Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ năm, ngày 21 tháng 11 năm 2024  
Thứ tư, ngày 25 tháng 10 năm 2023 | 15:41

Vốn chính sách mang no ấm về Cốc Lầu

Cách trung tâm huyện Bắc Hà (Lào Cai) gần 30km, xã Cốc Lầu là nơi sinh sống của 10 dân tộc trên 7 thôn bản.

Địa bàn rộng lại thường xuyên chịu ảnh hưởng của thời tiết khắc nghiệt, hạn hán kéo dài khiến cuộc sống bà con gặp nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao.

Nguồn vốn “mưa dầm thấm lâu” từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) đã đồng hành cùng đồng bào thoát nghèo, thay đổi tư duy phát triển kinh tế.

“Đòn bẩy” giảm nghèo

Xã Cốc Lầu có 7 thôn thì 4 thôn thuộc diện khó khăn. Tỷ lệ hộ nghèo chiếm 35%, với 234 hộ nghèo/660 hộ.

Cán bộ tín dụng NHCSXH huyện Bắc Hà kiểm tra mô hình kinh tế hộ vay vốn ở thôn Cốc Lầu.

Ông Vàng Văn Chu, Chủ tịch Hội Nông dân xã Cốc Lầu, cho biết: Xã có đến 48% là đồng bào dân tộc Mông, còn lại là các dân tộc Dao, Tày, Nùng... Kinh tế của bà con chủ yếu dựa vào đồi, rừng. Một số gia đình muốn phát triển kinh tế nhưng cứ gây dựng được một thời gian thì lại bị ảnh hưởng bởi thiên tai, dịch bệnh trên đàn gia súc... khiến họ nản lòng. Nhưng, từ nguồn vốn của NHCSXH, nhiều gia đình đã thành công không chỉ thoát nghèo mà còn gây dựng được cơ nghiệp giàu có, khiến người dân trong xã dần thay đổi nếp nghĩ và phấn đấu vươn lên. 

Bà Trương Thị Trắm, dân tộc Dao thoát nghèo từ nuôi trâu và trồng rừng.

Người dân trong thôn Cốc Lầu vẫn còn nhớ rõ, hơn chục năm trước gia đình bà Trương Thị Trắm (dân tộc Dao) vừa nghèo vừa đông con. Được thụ hưởng nguồn vốn vay của NHCSXH theo chương trình tín dụng hộ nghèo, bà Trắm được vay 30 triệu đồng để mua 5-6 con trâu. Sau 3 năm, trâu đã trưởng thành, sinh sản thêm được 2 nghé. Bán trâu được giá, gia đình bà vừa trả được hết nợ lại lãi một khoản tiền với 2 trâu giống.

Bà Trắm cho biết: “Từ thành quả ban đầu, năm 2013, gia đình thoát hộ nghèo, tiếp tục vay vốn mua trâu sinh sản và trồng thêm 10 vạn cây quế thay cho diện tích rừng kém hiệu quả. Lấy ngắn nuôi dài, từ lúc giá trâu chỉ 5-6 triệu đồng/con cho đến khi lên đến 30-50 triệu đồng/con, thì gia đình  cũng được thu hoạch quế. Không kể diện tích quế trồng gối, đồi quế có diện tích lớn nhất cũng tầm 11-16 năm tuổi. Năm nào cũng cho thu nhập 200-300 triệu đồng”.

 Vốn NHCSXH tiếp tục tạo đà cho gia đình bà Trắm phát triển kinh tế theo chương trình tín dụng cho đồng bào dân tộc thiểu số. Vay 100 triệu đồng, gia đình bà đầu tư mua xe công nông, máy xúc, xe ô tô bán tải làm dịch vụ vận tải cho nhiều công trình trên địa bàn. Mô hình kinh tế này không chỉ tạo việc làm ổn định cho các con trai bà mà còn tạo công ăn việc làm cho hơn 20 người dân địa phương có mức thu nhập 200.000 đồng/ngày.

Mô hình trồng quế từ nguồn vốn NHCSXH của gia đình bà Lý Thị Miến.

