Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 25 tháng 8 năm 2023 | 15:7

Tín dụng chính sách với những bước chuyển

Tín dụng chính sách xã hội là một trong những chủ trương, quyết sách lớn của Đảng, Nhà nước với mục tiêu hỗ trợ giảm nghèo bền vững, tạo công ăn việc làm, phát triển nguồn nhân lực, bảo đảm an sinh xã hội, ổn định chính trị và hiện thực hóa khát vọng xây dựng nước Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc.

Sau gần 10 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư khóa XI (năm 2014) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội, hoạt động tín dụng chính sách xã hội có những chuyển biến tích cực, không chỉ góp phần nâng cao đời sống vật chất cho người dân mà còn tạo ra những giá trị nhân văn cho xã hội.

Địa chỉ tin cậy của người nghèo và những đối tượng chính sách

TS. Nguyễn Huy Phòng, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, cho biết: Hơn 20 năm xây dựng và phát triển, kể từ dấu mốc ngày 4/10/2002, Chính phủ ban hành Nghị định số 78/2002/NĐ-CP về tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác và Quyết định số 131/2002/QĐ-TTg về việc thành lập NHCSXH, NHCSXH đã trở thành địa chỉ tin cậy của người nghèo và những đối tượng chính sách; trao gửi những đồng vốn với hy vọng mang lại “những cần câu mới” để người dân có điểm tựa, sức mạnh, niềm tin. Từ đó bà con không ngừng lao động, sáng tạo, hướng đến cuộc sống mới ngày càng đủ đầy, no ấm, được các thế hệ cán bộ, công chức, viên chức của NHCSXH kiên trì thực hiện với giá trị cốt lõi: Điểm tựa tin cậy, chung tay giảm nghèo/Thủ tục đơn giản, dân chủ, công khai/Ủy thác từng phần, an toàn, hiệu quả/Đoàn kết, hợp tác, trách nhiệm xã hội. Cùng khẩu hiệu hành động: Thấu hiểu lòng dân, tận tâm phục vụ.

Đánh giá về những thành tựu, kết quả mà NHCSXH đạt được trong việc thực thi tín dụng chính sách xã hội, TS. Nguyễn Huy Phòng nhấn mạnh: “Công tác tín dụng chính sách xã hội đã đạt được nhiều kết quả quan trọng; đã huy động được hàng trăm nghìn tỉ đồng, đáp ứng nhu cầu vay vốn của đông đảo người nghèo và các đối tượng chính sách ở 100% xã, phường, thị trấn của cả nước, góp phần tạo việc làm, giảm nghèo bền vững, hỗ trợ các đối tượng chính sách xã hội, những người có hoàn cảnh khó khăn và xây dựng nông thôn mới.

Mô hình tổ chức và phương thức hoạt động của NHCSXH từng bước được hoàn thiện, phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ mới; xây dựng được phương thức cho vay uỷ thác tín dụng chính sách xã hội hiệu quả, phát huy được vai trò và sự tham gia tích cực của cả hệ thống chính trị trong công tác tín dụng chính sách xã hội, giúp đỡ, khuyến khích các đối tượng chính sách xã hội vươn lên thoát nghèo, từng bước làm giàu chính đáng.

Kết quả trên đã khẳng định, đây là chủ trương đúng đắn, sáng tạo, có tính nhân văn sâu sắc, góp phần quan trọng thực hiện các chủ trương, chính sách, mục tiêu, nhiệm vụ của Đảng, Nhà nước về tăng trưởng kinh tế đi đôi với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, là yêu cầu có tính nguyên tắc bảo đảm sự phát triển lành mạnh, bền vững của đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa, thể hiện tính ưu việt của chế độ ta, được các tổ chức quốc tế đánh giá cao”.

Đa dạng hóa nguồn lực

TS. Đỗ Trọng Hưng, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch  HĐND tỉnh Thanh Hóa, cho biết, gần 10 năm qua, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Thanh Hóa đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện nghiêm túc, đồng bộ, quyết liệt các chủ trương của Đảng về công tác tín dụng chính sách xã hội, nhất là thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2014 và Kết luận số 06-KL/TW ngày 10/6/2021 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW “Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác tín dụng chính sách xã hội”, đạt nhiều kết quả quan trọng; khẳng định vai trò, vị trí của tín dụng chính sách xã hội trong thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, tạo việc làm, phát triển nguồn nhân lực, bảo đảm an sinh xã hội, ổn định chính trị và phát triển kinh tế - xã hội. Thực hiện chủ trương đa dạng hóa nguồn lực để thực hiện tín dụng chính sách xã hội, cùng với nguồn vốn của Trung ương chuyển về, tỉnh đã chỉ đạo huy động và tập trung các nguồn lực tài chính, đáp ứng tốt hơn nhu cầu vay của các đối tượng đủ điều kiện và có nhu cầu.

