Sáng 30/8, tỉnh Khánh Hoà tổ chức Hội nghị Văn hóa tỉnh Khánh Hòa năm 2024 và Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW, ngày 9/6/2014 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.
Khánh Hòa là tỉnh ven biển Nam Trung Bộ, có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh và bảo vệ chủ quyền quốc gia về biển đảo của Tổ quốc. Tỉnh có diện tích tự nhiên 5.199,6 km2, dân số hơn 1,2 triệu người với 36 dân tộc anh em cùng đoàn kết chung sống; có 9 đơn vị hành chính cấp huyện, trong đó có huyện đảo Trường Sa. Bên cạnh đó, Khánh Hòa còn là vùng đất có bề dày lịch sử, văn hóa lâu đời và giàu truyền thống cách mạng.
Khánh Hòa hiện có 17 di tích xếp hạng quốc gia, 180 di tích xếp hạng cấp tỉnh, 3 di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia và Nghệ thuật Bài chòi Trung Bộ Việt Nam (trong đó có Khánh Hòa) vinh dự được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại; 1 hiện vật được công nhận là bảo vật quốc gia là Bộ sưu tập đàn đá Khánh Sơn. Nhiều công trình di tích văn hóa, lịch sử được đầu tư trùng tu nâng cấp như: Văn miếu Diên Khánh, Thành cổ Diên Khánh, Tháp bà Ponagar Nha Trang, Địa điểm lưu niệm tàu C235 (đường Hồ Chí Minh trên biển)…
Khánh Hòa xây dựng đời sống văn hóa tinh thần
Ông Nguyễn Tấn Tuân, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa phát biểu
Ông Nguyễn Tấn Tuân, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa cho biết, Hội nghị này có tầm quan trọng đặc biệt và ý nghĩa về nhiều phương diện, nhằm cụ thể hóa các nội dung cốt lõi, trọng tâm của Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 gắn với thực hiện những quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng về văn hóa được nêu trong Nghị quyết số 09-NQ/TW, ngày 28/1/2022 của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Tỉnh Khánh Hòa đã tổ chức nhiều sự kiện văn hóa nổi bật như: Lễ hội Vịnh ánh sáng quốc tế Nha Trang 2024; Festival biển Nha Trang - Khánh Hòa, đã trở thành thương hiệu, dấu mốc quan trọng trong đời sống văn hóa tinh thần của người dân địa phương.
Thời gian qua, tỉnh đã tập trung phát triển văn hóa theo hướng bền vững, thực hiện tốt công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa gắn với giáo dục truyền thống; chú trọng phát triển tài nguyên văn hóa, lịch sử. Tỉnh cũng phát triển các sản phẩm du lịch đẳng cấp, chất lượng cao, đa dạng, có sức cạnh tranh, mang đậm bản sắc văn hoá dân tộc gắn với du lịch biển, đảo, du lịch núi rừng, sinh thái cộng đồng, du lịch di sản văn hóa, tâm linh..., thu hút sự tham gia của cộng đồng doanh nghiệp. Để những giá trị văn hóa, kể cả văn hóa truyền thống được lan tỏa, gắn liền với cuộc sống đương đại, Nghị quyết các đại hội Đảng bộ tỉnh Khánh Hòa gần đây đặt ra mục tiêu xây dựng tỉnh Khánh Hòa là địa phương đáng sống, với các giá trị, chuẩn mực “văn minh, thân thiện, mến khách, hiền hòa, hạnh phúc, thuần hậu”. Bên cạnh đó, vấn đề xây dựng văn hóa, con người Khánh Hòa đang đặt ra yêu cầu bức thiết gắn với việc xây dựng tỉnh giàu đẹp, phát triển hiện đại, sớm trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.
PGS.TS Nguyễn Duy Bắc, Phó Giám đốc Thường trực Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh phát biểu tham luận
PGS.TS Nguyễn Duy Bắc, Phó Giám đốc Thường trực Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh cho rằng, trong bối cảnh đổi mới và hội nhập quốc tế đang diễn ra mạnh mẽ như hiện nay, để thực hiện được mục tiêu chiến lược trở thành nước phát triển, thu nhập cao, đòi hỏi chúng ta phải xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hoá và chuẩn mực con người gắn với giữ gìn, phát triển hệ giá trị gia đình Việt Nam trong thời kỳ mới; phát huy hiệu quả các nguồn lực, đặc biệt là các nguồn lực nội sinh, mà giá trị văn hóa, sức mạnh con người chính là một trong các nguồn lực nội sinh quan trọng nhất của đất nước ta.
