Trà Vinh có hơn 30% dân số là đồng bào Khmer, điều kiện phát triển kinh tế - xã hội gặp nhiều khó khăn. Bằng sự tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của cấp ủy, chính quyền; sự vào cuộc của các ngành, đoàn thể, nhất là ngành Lao động - Thương binh và Xã hội trong triển khai các chính sách, nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước và cộng đồng, giúp hộ nghèo, hộ cận nghèo, người lao động… tiếp cận việc làm một cách tốt nhất, từ đó tăng thu nhập, ổn định cuộc sống.
Thực hiện hiệu quả các chính sách hỗ trợ
Về xã nông thôn mới Hiếu Tử (huyện Tiểu Cần) trong những ngày này, không khí sản xuất của bà con nói chung, đồng bào dân tộc Khmer nói riêng khá nhộn nhịp. Người tham gia chăn nuôi, người trồng trọt, nuôi thủy sản…, tạo nên bức tranh sinh động của vùng nông thôn mới.
Anh Thạch Dương (ấp Chợ, xã Hiếu Tử) cho biết: Nguồn vốn ưu đãi của NHCSXH, các gói hỗ trợ phục hồi sau dịch Covid-19 thật sự là “phao cứu sinh” cho gia đình.
Trước đây, gia đình anh Thạch Dương là hộ nghèo, thông qua tín chấp của Hội Nông dân xã, được NHCSXH huyện Tiểu Cần cho vay 30 triệu đồng để thực hiện mô hình nuôi bò sinh sản. Với số vốn đó, cộng với nguồn vốn ít ỏi của gia đình dành dụm, anh đầu tư nuôi bò sinh sản, cải tạo đất để trồng cỏ nuôi bò, sản xuất lúa. Đến nay, đàn bò của gia đình có 9 con, trong đó có 4 con bò sinh sản, lợi nhuận trên 30 triệu đồng/năm, gia đình anh đã trả được nợ và thoát nghèo.
Mô hình trồng rau an toàn tại ấp Phố, xã An Quảng Hữu là một trong những mô hình hiệu quả được Ngân hàng CSXH đầu tư.
Ông Danh Phi Nê, người có uy tín cộng đồng ở ấp Tha La (xã Ngọc Biên, huyện Trà Cú), phấn khởi chia sẻ: Hiện nay, đời sống đồng bào Khmer đổi thay rất nhiều. Giao thông nông thôn được đầu tư xây dựng khang trang, đường làng, ngõ xóm thông thoáng; điện, nước sinh hoạt về từng nhà; y tế, giáo dục, đặc biệt là đào tạo nghề phát triển vượt bậc; nhiều con em người dân tộc đã trở thành bác sĩ, kỹ sư…
Thời gian gần đây, các chính sách hỗ trợ phục hồi sau dịch Covid-19 đã giúp đồng bào Khmer có thu nhập ổn định, đời sống được cải thiện rõ rệt. Bên cạnh đó, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước với nhiều chính sách ưu đãi đầu tư trong vùng đồng bào Khmer như dạy nghề, chuyển đổi nghề; hỗ trợ vốn ưu đãi; hỗ trợ kết nối việc làm, xuất khẩu lao động…, đã giúp người dân từng bước vượt qua khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh; vươn lên thoát nghèo, đời sống vật chất và tinh thần ngày càng được nâng cao.
Tạo việc làm, nâng cao mức sống
Thực hiện nhiệm vụ phát triển toàn diện vùng đồng bào dân tộc Khmer, giai đoạn 2016 - 2020, Trà Vinh đã đầu tư hơn 2.100 tỷ đồng từ nguồn vốn Trung ương, địa phương để xây dựng 685 công trình cơ sở hạ tầng phục vụ yêu cầu dân sinh và phát triển vùng đồng bào dân tộc Khmer… Ngoài ra, đồng bào Khmer còn được thụ hưởng nhiều chính sách khác như: gần 4.000 hộ được hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế; trên 3.000 hộ được hỗ trợ đất ở, trên 3.600 hộ được hỗ trợ xây dựng nhà ở; giải quyết việc làm cho trên 3.300 hộ và trên 15.000 hộ được hỗ trợ nước sạch sinh hoạt.
Trà Vinh đặt mục tiêu đến năm 2025, thu nhập bình quân của người DTTS đạt 80 triệu đồng/người/năm, hộ nghèo trong đồng bào DTTS giảm 3 - 4%/năm.
