Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 27 tháng 4 năm 2024  
Thứ năm, ngày 20 tháng 10 năm 2022 | 10:59

Xây dựng chợ an toàn thực phẩm để bảo vệ người tiêu dùng

Một trong những nguyên nhân mất an toàn VSTP, làm ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng có từ các chợ đầu mối, chợ truyền thống. Do đó, rất cần chính quyền các địa phương xây dựng chợ an toàn và nhân rộng mô hình này ra nhiều địa phương.

Nhiều địa phương xây dựng mô hình chợ ATTP

UBND tỉnh Đồng Tháp đề ra chỉ tiêu đến năm 2025, mỗi huyện, thành phố xây dựng 1 mô hình chợ bảo đảm an toàn thực phẩm, để thực hiện dự án An toàn thực phẩm thuộc Chương trình mục tiêu Y tế và Dân số do Vụ Thị trường Trong nước (Bộ Công Thương) chủ trì; hướng dẫn xây dựng mô hình chợ thí điểm bảo đảm an toàn thực phẩm của Bộ Công Thương và dự án Xây dựng mô hình thí điểm chợ bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm trên địa bàn.

Xây dựng mô hình chợ bảo đảm an toàn thực phẩm. Ảnh: Duy Khương (TTXVN)

Hiện nay, tỉnh Đồng Tháp, đã có 3 chợ thực hiện thí điểm mô hình chợ bảo đảm an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh, đã phát huy hiệu quả cần nhân rộng mô hình chợ đảm bảo an toàn thực phẩm được thực hiện tại các địa phương có hệ thống ban/tổ quản lý chợ được tổ chức tốt.

Các chợ thực hiện thí điểm được yêu cầu thực phẩm trong chợ phải được sắp xếp theo đúng quy định an toàn thực phẩm, từng bước thực hiện truy xuất nguồn gốc, xuất xứ, nâng cao chất lượng phục vụ, thuận lợi cho hoạt động mua bán; tạo cơ hội cho người tiêu dùng lựa chọn những hàng hóa thực phẩm có nguồn gốc, xuất xứ, góp phần đảm bảo sức khỏe, bảo vệ môi trường, góp phần thúc đẩy thiết lập, hình thành các chuỗi “sản xuất - chế biến - tiêu thụ” thực phẩm sạch, an toàn, ổn định bền vững.

Qua việc thực hiện các dự án thí điểm nêu trên, cho thấy việc thực hiện mô hình chợ bảo đảm an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh là rất cần thiết, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý chợ; giúp hạ tầng thương mại được phát triển, khang trang; môi trường kinh doanh thuận lợi, hàng hóa được đảm bảo về vệ sinh an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc; đảm bảo sức khỏe, quyền lợi của người tiêu dùng, quản lý tốt về vệ sinh an toàn thực phẩm tại các chợ; cơ sở vật chất phục vụ kinh doanh hàng thực phẩm tại chợ được thiết kế theo tiêu chuẩn.

Ban quản lý chợ quận Ngũ Hành Sơn kiểm tra, nhắc nhở các hộ kinh doanh về ATTP, hàng hoá phải đảm bảo nguồn gốc xuất xứ. (Ảnh VOV)

Hiện, Thành phố Đà Nẵng có 74 chợ truyền thống với hơn 7.600 hộ chế biến, kinh doanh các nhóm ngành thực phẩm, trong đó 19 chợ được công nhận là chợ an toàn thực phẩm (ATTP). Mô hình chợ ATTP đã góp phần làm thay đổi nhận thức về ATTP của tiểu thương và người tiêu dùng, tạo hình ảnh đẹp của hệ thống chợ truyền thống ở TP Đà Nẵng.

Điều dễ nhận ra sự khác biệt so với các chợ chưa thực hiện mô hình chợ ATTP là lối đi sạch sẽ, thông thoáng, nền gạch trắng sáng. Quầy sạp gọn gàng với các tủ kính, khay đựng thức ăn, bàn, ghế... được đóng theo cùng kích cỡ tạo cảm giác bắt mắt. Các mặt hàng được niêm yết giá rõ ràng theo từng ngày.

