Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ hai, ngày 25 tháng 11 năm 2024  
Thứ năm, ngày 6 tháng 10 năm 2022 | 15:24

Tổng thống Philippines muốn biến lĩnh vực nông nghiệp bị bỏ quên thành động lực tăng trưởng

Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr khi đọc Thông điệp Quốc gia đầu tiên từ ngày nhậm chức nhấn mạnh, chương trình nghị sự cho nhiệm kỳ 6 năm sẽ tập trung biến lĩnh vực nông nghiệp bị bỏ quên lâu nay thành động lực tăng trưởng.

Khủng hoảng lúa gạo, thiếu đường, muối

Trong một cuộc phỏng vấn trên đài phát thanh, Sonny Sioson, người đứng đầu Hợp tác xã Nông dân miền Trung Luzon cho biết, người trồng lúa trong khu vực hiện chỉ được trả 13 peso (1 peso = 402,39 đồng)/kg lúa tươi, thấp hơn 6 peso/kg so với mức giá tối thiểu 19 peso/kg do Cơ quan Lương thực Quốc gia quy định.

Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr. chỉ trích việc nhập khẩu đường gây tổn hại cho nông dân trồng mía trong nước nhưng gần đây thừa nhận rằng tình trạng thiếu hụt đang thúc đẩy ông cho phép nhập khẩu nhiều đường hơn từ nước ngoài. Ảnh: Rappler

Vựa lúa miền Trung Luzon hay còn được gọi là Vùng 3, bao gồm các tỉnh Nueva Ecija, Aurora, Bataan, Bulacan, Pampanga, Tarlac và Zambales, và khu vực này là nơi có sản lượng lúa gạo cao nhất nước, khi sản xuất hơn 770.000 tấn gạo trong quý đầu tiên của năm nay.

Ông Sioson nói rằng, nông dân cần phải bán lúa với giá 18 - 20 peso/kg để duy trì sinh kế vì giá thành sản xuất liên tục tăng trong thời gian qua. Theo đó, với mức giá lúa thấp hiện tại không những tác động tiêu cực đến năng suất mà còn khiến một số hộ nông dân đã lựa chọn cách bỏ ruộng hoang, trong khi nhiều nhà máy xay xát, chế biến cũng đã giảm công suất hoặc ngừng hoạt động. Ngay cả ông Sioson cho biết, ông cũng đã quyết định không trồng 4 ha ruộng của hộ gia đình để chờ cho đến khi nào tình hình ổn định.

Vị giám đốc hợp tác xã này đề nghị rằng, nếu chính phủ không sớm giải quyết tình trạng giá lúa thấp, nhóm của ông sẽ kêu gọi nông dân trên cả nước cắt giảm một nửa diện tích đất canh tác, từ 3 triệu hecta xuống còn 1,5 triệu hecta, để giảm nguồn cung gạo và đẩy giá lên.

Ngoài ra, Philippines đang thiếu đường và muối. Nước này không chỉ mua đường, muối và tỏi từ nước ngoài mà còn nhập khẩu một lượng lớn các mặt hàng lương thực khác như gạo, lúa mì, bắp và bã đậu nành. Sự phụ thuộc vào thực phẩm nhập khẩu của Philippines gây sức ép lạm phát khi giá nông sản toàn cầu tăng kỷ lục trong năm nay vì nguồn cung suy giảm do hạn hán xảy ra khắp nơi trên thế giới cũng như chiến tranh ở Ukraine.

Đất đai manh mún cộng với chính sách trì trệ khiến người nông dân Philippines khó phát triển sản xuất lớn. Ảnh: FAO

Lạm phát ở Philippines đã tăng lên gần mức cao nhất kể từ năm 2018, một phần do giá thực phẩm và chi phí vận tải tăng cao.  Bên cạnh đó, những vấn đề trong nước như  bão lũ, sự đảo ngược chính sách nhập khẩu đường và nạn đầu cơ tích trữ làm trầm trọng thêm đà tăng lạm phát.

