Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ năm, ngày 28 tháng 3 năm 2024  
Thứ tư, ngày 14 tháng 7 năm 2021 | 15:22

Áp lực chênh lệch giá lợn, người nuôi đối mặt nhiều khó khăn

Giá lợn hơi trên thị trường trong nước tiếp tục xu hướng giảm và nhiều địa phương gặp khó trong việc tiêu thụ.

vna_potal_son_la_thu_nhap_hang_ty_dong_tu_chan_nuoi_lon_153944874_4941119.jpg
Chăn nuôi lợn gặp nhiều khó khăn do giá thấp và lo lắng "đầu ra".

 

Giá lợn giảm sâu

Theo Công ty cổ phần tập đoàn Mavin, giá lợn hơi tuần qua giảm sâu trên cả 3 miền với mức giảm từ 2.000-4.000 đồng/kg so với ngày 1/7. Tại thị trường lợn hơi miền Bắc, giá thu mua dao động từ 60.000-62.000 đồng/kg. Tại miền Trung, giá lợn hơi từ 60.000-62.000 đồng/kg. Khu vực miền Nam, giá lợn hơi giảm mạnh ở nhiều tỉnh, giao dịch từ 54.000-60.000 đồng/kg.

Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi Tống Xuân Chinh đánh giá, giá lợn hơi xuống thấp trong khi giá con giống vẫn rất cao trên 2 triệu đồng/con, cùng với giá thức ăn tiếp tục tăng là khó khăn với các nông hộ chăn nuôi, thậm chí có hộ còn lỗ. Tuy nhiên, với các trang trại, doanh nghiệp khép kín từ sản xuất con giống, thức ăn, giết mổ thì việc thu lãi qua các công đoạn này giúp họ vẫn tồn tại tốt.

Giá lợn giảm là kết quả hồi phục đàn lợn và nhu cầu tiêu dùng giảm do dịch COVID-19 khiến nhiều nhà hàng, khách sạn tiêu thụ thấp. Với tình hình này, ông Tống Xuân Chinh cho rằng, giá lợn có thể giảm về mức 55.000-56.000 đồng/kg.

Ngoài ra, ngành chăn nuôi còn chịu tác động của việc tự do thương mại. Chăn nuôi Việt Nam phải cạnh tranh mạnh với các sản phẩm thịt nhập khẩu, nhất là gia cầm, đặc biệt là từ Mỹ, Brazil... với nền sản xuất nguyên liệu thức ăn chăn nuôi mạnh.

Về giá thức ăn liên tục tăng cao, ông Tống Xuân Chinh cho biết, Cục Chăn nuôi đã họp trực tuyến nhiều lần với hiệp hội, doanh nghiệp thức ăn trong nước và đầu tư nước ngoài. Các doanh nghiệp dự báo nguyên liệu cho sản xuất thức ăn chăn nuôi như ngô, cám lúa mỳ, DDGS (bã rượu khô), đậu tương... vẫn còn tiếp tục tăng từ 5-6% trong 1-2 tháng tới.

Giá thức ăn hỗn hợp hoàn chỉnh cho lợn, gà sẽ có khả năng tăng thêm 2 đợt với mỗi đợt từ 5.000-6.000 đồng/bao, sau đó mới ổn định. Khi đó giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi và giá thành sản xuất thức ăn hỗn hợp mới tiếp cận nhau.

Vì các doanh nghiệp đang sản xuất thức ăn chăn nuôi đã mua nguyên liệu một thời gian trước đó. Với việc tăng giá các loại nguyên liệu thức ăn khoảng 35%, riêng DDGS tăng rất mạnh thì giá thức ăn chăn nuôi còn đang tăng hạn chế, ông Tống Xuân Chinh phân tích.

Ông Tống Xuân Chinh nhận định, với xu hướng như vậy có thể dự báo chăn nuôi lợn nông hộ sẽ thu hẹp. Các nông hộ sẽ phải chuyển đổi sang chăn nuôi những con được ngành nông nghiệp khuyến cáo như gia súc ăn cỏ, lợn đặc sản, thỏ, dê... đặc biệt là chuyển đổi mạnh cây trồng kém hiệu quả sang trồng các loại cây thức ăn trong chăn nuôi như ngô sinh khối.

Khi chăn nuôi công nghiệp phát triển thì nông dân rất khó cạnh tranh về giá thành sản xuất nên bà con cần có sự chuyển đổi phù hợp sang các loại vật nuôi khác. Ngành sẽ chỉ đạo để có dự báo thị trường thức ăn chăn nuôi, sản phẩm thịt các loại chính xác hơn để bà con có thể có định hướng sản xuất phù hợp với thực tế.

Tiêu thụ gặp khó

Hiệp hội chăn nuôi Đồng Nai vừa gửi văn bản đề nghị đến UBND tỉnh Đồng Nai và các bộ ngành liên quan đề xuất mở điểm phân phối, tiêu thụ thịt lợn tại địa chỉ số 518, khu phố 3, phường Tân Hiệp, thành phố Biên Hòa, Đồng Nai.

