“Trong kỷ nguyên của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, doanh nghiệp có phát triển mạnh và bền vững hay không, trước tiên phải là “doanh nghiệp có văn hoá…”, “sự tử tế” mới có thể kiếm rất nhiều tiền; còn nếu không có văn hoá, có thể kiếm tiền được nhưng không bền vững”, ông Giản Tư Trung, Hiệu trưởng Trường Doanh nhân PACE, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Giáo dục (IRED) từng nói.
Nền tảng phát triển
Nước ta hiện có gần 900 nghìn doanh nghiệp đang hoạt động; khoảng 14,4 nghìn hợp tác xã và hơn 5 triệu hộ kinh doanh. Đội ngũ doanh nhân lên đến hàng triệu người, giữ vai trò là lực lượng chủ lực trong quản lý, tổ chức hoạt động sản xuất kinh doanh, tạo ra hàng hoá, dịch vụ đáp ứng nhu cầu quốc dân và xuất khẩu, tạo tiềm lực, vị thế mới cho đất nước.
Chúng ta đã có những doanh nhân lọt vào danh sách “tỷ phú đô-la” của thế giới, có những sản phẩm, thương hiệu chiếm lĩnh vị trí khá cao trên thị trường toàn cầu.
Ông Nguyễn Xuân Thắng, Uỷ viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, nhận định, văn hóa kinh doanh và đạo đức doanh nhân là yếu tố then chốt tạo nên triết lý kinh doanh, niềm tin của khách hàng và là giá trị cốt lõi để doanh nghiệp xây dựng, giữ gìn, phát triển thương hiệu.
Không một thương hiệu mạnh nào không được xây dựng trên một nền tảng văn hóa doanh nghiệp ngày càng vững chắc và hấp dẫn. Nói rộng ra, văn hoá chính là nền tảng phát triển của doanh nghiệp, khi nền tảng văn hoá vững thì doanh nghiệp mới phát triển bền vững. Văn hóa tạo nên hình ảnh và thể hiện qua hình ảnh, diện mạo, thương hiệu đặc sắc của doanh nghiệp.
“Chúng ta đều biết, không bao giờ có hai công ty có cùng một bản sắc và giá trị văn hóa. Để cạnh tranh, đối thủ có thể sao chép nhiều thứ, từ chiến lược, sản phẩm, quy trình cho đến bí quyết công nghệ…, song không thể sao chép được những giá trị văn hóa, tinh thần. Để tiện lợi, công nghệ có thể thay thế được nhiều thứ nhưng không thể thay thế được niềm tin, đạo đức và kết nối tinh thần giữa mọi người.
Nhiều DN vì áp lực cạnh tranh, doanh thu và lợi nhuận mà bỏ quên việc xây dựng văn hoá. Đó là nguyên nhân thất bại của những DN đó.
Văn hóa có sức mạnh to lớn, truyền cảm hứng và tác động trực tiếp đến thái độ, động cơ và ý chí của đội ngũ lãnh đạo, nhân viên của doanh nghiệp. Đó là “trụ đỡ”, là “điểm tựa” giúp doanh nghiệp đứng vững trước những biến cố, chấn động bất ngờ, các “cú sốc” của thị trường, của đại dịch Covid-19 và những tác động sâu sắc của “làn sóng” toàn cầu hoá, “cơn bão” chuyển đổi số và cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang “nổi lên” trên toàn cầu và tràn qua mọi quốc gia”, ông Nguyễn Xuân Thắng nhấn mạnh.
Cốt lõi của văn hóa kinh doanh chính là đạo đức doanh nhân. Để hình thành văn hóa kinh doanh, nhất thiết phải bắt đầu tư xây dựng con người doanh nhân mà đạo đức là gốc rễ, nền tảng và khát vọng phát triển là đích đến.
Khát vọng phát triển của doanh nhân và doanh nghiệp
Đề cập đến những khát vọng phát triển của lực lượng doanh nghiệp và đội ngũ doanh nhân trong nền kinh tế thị trường, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương cho biết, thứ nhất là khát vọng làm giàu, là mong muốn chiến thắng sự nghèo nàn, lạc hậu; là khát khao có được sự giàu có, thịnh vượng cho bản thân, doanh nghiệp, cho cộng đồng và đất nước; thứ hai là khát vọng khởi nghiệp; và thứ ba là khát vọng sáng tạo, là mong muốn, khát vọng đổi mới để bứt phá vươn lên của mọi doanh nghiệp, doanh nhân.