Người dân Thanh Hóa được tiếp cận công trình nước sạch nhờ nguồn vốn cho vay từ chương trình tín dụng chính sách.

Hằng năm, UBND tỉnh và UBND các huyện, thị xã, thành phố của Thanh Hóa đều dành một phần vốn ngân sách địa phương để bổ sung nguồn vốn; lũy kế từ năm 2014 đến ngày 30/6/2023, ngân sách tỉnh và các huyện, thị xã, thành phố và các nguồn đầu tư hợp pháp khác ủy thác sang Chi nhánh NHCSXH tỉnh và phòng giao dịch NHCSXH huyện đạt 502,2 tỷ đồng; trong đó, nguồn vốn ngân sách tỉnh là 336,6 tỷ đồng, nguồn vốn ngân sách cấp huyện là 164,5 tỷ đồng và nguồn vốn chủ đầu tư khác 1,1 tỷ đồng. Đồng thời, chỉ đạo tập trung huy động nguồn vốn nhàn rỗi từ các tổ chức, cá nhân, từ tiết kiệm dân cư và từ nguồn tiền thực hành tiết kiệm của chính hộ nghèo và các đối tượng chính sách thông qua mạng lưới hoạt động của hơn 6.500 Tổ tiết kiệm và vay vốn thành lập tại các thôn, bản, khu phố trên toàn tỉnh.

Đến nay, sau gần 3 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020 - 2025; mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhất là những ảnh hưởng rất nghiêm trọng của đại dịch Covid-19; song, bằng sự đoàn kết, chủ động, sáng tạo, quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, hiệu quả của các cấp, các ngành, của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và các tầng lớp Nhân dân, Thanh Hóa đã đạt được những kết quả bước đầu quan trọng. Kinh tế của tỉnh hằng năm tăng trưởng khá, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) năm 2021 đạt 8,85%, đứng thứ 5 cả nước; năm 2022 đạt 12,51%, đứng thứ 7 cả nước; 6 tháng đầu năm 2023 đạt 7%. Thu ngân sách nhà nước năm 2022 đạt 51.138 tỷ đồng, đứng thứ 9 cả nước, gấp 1,62 lần năm 2020.

Đặc biệt, ngày 27/02/2023, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch tỉnh Thanh Hóa thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045, là tỉnh thứ 4 được phê duyệt quy hoạch tỉnh, tạo hành lang pháp lý, điều kiện thuận lợi, mở ra thời cơ, động lực mới để Thanh Hóa phát triển.

Ở đâu có người nghèo, nơi đó có NHCSXH

Với phương châm “thấu hiểu lòng dân, tận tâm phục vụ”, NHCSXH đã xây dựng mạng lưới hoạt động rộng khắp toàn quốc, triển khai kịp thời, trên diện rộng chính sách tín dụng ưu đãi của Chính phủ - “nơi nào có người nghèo và đối tượng chính sách, nơi đó có NHCSXH”.

Tổng Giám đốc NHCSXH Dương Quyết Thắng cho biết, với việc triển khai đến 100% thôn, xóm, bản, làng, tổ dân phố trên toàn quốc, nguồn vốn tín dụng chính sách đã góp phần không nhỏ trong ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, nhất là tại các vùng nông thôn, đã đẩy lùi nạn tín dụng đen thông qua việc thực hiện các chương trình tín dụng chính sách ưu đãi tạo được lòng tin của Nhân dân đối với Đảng và Nhà nước; không bị các thế lực thù địch lôi kéo, lợi dụng.

Để giúp người nghèo và các đối tượng chính sách vươn lên làm chủ cuộc sống, vai trò của tín dụng chính sách có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Hơn 20 năm đồng hành cùng đất nước, Nhân dân, NHCSXH đã tạo ra những giá trị nhân văn, độc đáo, góp phần xóa đói giảm nghèo, mang lại động lực, sức mạnh và niềm tin cho nhân dân.

Phát triển trong bối cảnh mới, việc thực thi tín dụng chính sách xã hội có nhiều cơ hội thuận lợi, nhưng bên cạnh đó là những khó khăn, thách thức. Bằng tinh thần tích cực, chủ động, sáng tạo, kiên trì thực hiện những giá trị nhân văn, nhân bản, vì mục tiêu phát triển con người toàn diện, không ai bị bỏ lại phía sau, sức cộng hưởng của tín dụng chính sách xã hội đã và đang tạo ra những xung lực mới để góp phần cùng với các nguồn lực khác hiện thực khát vọng, mục tiêu xây dựng nước Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc như tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII đề ra.

Nhật Nam
Ý kiến bạn đọc
Top