Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 4 tháng 5 năm 2024  
Thứ năm, ngày 6 tháng 7 năm 2023 | 11:2

Vốn chính sách giúp chị em cơ hội thoát nghèo

Nhằm đẩy mạnh phong trào giúp nhau phát triển kinh tế, những năm qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) huyện Lâm Hà (Lâm Đồng) đã hỗ trợ con - con giống và tạo điều kiện thuận lợi giúp chị em tiếp cận các nguồn vốn vay để đầu tư sản xuất - kinh doanh, nâng cao thu nhập, từng bước thoát nghèo bền vững.

Vốn chính sách luôn đồng hành hỗ trợ nhiều mô hình sinh kế giúp hội viên phụ nữ phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo.

Cơ hội “đổi đời”

Chị Nguyễn Thị Hoa, một trong những điển hình về phát triển kinh tế của Hội Phụ nữ xã Phúc Thọ, kể: Nhiều năm trước, cuộc sống của gia đình vô cùng khó khăn. Từ khi tham gia Chi hội Phụ nữ, tôi được tiếp cận  nguồn vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội, được hướng dẫn  áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất.

“Năm 2016, tôi vay 50 triệu đồng để phát triển, tái tạo vườn cà phê và trồng rau ngắn ngày. Nguồn vốn vay đã giúp gia đình đầu tư phát triển kinh tế. Hàng năm, gia đình đã có thu nhập ổn định. Năm 2022, gia đình thu lãi khoảng 350 triệu đồng từ cà phê và rau ngắn ngày”, chị Hoa vui vẻ nói.

Hay tại xã Tân Hà, Tổ hợp tác (THT) trồng dâu, nuôi tằm của Hội LHPN xã đã thu hút được nhiều chị em  tham gia. Là một trong những thành viên của THT trồng dâu, nuôi tằm, chị Trần Thị Hải cho biết, trước đây, gia đình chỉ trồng cà phê, nhưng sau một thời gian dài, cà phê có giá  bán thấp, chị chuyển qua trồng dâu, nuôi tằm với loại giống cũ. Gắn bó với nghề “ăn cơm đứng” nhiều năm, chị Hải bắt đầu có thêm kinh nghiệm trồng dâu và nuôi tằm hiệu quả. Đến năm 2015, từ học hỏi kinh nghiệm ở một số người dân, chị bắt đầu chuyển qua giống dâu mới, nhờ vậy, gia đình có năng suất tằm tốt hơn, thu nhập cao hơn.

Chị em phụ nữ trong THT trồng dâu, nuôi tằm khấm khá nhờ nghề “ăn cơm đứng”.

Trung bình mỗi tháng, gia đình chị thu được 1 - 1,5 hộp kén tằm từ 4 sào (1 sào Tây Nguyên = 1.000m2) dâu với mức thu  15 triệu đồng, sau khi trừ chi phí. “Những năm gần đây, tôi được tham gia THT trồng dâu, nuôi tằm của Hội Phụ nữ, gia đình có thêm điều kiện được vay vốn và tham gia chia sẻ kinh nghiệm để chị em hội viên phát triển kinh tế, từ đó có cơ hội đổi đời”, chị Hải cho hay.

Bà Nguyễn Thị Hiền, Chủ tịch Hội LHPN xã Tân Hà, cho biết, THT trồng dâu, nuôi tằm của  Hội Phụ nữ xã được thành lập năm 2020 với 8 hội viên, có tổng diện tích 1,6ha dâu. Ngoài việc huy động hội viên vào tổ, Hội LHPN xã còn phối hợp với Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện giải ngân các nguồn vốn vay ưu đãi, tổ chức các lớp tập huấn, đào tạo nghề trồng dâu, nuôi tằm cho hội viên. Bên cạnh đó, liên kết với các đơn vị thu mua để bao tiêu sản phẩm kén tằm ổn định, từ đó góp phần giúp chị em vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng. Thời gian qua, Hội cũng đã duy trì hoạt động của THT tiết kiệm và vay vốn trồng dâu, nuôi tằm tại thôn Phúc Thọ 2 với số vốn 450 triệu đồng. Sau khi tổng kết  vốn xoay vòng, quyết toán dư nợ với số tiền 50 triệu đồng.

Hoạt động giải ngân nguồn vốn vay theo Nghị quyết 11-NQCP ở NHCSXH huyện Lâm Hà.

Hỗ trợ tiếp cận  nguồn vốn

Bà Nguyễn Thị Thùy, Chủ tịch Hội LHPN huyện Lâm Hà, cho biết: Thực hiện văn bản liên tịch giữa Ngân hàng Chính sách xã hội và các tổ chức chính trị - xã hội huyện Lâm Hà về việc “Thực hiện ủy thác cho vay đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác”, Hội LHPN huyện đã chỉ đạo cơ sở tuyên truyền các chương trình vay vốn của Ngân hàng Chính sách đến cán bộ, hội viên. Đồng thời, tăng cường công tác nắm tình hình chất lượng quản lý vốn, đôn đốc các cơ sở có tỷ lệ nợ quá hạn cao, tập trung đôn đốc thu nợ, xử lý nợ đến hạn, không để nợ quá hạn phát sinh, thu lãi kịp thời. Song song với đó, ngay từ đầu năm, triển khai kế hoạch giúp phụ nữ nghèo năm 2023, Hội LHPN huyện đã chỉ đạo Hội cơ sở xây dựng kế hoạch, khảo sát phân tích nguyên nhân nghèo đói, mức độ thiếu hụt theo chuẩn đa chiều để có kế hoạch phân công giúp đỡ, vận động hội viên đăng ký thoát nghèo.

Từ nguồn vốn vay NHCSXH mà nhiều thanh niên ở  thôn K’Lót, xã Tu Tra, huyện Đơn Dương có điều kiện đầu tư phát triển kinh tế gia đình.

Tính từ đầu năm đến nay, tổng dư nợ ủy thác do Hội quản lý là 168,9 tỷ đồng/113 tổ/4.103 hộ vay. Huy động tiết kiệm thông qua 113 Tổ tiết kiệm và vay vốn với số tiền hơn 10 tỷ đồng.

Để hội viên tiếp cận dễ dàng các nguồn vốn, Hội đã thực hiện văn bản thỏa thuận liên ngành với Agribank Chi nhánh Lâm Hà, Agribank Chi nhánh  Lộc Phát về việc thực hiện chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn theo Nghị định 55/2015/NĐ-CP ngày 9/6/2015 của Chính phủ bằng hình thức cho vay qua Tổ vay vốn của Hội. Đến nay, tổng dư nợ là 107,7 tỷ đồng.

Bằng nhiều hoạt động tích cực, hiệu quả, trong thời gian tới, Hội LHPN Lâm Hà tiếp tục tranh thủ các nguồn lực để xây dựng thêm nhiều mô hình sinh kế giúp hội viên, phụ nữ phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo. Cùng với đó, Hội sẽ phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội huyện khảo sát, hỗ trợ các hộ có nhu cầu vay vốn; chỉ đạo Hội Phụ nữ các xã, thị trấn vận động, khuyến khích, hỗ trợ hội viên, phụ nữ xây dựng, phát triển các mô hình kinh tế theo hướng bền vững.

 

Nhật Nam
Ý kiến bạn đọc
Top