Văn học dân gian, Khánh Hòa có những thần thoại, truyền thuyết, cổ tích gắn liền với các danh thắng như: Truyền thuyết về Bà Mẹ Xứ sở Thiên Y A Na ở Am Chúa (Diên Khánh) và tín ngưỡng dân gian là các lễ hội như tục thờ Bà chúa xứ sở Yang Pô Inư Nagar, tức bà Thiên Y A Na (TP.Nha Trang) là sự giao thoa của văn hóa người Chăm và người Việt. Lễ hội Tháp Bà Ponagar diễn ra từ ngày 20 đến 23/3 âm lịch hàng năm, thu hút hàng trăm ngàn lượt du khách tới hành hương, tham quan là điểm nhấn độc đáo của văn hóa, du lịch Khánh Hòa.
Hiện nay, dưới tác động của khoa học công nghệ và sự phát triển của nền kinh tế thị trường toàn cầu, nhiều lĩnh vực sáng tạo và sản xuất các sản phẩm văn hóa đã được “công nghệ hóa”, “kinh tế hóa” để xây dựng hệ giá trị văn hóa, giá trị gia đình và chuẩn mực con người Khánh Hòa trong thời đại mới không tách rời nội dung, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp. Vì vậy, tập trung vào xây dựng đời sống văn hóa tinh thần tiến bộ và lành mạnh, trước hết từ cơ sở, gia đình, nhà trường, thôn xóm, cơ quan, xí nghiệp, công sở… là nhiệm vụ cấp thiết..
Văn hóa vừa là mục tiêu, vừa là động lực phát triển
Theo ông Phan Hải Thoại, Phó Chủ tịch UBND TX. Ninh Hòa, qua gần 10 năm triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, bộ mặt nông thôn trên địa bàn TX. Ninh Hòa có sự thay đổi rõ rệt, trên nhiều phương diện, trong đó có lĩnh vực văn hóa. Văn hóa đóng vai trò quan trọng trong xây dựng nông thôn mới, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống, làm phong phú đời sống tinh thần của người dân. Xác định văn hóa vừa là mục tiêu, vừa là động lực phát triển, TX. Ninh Hòa coi công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa là nhiệm vụ quan trọng, có tính chất quyết định quá trình xây dựng nông thôn mới.
Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, bộ mặt nông thôn trên địa bàn TX. Ninh Hòa có sự thay đổi rõ rệt, trên nhiều phương diện, trong đó có lĩnh vực nông nghiệp.
Vì vậy, bên cạnh phát triển kinh tế - xã hội, bảo tồn và phát triển giá trị văn hóa cần khơi gợi bồi đắp những giá trị văn hóa tốt đẹp trong mỗi người dân, mỗi gia đình và trong từng thôn, xóm, khu dân cư. Để văn hóa thật sự trở thành nền tảng tinh thần trong xã hội, vừa bảo đảm mục tiêu xây dựng nông thôn mới hiện đại, nhưng vẫn giữ gìn được nét văn hóa truyền thống của nông thôn, hướng đến xây dựng nông thôn mới bền vững, hiệu quả, đáp ứng nguyện vọng của người dân, Ninh Hòa sẽ tiếp tục thực hiện các chính sách trong lĩnh vực văn hóa, nâng cấp hệ thống các thiết chế văn hóa; nâng cao chất lượng phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, xây dựng gia đình văn hóa, làng văn hóa; đẩy mạnh nếp sống văn minh; đổi mới phương thức tổ chức, hoạt động đối với phát triển văn hóa để văn hóa thực sự thu hút, góp phần vào xây dựng và phát triển nông thôn mới.
Những năm qua, Đảng bộ tỉnh Khánh Hòa đã đề ra các nhiệm vụ, giải pháp nhằm tập trung hướng tới mục tiêu phát triển bền vững, gắn kết hài hòa phát triển kinh tế đi đôi với xây dựng, phát triển văn hóa, con người vùng đất “xứ Trầm, biển yến”.
