Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 4 tháng 5 năm 2024  
Thứ hai, ngày 7 tháng 8 năm 2023 | 11:27

Trợ lực người dân ven biển có cuộc sống khá hơn

Chi nhánh NHCSXH tỉnh Quảng Ngãi đã và đang tạo điều kiện cho nhiều người dân vùng ven biển vay vốn từ Quỹ Quốc gia về việc làm. Từ nguồn vốn này, nhiều ngư dân mua sắm ngư lưới cụ, nâng cấp thuyền thúng, giúp hoạt động đánh bắt hải sản đạt hiệu quả hơn.

Trợ lực cho ngư dân

Sáng sớm, đoàn thuyền thúng máy gần 10 chiếc sau 1 đêm miệt mài đánh bắt hải sản gần bờ đã nối đuôi nhau cập cửa biển Sa Cần, xã Bình Đông, huyện Bình Sơn. Niềm vui hiện rõ trên khuôn mặt của những ngư dân chuyên đánh bắt hải sản ven bờ nhờ chuyến biển thuận lợi. Cá, mực được câu gần bờ nên còn tươi, giá bán vì thế cũng cao hơn. Trung bình 1kg mực tươi có giá 300 - 350 nghìn đồng, tùy loại lớn nhỏ.

Bà Nguyễn Thị Hữu (thôn Tân Hy 1, xã Bình Đông) chia sẻ: “Vợ chồng tôi gắn bó với nghề câu mực bằng thúng vùng lộng hơn 20 năm nay. Nhìn những ngư dân khác có được thúng máy thuận lợi hơn trong việc hành nghề,  vợ chồng tôi cũng mong có được 1 chiếc thúng máy công suất lớn để yên tâm đi biển. Thông qua Tổ tiết kiệm và vay vốn của Hội Nông dân và Hội LHPN xã, tháng 4/2023, tôi được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi từ NHCSXH. Vợ chồng tôi rất vui khi được NHCSXH cho vay 50 triệu đồng để đầu tư nâng cấp máy thúng lên công suất lớn hơn, giúp chúng tôi yên tâm khi đánh bắt trên biển. Nhờ đó, công việc làm ăn cũng thuận lợi, khấm khá hơn trước”.\

Nhờ nguồn vốn vay ưu đãi, vợ chồng bà Nguyễn Thị Hữu (thôn Tân Hy 1, xã Bình Đông, huyện Bình Sơn) nâng cấp thúng máy để đánh bắt hải sản.

Bà Nguyễn Thị Hạnh ở xã Bình Đông cũng được NHCSXH huyện giải ngân 50 triệu đồng để mua sắm lưới đánh bắt cá. Bà Hạnh chia sẻ, chi phí đánh bắt hải sản ngày càng tăng, nên gia đình rất cần nguồn vốn trang trải. Nhưng nếu cứ đi vay ngân hàng thương mại, với lãi suất cao thì khả năng trả nợ rất khó. Nguồn vốn chính sách có ý nghĩa rất lớn để gia đình tôi và nhiều ngư dân ven biển khác đầu tư làm ăn, nâng cao thu nhập.

Giám đốc NHCSXH huyện Bình Sơn Nguyễn Văn Mười cho biết: Đơn vị luôn tạo điều kiện cho ngư dân vay vốn ưu đãi để mua sắm ngư lưới cụ, nâng cấp thuyền thúng, tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động. Đến ngày 26/6, tổng dư nợ các chương trình cho vay của đơn vị đạt trên 627 tỷ đồng, với gần 18 nghìn khách hàng còn dư nợ. Trong 6 tháng đầu năm 2023, từ nguồn vốn Quỹ Quốc gia về việc làm, phòng giao dịch đã giải ngân trên 21 tỷ đồng cho 423 người lao động, trong đó có nhiều ngư dân. Đến ngày 26/6, tổng dư nợ của nguồn quỹ này trên địa bàn huyện đạt hơn 88 tỷ đồng, với 1.921 khách hàng còn dư nợ.

Đáp ứng nhu cầu vay

Theo nhiều ngư dân, nếu vay vốn từ các ngân hàng thương mại thì họ phải có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để thế chấp và lãi suất cũng cao. Trong khi đó, vay vốn tại NHCSXH không phải thế chấp, thời gian vay kéo dài đến 5 năm mới trả gốc, lãi suất lại ưu đãi; việc trả lãi cũng có Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn được ủy thác đến tận nhà thu nên người dân rất yên tâm. Vì vậy, nguồn vốn vay ưu đãi của NHCSXH đã tạo điều kiện thuận lợi giúp ngư dân có thêm nguồn lực để đầu tư phương tiện, ngư lưới cụ phục vụ đánh bắt hải sản. Tuy nhiên, hiện mức cho vay từ nguồn vốn ưu đãi này còn ít, nên ngư dân muốn mở rộng, phát triển thêm nghề biển vẫn còn gặp nhiều khó khăn.

Được biết, từ tháng 9/2019, người lao động được vay vốn từ Quỹ Quốc gia về việc làm với mức vay tối đa 100 triệu đồng (trước đây là 50 triệu đồng). Tuy nhiên, do nguồn vốn ít, nhu cầu cao nên NHCSXH phải “chia nhỏ” nguồn vốn để nhiều hộ được tiếp cận vốn ưu đãi của Nhà nước. Vì vậy, trong thời gian tới, các cấp, ngành cần có giải pháp để đáp ứng nhu cầu vốn vay tạo việc làm cho người dân.

 

Nhật Nam
Ý kiến bạn đọc
Top