Chính sách lương thực đã trở thành mối quan tâm cốt lõi của người dân Philippines, đến nỗi Tổng thống Ferdinand Marcos Jr. phải đảm nhận thêm vai trò Bộ trưởng Nông nghiệp và đang đề xuất tăng 44% ngân sách cho bộ này để hỗ trợ hoạt động canh tác và chăn nuôi.

Theo Moody’s, Philippines là một trong những nước châu Á chịu rủi ro lớn nhất do giá nông sản biến động mạnh vì chi phí thực phẩm chiếm gần một nửa rổ lạm phát và nước này nhập khẩu một lượng lớn nhu cầu thực phẩm mình.

Philippines thiếu hụt đường sau khi nước này không đạt mục tiêu về sản xuất đường do các biến cố thời tiết và chi phí phân bón cao làm giảm sản lượng mía. Hoạt động nhập khẩu đường vào đầu năm nay bị trì hoãn do một tòa án ra lệnh dừng nhập khẩu mặt hàng này theo yêu cầu của các nhà sản xuất đường trong nước.

Về muối ăn, dù Philippines là quần đảo với hàng nghìn kilômét bờ biển nhưng nguồn cung muối rất thấp. Nước này nhập khẩu hơn 90% nhu cầu muối vì sản lượng muối trong nước giảm nhanh trong những năm qua.

Các nhà lãnh đạo doanh nghiệp nói rằng, một điều luật ban hành cách đây vài năm, yêu cầu bổ sung i-ốt vào muối đã “giết chết” ngành sản xuất muối. Bộ Nông nghiệp đang tìm cách để hồi sinh các hoạt động sản xuất muối trong nước.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp Domingo Panganiban cho biết, Philippines sẽ nhập khẩu thêm muối để giải quyết một số vấn đề liên quan đến nguồn cung và hoạt động sản xuất muối trong nước.

Không chỉ thiếu đường và muối ăn, Philippines còn thiếu cả hành và tỏi. Thượng nghị sĩ Imee Marcos đã yêu cầu Bộ Nông nghiệp tiến hành kiểm kê hành tây tồn kho sau khi giá tăng vọt.

Ưu tiên phát triển nông nghiệp

Bài viết của chuyên gia kinh tế Boo Chanco đăng trên tờ PhilStar hồi đầu năm mở đầu bằng câu chuyện một doanh nhân Đài Loan (Trung Quốc) đang đầu tư lớn vào lĩnh vực chăn nuôi lợn ở Philippines khi vị này nhận thấy tiềm năng lớn ở đây. Theo ông Chanco, đó cũng chính là khoản đầu tư mà chúng tôi cần sau khi dịch tả lợn châu Phi (ASF) gần như đã tàn phá hầu khắp các trang trại ở Philippines.

Theo đó, nhà đầu tư Đài Loan (người từng làm ăn ở đây 50 năm và kinh doanh trong lĩnh vực sản xuất thức ăn chăn nuôi) đã nhập khẩu gần 1.000 con lợn của Đan Mạch và đưa về Philippines, bỏ ra khoảng 900 triệu peso (tương đương 17,5 triệu USD) để mở rộng liên doanh chăn nuôi lợn tại quốc gia Đông Nam Á này.

Vị doanh nhân này đã lên kế hoạch xây dựng 5 trang trại chăn nuôi lợn ở vùng Bataan, dự kiến sản xuất 120.000 đầu lợn mỗi năm vào năm 2025, điều này sẽ giúp kiềm chế giá thịt lợn tại địa phương và cải thiện giống lợn.

Theo các chuyên gia Philippines, khoản đầu tư này là tín hiệu tốt cho đất nước, nhất là khi ngành công nghiệp chăn nuôi địa phương đang gặp khó khăn trong việc khôi phục nguồn cung thịt lợn do dịch bệnh ASF hoành hành, khiến đàn lợn bị sụt giảm đáng kể. Từ 13 triệu con lợn (tháng 10 năm 2019), nay Philippines đã giảm xuống chỉ còn 9,87 triệu con (tính đến cuối năm 2021).