Từ nguồn vốn chính sách hỗ trợ, nhiều mô hình chuyển đổi sản xuất nông nghiệp hiệu quả giúp đời sống đồng bào Khmer tỉnh Trà Vinh được cải thiện rõ rệt
Trưởng ban Dân tộc tỉnh Trà Vinh Kiên Ninh cho biết: Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, từ nay đến năm 2025,Trà Vinh sẽ thực hiện 10 dự án với tổng kinh phí khoảng 1.465 tỷ đồng. Trong số đó, ngân sách Trung ương hơn 1.005 tỷ đồng, số tiền còn lại là nguồn đối ứng từ ngân sách địa phương, vốn vay tín dụng chính sách và nguồn vốn huy động hợp pháp.
Theo đó, sẽ giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt; quy hoạch, sắp xếp, bố trí, ổn định dân cư ở những nơi cần thiết. Bên cạnh đó, phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp bền vững, phát huy tiềm năng, thế mạnh của các vùng miền để sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị. Đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc lĩnh vực dân tộc. Đồng thời, phát triển giáo dục - đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các DTTS gắn với phát triển du lịch; đầu tư phát triển nhóm dân tộc thiểu số rất ít người và nhóm dân tộc còn nhiều khó khăn…
Với việc thực hiện có hiệu quả các chính sách dân tộc, nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước và cộng đồng, Trà Vinh đã làm thay đổi nhận thức, tạo việc làm, tăng thu nhập, giúp đồng bào dân tộc thiểu số từng bước thoát nghèo, đời sống vật chất và tinh thần dần dần được nâng cao, góp phần xây dựng quê hương ngày càng phát triển.
Đảm bảo an sinh xã hội, góp phần XDNTM
Theo đánh giá của lãnh đạo UBND huyện Trà Cú, thông qua nguồn vốn vay ủy thác từ Phòng Giao dịch NHCSXH, hội viên các đoàn thể và người dân trong huyện đã có điều kiện đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, chuyển đổi nghề..., góp phần quan trọng thực hiện mục tiêu giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội và XDNTM.
Tính đến giữa tháng 11/2022, thông qua 4 tổ chức Hội đoàn thể, doanh số cho vay đạt 178,26 tỷ đồng với 5.973 hộ vay, nâng tổng dư nợ NHCSXH đầu tư tại Trà Cú đạt trên 656,7 tỷ đồng với 22.663 khách hàng vay.
Ông Tăng Quốc Tính, Phó Giám đốc Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Trà Cú, cho biết: Thông qua vai trò của các hội đoàn thể nhận ủy thác, tổ chức thành lập các tổ Tiết kiệm và vay vốn tại cơ sở giúp nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội của Nhà nước kịp thời đến với người nghèo và các đối tượng chính sách. Bên cạnh đó, quy trình giải ngân vốn thuận tiện, giúp khách hàng nhanh chóng tiếp cận vốn vay, kịp thời đầu tư sản xuất, chăn nuôi, nâng cao thu nhập gia đình, ổn định cuộc sống, nhất là giúp hộ nghèo vươn lên thoát nghèo bền vững.
Đặc biệt, nhằm góp phần thực hiện các tiêu chí NTM, nguồn vốn được đầu tư tăng khá nhiều, tạo điều kiện để nhiều đối tượng được tiếp cận vốn vay. Ngoài vốn cho vay đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, xây dựng nhà ở thì chương trình cho vay hỗ trợ việc làm, duy trì và mở rộng việc làm được đánh giá hiệu quả nhất. Đến nay, nguồn vốn này đạt tổng dư nợ 66,8 tỷ đồng, có 2.023 khách hàng dư nợ.
Thông qua 4 Hội đoàn thể, nhất là Hội Nông dân và Hội LHPN, Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Trà Cú đã đầu tư thực hiện các mô hình: nuôi bò sinh sản, xen canh tôm - lúa, nuôi dê, trồng táo Thái, trồng rau an toàn… Trong đó, mô hình nuôi bò sinh sản và trồng rau an toàn được đánh giá mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Theo bà Quách Thị Út, Tổ trưởng Tổ Tiết kiệm và vay vốn ấp Phố, xã An Quảng Hữu, nhờ nguồn vốn vay từ NHCSXH, hội viên phụ nữ của ấp đã đầu tư trồng màu, nuôi bò hiệu quả, góp phần nâng cao đời sống gia đình. Trong đó, các thành viên của tổ hợp tác trồng rau an toàn đã vươn lên khá, không còn hộ nghèo, nhà ở được xây dựng khang trang. Hội viên tích cực tham gia sinh hoạt Hội, hưởng ứng các hoạt động XDNTM do địa phương phát động.
Theo ông Tăng Quốc Tính, tiếp tục phát huy hiệu quả nguồn vốn tín dụng chính sách, thời gian tới, Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Trà Cú tiếp tục phối hợp với các hội, đoàn thể nhận ủy thác đầu tư những mô hình sản xuất hiệu quả, góp phần giúp hội viên, nhất là hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác có nguồn vốn đầu tư sản xuất, cải thiện đời sống.