Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024  
Thứ năm, ngày 2 tháng 2 năm 2023 | 21:34

“Xanh hóa” sản xuất giúp doanh nghiệp phát triển bền vững

Những năm qua, ngành chăn nuôi phát triển khá mạnh về cả số lượng lẫn quy mô. Tuy nhiên, việc chăn nuôi nhỏ lẻ trong nông hộ, thiếu quy hoạch, nhất là các vùng dân cư đông đúc đã gây ra ô nhiễm môi trường ngày càng trầm trọng, thách thức do chất thải gây ra vẫn đang là dấu hỏi hớn.

Đắk Nông: Xử phạt gần 300 triệu đồng đối với cơ sở chăn nuôi gây ô nhiễm môi trường

Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông vừa ký quyết định xử phạt vi phạm hành chính chủ một trang trại chăn nuôi lợn tại xã Cư K’nia, huyện Cư Jút đã có hành vi gây ô nhiễm môi trường; đồng thời có quyết định dừng hoạt động chăn nuôi của trang trại này để khắc phục các vấn đề liên quan.

Cụ thể, xử phạt 295 triệu đồng đối với ông Phạm Chí Công (67 tuổi) do có hành vi vi phạm về bảo vệ môi trường trong quá trình chăn nuôi, vận hành trang trại lợn tại xã Cư K’nia; trong đó phạt 175 triệu đồng do trang trại chăn nuôi không có kết quả báo cáo đánh giá tác động môi trường; phạt 120 triệu đồng do hành vi xả thải có chứa các thông số vượt tiêu chuẩn kỹ thuật về chất thải (từ 3 - 10 lần so với quy định).

Xử phạt cơ sở chăn nuôi gây ô nhiễm môi trường gần 300 triệu đồng

Các hành vi trên đã vi phạm Nghị định số 45/2022/NĐ-CP ngày 7/7/2022 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. UBND tỉnh Đắk Nông cũng yêu cầu ông Phạm Chí Công dừng việc xây dựng các hạng mục công trình liên quan; dừng việc xả thải và dừng việc chăn nuôi để tiến hành lập báo cáo đánh giá tác động môi trường trong vòng 9 tháng tính từ tháng 1/2023.

Trước đó, tháng 1/2023, Ủy ban Nhân dân tỉnh đã xử phạt 5 chủ trang trại chăn nuôi lợn tại xã Ea Pô (huyện Cư Jút) với tổng số tiền gần 900 triệu đồng.

Các hành vi vi phạm phổ biến là xả thải gây ô nhiễm, thực hiện không đúng các nội dung trong báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc không có quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường…

Yên Định phát triển trang trại chăn nuôi gắn với bảo đảm vệ sinh môi trường

Chăn nuôi nhỏ lẻ luôn tiềm ẩn nguy cơ dịch bệnh, ảnh hưởng đến môi trường, gây thiệt hại về kinh tế cho người dân. Chính vì thế, những năm gần đây, huyện Yên Định đã tạo điều kiện, khuyến khích người dân phát triển chăn nuôi theo hình thức trang trại. Đây được xem là hướng đi bền vững, giải quyết bài toán về môi trường, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Đến thăm trang trại chăn nuôi lợn của gia đình anh Nguyễn Việt Dũng, thôn Mai Trung, xã Định Hòa, ấn tượng đầu tiên của chúng tôi là không gian thoáng đãng, khá sạch sẽ. Trong khuôn viên của trang trại, từng hàng cây được trồng thẳng lối vừa tạo không gian xanh, điều hòa không khí quanh trang trại. Anh Dũng cho biết: "Năm 2019, gia đình tôi được chính quyền địa phương tạo điều kiện cho nhận thầu gần 17.000 m2 đất, xây dựng trang trại chăn nuôi lợn thịt. Để có tiền đầu tư, tôi quyết định vay vốn ngân hàng xây dựng 2 khu trang trại chăn nuôi với quy mô gần 1.000 con lợn thịt. Do chăn nuôi quy mô lớn nên gia đình tôi thực hiện chăn nuôi khép kín, quan tâm xử lý mùi và chất thải. Vì vậy, ngoài đầu tư xây dựng khu vực xử lý chất thải, nước thải, như: máy ép phân, xây 2 bể biogas, 1 bể lắng và đào 2 ao sinh học có diện tích 1.200 m2, tôi còn trồng hàng trăm gốc dừa, mít và gỗ lát. Nhờ đầu tư xây dựng hệ thống xử lý môi trường nên chất thải được dẫn về bể tách ép phân, sau đó đến hệ thống xử lý nước thải tập trung. Từ khi sử dụng máy tách ép phân, chất thải chăn nuôi của trang trại không chỉ được xử lý hiệu quả mà lượng chất thải sau khi tách, ép khô trở thành nguồn phân để bón cho cây trồng”.