Bà Lý Thị Liên, Tổ trưởng tổ Tiết kiệm và vay vốn thôn Cốc Lầu, cho biết, trong tổng số 142 hộ dân cả thôn thì có đến 56 hộ nghèo, 11 hộ mới thoát nghèo và 16 hộ sản xuất kinh doanh vùng khó khăn được vay vốn. Nhiều hộ phát triển kinh tế đạt hiệu quả như gia đình ông Lý Xuân Bình, bà Lý Thị Miến... nhờ chương trình tín dụng được triển khai rất chặt chẽ với sự giám sát gắt gao của các cấp hội, ban, ngành trong việc đánh giá thực hiện và kịp thời định hướng làm kinh tế, hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho các hộ gia đình.

Gắn với nhiệm vụ phát triển kinh tế tại địa phương

Ông Nguyễn Quốc Nghi, Bí thư Đảng ủy xã Cốc Lầu, phấn khởi cho biết: 9 tháng qua, hoạt động sản xuất của bà con từ cây lúa, ngô và rau màu đạt được 80-100% kế hoạch với năng suất, sản lượng khá cao. Đàn gà phát triển được 9.900/11.800 con, đạt 83,8% kế hoạch; lợn 990/1050 con, đạt 94,2%. Tổng đàn gia súc hiện có (trâu, bò, lợn, dê) 4.095/4683 con, đạt 87,4%. Tổng đàn gia cầm hiện có 25.000/27.000 con, đạt 92,5 %. Diện tích chăn nuôi thủy sản 14,5ha với các loại cá: Trắm, trôi, mè, chép, rô...; đã thu hoạch 36/38 tấn, đạt 94,73%. Diện tích quế trên địa bàn xã thực hiện 1345/1345ha, đạt 100%. Tổng thu nhập từ quế đến 9 tháng  đạt 8 tỷ 750 triệu đồng.  

Tính đến ngày 30/8/2023, NHCSXH huyện Bắc Hà đang thực hiện cho vay 11 chương trình tín dụng tại xã Cốc Lầu, tổng dư nợ 20.332,2 triệu đồng với 371 khách hàng; tăng 459 triệu đồng so với đầu năm 2023. Nợ quá hạn và nợ khoanh  là 45 triệu đồng, chiếm 0,22% tổng dư nợ. Huy động tiền gửi tiết kiệm 1.417,8 triệu đồng (tiết kiệm của Tổ Tiết kiệm và vay vốn 613,4 triệu đồng; Tiết kiệm dân cư  804,4 triệu đồng), tăng 728,2 triệu đồng so với đầu năm 2023. Trong 9 tháng qua không phát sinh thêm trường hợp nợ quá hạn và lãi tồn.

Ông Giang Phi Tiến, Giám đốc Phòng giao dịch NHCSXH huyện Bắc Hà, cho biết, việc phối hợp chặt chẽ với 4 tổ chức hội, đoàn thể nhận ủy thác các cấp và UBND các xã là trọng tâm nhằm tăng cường công tác tuyên truyền về tín dụng chính sách xã hội, chấn chỉnh và tăng cường chất lượng hoạt động giao dịch xã, nâng cao chất lượng hoạt động Tổ tiết kiệm và vay vốn.  Đặc biệt là, ngân hàng thực hiện rất nghiêm túc việc giao ban sau giao dịch để nắm bắt hoạt động tín dụng và đề ra nhiệm vụ, giải pháp, tham mưu cho cấp uỷ, chính quyền địa phương triển khai chính sách tín dụng ưu đãi và tháo gỡ khó khăn, vướng mắc tại cơ sở nhằm nâng cao chất lượng hoạt động. Đảm bảo các hộ vay sử dụng vốn đúng mục đích, đạt hiệu quả cao, từ đó góp phần vào chương trình giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới tại địa phương.

Năm 2022, NHCSXH huyện Bắc Hà đã thực hiện cho 1.981 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách vay vốn. Trong đó, có 887 lượt hộ nghèo, 277 lượt hộ cận nghèo, 242 lượt hộ xây mới công trình nước sạch, vệ sinh môi trường, 34 lượt hộ sản xuất kinh doanh vùng khó khăn được vay vốn để phát triển kinh tế. Từ nguồn vốn vay, đã xây mới 6 căn nhà để ở; xây mới, sửa chữa 484 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn. Nguồn vốn tín dụng chính sách được triển khai đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn của người dân trên địa bàn trong đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh.

 

 

Nguyên Hoa
Ý kiến bạn đọc
Top