Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Chủ nhật, ngày 24 tháng 11 năm 2024  
Chủ nhật, ngày 22 tháng 1 năm 2023 | 9:0

Xuân mới và Ước vọng vươn xa

Ba năm dịch bệnh, hiện giờ, trong mỗi người, ký ức về nó đã qua đi, mọi khó khăn rồi cũng qua đi, năm 2023 đã đến, Kinh tế nông thôn và bạn đọc lại kỳ vọng năm mới tốt đẹp, mùa màng bội thu…

Dưới đây là cuộc trò chuyện mà nhóm phóng viên ghi lại về ước vọng của bạn đọc nhân dịp Xuân Quý Mão - 2023.

Ông Nguyễn Đình Đức, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Thừa Thiên - Huế:

Đẩy mạnh phát triển du lịch cộng đồng

Năm 2022, ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, điều kiện thời tiết không thuận lợi, giá cả vật tư nông nghiệp tăng cao. Tuy nhiên, bằng sự nỗ lực, trách nhiệm, Sở Nông nghiệp và PTNT Thừa Thiên-Huế đã tổ chức thực hiện nhiều giải pháp ứng phó giảm thiểu thiệt hại, duy trì ổn định sản xuất , đảm bảo an ninh lương thực, đời sống cư dân nông thôn được nâng cao.

Sở đã tham mưu và triển khai thực hiện các chương trình đề án, dự án và các văn bản chỉ đạo đưa: Nghị quyết 19-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về nông nghiệp vào cuộc sống. Tham mưu UBND tỉnh xây dựng chương trình, kế hoạch thực hiện một số nhiệm vụ giai đoạn 2021-2025, kế hoạch thực hiện chiến lược phát triển nông nghiệp bền vững giai đoạn 2021-2030, chương trình xây dựng NTM, OCOP…

Đến nay, Thừa Thiên-Huế đã có 64/94 xã đạt chuẩn NTM và 2 huyện đạt chuẩn NTM; toàn tỉnh cũng có 56 sản phẩm nông nghiệp được công nhận sản phẩm OCOP. Tổng giá trị sản xuất nông nghiệp ở Thừa Thiên-Huế ước đạt 7.280 tỷ đồng, giá trị các mặt hàng nông lâm thủy sản ước đạt 190 triệu USD tăng 22,7% so với năm 2021. 

Mong muốn Trung ương cũng như tỉnh Thừa Thiên - Huế sẽ có những cơ chế, chính sách kịp thời tháo gỡ những vướng mắc liên quan, tạo điều kiện thông thoáng để hỗ trợ nông dân, HTX, doanh nghiệp thực hiện sản xuất, kinh doanh nông nghiệp có hiệu quả cao, như: Chính sách tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của các HTX lâm nghiệp bền vững trong việc thuê đất; phân bổ nguồn lực để thực hiện chương trình, đề án, kế hoạch thuộc các lĩnh vực nông nghiệp; thu hút các doanh nghiệp lớn về đầu tư ở địa phương.

Thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng bền vững, phát triển nông nghiệp số, tỉnh Thừa Thiên-Huế đang thực hiện sản xuất theo hướng tăng giá trị, nghiêng về chất lượng hơn số lượng để nâng tầm các sản phẩm. Phục hồi loại đặc sản các sản phẩm trước đây vua, chúa thường dùng bằng việc tìm lại cây đầu dòng và nhân rộng sản xuất. Chú trọng nhân rộng các giống cây phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng địa phương mà nơi khác không có. Việc chế biến cũng thực hiện chuyên sâu, đa dạng sản phẩm theo các mô hình đã có như chế biến rau má ở HTX nông nghiệp Quảng Thọ 2 ở xã Quảng Thọ, huyện Quảng Điền, để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng và xuất khẩu.

Cùng với đó, Sở tiếp tục phối hợp chặt chẽ với ngành du lịch địa phương để phát triển du lịch cộng đồng nhằm quảng bá hình ảnh và nâng cao chất lượng sản phẩm nông nghiệp, nông thôn.

 

Ông Trần Văn Hùng, Giám đốc Công ty CP Chè Cao Sơn (Mường Khương - Lào Cai):

Muốn có vùng nguyên liệu hữu cơ để chế biến sản phẩm ở phân khúc cao cấp

Công ty hiện có 2 nhà máy chế biến chè xuất khẩu công suất 60 tấn/ngày và 40 tấn/ngày. Mỗi ngày, 2 nhà máy chế biến 30 tấn chè tươi cho ra thành phẩm chè đen và chè xanh viên, xuất sang Trung Quốc và hơn 10 nước Trung Đông, doanh thu 6 tỷ đồng/tháng.

