Những ngày này ở quê hương Hà Tĩnh, hòa trong những bài ca, những bộ phim tài liệu là rất nhiều câu chuyện đấu tranh, giành chính quyền ở Can Lộc, Hương Sơn, Kỳ Anh, thành phố Hà Tĩnh và nhiều miền quê khác được các cán bộ lão thành cách mạng kể lại…
Âm vang truyền thống cách mạng
95 năm tuổi đời, 70 năm tuổi Đảng, cụ Phạm Quý Hậu là nhân chứng hiếm hoi của cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945 còn sống ở thôn Lâm Trung (xã Sơn Lâm, huyện Hương Sơn).
Dù mắt đã mờ, chân đi không vững nhưng trong câu chuyện, dòng cảm xúc về những năm tháng tuổi trẻ sục sôi hào khí của mùa Thu Tháng Tám lịch sử vẫn vẹn nguyên trong lòng người thương binh. Giây phút thiêng liêng mà cụ không thể quên được có lẽ là thời điểm giơ cao Cờ đỏ búa liềm giành lại chính quyền, giành lại mỗi tấc đất ngay trên chính quê hương.
Lịch sử ghi lại rằng, trước khi chính thức giành chính quyền thì ở Hà Tĩnh, phong trào biểu tình, tuần hành của dân chúng đã khiến bộ máy chính quyền địch từ tỉnh đến huyện, xã đã nhanh chóng tê liệt. Các công xưởng nằm im chờ đợi. Bọn quan lại tay sai của Nhật hoang mang, nhiều tên bỏ chạy hoặc tìm cách liên lạc với Việt Minh. Nhiều đồn binh của địch đóng cửa bất động… Nhận biết thời cơ ngàn năm có một đã đến, giờ khắc thiêng liêng của lịch sử dân tộc đã được các chiến sỹ cách mạng và quần chúng nhân dân chớp lấy. Ngày 16/8/1945, huyện đường Can Lộc bị chiếm và ngày 17/8, tuyên bố thành lập chính quyền cách mạng ở huyện. Đây là điểm mở đầu cho cuộc khởi nghĩa giành chính quyền ở Hà Tĩnh.
Sau “phát súng” đầu tiên ấy, ở Thạch Hà, Cẩm Xuyên, không khí càng trở nên sục sôi. Dân chúng khắp nơi với giáo mác, gậy gộc, cờ đỏ đã kéo đến bao vây uy hiếp tinh thần khiến chính quyền địch ở huyện sụp đổ và xin nộp giấy tờ, sổ sách, súng ống, đạn dược cho Ủy ban khởi nghĩa.
Cùng lúc đó, ở thị xã Hà Tĩnh, cuộc mít tinh lớn nhằm biểu dương lực lượng và trấn áp kẻ thù cũng đã thành công rực rỡ. Toàn thị xã rung chuyển. Tuy chính quyền địch chưa thật sự bị đánh bại nhưng cả bầu trời và mặt đất đều đã thuộc về quần chúng, thuộc về cách mạng.
Khí phách cách mạng ấy cùng với truyền thống từ ngàn xưa đã tái hiện và hun đúc nên tinh thần đấu tranh bền bỉ của nhân dân Hà Tĩnh trong những cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ về sau. Để Hà Tĩnh lại ghi tên vào lịch sử đất nước bằng những làng K130, bằng Ngã ba Đồng Lộc huyền thoại cùng những anh hùng như 10 cô gái Đồng Lộc, La Thị Tám, Nguyễn Tiến Tuẫn, Uông Xuân Lý…
Lộ trình mới thêm những “cú hích”
Về Hà Tĩnh những ngày mùa Thu tháng Tám, chúng tôi cảm nhận được sự đổi thay rõ nét trên vùng quê cách mạng này. Sắc xanh sinh sôi, màu vàng no ấm, từ các xã miền núi đến đồng bằng đang ra sức thi đua thực hiện phong trào xây dựng nông thôn mới (XDNTM), NTM kiểu mẫu…
Hà Tĩnh từ địa phương thuần nông, nay trở thành tỉnh có giá trị sản xuất công nghiệp lớn. Hệ thống hạ tầng kĩ thuật được đầu tư xây dựng, nâng cấp theo hướng hiện đại. Các lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa… có nhiều bước phát triển, an ninh quốc phòng, trật tự an toàn xã hội được giữ vững.
Hà Tĩnh tiếp tục thực hiện hiệu quả, sáng tạo các phong trào thi đua trong giai đoạn hiện nay như: “Doanh nghiệp Hà Tĩnh hội nhập và phát triển”; “Hà Tĩnh chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau”; duy trì và phát huy hiệu quả, tác dụng của các phong trào: “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”; “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”, các phong trào thi đua chuyên đề trong các ngành, các đoàn thể gắn với thực hiện Chỉ thị 05-CT/BCT của Bộ Chính trị “Về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.
Ông Lê Đình Sơn, Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh, khẳng định: “Phát huy truyền thống cách mạng, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Hà Tĩnh luôn đoàn kết, nỗ lực không ngừng, tạo ra một diện mạo mới cho quê hương. Các phong trào thi đua yêu nước trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh đã được triển khai sâu rộng, bám sát các nhiệm vụ chính trị và yêu cầu thực tiễn, tạo động lực, sức mạnh to lớn. Phong trào thi đua yêu nước diễn ra sôi nỗi, thiết thực, sáng tạo, đưa Hà Tĩnh phát triển nhanh, bền vững, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực”.
Thêm một mùa Thu lịch sử nữa đi qua trong tiến trình lịch sử quê hương. Bằng khí phách cách mạng kiên trung, anh dũng, ngày nay, các thế hệ người dân Hà Tĩnh đang gắng công học tập, rèn luyện để xây dựng quê hương ngày càng giàu mạnh, tiếp tục ghi tên vào những trang sử mới của dân tộc.
Tối 22/11, tại Bảo tàng tỉnh Phú Yên, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh tổ chức khai mạc trưng bày chuyên đề “Bến Vũng Rô và hoạt động tiếp nhận chi viện từ những chuyến Tàu Không số”. Hoạt động nhằm hướng đến kỷ niệm 60 năm Bến Vũng Rô tiếp nhận chuyến hàng đầu tiên của Tàu Không số (28/11/1964 – 28/11/2024).
Thời gian qua, tỉnh Nghệ An triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp, cơ chế, chính sách thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, bước đầu đạt được những kết quả tích cực. Đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) nâng cao ý thức tự lực, tự cường vươn lên phát triển kinh tế, xây dựng cuộc sống, góp phần xóa đói giảm nghèo, tạo nên diện mạo mới cho nông thôn miền núi xứ Nghệ.
Cuộc thi trực tuyến tìm hiểu về bảo hiểm tiền gửi (BHTG) 2024 là một hoạt động quan trọng trong việc nâng cao nhận thức của công chúng về chính sách BHTG và hoạt động của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN), qua đó truyền tải nội dung chính sách BHTG một cách mới mẻ, hấp dẫn và thu hút sự quan tâm của công chúng.