Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 3 tháng 5 năm 2024  
Thứ hai, ngày 6 tháng 3 năm 2023 | 14:15

Vùng đồng bào DTTS và miền núi: Đổi thay nhờ phát huy vốn vay chính sách

Với 2 “chiếc gậy” chính sách là Nghị quyết số 88/2019/NQ-QH14 và Nghị quyết số 120/2020/NQ-QH14 của Quốc hội cùng quyết tâm hành động của Chính phủ, các cấp, các ngành và từng người dân, vùng đồng bào DTTS ở vùng sâu, vùng xa sẽ mau chóng tiến kịp miền xuôi…

Thực tế là, nhiều vùng, nhiều địa phương vùng đồng bào DTTS và miền núi đã vận dụng sáng tạo để vươn lên.

Trao nghề, trao vốn

Tiểu khu 67 thuộc ấp Mười Mẫu (xã Phước Thiện, huyện Bù Đốp, tỉnh Bình Phước) từng được xem là “điểm đen” về đói nghèo, với trình độ dân trí thấp, cơ sở hạ tầng chưa hoàn thiện, địa hình chia cắt, số hộ có nhà kiên cố và điện sinh hoạt đếm trên đầu ngón tay, trẻ em không được đến trường, quanh năm “cái đói, cái nghèo” bám riết…

Nhưng nay, nơi đây đã khác. Sự thay đổi đến từ định hướng đúng đắn của cấp ủy, chính quyền các cấp, từ nhận thức và nỗ lực của từng hộ dân ở Tiểu khu 67; bà con được học nghề phù hợp với hoàn cảnh của gia đình, địa phương; được hỗ trợ vốn, giống cây trồng, vật nuôi và bao tiêu sản phẩm… Gia đình 4 người của anh Thạch Pô Thi (dân tộc Khmer) đã thoát nghèo nhờ sự quan tâm kịp thời, đúng hướng như vậy.

Không chỉ kinh tế khởi sắc, mà văn hóa, giáo dục… của đồng bào cũng được đặc biệt quan tâm.

“Chúng tôi không có vốn; đất sản xuất rất ít, nghề nghiệp cũng không. Khi được chính quyền xã hỗ trợ cặp dê giống, được NHCSXH huyện Bù Đốp cho vay vốn mua máy cắt cỏ, máy phun thuốc để vừa làm vườn của mình, vừa làm thuê cho bà con quanh vùng, chúng tôi tự bảo nhau phải tranh thủ cơ hội này thoát khỏi cái nghèo và cả gia đình đã làm được!”, anh Thạch Pô Thi phấn khởi chia sẻ.

Phó chủ tịch UBND xã Phước Thiện Nguyễn Đức Huy cho biết: Tôi không muốn nhắc, nhớ đến tỷ lệ hộ nghèo của xã trước đây, nó quá cao và người dân quá khổ. Còn giờ đây, tỷ lệ nghèo của xã chỉ còn 4,8%. Đời sống bà con đã đảo chiều ngoạn mục. Đây là thành công lớn đối với xã biên giới đặc biệt khó khăn như Phước Thiện.

Nghị quyết số 88/2019/NQ-QH14 sẽ không để ai bị bỏ lại phía sau.

Lào Cai là tỉnh miền núi, biên giới có trên 60% dân số là đồng bào DTTS sinh sống. Toàn tỉnh có 4/9 huyện, thị xã, thành phố thuộc diện 30a (gọi tắt tên gọi Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP của Chính phủ về Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 61 huyện nghèo, ngày 27/12/2008). Với đồng bào ở khu vực này, “thoát nghèo” hiểu đơn giản là có đủ tiền để trang trải cuộc sống gia đình, có tiền mua sách vở, quần áo cho con đi học và xây được nhà vững chắc để ở… Tuy nhiên, mơ ước giản đơn này không phải ai cũng làm được, nếu không có sự quyết tâm, nỗ lực mạnh dạn thay đổi tư duy làm kinh tế để thoát nghèo. Đơn cử như ở thôn Nậm Đó (xã Lùng Khấu Nhin, huyện Mường Khương), với 69 hộ thì có tới 55 hộ thuộc diện hộ nghèo. Chính bà con đã trao cho mình cơ hội đổi đời nhờ thay đổi cách nghĩ, cách làm; nhờ việc biết phát huy hiệu quả đồng vốn chính sách của NHCSXH cho vay. Qua đó, mang lại nguồn thu nhập ổn định từ những cây trồng chủ lực của địa phương, như việc trồng hơn 60ha chè là một ví dụ.

Thực tế hiện nay, quyết tâm thoát nghèo cho khu vực đồng bào các DTTS và miền núi của Đảng, Nhà nước chưa bao giờ quyết liệt hơn thế. Cùng với đó, ý chí thoát nghèo của những tấm gương DTTS tiêu biểu đã và đang trở thành làn sóng mạnh mẽ, len lỏi tới tận những nơi thâm sơn cùng cốc, thâm nhập vào từng cá nhân người lãnh đạo và người nghèo. Chắc chắn, với tinh thần ấy, sẽ sớm xóa nhòa khoảng cách giữa các khu vực, các vùng miền…

Phát huy hiệu quả các nguồn lực

Để giúp người dân ở khu vực “lõi nghèo” thoát nghèo, các địa phương đã tập trung triển khai đồng bộ Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững qua các giai đoạn; tranh thủ các nguồn lực và sáng tạo trong cách nghĩ, cách làm hỗ trợ người dân giảm nghèo một cách hiệu quả.