Về lâu dài, chúng tôi đang tìm kiếm đối tác để làm ra sản phẩm chè theo phân khúc cao cấp hơn đưa vào các thị trường khó tính như Hàn Quốc, Nhật Bản... Từ đó, giá thu mua chè nguyên liệu cho bà con cũng cao hơn gấp 3 lần so với trước đây.

Tuy nhiên, để có được vùng nguyên liệu tốt, sạch, hạn chế dùng thuốc bảo vệ thực vật, chăm sóc theo hướng hữu cơ... thì chúng tôi rất cần sự chung tay của chính quyền địa phương để tuyên truyền vận động bà con thay đổi phương thức canh tác. Bởi vùng nguyên liệu hiện nay chưa đáp ứng được công suất sản xuất cho nhà máy. Việc chăm sóc, chăm bón cũng chưa đúng theo quy trình tạo ra chất lượng sản phẩm như khách hàng yêu cầu nên chúng tôi cũng chưa tiếp cận được những thị trường có yêu cầu khắt khe.

Đối với sản phẩm đã có thương hiệu như quýt Mường Khương, chúng tôi cũng mong muốn mở rộng vùng quýt và phát triển thêm dòng quýt lai cam thu hoạch đúng dịp Tết Nguyên đán phục vụ thị trường Tết. Hiện, chính quyền địa phương đã đứng ra thành lập các tổ hợp tác từng thôn, xã liên kết giữa  nông dân và doanh nghiệp thực hiện các quy trình chăm sóc đúng kỹ thuật  từ khâu chăm sóc, đốn tỉa, bón phân đến thu hái làm sao đảm bảo sản phẩm đúng chất lượng, giữ nguyên được hương vị khác biệt mà điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của Mường Khương mang lại (quýt Trung Quốc khó có thể trà trộn). Từ đó, kiểm soát chặt chẽ được cách sử dụng thuốc bảo vệ thực vật để đảm bảo quả quýt ra thị trường là sản phẩm sạch. Bà con sẽ cung ứng hàng hoá, thông qua những ứng dụng số trên điện thoại thông minh.

Đó là nền tảng để năm 2023, chúng tôi phát triển diện tích quýt được kiểm soát từ khâu xuống giống, bón phân, chăm sóc đến khi thu hoạch đúng theo tiêu chuẩn mà cán bộ kỹ thuật của chúng tôi hướng dẫn bà con áp dụng. Nếu thành công, tôi cam kết sẽ mua quýt cho nhà vườn với giá cao gấp 2-3 lần hiện nay. Bởi ngoài sản lượng quýt sạch, chất lượng cao thì những sản phẩm mẫu mã không đẹp, quả nhỏ, hình thức xấu, chúng tôi sẽ đưa vào chế biến sâu như: rượu quýt, vỏ thì làm tinh dầu quýt, siro quýt... hoặc sấy khô làm trần bì bán cho các cửa hàng dược liệu.

 

Ông Vương Xuân Phương xã Tả Phìn (thị xã Sapa - Lào Cai):

Mong được tiếp cận nguồn vốn lãi suất thấp

Trước đây, những khu vườn trồng lan Trần Mộng và Nhất Chi Mai, đào phai cánh kép Sapa chỉ là thú chơi của người dân Sapa. Nhiều năm gần đây, khách hàng khắp nơi đã biết đến, lượng mua lớn khiến nghề trồng lan và cây cảnh chơi Tết khá phát triển ở Sapa. Tuy cả năm làm lụng cho một vụ vào dịp Tết nhưng thu về nhiều tỷ đồng tiền lãi. Những chủ vườn như chúng tôi luôn tập trung vào việc tăng số lượng cây, chú trọng kỹ thuật chăm sóc để làm sao sản phẩm ra thị trường được đẹp nhất mà giá cả vừa phải.

Tuy nhiên, nhà vườn cũng gặp phải rất nhiều khó khăn khi mở rộng diện tích, quy mô bởi quỹ đất hạn chế. Đặc biệt là, chưa tiếp cận được nguồn vốn vay ưu đãi.

