Theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến: Ngành chăn nuôi lợn của nước ta có quy mô 28 triệu con, tương đương 3,8 triệu tấn thịt lợn. Nếu không sớm ngăn chặn dịch bệnh, tới đây giá thịt lợn sẽ tăng rất cao, vì nguồn cung khan hiếm.
Đầu tư kho trữ đông thịt lợn
Trước tình hình đó, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã giao Bộ Tài chính bàn với các bộ, ngành, địa phương để tìm phương án hỗ trợ hoặc nguồn kinh phí để đảm bảo kịp thời chống dịch.
“Để giữ được đàn giống gốc cụ kỵ, ông bà, sắp tới đây, khi có điều kiện phát triển sản xuất, Bộ sẽ triệu tập một cuộc họp để đề nghị nâng cấp an toàn sinh học của các cơ sở chăn nuôi đàn giống gốc”, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Phùng Đức Tiến nói.
Chính phủ cũng đã có văn bản chỉ đạo phải sắp xếp lại các cơ sở giết mổ. Nếu cơ sở giết mổ nào đảm bảo an toàn thú y, an toàn thực phẩm thì được phép thu mua lợn ở các cơ sở nếu kết quả phân tích âm tính với dịch tả lợn Châu Phi, kể cả trong vùng dịch. Sau khi giết mổ xong, phải test lại lần nữa, nếu âm tính với dịch tả lợn Châu Phi thì có thể lưu thông và bán ra thị trường cả trong và ngoài vùng dịch.
Đồng thời, Chính phủ cũng giao Bộ Công thương xây dựng cơ chế hỗ trợ để huy động các doanh nghiệp đầu tư kho trữ đông thịt lợn để có thể bình ổn giá vào các tháng cuối năm.
Kinh nghiệm chống dịch của Pháp
Chia sẻ về kinh nghiệm chống dịch, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến kể lại câu chuyện khi làm việc với đoàn Tham tán Thương mại của Pháp. Họ cũng vừa mới phát hiện lợn bị nhiễm virus dịch tả lợn Châu Phi ở khu vực giáp ranh với biên giới Bỉ.
Ngay lập tức, nhà nước ra lệnh quây bán kính 40km xung quanh ổ dịch, điều động quân đội, thợ săn, dùng công nghệ tâm nhiệt để “xử lý” toàn bộ lợn và lợn rừng khu vực đường biên giới. Đồng thời, Chính phủ Pháp cũng chi ngay 20 triệu USD để triển khai các giải pháp phòng, chống dịch.
Nhìn lại bối cảnh của Việt Nam, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, cho biết: Ban Bí thư, Chính phủ, Bộ NN-PTNT, các bộ, ngành và địa phương đã vào cuộc rất quyết liệt phòng chống dịch, bao gồm cả đi kiểm tra, đôn đốc, chỉ đạo các địa phương.
“Tuy nhiên, trong quá trình tổ chức thực hiện chống dịch sau này ở các địa phương vẫn còn những bất cập, tồn tại. Nhất là việc chôn xác lợn không đúng quy định, để xác trong chuồng quá lâu mới đem đi chôn”, Thứ trưởng Tiến nói.
Bên cạnh đó, trong quá trình khi đem lợn chết, ốm bệnh đi chôn thì không có bao gói ni lông, để dịch tiết, máu phân rơi vãi ra đường, và nguy hiểm hơn nữa là một số địa phương để xảy ra tình trạng vứt xác lợn ra sông suối.
Theo kinh nghiệm của một số quốc gia phát triển, khi lợn thương phẩm được bán ra thị trường thì phải trích phần trăm để nộp vào quỹ dự phòng chăn nuôi. Khi có dịch bệnh xảy ra, nhà nước trích ngay quỹ để hỗ trợ người dân. Bên cạnh đó, các cơ sở chăn nuôi tuân thủ rất nghiêm ngặt các yêu cầu chăn nuôi an toàn sinh học.
Người tiêu dùng nên ủng hộ lợn "sạch"
Bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng ban Ban Quản lý an toàn thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh, cho rằng ngoài những giải pháp phòng, chống và xử lý tại khâu chăn nuôi, giết mổ, vận chuyển…, kiểm tra khâu phân phối, tiêu thụ và nâng cao nhận thức người dân cũng quan trọng không kém.
Đáng lưu ý, những đơn vị liên quan, gồm: sở, ngành, hiệp hội, doanh nghiệp, nhà bán lẻ, ban quản lý chợ… cần thông tin, tuyên truyền để người dân hiểu đúng về bệnh dịch tả lợn châu Phi không lây sang người. Mặt khác, người tiêu dùng nên ủng hộ lợn “sạch” qua việc mua ở những địa điểm kinh doanh uy tín và có thể truy xuất nguồn gốc sản phẩm.
Liên quan đến việc đảm bảo cung ứng nguồn cung thịt lợn an toàn thực phẩm, ông Phạm Trung Kiên, Phó Tổng Giám đốc Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại Thành phố Hồ Chí Minh (Saigon Co.op) cho biết, hiện đang phối hợp cơ quan quản lý nhà nước siết chặt việc quản lý chất lượng thịt lợn. Saigon Co.op cũng phối hợp các nhà cung cấp thịt trong nước có phương án dự phòng cho kịch bản nguồn cung bị ảnh hưởng nghiêm trọng của dịch tả lợn châu Phi.