Quận Sơn Trà là địa bàn trọng điểm về du lịch của TP Đà Nẵng, vì vậy ATTP tại các chợ truyền thống được đặt lên hàng đầu. Mô hình chợ ATTP được triển khai từ năm 2018. Hiện nay, 3/7 chợ trên địa bàn đảm bảo các tiêu chí ATTP. Để đảm bảo các tiêu chí chợ ATTP thì vai trò của người dân rất quan trọng, từ đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, vệ sinh môi trường… đến nâng cao nhận thức.

TP. Đà Nẵng đã trang bị bộ test nhanh để kiểm tra, phát hiện một số tiêu chí ATTP. Tại chợ Non Nước, quận Ngũ Hành Sơn có hơn 300 hộ kinh doanh. Khu vực bán các mặt hàng thực phẩm tươi sống được bố trí rộng rãi. Các quầy hàng kiên cố, không có rác, nước thải ứ đọng hay mùi hôi. Gian hàng kinh doanh ăn uống, thực phẩm đều trang bị bàn inox, bảng hiệu, tủ kính, thùng rác... Tiểu thương kinh doanh thực phẩm đều có giấy xác nhận kiến thức ATTP, cam kết bán hàng đảm bảo nguồn gốc xuất xứ.

Nâng cao nhận thức người tiêu dùng và nhân rộng mô hình chợ ATTP

Ông Huỳnh Minh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp cho biết, việc quản lý, phát triển chợ trên địa bàn tỉnh đã có nhiều chuyển biến tích cực, hệ thống mạng lưới chợ đã được hình thành và được phân bố hợp lý, phù hợp với điều kiện địa hình, địa giới của địa phương.

Khu vực bán các mặt hàng thực phẩm tươi sống tại chợ Non Nước, quận Ngũ Hành Sơn được bố trí rộng rãi, không có tình trạng rác, nước thải ứ đọng. (ảnh VOV)

Qua việc thực hiện các dự án thí điểm nêu trên, cho thấy việc thực hiện mô hình chợ bảo đảm an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh là rất cần thiết, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý chợ; giúp hạ tầng thương mại được phát triển, khang trang; môi trường kinh doanh thuận lợi, hàng hóa được đảm bảo về vệ sinh an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc; đảm bảo sức khỏe, quyền lợi của người tiêu dùng, quản lý tốt về vệ sinh an toàn thực phẩm tại các chợ; cơ sở vật chất phục vụ kinh doanh hàng thực phẩm tại chợ được thiết kế theo tiêu chuẩn.

UBND tỉnh Đồng Tháp yêu cầu nhân rộng mô hình chợ bảo đảm an toàn thực phẩm với hệ thống các tiêu chí nhằm bảo đảm an toàn thực phẩm tại chợ. Nâng cấp cơ sở vật chất tại các chợ theo hướng văn minh, hiện đại đáp ứng yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm theo quy định. Xây dựng các chợ kinh doanh thực phẩm đạt tiêu chí về an toàn thực phẩm, hạn chế đến mức thấp nhất ảnh hưởng do thực phẩm không đảm bảo an toàn thực phẩm gây ra cho người tiêu dùng. Nâng cao nhận thức và trách nhiệm, năng lực quản lý cho cán bộ, nhân viên ban, tổ, hợp tác xã, doanh nghiệp quản lý, khai thác và kinh doanh chợ trong việc hướng dẫn, kiểm tra về vệ sinh an toàn thực phẩm.

Còn theo Ông Nguyễn Tấn Hải, Trưởng Ban quản lý ATTP TP. Đà Nẵng cho biết đã tham mưu cho UBND thành phố ban hành kế hoạch đầu năm. Các quận, huyện phải đăng ký phát triển chợ ATTP, làm sao cho đến năm 2025 tất cả các chợ đạt chuẩn mô hình chợ đảm bảo an toàn thực phẩm.

