Cùng với việc tham mưu xây dựng và thực hiện nhiều chính sách, giải pháp đồng bộ, miền “đất võ, trời văn” Bình Định nay đã đổi thay ngoạn mục. Sự đổi thay đến từ việc đầu tư tập trung, hiệu quả của nhiều nguồn lực, trong đó dòng vốn tín dụng chính sách. Chi nhánh NHCSXH tỉnh đã kịp thời mang nguồn vốn chính sách đến đúng đối tượng thụ hưởng, giúp đồng bào đầu tư phát triển sản xuất và vươn lên thoát nghèo bền vững.
Tìm thấy cơ hội thoát nghèo
Xã An Hòa (huyện An Lão) có 255 hộ thì có tới 190 hộ nghèo, 11 hộ cận nghèo. Song, người dân đã mạnh dạn vay vốn và tận dụng sự hỗ trợ của cấp ủy, chính quyền địa phương, phát triển sản xuất, chăn nuôi, tạo thu nhập ổn định.
Như anh Đinh Văn Na ở thôn 1, là cán bộ y tế xã nhưng gia đình rất khó khăn. Anh tiếp cận nguồn vốn hộ nghèo từ năm 2015 với 30 triệu đồng để nuôi trâu. Đến năm 2019, anh thoát nghèo và hiện dư nợ tại NHCSXH huyện An Lão 100 triệu đồng. Anh cũng sở hữu trong tay khối tài sản khá đáng nể, gồm đàn trâu 20 con, 1 homestay với 11 phòng nghỉ. Việc chăn nuôi và kinh doanh mang lại cho gia đình anh khoảng 100 triệu đồng/năm.
Bên cạnh việc giải ngân vốn tại các Điểm giao dịch xã, cán bộ Chi nhánh NHCSXH tỉnh Bình Định luôn đến tận hộ vay để kiểm tra, động viên bà con.
Cũng đổi đời nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách, ông Đinh Văn Kem, Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn thôn 1 đã thoát nghèo từ đồng vốn quý báu đó. Ông tình nguyện làm cánh tay nối dài chính sách, sẵn sàng chia sẻ, đi từng hộ vận động và kết nối bà con với nguồn vốn. Ông Kem cho biết, trong thôn có 81 hộ thì có đến 61 hộ nghèo. Đến nay, sau nhiều năm nỗ lực, dư nợ của toàn thôn đạt trên 3,3 tỷ đồng. “Chúng tôi đã có 6 - 7 hộ điển hình như gia đình anh Na và con số này sẽ tiếp tục tăng lên. Đáng quý, trong thôn 1 đã có 3 cháu đỗ đại học - một thành công lớn của An Lão nói chung và An Hòa nói riêng”, ông Kem nhấn mạnh.
Không khác xã An Hòa, xã An Toàn cũng có hơn 74% là hộ nghèo. An Toàn lại nằm giữa rừng đặc dụng, không được trồng hay chặt bất cứ loại cây gì và người dân không có việc gì ngoài làm nương. Khoản thu nhập duy nhất là tiền bảo vệ rừng 3 triệu đồng/ha/năm, chia theo đầu người chỉ được vài trăm nghìn đồng mỗi tháng.
Ở xã An Toàn còn nhiều hộ vô cùng khó khăn, thiếu thốn. Hộ gia đình anh Đinh Văn Gôn là một ví dụ. Cả 2 vật dụng giá trị nhất trong nhà là chiếc tivi đời cũ và chiếc máy bơm nước đều hỏng nhưng anh Gôn cũng không có tiền sửa. Hai vợ chồng đều trẻ, khỏe nhưng làm nương xong là nghỉ. Cán bộ đến động viên, mang vốn đến cho vay, song vợ chồng anh chưa vay đã sợ mất. Tuy nhiên, nhiều hộ dân trong xã đã nhận ra, phải chịu khó làm ăn và cần vay vốn chính sách của Nhà nước, mua trâu, bò nuôi để có thêm thu nhập.
Chủ tịch UBND xã An Toàn Đinh Văn Đang chia sẻ: Trước đây, trình độ, nhận thức của bà con thấp lắm; lại nhút nhát, không mạnh dạn và chưa quyết tâm thoát nghèo. Bởi thế, vận động và xây dựng được một số hộ thành công trong sản xuất chăn nuôi để tạo đà khuyến khích các hộ khác noi theo là câu chuyện không dễ. Song, thật đáng mừng, 3 năm nay, cuộc sống bà con đã chuyển biến tích cực, không còn cảnh thiếu bữa và nhiều hộ đã mua được vật dụng đắt tiền.
Nguồn lực tiếp sức phát triển mọi mặt
Thực tế cho thấy, nguồn vốn vay chính sách đã và đang tiếp sức cho các hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo ở Bình Định phát triển kinh tế gia đình, lo cho con cái ăn học, xây công trình vệ sinh, hệ thống nước sạch.
Ngoài những đối tượng trên, từ ngày 19/5/2022, các hộ có mức sống trung bình được hưởng 2 chương trình tín dụng chính sách là vay vốn tín dụng đối với HSSV, với mức tối đa 4 triệu đồng/tháng và vay tối đa 10 triệu đồng để mua máy tính, thiết bị đáp ứng yêu cầu học tập trực tuyến.