Tính đến thời điểm này, ghi nhận tại các hệ thống bán lẻ của Saigon Co.op tiêu thụ khoảng 50 tấn/ngày và đảm bảo đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân.
Nguồn cung thịt lợn đang kinh doanh tại hệ thống Co.opmart, Co.opXtra, Co.op Food… chủ yếu nhập hàng trực tiếp từ các đầu mối như Công ty cổ phần Việt Nam kỹ nghệ súc sản Vissan, Nam Phong, Anh Hoàng Thy, SagriFood…
Đặc biệt, hầu hết các mặt hàng đều đạt chuẩn VietGAP và có thể truy xuất nguồn gốc xuất xứ sản phẩm, cũng như đang được nuôi tại các trang trại tập trung quy mô lớn được cách ly và tiêu độc khử trùng nghiêm ngặt.
Tương tự, tại các hệ thống bán lẻ khác trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh như Big C, LOTTE Mart, Vinmart+… cũng chủ động thông tin đến người tiêu dùng và đảm bảo nguồn cung thịt lợn đạt tiêu chuẩn an toàn thực phẩm đến người tiêu dùng. Những đơn vị liên quan và thuộc chuỗi cung ứng-tiêu thụ thịt lợn trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh đã và đang thúc đẩy kiểm soát chặt chẽ, đảm bảo quy trình nhập lợn tại các đầu mối, thương lái.
Đồng thời, duy trì tổ chức lấy mẫu tại cơ sở chăn nuôi, chợ đầu mối và triển khai đồng loạt biện pháp tiêu độc khử trùng các phương tiện vận chuyển nhằm chủ động ngăn ngừa nguy cơ dịch tả lợn châu Phi xâm lấn hay bùng phát trên địa bàn.
Tránh gây tâm lý hoang mang
Ban chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi, các Bộ, ngành, địa phương, Bí thư các huyện, xã, thôn và Chi bộ cần phải thay đổi cách thức chỉ đạo, điều hành công tác phòng chống dịch, “phòng là chính, cơ sở và người dân là chính”, phải chủ động, cụ thể và quyết liệt hơn nữa, không đợi đến khi có dịch mới triển khai công tác phòng, chống; không được chủ quan để gây thiệt hại quá lớn cho người chăn nuôi. Đó là ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 4291/VPCP-NN về việc tiếp tục quyết liệt triển khai công tác phòng, chống bệnh Dịch tả lợn châu Phi.
Bộ Công Thương và các cơ quan liên quan khuyến khích các cơ sở, doanh nghiệp thực hiện việc thu mua lợn sạch trong vùng có dịch để tiêu thụ và cấp trữ đông nhằm giảm thiểu lây lan dịch bệnh và thiệt hại cho người chăn nuôi nhằm giữ ổn định giá lợn không bị rơi xuống thấp trong giai đoạn trước mắt và có nguồn thực phẩm sạch cung cấp cho nhu cầu thị trường thời gian tới; không để sốt giá thịt lợn vào những tháng, quý tới nhất là vào các tháng cuối năm. Tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường nhằm ngăn chặn việc buôn bán, vận chuyển lợn, sản phẩm của lợn không rõ nguồn gốc, không bảo đảm các yêu cầu vệ sinh thú y và an toàn thực phẩm.
Trước hết là sử dụng ngân sách dự phòng của địa phương và các nguồn vốn hợp pháp khác. Giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan đề xuất việc sử dụng nguồn vốn ngân sách để hỗ trợ phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi cho các cơ quan trung ương và địa phương; khẩn trương rà soát, điều chỉnh mức, cơ chế hỗ trợ cho người chăn nuôi, doanh nghiệp có lợn bị tiêu hủy do nhiễm bệnh hoặc nghi nhiễm bệnh và người tham gia phòng, chống dịch bệnh phù hợp với thực tiễn và đáp ứng yêu cầu của công tác phòng, chống dịch.
Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các cơ quan thông tin đại chúng tiếp tục thông tin kịp thời, chính xác cho người dân về diễn biến tình hình bệnh Dịch tả lợn châu Phi và các biện pháp phòng chống dịch theo nguyên tắc vừa bảo đảm yêu cầu phòng, chống dịch bệnh, vừa bảo vệ sản xuất, tiêu thụ sản phẩm thịt lợn, tránh tâm lý chủ quan hoặc gây hoang mang, quay lưng với thịt lợn không bị bệnh./.
Trong tiết trời se lạnh đầu đông, nhưng ở trong Trường TH&THCS số 1 Phúc Khánh (Bảo Yên - Lào Cai), không khí ấm áp và rộn ràng đang tràn ngập nơi đây. Những ngày tháng gian khó sau bão số 3 đã ở lại phía sau, nhường chỗ cho niềm vui và nụ cười rạng rỡ của các em học sinh. Bằng sự tận tụy, ân cần của thầy cô, nhà trường đã trở thành mái nhà thứ hai, nơi tràn đầy tình yêu thương và hy vọng.
Cuộc thi trực tuyến tìm hiểu về bảo hiểm tiền gửi (BHTG) 2024 là một hoạt động quan trọng trong việc nâng cao nhận thức của công chúng về chính sách BHTG và hoạt động của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN), qua đó truyền tải nội dung chính sách BHTG một cách mới mẻ, hấp dẫn và thu hút sự quan tâm của công chúng.