Qua tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW, ngày 9/6/2014 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam trên địa bàn tỉnh Khánh Hoà, các đại biểu đúc kết 5 bài học kinh nghiệm lớn. Cụ thể là phải nhận thức một cách đầy đủ, thấu đáo, toàn diện các quan điểm của Đảng về xây dựng và phát triển văn hóa, con người. Đổi mới và tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng, sự quản lý, điều hành của chính quyền các cấp và sự phối hợp thực hiện đồng bộ giữa các ngành, địa phương, đơn vị có ý nghĩa quyết định. Quan tâm củng cố, kiện toàn và ổn định tổ chức bộ máy về văn hóa; đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng và có chính sách phù hợp đối với đội ngũ làm công tác văn hóa từ tỉnh đến cơ sở. Đẩy mạnh thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” và cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”. Ưu tiên nguồn lực cho công tác bảo tồn và phát triển các giá trị văn hóa truyền thống, lồng ghép các chương trình phát triển kinh tế - xã hội với phát huy bản sắc văn hóa của địa phương…
Ông Nguyễn Khắc Toàn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Khánh Hòa phát biểu
Kết luận hội nghị, ông Nguyễn Khắc Toàn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Khánh Hòa đề nghị các các địa phương, cơ quan, đơn vị tập trung triển khai Hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa; trong đó nhấn mạnh vào các thành tố: đáng sống, văn minh, thân thiện, mến khách, hiền hòa, hạnh phúc, thuần hậu và tính dung hợp. Bên cạnh đó, cần đổi mới và tăng cường truyền thông, quảng bá, giới thiệu đặc trưng văn hóa tỉnh Khánh Hòa, gắn với đẩy mạnh công tác thông tin đối ngoại, ngoại giao văn hóa nhằm thu hút các nhà nghiên cứu, nhà đầu tư trong nước và quốc tế quan tâm đến văn hóa và con người Khánh Hòa, đầu tư vào tỉnh.
Các đơn vị, địa phương cần nâng cao mức hưởng thụ, tham gia hoạt động, sáng tạo văn hóa của Nhân dân, thu hẹp chênh lệch về hưởng thụ văn hóa giữa các vùng miền. Tăng cường đầu tư Nhà nước, nâng tỷ lệ ngân sách cho văn hóa, đẩy mạnh xã hội hoá các hoạt động văn hóa, huy động các nguồn lực cho phát triển văn hóa, xem đầu tư cho văn hóa là đầu tư cho con người, đầu tư cho phát triển bền vững. Quan tâm xây dựng môi trường văn hóa, đời sống văn hóa cơ sở, nâng cao chất lượng Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” đi vào chiều sâu. Đổi mới và đa dạng hóa nội dung và phương thức tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao gắn với thực tiễn đời sống xã hội và nhu cầu của người dân…
Nhân dịp này, UBND tỉnh Khánh Hòa trao tặng bằng khen cho 26 tập thể, 12 cá nhân vì đã có thành tích xuất sắc trong 10 năm thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 09/6/2014 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.
Tối 22/11, tại Bảo tàng tỉnh Phú Yên, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh tổ chức khai mạc trưng bày chuyên đề “Bến Vũng Rô và hoạt động tiếp nhận chi viện từ những chuyến Tàu Không số”. Hoạt động nhằm hướng đến kỷ niệm 60 năm Bến Vũng Rô tiếp nhận chuyến hàng đầu tiên của Tàu Không số (28/11/1964 – 28/11/2024).
Thời gian qua, tỉnh Nghệ An triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp, cơ chế, chính sách thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, bước đầu đạt được những kết quả tích cực. Đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) nâng cao ý thức tự lực, tự cường vươn lên phát triển kinh tế, xây dựng cuộc sống, góp phần xóa đói giảm nghèo, tạo nên diện mạo mới cho nông thôn miền núi xứ Nghệ.
Cuộc thi trực tuyến tìm hiểu về bảo hiểm tiền gửi (BHTG) 2024 là một hoạt động quan trọng trong việc nâng cao nhận thức của công chúng về chính sách BHTG và hoạt động của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN), qua đó truyền tải nội dung chính sách BHTG một cách mới mẻ, hấp dẫn và thu hút sự quan tâm của công chúng.