Trồng được chậu lan đẹp ngoài việc chăm sóc cẩn thận, tỷ mỷ, phòng trừ sâu bệnh (có những mùa như tầm tháng 9 hàng năm, sâu bệnh phát triển, chúng tôi phải chong đèn bắt thâu đêm) thì còn phụ thuộc rất nhiều vào thời tiết cả những tháng hè nắng nóng hay những mùa mưa nhiều..., ảnh hưởng lớn đến sức sống của cây và chất lượng hoa. Nếu không cẩn thận, nhà vườn cũng mất trắng hàng tỷ đồng đầu tư. Chình vì vậy,  chúng tôi rất mong được chính quyền địa phương tạo điều kiện hỗ trợ về đất đai, nguồn vốn vay ưu đãi và quy hoạch mở rộng thêm các dự án trồng lan, tạo thành vùng trồng tập trung, có sự liên kết bằng các tổ hợp tác hỗ trợ thông tin thị trường, tuyên truyền quảng bá để lan Trần Mộng, Nhất Chi Mai, đào phai Sapa được biết đến nhiều hơn nữa”.

 

Ông Nguyễn Quang Anh Kiệt, Giám đốc HTX Nông nghiệp công nghệ cao Quế Sơn (Quế Sơn - Quảng Nam):

Quyết tâm cung ứng sản phẩm nông nghiệp VietGAP

Trong năm mới 2023, HTX Nông nghiệp công nghệ cao Quế Sơn quyết tâm phấn đấu thực hiện mở rộng diện tích canh tác nông nghiệp, đẩy mạnh chuỗi cung ứng các sản phẩm nông nghiệp sạch, chuẩn VietGAP, mở rộng thị trường ra ngoài nước nhằm quảng bá mạnh mẽ thương hiệu nông sản Việt Nam nói chung, và Quế Sơn nói riêng.

Trước tiên là vươn đến các nước láng giềng như Lào, Campuchia, và đặc biệt là thị trường Trung Quốc, nơi điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng khan hiếm các mặt hàng nông sản chỉ có thể gieo trồng tại Việt Nam. Hy vọng năm 2023  là năm khởi sắc cho thị trường xuất khẩu nông sản Việt, chỉ mong điều kiện thời tiết của năm tới sẽ ổn định và hài hoà hơn những năm vừa qua.

 

Ông Đinh Văn Nhâm, Giám đốc HTX Nông nghiệp cam Khe Mây Long Nhâm (xã Hương Đô, huyện Hương Khê, Hà Tĩnh):

Mong một năm mưa thuận gió hòa

Tôi và bà con nông dân rất phấn khởi khi sau những khó khăn do đại dịch Covid-19, các chủ trương, chính sách về phát triển nông nghiệp vẫn được địa phương triển khai mạnh mẽ.

HTX Nông nghiệp Cam Khe Mây Long Nhâm có tổng diện tích 68ha cam của 30 hộ thành viên, sản lượng cam  đưa ra thị trường Tết Nguyên đán năm nay đạt  600-700 tấn, tăng gần gấp đôi so với năm trước. Nhờ sản xuất theo quy trinình VietGAP và được dán tem truy xuất nguồn gốc, thương hiệu cam Khe Mây khi đưa ra thị trường đã tạo được niềm tin với người tiêu dùng.

Bước sang năm mới Quý Mão 2023, tôi cầu cho mưa thuận gió hòa để người nông dân thuận lợi trong sản xuất, được mùa, được giá. Tôi cũng mong tiếp tục nhận được sự quan tâm của các cấp chính quyền, các hội, đoàn thể địa phương, tạo điều kiện cho HTX và bà con tiếp cận nguồn vốn ưu đãi cũng như tiến bộ kỹ thuật để phát triển hơn nữa vườn cây của gia đình. Từ đó, góp chút công sức vào thành quả xây dựng nông thôn mới.

Mong rằng, năm 2023, ngành Nông nghiệp Hà Tĩnh nói chung và phong trào xây dựng nông thôn mới nói riêng sẽ gặt hái thêm nhiều thành quả mới, làm thay đổi nhiều hơn nữa bộ mặt nông thôn, nâng cao chất lượng đời sống nhân dân.

 

Ông Trần Văn Lực, Giám đốc Công ty TNHH sản xuất MTV tinh dầu Kim Vui (TT - Huế ):

Kiểm soát, hỗ trợ người dân  giá vật tư nông nghiệp tăng

Tinh dầu Kim Vui đặt yếu tố chất lượng là hàng đầu, với tiêu chí: “Mình dùng, khách hàng dùng, bán sản phẩm để mua lại lòng tin của khách hàng”. Xuất phát từ  cơ sở sản xuất truyền thống nhưng qua quá trình đổi mới sáng tạo, công ty không ngừng đầu tư, nghiên cứu cho ra đời các sản phẩm mới. Tinh dầu Kim Vui đã cung cấp đến khách hàng nhiều loại tinh dầu khác nhau, đáp ứng được sự lựa chọn tối đa của khách hàng, như: Tinh dầu Tràm, tinh dầu Massage, tinh dầu Bạc Hà, tinh dầu Quế, tinh dầu Dừa, tinh dầu Trầm Hương, tinh dầu Sả...