Theo các chuyên gia kinh tế - xã hội, sự chồng chéo về các chính sách đã được giải quyết căn bản trong Nghị quyết số 88/2019/NQ-QH14 (Nghị quyết 88) phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 được ban hành tại Kỳ họp thứ Tám, Quốc hội khóa XIV.

Nổi bật là việc tích hợp hơn 100 chương trình, chính sách hỗ trợ đồng bào DTTS, vùng sâu, vùng xa vào làm một; Chính phủ là cơ quan xây dựng Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030; Thủ tướng là Trưởng Ban chỉ đạo Chương trình…

Như vậy, về mặt quản lý Nhà nước, đã thống nhất được đầu mối chỉ đạo; tạo sự xuyên suốt, nhanh, gọn trong điều hành và phối hợp giữa các cơ quan liên quan; khắc phục được tình trạng nhiều đầu mối quản lý và rõ trách nhiệm của từng cấp, từng ngành trong quá trình tham gia.

Kết quả điều tra thu thập thông tin kinh tế - xã hội 53 DTTS lần thứ II cho thấy, đến ngày 1/4/2019, tỷ lệ người DTTS chiếm 14,7% tổng dân số cả nước. Đến cuối năm 2022, cả nước có 3.434 xã thuộc vùng đồng bào DTTS và miền núi; phân bổ ở 51 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, bao gồm, 1.673 xã khu vực I, 210 xã khu vực II và 1.551 khu vực III. Trong đó, Sơn La là tỉnh có nhiều (202) xã DTTS và miền núi cao nhất cả nước.

Tại Lào Cai từ năm 2019 đến nay, thông qua các nguồn lực đầu tư, đã có gần 600 công trình hạ tầng thiết yếu, với tổng kinh phí đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng tại các xã nghèo được sửa chữa, xây dựng mới, phục vụ đắc lực cho đời sống và sản xuất của người dân. Đến hết năm 2021, số thôn, bản có đường trục giao thông cứng hóa đạt 89%; tỷ lệ thôn, bản có điện lưới đạt 93%; 100% số xã xóa phòng học tạm.

Tỉnh Sơn La có 12 dân tộc cùng sinh sống, trong đó đồng bào DTTS chiếm gần 85%. Tranh thủ sự hỗ trợ từ các chương trình của Chính phủ, Sơn La đã đầu tư xây dựng hạ tầng miền núi, thực hiện nhiều chính sách gỡ khó nhằm tạo động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội các huyện phát triển. Đơn cử như huyện Yên Châu có 14 xã, 1 thị trấn; trong đó có 7 xã khu vực III, 91 bản đặc biệt khó khăn, 9 xã được thụ hưởng Chương trình 135. Giai đoạn 2016 - 2020, từ nguồn vốn Chương trình 135 và lồng ghép với các chương trình khác, Yên Châu đã hỗ trợ hơn 60 tỷ đồng đầu tư cơ sở hạ tầng và duy tu bảo dưỡng các công trình thủy lợi, đường giao thông, nhà văn hóa, nước sinh hoạt, lớp học… Cùng với đó, Yên Châu đã hỗ trợ hơn 290.000 cây giống cây ăn quả, hơn 7.600 con giống các loại và gần 100 tấn phân bón cho 2.423 hộ đồng bào, giúp bà con có điều kiện vươn lên.

Đặc biệt, tại huyện Mộc Châu - một điển hình trong phát triển nông nghiệp hàng hóa, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của cả nước, cũng đã dẫn dắt đồng bào các DTTS đi lên từ nghèo khó, lạc hậu bằng chính sự quyết tâm, nỗ lực, sáng tạo trong triển khai hiệu quả các chương trình, chính sách hỗ trợ đối với vùng đồng bào DTTS. Quan trọng hơn, song song với các chính sách hỗ trợ về kinh tế, Mộc Châu, Yên Châu hay ở nhiều huyện khác trên địa bàn tỉnh Sơn La còn đặc biệt quan tâm đến công tác giáo dục, y tế, văn hóa vùng đồng bào DTTS.

Đến nay, 100% số xã vùng dân tộc miền núi của tỉnh Sơn La có đủ hệ thống trường học các cấp từ mẫu giáo, tiểu học đến THCS; tất cả các xã đặc biệt khó khăn đều có các lớp cắm bản thuận lợi cho học sinh đi học. Cùng với đó, công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa của các DTTS luôn được quan tâm… Cách làm này đưa Sơn La ngày càng tiến gần hơn với các đô thị hiện đại và phát triển toàn diện các mặt đời sống xã hội.

 

Nhật Nam
Ý kiến bạn đọc
Top