình hình nông nghiệp trong nước sau 10 năm thực thi lệnh cấm nhập khẩu hàng nông nghiệp từ các nước áp đặt trừng phạt liên quan đến việc nước này sáp nhập bán đảo Crimea.
Theo đó, từ 2014-2024, nền nông nghiệp Nga tăng trưởng 33,2%, riêng khu vực hàng thực phẩm tăng 42,9%. Hiện Nga xuất khẩu nông sản tới 160 quốc gia và dẫn đầu thế giới về xuất khẩu lúa mì, đậu, lúa mạch, dầu lanh, cá đông lạnh.
Tăng sản lượng và áp dụng công nghệ tiên tiến là hai xu hướng chính của nền nông nghiệp Nga 10 năm qua. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Oksana Lut cho biết, hiện Nga là thị trường cạnh tranh và công nghệ cao bậc nhất thế giới trong nông nghiệp. Đồng thời, phát triển bền vững là đặc trưng của cả tổ hợp nông-công nghiệp và các ngành riêng lẻ.
Cánh đồng lúa mì tại Karpenkovo, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Trong trồng trọt, sản lượng ngũ cốc thu hoạch trong thời kỳ này tăng từ 92,4 triệu tấn lên khoảng 150 triệu tấn, củ cải đường từ 39,3 triệu tấn lên 53,2 triệu tấn.
Sản lượng hạt có dầu tăng nhiều nhất, gấp 2,3 lần, từ 13,2 triệu tấn lên 29,9 triệu tấn. Sản lượng thu hoạch khoai tây cuối năm 2023 đạt mức cao nhất trong 30 năm qua, khoảng 8,6 triệu tấn, gấp 1,6 lần so với mức 5,4 triệu tấn năm 2013.
Sản lượng sản xuất rau quả tăng 1,7 lần trong 10 năm, đạt kỷ lục 7,5 triệu tấn trong năm 2023, so với mức 4,5 triệu tấn năm 2013.
Trong số này, 1,64 triệu tấn là rau trồng nhà kính, sản lượng tăng 2,6 lần kể từ năm 2013 (từ 0,64 triệu tấn). Bộ Nông nghiệp Nga cho biết, sản lượng trái cây và quả mọng tăng 2,8 lần, từ 0,7 triệu tấn lên mức kỷ lục 1,9 triệu tấn vào năm 2023.
Ngoài ra, Bộ này cho biết, chăn nuôi cũng đạt kết quả khá cao. Sản lượng chăn nuôi gia súc, gia cầm tăng 35,6% so với năm 2013, từ 12,2 triệu tấn lên 16,53 triệu tấn.
Ngành đánh bắt cá cũng khá phát triển. Hơn 10 năm, các doanh nghiệp đánh cá tăng sản lượng đánh bắt cá từ 4,3 triệu tấn lên 5,4 triệu tấn.
Ngành công nghiệp thực phẩm cũng tăng trưởng ở hầu hết các lĩnh vực. Chẳng hạn như sản lượng dầu thực vật tăng 2,5 lần, từ 3,9 triệu tấn lên 9,8 triệu tấn; sản phẩm thịt tăng 84% (từ 5,3 triệu tấn lên 9,8 triệu tấn); mì ống tăng gần gấp rưỡi (từ 1,05 triệu tấn lên 1,5 triệu tấn). Sản lượng phômai tăng gần gấp đôi, từ 435.000 tấn lên 801.000 tấn.
Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp Nga, khả năng tự chủ về nhiều chỉ tiêu đã thay đổi mô hình phát triển của tổ hợp công-nông nghiệp từ thay thế nhập khẩu sang định hướng xuất khẩu.
Mười năm qua, xuất khẩu nông sản của Nga tăng 2,6 lần và đạt 43,5 tỷ USD vào cuối năm 2023 so với 17,1 tỷ USD vào năm 2013.
Nga đã từ nước nhập khẩu trở thành một trong những nước xuất khẩu chủ lực của thế giới, đứng thứ 17 trong danh sách các nước xuất khẩu và xét về quy mô xuất khẩu nông sản, đứng ngang hàng các quốc gia như Australia, Argentina.
Chuyên gia Tập đoàn xếp hạng doanh nghiệp AKRA Anton Trenin đánh giá, tăng an ninh lương thực giúp đạt được khả năng tự cung tự cấp hoàn toàn, đáng chú ý nhất là ngành công nghiệp thịt, trong 10 năm qua, khả năng tự cung cấp thịt của Nga đã đạt 100%, rau quả gần 90%.
Nga - nước xuất khẩu nông sản thứ 4 thế giới
Hồi tháng 3, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã đến vùng Stavropol, gặp gỡ nhân viên khu phức hợp nhà kính Solnechny Dar của Tổ chức nông nghiệp - công nghiệp Văn hóa Sinh thái. Phát biểu trong cuộc gặp với nông dân, Tổng thống Nga cho biết, Nga trở thành nước xuất khẩu nông sản lớn thứ 4 thế giới nhờ vụ mùa bội thu.
Tổng thống lưu ý, doanh thu từ xuất khẩu nông sản của Nga trên thị trường toàn cầu lên tới 43,5 tỷ USD. Nga cũng là một trong những nước dẫn đầu về sản xuất thịt.