Trải qua 3 năm ứng phó và vượt lên những thách thức của đại dịch, lường trước được  khó khăn nên công ty đã triển khai kế hoạch kinh doanh phù hợp với điều kiện thích ứng với đại dịch, chúng tôi mở thêm các kênh bán hàng cũng như đẩy mạnh việc sản xuất. Doanh nghiệp sẽ chung tay cùng khách hàng vượt qua giai đoạn khó khăn để có thể bắt nhịp tốt với hoạt động sản xuất kinh doanh trong trạng thái bình thường mới.

Năm 2022, sản xuất và kinh doanh đi vào hoạt động bình thường, doanh nghiệp đã củng cố hệ thống sản xuất và nhân sự lao động. Doanh nghiệp đã đầu tư xưởng sản xuất và máy móc để cho ra sản phẩm chất lượng cao, mẫu mã đẹp khi đưa sản phẩm ra thị trường và đến tay người tiêu dùng trong nước và quốc tế. Sản phẩm Tinh dầu Kim Vui được bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp khu vực miền Trung - Tây Nguyên lần thứ tư, và được bình chọn sản phẩm OCOP 4 sao.

Năm 2023, doanh nghiệp tiếp tục tham gia các chương trình xúc tiến thương mại của tỉnh, và giới thiệu kết nối các chương trình xúc tiến thương mại với các nước, mà tỉnh và các sở ban ngành tổ chức và hỗ trợ xúc tiến cho doanh nghiệp. Chúng tôi cũng đang có kế hoạch giới thiệu một số sản phẩm mới rất đặc biệt để đáp ứng nhu cầu chăm sóc bảo vệ sức khỏe của khách hàng.

Hiện, giá vật tư, cước vận chuyển hàng hóa, đặc biệt cước vận tải đang tăng cao, điều này đang ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp Việt nói chung. Mong Chính phủ và tỉnh Thừa Thiên - Huế  có chính sách hỗ trợ nhằm kiểm soát việc tăng giá này.

 

Ông Nguyễn Công Điểm, Giám đốc Khu nông nghiệp công nghệ cao Phước Ninh (Quế Sơn - Quảng Nam):

Muốn đưa sản phẩm vươn xa

Ngoài phát triển nấm là cây trồng chủ lực tại nông trại, chúng tôi vẫn đang nỗ lực đầu tư cho công tác nghiên cứu nuôi cấy Đông Trùng Hạ Thảo, một loại cây y học có giá trị cao về mặt dược liệu cũng như kinh tế, nhưng buộc phải sinh trưởng trong điều kiện đặc biệt.

Nhận thấy tiềm năng về địa lý và khí hậu của địa phương khá phù hợp, chúng tôi hy vọng trong năm mới 2023 sẽ thành công phát triển loại cây trồng đặc biệt này trong các nông trại của công ty, từ đó mở rộng thị trường tiêu thụ vươn xa ra khắp các tỉnh, thành trên cả nước, đóng góp thêm vào sự phát triển của nông nghiệp cũng như y tế của nước nhà.

 

Chủ tịch danh dự Hội Làm vườn tỉnh Quảng Ngãi Đoàn Văn Nhân:

Chú trọng phát triển kinh tế VAC, kinh tế trang trại

Thực hiện Nghị quyết  Đại hội Hội Làm vườn Việt Nam lần thứ VII, nhiệm kỳ 2020-2025, Hội Làm vườn tỉnh Quảng Ngãi xác định nhiệm vụ của tổ chức Hội là phải tham gia tích cực vào Chương trình mục tiêu xây dựng nông thôn mới, góp phần tích cực vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn, đẩy mạnh phát triển kinh tế VAC bền vững.

Căn cứ vào tình hình cụ thể, Nghị quyết Đại hội lần thứ VI, nhiệm kỳ 2022 - 2027 tỉnh Quảng Ngãi xác định: Trong 5 năm tới, Hội Làm vườn Quảng Ngãi tập trung vào những nhiệm vụ chủ yếu: Tiếp tục củng cố và phát triển tổ chức Hội từ tỉnh đến cơ sở, đặc biệt là những huyện chưa có tổ chức Hội. Phát triển các mô hình tổ chức hoạt động có hiệu quả như mô hình câu lạc bộ những người làm vườn giỏi, câu lạc bộ trang trại...

