Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ năm, ngày 21 tháng 11 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 15 tháng 9 năm 2023 | 13:52

Vốn chính sách - “quyền năng” giúp phụ nữ vững vàng vươn lên

Tín dụng chính sách xã hội là một trong những chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, nhằm mục tiêu xóa đói, giảm nghèo, hỗ trợ vốn cho các hộ gia đình có thu nhập thấp, gia đình khó khăn tự vươn lên, trong đó có nhiều phụ nữ nghèo, hoàn cảnh khó khăn.

Từ đó góp phần bảo đảm an sinh xã hội và xây dựng nông thôn mới, tiếp tục khẳng định rõ quan điểm, chủ trương của Đảng, Nhà nước trong gắn phát triển kinh tế với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội.

Nâng vị thế phụ nữ

Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam (LHPN) Hà Thị Nga cho biết, Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) không chỉ là người bạn đồng hành mà còn là điểm tựa về mặt kinh tế, tinh thần, ý chí và khát vọng vươn lên của phụ nữ.

Hội LHPN là một trong bốn tổ chức chính trị - xã hội được thực hiện chương trình ủy thác đối với NHCSXH và là tổ chức nhận ủy thác quản lý lượng dư nợ tín dụng lớn nhất của ngân hàng này.

Đề cập đến vai trò của tín dụng sách xã hội với nỗ lực giảm nghèo của hội viên phụ nữ và thúc đẩy bình đẳng giới, bà Nga cho biết, thông qua các hoạt động ủy thác đối với NHCSXH, Hội LHPN đã thực hiện tốt sứ mệnh chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng cho phụ nữ, đặc biệt là phụ nữ nghèo.

Đây cũng là cách để Hội LHPN đổi mới phương thức tập hợp, thu hút hội viên, góp phần củng cố, nâng cao chất lượng tổ chức Hội. Vì vậy, nhiều nhiệm kỳ qua, Hội xác định tham gia thực hiện chính sách tín dụng, chính sách xã hội là một trong những giải pháp hết sức quan trọng để thúc đẩy sự phát triển của tổ chức Hội, thực hiện tốt vai trò, trách nhiệm của tổ chức Hội trong việc thực hiện các mục tiêu về bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề thiết yếu liên quan đến phụ nữ và trẻ em, đặc biệt là phụ nữ nghèo.

“Đối với phụ nữ nghèo, nguồn vốn của NHCSXH là điểm tựa vững chắc để người phụ nữ được trao cơ hội, quyền năng kinh tế, giúp họ tự chủ, tự tin hơn, chuyển từ thụ động sang chủ động hơn trong thực hiện các mô hình phát triển kinh tế hộ gia đình, từng bước thoát khỏi cảnh đói nghèo và vươn lên, nhiều hộ trở thành hộ giàu, hộ khá”, bà Nga cho hay.

Nhờ tiếp cận và sử dụng nguồn vốn vay của Ngân hàng Chính sách xã hội, gia đình bà Tạ Thị Tuyết vươn lên thoát nghèo, làm kinh tế giỏi.

Đơn cử như gia đình bà Tạ Thị Tuyết, hội viên Chi hội PN ấp Bình Hòa (xã Bình Trinh Đông, huyện Tân Trụ, tỉnh Long An), nhờ tiếp cận và sử dụng nguồn vốn vay của NHCSXH, đã vươn lên thoát nghèo, làm kinh tế giỏi, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Bà Tuyết chia sẻ, trước khó khăn của gia đình, bà được Hội LHPN xã, Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Tân Trụ tạo điều kiện cho vay 100 triệu đồng để xây dựng chuồng trại, mua thức ăn chăn nuôi gà. Song song đó, bà còn nuôi vịt, bò,… 

Từ ý chí vươn lên, với đức tính cần cù trong lao động, sản xuất, đến nay gia đình bà đã thoát nghèo, có thu nhập khá trong xã. Tổng thu nhập đạt khoảng 500 triệu đồng/năm. Năm 2015, gia đình bà  xây được ngôi nhà khang trang, mua sắm đầy đủ tiện nghi và đồ dùng sinh hoạt trong gia đình, có điều kiện nuôi dạy 2 con ăn học. Nhiều năm nay, gia đình bà đạt hộ gia đình văn hóa tiêu biểu, có cuộc sống hòa thuận, hạnh phúc.

Theo bà Hà Thị Nga, nhiều chị hiện nay rất vững vàng khi điều hành doanh nghiệp mà xuất phát ban đầu chính là từ tiếp cận nguồn vốn NHCSXH.

Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam nhấn mạnh, nguồn vốn của NHCSXH không chỉ giúp chị em có nguồn vốn đầu tư phát triển kinh tế gia đình, mà thông qua việc trở thành khách hàng của ngân hàng, phụ nữ có thêm cơ hội phát triển bản thân, được nâng cao kỹ năng, biết cách sử dụng đồng vốn hiệu quả.

