Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 20 tháng 9 năm 2024  
Thứ tư, ngày 16 tháng 8 năm 2023 | 14:59

Vốn chính sách hỗ trợ bà con dân tộc ở Sapa phát triển kinh tế

Bằng nhiều giải pháp nâng cao hiệu quả sử dụng đồng vốn, NHCSXH thị xã Sapa (Lào Cai) đã thúc đẩy mạnh mẽ phong trào sản xuất nông nghiệp và du lịch cộng đồng trên địa bàn, góp phần quan trọng thực hiện thành công mục tiêu giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội và xây dựng nông thôn mới.

Thay đổi tư duy, mở rộng sản xuất

Sáng sớm, HTX Cộng đồng Dao đỏ xã Tả Phìn đã nhộn nhịp chị em đến nổi lửa đun lá thuốc chế nước tắm sẵn sàng phục vụ khách du lịch. Bài thuốc tắm giúp hồi phục sức khoẻ của người Dao nay đã được đông đảo du khách mọi miền biết đến như một trải nghiệm thú vị, mang lại thu nhập cho bà con dân tộc Dao ở Tả Phìn.

Bà Tẩn Tả Mẩy, Giám đốc HTX Cộng Đồng Dao đỏ, cho biết: Thành lập tháng 10/2015, HTX là tâm huyết của 7 thành viên người đồng bào dân tộc thiểu số, trình độ văn hoá không cao, thậm chí là mù chữ, trình độ quản lý chưa có... với quyết tâm tạo việc làm cho chị em phụ nữ Dao đỏ, giúp chị em bỏ dần thói quen đeo bám khách du lịch bán hàng rong. Ban đầu, HTX cũng tiếp cận được một số nguồn từ các dự án, từ đó hình thành phương thức sản xuất, thương mại dịch vụ. Năm 2018, các thành viên của HTX được tiếp cận nguồn vốn vay của NHCSXH với tổng số tiền 500 triệu đồng/10 thành viên. Nhờ đó, HTX đã xây dựng được 6 phòng tắm và một nhà sàn làm nơi đón khách và trưng bày sản phẩm, mua thêm 1 nồi đun thuốc 1.300 lít và 20 thùng tắm gỗ.

Nguồn vốn từ NHCSXH thị xã Sapa đã giúp HTX Cộng đồng Dao đỏ mở rộng quy mô, sản xuất ra nhiều sản phẩm đặc hữu.

Từ đó quy mô thương mại dịch vụ được mở rộng, HTX thường xuyên đón khoảng 30 lượt khách/ ngày, dịp cuối tuần lên đến 100 lượt. Với giá vé 100.000 đồng/người, HTX có doanh thu 10 triệu đồng/ngày.

Sau một năm, HTX nâng cấp được hệ thống lò đun, mở rộng vùng trồng nguyên liệu với tổng diện tích trên 200ha, trong đó có 70ha dược liệu đạt chuẩn GACP-WHO. Nhờ không ngừng nâng cao năng lực quản lý và kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hái cây dược liệu cho các hộ dân liên kết nên HTX đã tạo thêm việc làm cho 224 hộ dân và 120 xã viên là phụ nữ các dân tộc Dao, Mông. Đến nay, tổng số hộ tham gia trồng dược liệu lên đến 344 hộ với trên 800 người có việc làm và thu nhập ổn định. Ngoài tắm trải nghiệm tại khu dịch vụ, HTX còn sản xuất ra nhiều sản phẩm như: Nước tắm Dao đỏ, nước tắm phụ nữ sau sinh, nước tắm trẻ em, nước ngâm chân, túi lọc ngâm chân khô, tinh dầu chùa dù, xà phòng thảo dược..., trở thành sản phẩm đặc hữu của địa phương, tiêu thụ khắp cả nước, doanh thu đạt 3 tỷ đồng/năm.

Ông Dương Phú Khánh, Phó Giám đốc NHCSXH thị xã Sapa, cho biết: “Để đồng vốn phát huy được hiệu quả cao nhất, chúng tôi đã áp dụng nhiều sáng kiến nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng vào thực tế địa phương. Khi Sapa thay đổi từ huyện lên thị xã, các đơn vị hành chính được sắp xếp lại, có một số xã lên phường không còn được thụ hưởng một số chương trình tín dụng chính sách ưu đãi đối với vùng khó khăn, một số xã ghép vào thành xã mới đã ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động tín dụng. Để giải quyết bất cập này, NHCSXH đã phối hợp với các tổ chức hội, đoàn thể nhận ủy thác, UBND các xã, phường thực hiện củng cố lại địa bàn quản lý đối với các hội, đoàn thể cấp xã, Tổ TK&VV cho phù hợp với điều kiện thực tế tại cơ sở.