Ông Huỳnh Văn Thòn, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Lộc Trời, chia sẻ, làm kinh doanh phải minh bạch, không né tránh pháp luật, nhưng điều quan trọng là trước đó pháp luật chưa hoàn chỉnh và không công nhận việc mua bán, dẫn đến tình trạng những người đi buôn phải né tránh. Tuy nhiên, đến thời điểm này, Nhà nước pháp quyền đã thừa nhận bằng pháp lý đối với giới doanh nhân là điều rất đáng mừng.
“Với cách làm hiện nay, Lộc Trời đang xây dựng Niềm tin và chữ Tín. Không có Niềm tin, không có chữ Tín thì không thể làm doanh nghiệp, không thể làm thương hiệu. Đặc biệt, hồn cốt của dân tộc là giữ đạo nghĩa - “trọng nghĩa khinh tài”.
Trong bối cảnh xây dựng kinh tế thị trường dưới sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa, trong chữ Tín đó, Lộc Trời có quan điểm là phân phối lại lợi nhuận sao cho hợp lý và đúng đạo lý”, ông Thòn cho biết.
Bà Thái Hương, Nhà sáng lập Tập đoàn TH, Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Bắc Á, cho biết, vấn đề quan trọng trong hoạt động kinh doanh là phát triển bền vững với sáu trụ cột của văn hóa kinh doanh. Đó là sức mạnh, là nền tảng cho sự thành bại của doanh nghiệp.
“Do đó, khi dẫn dắt Tập đoàn TH, việc đầu tiên là tạo thương hiệu có giá trị và dựa trên giá trị cốt lõi của thương hiệu với tính nhân văn bao trùm. Cùng với đó là tính chuyên nghiệp, tính đột phá, vì doanh nghiệp thì phải có năng suất lao động, chi phí sản xuất hợp lý cùng với chất lượng sản phẩm.
Tuy nhiên, phát triển bền vững vẫn là điểm mấu chốt trong hành trình xây dựng thương hiệu với chiến lược sản phẩm dựa trên giá trị cốt lõi. Định hướng phát triển bền vững cuả Tập đoàn TH là dựa trên sáu trụ cột bao gồm: dinh dưỡng sức khoẻ, môi trường, cộng đồng, giáo dục, phúc lợi con người, động vật.
Trong đó, con người là trọng tâm nhưng vấn đề cao bảo vệ môi trường, áp dụng khoa học công nghệ trong cùng khoa học quản trị đan xen. Nếu tách rời các yếu tố thì chi phí sản xuất cũng không được bảo đảm, khi các tiêu chí gắn liền với nhau giúp nâng cao năng suất lao động và chất lượng sản phẩm tốt, sau đó mới là hài hòa lợi ích”, bà Thái Hương nhấn mạnh.
Yếu tố dẫn dắt doanh nghiệp trong thời đại 4.0
“Nếu chiến lược được ví như Hạt thì văn hoá sẽ được xem là Đất. Nếu Đất không tốt thì dù cố gắng mấy Hạt cũng không thể nảy mầm và lớn mạnh được”, ông Giản Tư Trung dẫn lời của tổ chức tư vấn đào tạo hàng đầu của nước Mỹ Franklin Covey, chiến lược chỉ là bữa sáng của văn hoá.
Thừa nhận vai trò quan trọng của văn hoá, bà Hà Thu Thanh, Chủ tịch Hội đồng thành viên Deloitte Việt Nam, cho rằng, các doanh nghiệp nhỏ và vừa có thể đi nhanh và nắm bắt cơ hội của xu thế 4.0 nếu thực sự nhận thức được rằng văn hoá doanh nghiệp là giá trị cốt lõi quyết định năng lực cạnh tranh riêng của doanh nghiệp và đó là yếu tố quan trọng để doanh nghiệp phát triển bền vững trong kỷ nguyên 4.0.