“Chúng tôi cho rằng, vốn chính sách là kênh hết sức quan trọng giúp phụ nữ nghèo chủ động vươn lên thoát nghèo và khẳng định được vai trò, vị thế của mình trong xã hội”, bà  Nga nói.

Theo bà Nga, chương trình tín dụng chính sách góp phần rất quan trọng thúc đẩy, hiện thực hóa các mục tiêu, cam kết mạnh mẽ của Việt Nam với cộng đồng quốc tế về bình đẳng giới, cụ thể hóa chủ trương, đường lối của Đảng trong nghị quyết của các kỳ đại hội, đặc biệt là Nghị quyết Đại hội XIII.

Dẫn chứng, bà Hà Thị Nga cho biết, trong 6,6 triệu khách hàng là người nghèo đang là khách hàng của NHCSXH, có tới 4,4 triệu khách hàng là phụ nữ nghèo, chiếm trên 66%. Đây là con số hết sức ý nghĩa, thể hiện được việc thực hiện bình đẳng giới.

Mở những cánh cửa mới

Cho người chấp hành xong án phạt tù, nhất là phạm nhân nữ, vay vốn để không chỉ học nghề và phát triển kinh tế, thúc đẩy quá trình hòa nhập với cộng đồng mà còn làm giảm nguy cơ tái phạm, từ đó góp phần tạo ra nền tảng thuận lợi cho việc đảm bảo an ninh, an toàn, trật tự xã hội tại các địa phương. Đây là ý nghĩa rất nhân văn trong Quyết định 22/2023/QĐ-TTg  ngày 17/8/2023 của  Thủ tướng Chính phủ  về tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù, được dư luận đồng tình, đánh giá rất cao.

Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Nguyễn Thị Minh Hương cho biết: Theo Quyết định số 22/2023/QĐ-TTg, chị em có thể được vay vốn để học nghề với mức tối đa 4 triệu đồng/tháng và vay để sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm tối đa 100 triệu đồng/người. Đây là điều kiện hết sức thuận lợi để nữ phạm nhân có thể bắt đầu kế hoạch cho cuộc sống của mình sau cánh cửa trại giam.

Tín dụng chính sách hã hội có vai trò đặc biệt quan trọng, giúp hội viên phát triển kinh tế.

Về phía Hội LHPN Việt Nam, hàng năm đều tổ chức Cuộc thi Phụ nữ khởi nghiệp với các chủ đề khác nhau. Đối tượng tham gia Cuộc thi rất đa dạng, trong đó có nhóm phụ nữ yếu thế: phụ nữ khuyết tật, phụ nữ bị ảnh hưởng bởi HIV, phụ nữ chấp hành xong án phạt tù. Qua 5 năm tổ chức, đã có hơn 2.000 dự án/ý tưởng dự thi cấp Trung ương, trong đó 139 ý tưởng khởi nghiệp xuất sắc; tổng trị giá hỗ trợ gần 30 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, Hội LHPN một số tỉnh, thành đã tổ chức Cuộc thi Phụ nữ khởi nghiệp, lựa chọn ý tưởng khởi nghiệp tham gia Cuộc thi khu vực, toàn quốc;  cấp Hội tại các địa phương tổ chức nhiều hoạt động hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh: hỗ trợ nâng cao kiến thức, năng lực về kinh doanh-khởi nghiệp, quản trị doanh nghiệp, ứng dụng công nghệ, livestream bán hàng và kinh doanh trên sàn thương mại điện tử; hỗ trợ dạy nghề, tạo việc làm, tiếp cận vốn.

Thời gian tới, các cấp Hội LHPN Việt Nam sẽ tiếp tục đẩy mạnh hoạt động giáo dục đạo đức, lối sống, chú trọng tuyên truyền phát huy vai trò người phụ nữ trong gia đình; hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp. Đặc biệt, sẽ tiếp tục đẩy mạnh chương trình phối hợp với NHCSXH để thực hiện Quyết định 22/2023/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng cho người chấp hành xong án phạt tù để chị em tự tin hòa nhập cuộc sống, vững tâm trên bước đường hoàn lương.

Hội LHPN Việt Nam sẽ lồng ghép tuyên truyền Quyết định 22/2023/QĐ-TTg trong các chương trình, Đề án của Chính phủ mà Hội phụ trách như: Tuyên truyền trong các hoạt động của Đề án 939, Đề án 938 và tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội, đặc biệt trên Cổng Thông tin điện tử và fanpage của Hội. Đồng thời, Hội  sẽ đưa nội dung của Quyết định 22 vào nội dung chương trình tập huấn cho cán bộ Hội, báo cáo viên, tuyên truyền viên thực hiện công tác hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế tại các địa phương.

Thanh Tâm
Ý kiến bạn đọc
Top