Hàng tháng, tại cuộc họp giao ban giữa NHCSXH với các hội, đoàn thể nhận ủy thác, Tổ TK&VV vào ngày giao dịch cố định của NHCSXH, có sự tham dự của lãnh đạo UBND cấp xã để nắm bắt và chỉ đạo trực tiếp các hội, đoàn thể  nhận ủy thác, Tổ TK&VV và đưa ra các giải pháp cụ thể như: tích cực thu hồi nợ quá hạn, xử lý dứt điểm nợ đến hạn không để nợ quá hạn phát sinh; nắm bắt, đôn đốc các Tổ TK&VV tham gia giao dịch, giao ban; các hội, đoàn thể  nhận ủy thác phối hợp tốt cùng tổ trưởng Tổ TK&VV tập trung xử lý các hộ có lãi tồn đọng lớn và lâu ngày để nâng cao tỷ lệ thu lãi hàng tháng, từ đó nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng chính sách tại cấp xã và phát huy tối đa hiệu quả của nguồn vốn tín dụng chính sách tại địa phương...”.

“Trụ cột” giảm nghèo

Trong 20 năm qua, vốn tín dụng của NHCSXH đã được đầu tư đến 100% xã, phường của thị xã Sapa. Trong đó, tập trung ưu tiên cho vay các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn. Đã có trên 33.085 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn với doanh số cho vay đạt 879.570 triệu đồng, doanh số thu nợ đạt 553.226 triệu đồng; góp phần giúp trên 11.435 lượt hộ thoát nghèo; thu hút và tạo việc làm cho trên 33.000 lao động, xây dựng trên 4.683 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn; đã hỗ trợ xóa 523 căn nhà tạm...

Tín dụng chính sách xã hội đã góp phần quan trọng giúp bà con nguồn vốn để sản xuất, kinh doanh hiệu quả, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống. Nhiều hộ đã vươn lên thoát nghèo, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển KT-XH. NHCSXH đã thực sự khẳng định được vai trò quan trọng trong công cuộc giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội, là địa chỉ tin cậy cung cấp tín dụng chính sách cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác.

NHCSXH đã bám sát nhu cầu vốn tất cả các chương trình tín dụng chính sách để cho vay đủ theo nhu cầu đã góp phần giúp các địa phương sớm hoàn thành các tiêu chí về nông thôn mới như: hộ nghèo, thu nhập, lao động có việc làm, tổ chức sản xuất, giáo dục và đào tạo, môi trường, nhà ở dân cư... 

Có vốn, bà con dân tộc thiểu số đầu tư sản xuất nông nghiệp tạo thu nhập bền vững.

Đến ngày 30/6/2022, tổng dư nợ cho vay các chương trình tín dụng chính sách tại các xã xây dựng nông thôn mới là 272.204 triệu đồng, chiếm 78,8%/tổng dư nợ của NHCSXH thị xã, với 5.112 khách hàng còn dư nợ. Việc thực hiện cho vay các chương trình tín dụng chính sách cùng với các chương trình khuyến nông, khuyến lâm, chuyển giao khoa học kỹ thuật về cây trồng, vật nuôi, góp phần tích cực tham gia chương trình xây dựng nông thôn mới tại địa phương.

Chính vì vây, tín dụng chính sách xã hội đã trở thành một trong những “trụ cột” trong hệ thống các chính sách giảm nghèo tại địa phương. Tỷ lệ hộ nghèo giảm,  giai đoạn năm 2001-2005 từ 35,97% xuống còn dưới 10,98%. Giai đoạn năm 2005-2010 từ 54,44% xuống 21,37%. Giai đoạn năm 2010-2015 từ 61,23% xuống 25,39%. Giai đoạn năm 2015-2020 từ 50,74% xuống 8,66%.

Từ 2 chương trình tín dụng nhận bàn giao (Chương trình Hộ nghèo và Giải quyết việc làm), đến nay, tín dụng chính sách xã hội đã triển khai thực hiện trên địa bàn thị xã Sapa với 16 chương trình tín dụng chính sách ưu đãi và một số chương trình, dự án do địa phương thực hiện. Đến ngày 30/6/2022, tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách đạt 357.156 triệu đồng, gấp 3.685 lần so với thời điểm thành lập; tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm đạt trên 20,7% với trên 7.660 hộ nghèo và các đối tượng chính sách còn dư nợ.

 

Nguyên Hoa
Ý kiến bạn đọc
Top