Tuy nhiên, theo Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Bình Định - Nguyễn Mỹ Quang, giảm nghèo ở Bình Định vẫn còn nhiều vấn đề cần quan tâm. Trước hết là thực trạng cung không đủ cầu của vốn vay giải quyết việc làm. Theo Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Chương trình giải quyết việc làm của tỉnh giai đoạn 2021 - 2025, mỗi năm, sẽ hỗ trợ tạo việc làm cho 5.800 lao động thông qua các dự án vay vốn. Qua tổng hợp kết quả rà soát của các địa phương, có khoảng 20.000 lao động đang có nhu cầu vay vốn.
Phó Giám đốc Chi nhánh NHCSXH tỉnh Bình Định Trần Quốc Quân cho biết: Nguồn vốn đã được bố trí bị thiếu hụt, theo quy định lại không thể điều chuyển vốn vay từ chương trình khác sang. Hiện, Chi nhánh đã và đang triển khai thực hiện 17 chương trình tín dụng ưu đãi cùng một số chương trình khác do tỉnh ủy thác. Các chi nhánh và các Phòng giao dịch NHCSXH luôn sẵn sàng, tích cực phối hợp để thực hiện hiệu quả cơ chế, chính sách cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác; luôn muốn cho vay nhanh, hoàn thành sớm kế hoạch. Tuy nhiên, theo quy định, việc cho vay được hay không còn phụ thuộc vào nhiều bên liên quan.
Vì vậy, muốn nâng cao hiệu quả hoạt động của tín dụng chính sách, rất cần sự quan tâm, phối hợp chặt chẽ của các cấp, ngành, địa phương trong tổ chức, thực hiện tốt chủ trương, chính sách về tín dụng chính sách. Cụ thể, công tác điều tra, rà soát, thống kê, xác nhận đối tượng thụ hưởng; triển khai các chính sách tín dụng ưu đãi kịp thời; thực hiện tốt chủ trương huy động các nguồn lực cho tín dụng chính sách.
Chuyển vốn kịp thời, đúng đối tượng
Giám đốc Chi nhánh NHCSXH tỉnh Bình Định Đoàn Trung Thành cho biết: Bảo đảm nguồn vốn, đáp ứng nhu cầu của người nghèo, cận nghèo và đối tượng chính sách là mục tiêu mà các cán bộ tín dụng chính sách luôn đau đáu thực hiện. Kể cả khi đại dịch Covid-19 bùng phát, dòng vốn tín dụng chính sách vẫn chảy đều đặn đến tận tay các đối tượng thụ hưởng.
Để chuyển tải vốn tín dụng chính sách đến đúng đối tượng thụ hưởng, Chi nhánh NHCSXH tỉnh đã thực hiện phương thức cho vay ủy thác thông qua 4 tổ chức chính trị - xã hội, gồm: Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh, Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh. Các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác là cầu nối giữa Nhà nước với nhân dân thông qua mạng lưới 2.365 Tổ tiết kiệm và vay vốn tại tất cả các thôn, xóm trong toàn tỉnh với 138.368 thành viên tự nguyện tham gia. Đến nay, tổng dư nợ ủy thác qua các tổ chức chính trị - xã hội của Chi nhánh chiếm 99,7% tổng dư nợ, trong đó dư nợ ủy thác qua Hội Phụ nữ tỉnh gần 2.400 tỷ đồng, chiếm 49,9% tổng dư nợ.
Qua 20 năm triển khai thực hiện Nghị định số 78/2002/NĐ-CP, đặc biệt sau 8 năm đưa Chỉ thị số 40-CT/TW vào cuộc sống, đồng vốn của Chi nhánh NHCSXH tỉnh Bình Định được đầu tư đúng đối tượng, có hiệu quả, đáp ứng kịp thời nhu cầu vay vốn để người dân phát triển sản xuất kinh doanh từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững, làm giàu chính đáng. Nguồn vốn chính sách đã được hộ nghèo, hộ đồng bào DTTS khó khăn sử dụng mua sắm vật tư, con giống phục vụ chuyển dịch đúng hướng cơ cấu sản xuất, trồng cây ăn quả, chăn nuôi gia súc, gia cầm, đánh bắt hải sản, cải tạo vườn tạp, khôi phục mở mang ngành nghề thủ công nghiệp.
Từ đó, đã giúp hơn 116.000 hộ vượt qua ngưỡng nghèo, thu hút tạo việc làm cho gần 81.000 lao động, trong đó có hơn 2.000 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài, tạo điều kiện cho gần 88.000 HSSV có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập, xây dựng 202.000 công trình nước sạch, vệ sinh môi trường nông thôn.
Nguồn vốn chính sách xã hội đã trở thành công cụ hữu hiệu góp phần cho tỉnh Bình Định thực hiện thành công Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững với những con số khá ấn tượng trong giai đoạn 2016 - 2021 và tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 13,35% xuống còn 3,13%.
Đạt được những thành tích đó là do cấp ủy, chính quyền địa phương đã quán triệt sâu sắc, phổ biến sâu rộng nội dung Nghị định số 78/2002/NĐ-CP và Chỉ thị số 40-CT/TW, tạo điều kiện cho hoạt động tín dụng chính sách vì an sinh và công bằng xã hội được duy trì và mở rộng. Thời gian tới, Chi nhánh sẽ tiếp tục tập trung huy động mọi nguồn lực, tận tụy, dốc sức đưa nhanh vốn ưu đãi tới người nghèo và các đối tượng chính sách, góp phần tích cực cho công tác giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội bền vững.