“Ban Quản lý các chợ phải tham mưu để UBND quận, huyện chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất cho công tác ATTP. Các chợ đảm bảo ATTP phải đạt một chuẩn mực nhất định trong bộ tiêu chí đề ra, có như vậy chất lượng ATTP mới được đảm bảo và duy trì bền vững hơn”, ông Hải nêu phương hướng.

Bà Nguyễn Thị Thái Lộc, Phó Trưởng Ban Quản lý các chợ quận Ngũ Hành Sơn cho biết, Ban quản lý chợ đang tiếp tục duy trì việc đảm bảo chợ ATTP tại chợ Non Nước và đang tăng cường thêm ATTP được công nhận cho chợ Khuê Mỹ.

“Ban quản lý chợ có cách làm mới, mỗi hộ tư thương được phát cho 1 cuốn sổ truy xuất nguồn gốc hàng hoá, yêu cầu niêm yết giá và công khai giá có nguốn gốc xuất xứ dán trên bao bì mặt hàng đó. Cùng với đó, Ban quản lý còn thường xuyên tuyên truyền trên loa, đảm bảo tốt công tác ATTP”, bà Lộc khẳng định.

Tại chợ Vĩnh Yên của tỉnh Vĩnh Phúc thời gian qua, Dự án “Xây dựng mô hình chợ thí điểm bảo đảm an toàn thực phẩm” đã phát huy hiệu quả tích cực, không chỉ góp phần nâng cao chất lượng an toàn thực phẩm mà còn là kênh quan trọng bảo vệ quyền lợi cho người tiêu dùng, đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp.

Theo đánh giá của Sở Công Thương, sau khi đi vào hoạt động, mô hình thí điểm bảo đảm an toàn thực phẩm tại chợ Vĩnh Yên đã góp phần nâng cao chất lượng công tác quản lý của Ban quản lý chợ, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác kiểm tra, giám sát của các ngành chức năng trong lĩnh vực an toàn thực phẩm. Chợ Vĩnh Yên được công nhận đạt các tiêu chí về an toàn thực phẩm không chỉ giúp người tiêu dùng được tiếp cận các sản phẩm thực phẩm an toàn mà còn khuyến khích các tập thể, cá nhân, doanh nghiệp sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm bảo đảm an toàn vệ sinh. Sau thành công bước đầu của mô hình này, Sở Công Thương tiếp tục lựa chọn chợ Trung tâm thương mại Yên Lạc, huyện Yên Lạc; chợ thị trấn Vĩnh Tường và chợ Bồ Sao, huyện Vĩnh Tường để thực hiện chương trình nhân rộng “Mô hình chợ thí điểm bảo đảm an toàn thực phẩm”. Tuy nhiên, để triển khai xây dựng được mô hình đáp ứng đầy đủ các tiêu chí về chợ bảo đảm an toàn thực phẩm như chợ Vĩnh Yên vẫn còn rất nhiều khó khăn.

Bà Dương Thị Vĩnh Hà, Phó trưởng Phòng Quản lý thương mại, Sở Công thương thừa nhận, ngoài vấn đề an toàn thực phẩm, giữa đại dịch Covid-19, khi so sánh công tác tuyên truyền, phòng chống dịch bệnh tại chợ Vĩnh Yên với các chợ truyền thống khác trên địa bàn tỉnh càng thấy việc xây dựng, duy trì và nhân rộng mô hình chợ thí điểm bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm là rất cần thiết và cấp bách.

Hiệu quả từ những chợ ATTP đã quá rõ ràng, vừa đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng đồng thời đây cũng là mô hình chợ thí điểm bảo đảm an toàn thực phẩm hoặc chợ đáp ứng yêu cầu chung theo tiêu chuẩn chợ kinh doanh thực phẩm tại các xã nông thôn mới nâng cao.

 

Ngọc Thủy (Tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
Top