Đẩy mạnh phong trào phát triển VAC, trang trại, tập trung một số giải pháp để phát triển kinh tế trang trại theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, hình thành các vùng sản xuất, chăn nuôi chuyên canh. Tăng cường thông tin phổ biến kiến thức khoa học kỹ thuật, xây dựng, tổng kết nhân rộng các mô hình; xem việc tập huấn xây dựng mô hình là phương thức tiếp cận nhanh nhất để đưa tiến bộ khoa học công nghệ đến với người nông dân.

Căn cứ vào kế hoạch tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh, tỉnh Hội phối hợp với các huyện Hội, ngành nông nghiệp phát động và thực hiện phong trào toàn dân chung sức xây dựng nông thôn mới. Hội Làm vườn phải đóng góp tích cực vào các phong trào trên, từng hội viên phải tích cực cải tạo vườn tạp, phát triển kinh tế VAC bền vững, hiệu quả.

Phát triển kinh tế VAC, kinh tế trang trại trở thành giải pháp tăng nhanh thu nhập cho hộ nông dân nhằm đạt tiêu chí quan trọng trong 19 tiêu chí về nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu cũng là giải pháp tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng phát triển bền vững.

Trong quá trình vận động phát triển VAC và trang trại, mong các cấp hội coi trọng phương châm nhân rộng mô hình điểm, chỉ đạo triển khai mô hình ra diện. Mỗi địa phương cần điều tra phát hiện ít nhất 5 - 10 điển hình tiên tiến làm VAC giỏi hoặc sử dụng nguồn lực xây dựng 2 - 3 mô hình làm VAC tiêu biểu cho vùng sản xuất làm cơ sở cho việc nhân rộng điển hình thành phong trào quần chúng.

 

Ông Lê Bá Lam, Giám đốc Trung tâm dịch vụ nông nghiệp (TX. Hương Thủy, TT-Huế):

Cần vốn để chuyển giao khoa học kỹ thuật

Năm 2022, Trung tâm đã đẩy mạnh công tác chuyển giao tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ, công nghệ cao. Nhiều mô hình nông nghiệp tuần hoàn được áp dụng thành công và đem lại hiệu quả kinh tế cao vì đã tận dụng tốt nguồn chất thải, phế phụ phẩm để tái sử dụng nhằm giảm chi phí đầu vào, nâng cao hiệu quả sản xuất ở thị xã Hương Thủy, như: Sản xuất gà giống trên nền đệm lót sinh học - sản xuất phân hữu cơ - cây ăn quả hữu cơ theo chuỗi giá trị; mô hình: lợn hữu cơ - sản xuất phân hữu cơ - rau hướng hữu cơ theo chuỗi giá trị và mô hình: sản xuất nấm rơm - sản xuất phân vi sinh - rau màu theo hướng hữu cơ liên kết theo chuỗi giá trị. Đây là những mô hình có tính ứng dụng cao, thiết thực gần gũi với người nông dân. Là những mô hình nông nghiệp tuần hoàn nhằm hướng đến phát thải bằng 0.

Năm 2023, đề nghị các HTXNN mạnh dạn hơn trong việc mở rộng dịch vụ, đầu tư, thực hiện các mô hình nông nghiệp, đặc biệt là hình thức liên kết sản xuất với các nông hộ. UBND các xã, phường quan tâm hơn trong việc nhân rộng mô hình để đẩy nhanh việc chuyển đổi sản xuất có hiệu quả; việc chọn hộ thực hiện nên tập trung để trở thành vùng sản xuất lớn, vùng nông nghiệp xanh, sạch và chất lượng, hiệu quả trong phát triển hàng hóa nông nghiệp, tạo chuỗi, tạo nhãn hiệu, thương hiệu cho thị trường.

Tỉnh Thừa Thiên-Huế cũng như thị xã Hương Thủy cần bố trí nguồn vốn ngân sách nhiều hơn để trung tâm thực hiện nhiệm vụ chuyển giao khoa học kỹ thuật, khoa học công nghệ nhằm xây dựng và phát triển ứng dụng công nghệ số để tự động hóa quy trình sản xuất, cơ cấu lại nông nghiệp, tập trung giá trị gia tăng. Cùng với đó, mong chính quyền sớm có những chính sách tháo gỡ những vướng mắc trong việc thuê đất, tạo điều kiện thông thoáng để hỗ trợ HTX, doanh nghiệp thực hiện sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa...

 

Nhóm PV
Ý kiến bạn đọc
Top