Trang trại của gia đình anh Nguyễn Việt Dũng, thôn Mai Trung, xã Định Hòa phát triển ổn định, bảo đảm vệ sinh môi trường.

Gần 3 năm liên kết với Công ty CP Chăn nuôi CP Việt Nam bao tiêu sản phẩm và được tập huấn, trang bị kiến thức nuôi, phòng dịch, phòng bệnh cũng như xử lý chất thải chăn nuôi và thường xuyên vệ sinh chuồng trại sạch sẽ, con nuôi của trang trại anh Dũng phát triển tốt, không xảy ra dịch bệnh. Nhờ đó, mỗi năm thu nhập từ 2 lứa lợn được gia đình anh xuất bán, trừ mọi chi phí còn cho lợi nhuận hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

Mới đưa vào nuôi dịp giữa năm 2022 nhưng trang trại lợn của gia đình anh Trịnh Hữu Quang, xã Yên Phú cũng được ghi nhận là trang trại bảo đảm vệ sinh môi trường. Với diện tích 2 ha, quy mô 2.400 con lợn thịt, chủ trang trại đã dành nguồn kinh phí khoảng 1 tỷ đồng để mua máy ép phân và xây dựng hệ thống lọc như các bể lọc phân, bể biogas, bể lắng... và ao sinh học thả bèo. Ngoài ra, để tạo bóng mát và không gian xanh trong khuôn viên của trang trại, anh đã mua và trồng nhiều loại cây ăn quả vừa tạo thêm nguồn thu, vừa giảm thiểu khuếch tán mùi ra xung quanh. Nhờ đầu tư xây dựng hệ thống xử lý chất thải, nước thải đồng bộ nên ô nhiễm môi trường khu vực chăn nuôi không những được giải quyết tốt mà còn tận dụng khí đốt qua bể biogas để nấu ăn, thắp sáng, sưởi ấm cho lợn vào mùa đông và quạt mát vào mùa hè.

Ngoài 2 trang trại của gia đình anh Dũng ở xã Định Hòa và anh Quang ở xã Yên Phú còn nhiều mô hình trang trại chăn nuôi bò, lợn, gà trên địa bàn huyện Yên Định đều quan tâm đầu tư xây dựng hệ thống xử lý chất thải, nước thải nên đã giải quyết cơ bản vấn đề ô nhiễm môi trường khu vực chăn nuôi.

Đánh giá về hiệu quả của việc phát triển trang trại chăn nuôi gắn với bảo đảm vệ sinh môi trường, ông Hoàng Văn Tiến, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Yên Định cho biết: Ngoài hình thành 5 khu trang trại tập trung quy mô lớn tại các xã Định Hòa, Định Bình, Yên Phú, Yên Lâm và thị trấn Quý Lộc, trên địa bàn huyện có hơn 100 trang trại đạt tiêu chí theo Thông tư 02/2020/TT-BNNPTNT của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Các trang trại này đều được quy hoạch cách xa khu dân cư, đầu tư cơ sở hạ tầng và hệ thống xử lý chất thải, nước thải, hầm biogas, hệ thống điều hòa thoáng khí... Các chủ trang trại đều áp dụng quy trình chăn nuôi khép kín, kỹ thuật chăn nuôi tiên tiến, vừa giải quyết bài toán về môi trường, vừa mang lại hiệu quả kinh tế cao. Từ đó, huyện luôn tạo điều kiện cho Nhân dân chăn nuôi theo hình thức trang trại, chính quyền các địa phương trong huyện đã tích tụ, tập trung đất đai, khuyến khích các doanh nghiệp, hộ gia đình đầu tư. Các địa phương cũng phối hợp với các đơn vị tư vấn, hướng dẫn chăn nuôi an toàn sinh học, bảo đảm vệ sinh môi trường cho người dân. Từ đó, các trang trại đã áp dụng, góp phần cải thiện đáng kể tình trạng ô nhiễm môi trường, hạn chế được rủi ro bởi dịch bệnh, nâng cao hiệu quả sản xuất.