Theo đó, các trang trại chăn nuôi của tỉnh đều gặp khó khăn về khâu tiêu thụ. Nguyên nhân chủ yếu là các chợ đầu mối lớn ở TP HCM như chợ Hóc Môn, chợ Bình Điền, chợ Thủ Đức, địa điểm phân phối lớn đều tạm ngưng hoạt động để phòng, chống dịch Covid-19.

Giá giá sản phẩm chăn nuôi như lợn, gia cầm bán tại trại đồng loạt giảm, đặc biệt lợn hơi hiện có giá thấp chưa từng thấy kể từ sau đợt dịch tả heo châu Phi, chỉ ở mức 55.000 đồng – 56.000 đồng/kg.

Hàng loạt thương lái của Đồng Nai kinh doanh ở các chợ này đều thuộc diện phải cách ly phòng dịch nên hầu như tạm dừng mọi hoạt động mua bán, kinh doanh mặt hàng thịt lợn. Do đó, hoạt động thu mua lợn tại địa phương hầu như đình trệ.

Các trang trại, hộ chăn nuôi nhỏ lẻ của tư nhân bị thiệt hại nặng nề nhất vì không được bao tiêu đầu ra như các trại chăn nuôi gia công. Tình trạng dịch bệnh Covid-19 lan rộng khiến người chăn nuôi lo thị trường lợn hơi rơi vào cơn khủng hoảng đầu ra vì không tiêu thụ được.

Trong khi đó, giá bán lẻ tại các chợ truyền thống đến tay người tiêu dùng lại tăng do các chợ đầu mối ở TP HCM đóng cửa khiến nguồn cung bị ảnh hưởng. Chi phí cho các khâu trung gian kinh doanh hàng hóa lại tăng do phân phối khó khăn và phải tuân thủ các yêu cầu phòng, chống dịch khiến giá thịt lợn đến tay người tiêu dùng tăng theo. Đời sống người lao động đã khó khăn càng khó khăn hơn.

 

gia-thit-lon-2.jpg
Tiểu thương bán thịt lợn cũng giảm số lượng do người dân thắt chặt chi tiêu.

 

Theo Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, thực trạng trên tạo nên sự mất cân bằng khi rớt giá tại nơi sản xuất nhưng giá nơi người tiêu dùng lại tăng cao. Do đó, việc mở điểm phân phối ngay tại Đồng Nai sẽ giải quyết sớm áp lực về chênh lệch giá, cũng như chặn khủng hoảng tiêu thụ cho người chăn nuôi.

Tại điểm bán này, Hiệp hội cam kết bán đúng giá, tuân thủ nghiêm ngặt các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19, đảm bảo an ninh trật tự. Nhân viên có giấy xét nghiệm âm tính với Covid-19, tuân thủ quy định 5K. Nguồn lợn lấy từ các trang trại chăn nuôi trong địa bàn tỉnh.

Hạn chế nhập khẩu để kích thích người chăn nuôi trong nước

Theo số liệu mới nhất từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT), 6 tháng đầu năm 2021, Việt Nam nhập khẩu 70 nghìn tấn thịt lợn đông lạnh và phụ phẩm của động vật trị giá 727 triệu USD, tăng 51,5% so với cùng kỳ năm ngoái. các thị trường nhập khẩu thịt chính của Việt Nam là Nga, Mỹ, Ấn Độ, Hà Lan và Ba Lan. Trong đó, Nga là thị trường lớn nhất, sau 5 tháng đầu năm nhập khẩu thịt và các sản phẩm từ thịt từ thị trường này đạt 45,7 nghìn tấn với trị giá 97,4 triệu USD, tăng 437,5% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020.

 

gia-lon-hoi-hom-nay-10-7.jpg
Cần hạn chế nhập khẩu để kích thích người chăn nuôi trong nước.

Từ năm 2019, do ảnh hưởng dịch tả lợn châu Phi, lượng thịt lợn nhập khẩu từ nước ngoài về Việt Nam tăng mạnh. Đơn cử, năm 2020, Việt Nam nhập khẩu hơn 141 nghìn tấn thịt lợn tươi, ướp hoặc đông lạnh, trị giá 334,4 triệu USD (tăng 502,9% về trị giá so với năm 2019). Từ đầu năm đến nay, Việt Nam tiếp tục duy trì lượng thịt lợn nhập ngoại lớn.

Ông Phạm Công Thiếu - Viện trưởng Viện chăn nuôi cho rằng, đặc tính của người Á Đông là thích ăn thịt nóng nên hầu hết các sản phẩm thịt lợn đông lạnh nhập khẩu đều chỉ dùng để chế biến các sản phẩm... Tuy nhiên, hiện Việt Nam đã tham gia một số hiệp định thương mại tự do nên cơ quan quản lý nhà nước cần điều hành linh hoạt.

Ông Phạm Công Thiếu cho biết thêm, nếu không xảy ra dịch Covid-19, Việt Nam có thể sẽ thiếu nguồn cung thịt lợn lớn, còn lúc này nhu cầu đã hạ nhiệt và giá lợn hơi cũng giảm sâu, các bộ, ngành cần hạn chế nhập khẩu để kích thích người chăn nuôi trong nước.

 

 

 

Thanh Tâm (t/h)
Ý kiến bạn đọc
Top