Trong sự bùng nổ của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, mọi công nghệ, thiết kế hay sự sáng tạo đều có thể được chuyển giao hoặc sao chép nhanh chóng và dễ dàng. Ngay cả trong lĩnh vực nhân tài, cũng có thể tận dụng trí tuệ và kỹ năng của những người giỏi nhất thế giới để tạo ra những sản phẩm tốt nhất. Tuy nhiên, PGS. TS Dương Thị Liễu, Viện trưởng Viện Văn hóa kinh doanh (Hiệp hội Phát triển Văn hóa doanh nghiệp Việt Nam), cho rằng: “Chỉ một thứ duy nhất không thể sao chép hay ăn cắp được, đó chính là văn hóa doanh nghiệp”.
Và hơn lúc nào hết, các doanh nghiệp cần nhận thức văn hóa doanh nghiệp là yếu tố vô cùng quan trọng trong quản trị công ty, là tinh thần cốt lõi, dẫn dắt doanh nghiệp phát triển bền vững trong thời Cách mạng công nghiệp 4.0.
Đưa tiêu chí đạo đức doanh nhân lên hàng đầu
Mới đây, tại Lễ phát động Chương trình bình xét và trao tặng danh hiệu “Doanh nhân Việt Nam tiêu biểu” năm 2022, ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), cho biết, VCCI đã ban hành Quy chế bình xét mới cho năm nay, với nhiều đổi mới quan trọng, tiên phong về sự công khai, minh bạch trong bình xét danh hiệu.
Bên cạnh các tiêu chí về nộp thuế đầy đủ, có hệ thống quản trị tiên tiến, chăm lo tốt người lao động, có trách nhiệm xã hội…, lần đầu tiên ban tổ chức đưa tiêu chí đạo đức doanh nhân lên hàng đầu trong bình xét năm nay.
Theo đó, ứng viên phải là đại diện tiêu biểu xét theo 6 tiêu chuẩn “Quy tắc đạo đức doanh nhân Việt Nam” do VCCI công bố ngày 19/5/2022 nhân kỷ niệm 132 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Quy tắc đạo đức doanh nhân Việt Nam do VCCI công bố bao gồm: Tạo ra giá trị kinh tế cho xã hội; tuân thủ pháp luật; minh bạch, công bằng, liêm chính; sáng tạo, hợp tác, cùng phát triển; tôn trọng thiên nhiên, bảo vệ môi trường; yêu nước, có trách nhiệm với xã hội và gia đình.
“Việc áp dụng các quy tắc này đặt ra yêu cầu doanh nhân được vinh danh sẽ là người không chỉ kinh doanh giỏi, mà phải có đạo đức, văn hóa kinh doanh, được xã hội trân trọng”, ông Công nhấn mạnh.
Chia sẻ về vấn đề này, ông Đỗ Ngọc An, Phó trưởng ban Kinh tế Trung ương, đánh giá, đội ngũ doanh nhân Việt Nam có vai trò quan trọng trong sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, không chỉ 5 năm hay 10 năm mà là quá trình lâu dài. Việc tôn vinh các doanh nhân, doanh nghiệp tiêu biểu góp phần thực hiện chủ trương của đất nước “lấy cái đẹp dẹp cái xấu”.
“Nhìn nhận một cách khách quan, trong số các doanh nghiệp cực kỳ tốt vẫn có một vài doanh nghiệp, doanh nhân làm xấu đi hình ảnh đội ngũ doanh nhân Việt Nam. Việc chọn ra những doanh nhân tiêu biểu sẽ tạo nên một môi trường mới, cách thức mới, không khí mới để những cái tốt đẹp, tiên tiến của đội ngũ doanh nghiệp doanh nhân Việt Nam sẽ lấn át những hình ảnh xấu xí không đáng có”, ông An nhấn mạnh.
UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế vừa tổ chức Lễ đón nhận Bằng công nhận di sản tư liệu khu vực châu Á - Thái Bình Dương của UNESCO cho “Những bản đúc nổi trên chín đỉnh đồng ở Hoàng cung Huế”; công bố hoàn thành Dự án bảo tồn, tu bổ tổng thể di tích điện Thái Hòa” và động thổ công trình “Tu bổ, phục hồi di tích Điện Cần Chánh”.
Thời gian qua, tỉnh Nghệ An triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp, cơ chế, chính sách thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, bước đầu đạt được những kết quả tích cực. Đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) nâng cao ý thức tự lực, tự cường vươn lên phát triển kinh tế, xây dựng cuộc sống, góp phần xóa đói giảm nghèo, tạo nên diện mạo mới cho nông thôn miền núi xứ Nghệ.