Vài năm vừa qua, Bộ Nông nghiệp Philippines đã phải sử dụng đến biện pháp nhập khẩu thịt lợn để quản lý giá bán lẻ tại các chợ dân sinh. Tuy nhiên, giải pháp đó đã bị phản đối gay gắt bởi tác động tiêu cực đến những người chăn nuôi lợn trong nước, vốn đang yêu cầu sự hỗ trợ của chính phủ để tái đàn và phục hồi hoạt động chăn nuôi.

Theo ông Chanco, khoản đầu tư mới mà doanh nhân Đài Loan đang thực hiện chính là điều mà ngành nông nghiệp Philippines rất cần để cải thiện sản xuất, hạ giá cho người tiêu dùng và ổn định an ninh lương thực.

Có rất nhiều lý do để bào chữa, từ đại dịch đến thiên tai, biến đổi khí hậu. Nhưng ngay cả khi không có những rủi ro ấy, ngành nông nghiệp của nước này đã không đóng góp nhiều cho tăng trưởng chung của nền kinh tế trong suốt nhiều năm qua.

“Chúng ta đang sống trong thời kỳ khó khăn là hậu quả từ một số việc do chính bản thân gây ra, nhưng cũng là hệ quả từ một số việc ngoài tầm kiểm soát. Chúng ta đã và sẽ tiếp tục tìm giải pháp”, Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr. nói khi đọc Thông điệp Quốc gia đầu tiên từ ngày nhậm chức.

Ông Marcos Jr. công bố kế hoạch cho nhiệm kỳ 6 năm, tập trung vào quản lý tài khóa, nâng cấp cơ sở hạ tầng, biến lĩnh vực nông nghiệp bị bỏ quên lâu nay thành động lực tăng trưởng.

Người dân Philippines đang đối mặt với vô số thách thức như giá cả tăng vọt, thiếu thốn lương thực, đói nghèo và bất bình đẳng trong giáo dục, nhưng ông Marcos Jr. tin tưởng sẽ đưa đất nước phát triển.

Ông tuyên bố sẽ tạo việc làm, hỗ trợ tăng trưởng bằng cách hiện đại hóa nông nghiệp, thúc đẩy sản xuất lương thực, cắt giảm nhập khẩu trong bối cảnh giá lương thực toàn cầu đang khủng hoảng.

Tổng thống Philippines cho biết, một trong những việc đầu tiên sẽ làm là đình chỉ các khoản nợ của nông dân.

Chanh
Ý kiến bạn đọc
  • Phát triển kinh tế hợp tác gắn với chuỗi giá trị

    Phát triển kinh tế hợp tác gắn với chuỗi giá trị

    Từ những cây trồng áp dụng quy trình VietGAP mang hiệu quả kinh tế cao, người dân Thừa Thiên - Huế đã tích cực tham gia hợp tác xã (HTX) để sản xuất theo chuỗi giá trị.

  • Năm 2023 – 2024, Hải Phòng huy động 45.000 tỷ xây dựng NTM kiểu mẫu

    Năm 2023 – 2024, Hải Phòng huy động 45.000 tỷ xây dựng NTM kiểu mẫu

    Ngày 22/11, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam TP. Hải Phòng giám sát chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) kiểu mẫu tại Văn phòng Điều phối nông thôn mới.

  • HTX nông nghiệp ở Quảng Ngãi “Ăn nên làm ra”

    HTX nông nghiệp ở Quảng Ngãi “Ăn nên làm ra”

    Không chỉ từ khi Luật Hợp tác xã năm 2023 chính thức có hiệu lực (01/7/2024), mà trước đó, nhiều hợp tác xã (HTX) trên địa bàn Quảng Ngãi đã chủ động mở rộng các dịch vụ phục vụ và phát triển sản xuất kinh doanh (SXKD) gắn với chuỗi giá trị sản phẩm. Nhờ đó, vai trò của HTX nông nghiệp (NN) đối với kinh tế hộ ngày càng rõ hơn, nhất là khi SX gặp khó khăn: hạn hán, lũ lụt, dịch bệnh,…

Top