Tổng thống Nga Vladimir Putin thăm vùng Stavropol, ngày 5/3/2024. Ảnh: Sputnik
Theo Tổng thống Putin, đây là lần đầu tiên trong lịch sử ngành Nông nghiệp Nga đạt được kết quả như vậy. Ông Putin lưu ý, cần đẩy mạnh sản xuất cà chua và một số loại sản phẩm khác để không phụ thuộc vào nhập khẩu.
Thống kê cho thấy, xuất khẩu thực phẩm của Nga đang tăng trưởng với tốc độ nhanh chóng. Trở thành nước xuất khẩu ngũ cốc lớn nhất thế giới trong những năm gần đây nhờ mùa màng bội thu và giá cả hấp dẫn, bất chấp các lệnh trừng phạt của phương Tây cản trở hoạt động ngoại thương của quốc gia này.
Nga cũng cung cấp ngũ cốc miễn phí cho một số quốc gia châu Phi đang phải đối mặt với tình trạng mất an ninh lương thực.
Đẩy mạnh giao thương nông sản Việt Nam - Nga
Theo Bộ Nông nghiệp và PTNT, thương mại nông sản hai chiều giữa Việt Nam – Nga đã tăng gấp đôi trong 5 năm qua, hiện ở mức khoảng 1 tỷ USD/năm.
Trong đó, cà phê là mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu sang thị trường Nga lớn nhất, đạt 161,6 triệu USD trong 5 tháng đầu năm 2024, tăng 39% so với cùng kỳ năm 2023. Tiếp đến là thủy sản đạt 76,4 triệu USD, tăng 87,7%; hạt điều đạt 28 triệu USD, tăng 81,8%; rau quả đạt 26,8 triệu USD, tăng 25,2%.
Xuất khẩu cao su sang thị trường này cũng ghi nhận mức tăng 23,8%, gỗ và sản phẩm gỗ tăng 47,6%, xuất khẩu gạo tăng gấp đôi, còn hạt tiêu tăng mạnh, tới 96,9%. So với cùng kỳ năm ngoái, chỉ có mặt hàng chè ghi nhận tăng trưởng âm 12%.
Tuy nhiên, hợp tác nông nghiệp giữa Việt Nam và Nga vẫn còn nhiều hạn chế. Các hoạt động chủ yếu tập trung vào thương mại, khoa học công nghệ và hợp tác kỹ thuật.
Nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tăng cường hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp giữa hai quốc gia, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Trần Thanh Nam khẳng định: Việt Nam luôn coi trọng và mong muốn phát triển mối quan hệ hợp tác với Liên bang Nga, đặc biệt là trong bối cảnh các cơ hội và thách thức mới trong thị trường toàn cầu.
Nhiều mặt hàng nông sản từ Việt Nam đã có mặt trên các kệ siêu thị ở Nga. Trong ảnh là những mặt hàng nông sản chế biến từ Việt Nam đến Nga.
“Việc tạo ra một cơ chế hợp tác rõ ràng và hiệu quả giữa hai bên là rất cần thiết nhằm đáp ứng nhu cầu thương mại của hai nước. Việc này không chỉ giúp các doanh nghiệp có điều kiện thuận lợi hơn về hợp tác trong lĩnh vực nông sản, mà còn đảm bảo sự phát triển bền vững của thị trường”, Thứ trưởng Trần Thanh Nam nhấn mạnh.
Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Liên bang Nga tại Việt Nam Gennady Bezdetko nhận định, tiềm năng hợp tác hai bên còn rất lớn nhưng chưa tận dụng hết mối quan hệ truyền thống hữu nghị từ lịch sử để lại và quan hệ hợp tác chiến lược toàn diện.
“Hiện nay, hai bên vẫn còn vướng mắc trong vấn đề tiếp cận và mở cửa thị trường xuất - nhập khẩu cho nhau, ảnh hưởng khá nhiều đến khả năng tăng kim ngạch xuất - nhập khẩu song phương. Tuy nhiên, các mặt hàng nông sản của Nga và Việt Nam không cạnh tranh mà bổ trợ lẫn nhau, tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp xúc tiến”, Đại sứ Gennady Bezdetko nói.
Nhằm thúc đẩy thương mại thủy sản với Nga, Thứ trưởng Trần Thanh Nam cho rằng, cần tập trung tạo ra cơ chế hợp tác gần gũi để hai bên có thể hỗ trợ lẫn nhau hiệu quả hơn. Theo đó, liên kết chuỗi có hệ thống, từ cấp quản lý đến doanh nghiệp, cũng như xem xét khả năng thanh toán, sẽ tạo điều kiện thúc đẩy thương mại hai nước.
Sau năm 1996, huyện Mường Lát được tách khỏi huyện Quan Hóa, đây là một huyện xa nhất của tỉnh Thanh Hóa, đường xá giao thông cực kỳ khó khăn, quy mô nền kinh tế gần như không có gì. Trải qua gần 30 năm xây dựng và phát triển, Mường Lát đang trên đường xây dựng nông thôn mới (NTM) trong bối cảnh cũng cực kỳ khó khăn hơn so với các địa phương khác trong tỉnh.