Kinh tế tuần hoàn trong sản xuất xanh

Không chỉ việc chuyển đổi sang sử dụng nguyên liệu xanh để cắt giảm phát thải, nhiều doanh nghiệp còn chuyển đổi sang sử dụng năng lượng tái tạo để tiết kiệm năng lượng, hoặc làm mô hình kinh tế tuần hoàn để giảm thiểu ô nhiễm.

Kinh tế tuần hoàn được hiểu là biến chất thải của ngành này thành nguyên liệu đầu vào của ngành khác, thành một vòng quay tuần hoàn trong sản xuất của doanh nghiệp. Điều này giúp giảm việc khai thác tài nguyên, giảm chi phí xử lý chất thải, giảm ô nhiễm môi trường.

Tại trang trại Vinamilk Green Farm Tây Ninh, mỗi ngày bò thải ra 30 tấn phân. Chất thải sau đó được thu gom bằng hệ thống hiện đại, đưa vào xử lý với công nghệ ủ Biogas. "Đầu ra" của quy trình này là phân bón, nước, khí đốt sẽ trở thành "đầu vào" của một vòng tuần hoàn mới, khép kín.

Sản xuất xanh đang là giải pháp tích cực nhằm giảm phát thải nhà kính, hướng tới mục tiêu trung hòa carbon, phát triển bền vững.

Đầu tiên là phân hữu cơ và nước, được dùng bón cho 500 ha đất trồng cỏ, hoa màu, cây trồng và từ đó lại cung cấp nguồn thức ăn dinh dưỡng, xanh, sạch ngược lại cho 8.000 con bò sữa. Thứ hai khí Metan, khí này được dùng để sấy cỏ khô dự trữ cho bò ăn và đun nước nóng để vệ sinh thiết bị của trang trại và thanh trùng sữa cho đàn bê. Nhờ vậy mà mỗi năm trang trại có thể tiết kiệm hơn 2 tỷ đồng chi phí điện năng, giúp giảm đáng kể lượng phát thải CO2.

Ngoài việc "tái tạo tài nguyên" từ chính chất thải, thì từ năm 2019 doanh nghiệp đã bắt đầu chuyển đổi sử dụng năng lượng mặt trời tại các trang trại chăn nuôi bò sữa. Không chỉ có thêm nguồn điện, mà còn giúp làm mát chuồng trại.

Tính ra, năng lượng mặt trời đã giúp cho 13 trang trại của doanh nghiệp giảm phát thải được 62.341 tấn CO2/năm, tương đương với việc trồng 3,4 triệu cây xanh.

Việc chuyển đổi từ mô hình kinh tế tuyến tính sang kinh tế tuần hoàn không chỉ mang lại lợi ích kinh tế thiết thực cho doanh nghiệp, mà còn cho cả cộng đồng và các đối tác kinh doanh. Đặc biệt, việc giảm phát thải khí CO2 trong sản xuất sẽ góp phần hiện thực cam kết giảm phát thải ròng về 0 vào năm 2050 của Việt Nam.

Khi đã cắt giảm và chuyển đổi tối đa thì "hấp thụ" là bước cuối cùng hướng tới mục tiêu cân bằng, Net-zero. Hiện các doanh nghiệp đã nỗ lực hướng tới việc trồng nhiều cây xanh để hấp thụ, bù lại lượng C02 mà quá trình sản xuất đã thải ra. Cắt giảm, chuyển đổi, hấp thụ - 3 quá trình này phải được thực hiện cùng lúc để hướng tới sản xuất xanh, tăng trưởng xanh bền vững.

 

Thanh Xuân (Tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
Top