Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ ba, ngày 21 tháng 5 năm 2024  
Thứ ba, ngày 29 tháng 3 năm 2022 | 15:0

Báo động rác công nghiệp thải ra môi trường

Loại rác thải này thời gian qua vẫn bị vứt bỏ lén lút trên bờ kênh, khu đất trống hoặc trộn lẫn với rác thải sinh hoạt, gây ô nhiễm môi trường, tốn kém kinh phí của nhà nước để xử lý.

Chất thải công nghiệp thường phát sinh trong quá trình sản xuất, kinh doanh hay sinh hoạt của nhà máy, xí nghiệp, theo nhiều dạng thông qua nhiều hoạt động công nghiệp như chế biến và đóng gói thực phẩm, in ấn, dệt may, luyện kim, sản xuất vật liệu xây dựng hay các thiết bị điện tử,…

Mỗi nhóm ngành công nghiệp sẽ tạo ra những loại chất thải công nghiệp đặc trưng chứa những thành phần hoá học khác nhau. Chủ yếu là 2 nhóm chất thải chính, đó là chất thải công nghiệp nguy hại và chất thải thông thường. Vì vậy, doanh nghiệp cần có những hướng xử lí chuyên biệt.

Do vậy, Theo quy định, chất thải công nghiệp phải được chủ nguồn thải phân loại, lưu giữ, ký hợp đồng và chuyển giao cho đơn vị chức năng xử lý. Thế nhưng, loại rác thải này thời gian qua vẫn bị vứt bỏ lén lút trên bờ kênh, khu đất trống hoặc trộn lẫn với rác thải sinh hoạt, gây ô nhiễm môi trường, tốn kém kinh phí để xử lý.

Vừa ô nhiễm vừa mất mỹ quan

Đường Tân Thới Nhất 1A dẫn vào khu tái định cư 38 ha, phường Tân Thới Nhất, quận 12, TP HCM nhiều năm nay trở thành điểm "lý tưởng" để nhiều người lén lút đổ chất thải công nghiệp, chất thải xây dựng. Do khu đất này đã được giải phóng mặt bằng thực hiện dự án "treo" nhiều năm nay, không có nhà dân nên dọc đường chính, đường nhánh xuất hiện nhiều "núi" rác.

Lãnh đạo phường Tân Thới Nhất cho biết nơi đây là khu quy hoạch treo, đang được UBND quận 12 thúc đẩy tiến độ bồi thường, giải phóng mặt bằng. Một số vụ đổ rác, chất thải xây dựng và công nghiệp được UBND phường phát hiện xử lý kịp thời nhưng đa số vụ việc không phát hiện được bởi hành vi lén lút, xảy ra đêm khuya.

Bức xúc trước thực trạng này, người dân sống gần đó tự xử bằng cách đốt lượng rác thải trên; việc đốt rác này gây ô nhiễm môi trường.

Dọc rạch Cầu Suối, đi qua 2 xã Vĩnh Lộc A và Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh, cũng là nơi người ta thường xuyên lén lút mang chất thải công nghiệp đến đổ. Ngày 23/3, chúng tôi ghi nhận nhiều bao vải vụn, cao su nằm chất đống bên bờ kênh, đoạn đi qua xã Vĩnh Lộc B.

 

13-chot1-16483856939122078996658.jpg
Rác thải công nghiệp là vải vụn, xà bần đổ đống trong khu đất trống thuộc khu tái định cư 38 ha, phường Tân Thới Nhất, quận 12, TP HCM

 

Ông Nguyễn Văn Sáu, người dân sống gần đoạn kênh này, bức xúc: "Việc xả lén chất thải chủ yếu diễn ra vào ban đêm nên người dân khó phát hiện. Đoạn kênh này nhiều lần được chính quyền dọn dẹp sạch sẽ nhưng được vài tháng lại có người lén mang rác ra vứt vào đó".

Tương tự, một số đoạn bờ kênh An Hạ, thuộc xã Tân Thới Nhì, huyện Hóc Môn, cũng bị người ta lén đổ rác thải công nghiệp như nhựa và mút xốp. Nhiều người dân buôn bán chậu gốm dọc bờ kênh cho biết đoạn kênh này rất sạch, dân quanh khu vực đều ra sức bảo vệ môi trường nhưng thỉnh thoảng lại thấy vài bao đựng vải vụn, nhựa vụn... vứt bỏ dọc bờ kênh. "Dù khó chịu nhưng sợ cháy những hàng cây trồng dọc kênh nên không ai dám đốt, chỉ nhắc nhở nhau cùng giám sát, phát giác hành vi xấu này" - một người dân nơi đây cho biết.

Ngoài việc đổ chất thải ra môi trường, nhiều cơ sở sản xuất nhỏ lẻ, với số lượng rác thải công nghiệp không lớn, thường trộn lẫn rác công nghiệp vào rác sinh hoạt thông thường để dễ tẩu tán. Hành vi này diễn ra ở nhiều nơi tại các địa phương có nhiều cơ sở sản xuất nhỏ lẻ xen cài khu dân cư.

Việc trộn lẫn rác thải công nghiệp vào rác sinh hoạt gây tốn kém cho ngân sách nhà nước khi phải chi kinh phí xử lý; thay vì chủ nguồn thải phải có trách nhiệm xử lý chúng.

Cần siết chặt quản lý

Thống kê của Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) TP HCM cho thấy tổng lượng chất thải công nghiệp phát sinh mỗi ngày trên địa bàn TP HCM khoảng 4.000 đến 4.500 tấn; ngoài ra còn khoảng 1.500 tấn chất thải rắn xây dựng phát sinh mỗi ngày. Con số này sẽ tăng trong những năm tới, khi số lượng doanh nghiệp hồi phục sản xuất sau đại dịch Covid-19.

Theo Sở TN-MT, quy định pháp luật về xử lý chất thải công nghiệp hiện nay đã đầy đủ; tuy nhiên khi thực hiện, nhiều chủ cơ sở sản xuất ngại tốn thêm chi phí xử lý, nên dù ký hợp đồng với các đơn vị có chức năng xử lý nhưng không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ. Do đó, các địa phương cần giám sát, xử lý nghiêm các trường hợp không ký hợp đồng với đơn vị xử lý hoặc có ký nhưng chỉ để đối phó, không thực hiện. Ngoài ra, lực lượng chức năng nên tăng cường kiểm tra bắt quả tang hành vi lén lút đổ bậy, xử phạt mạnh để răn đe.

Cũng cần nói thêm, theo tìm hiểu của chúng tôi, ngoài nguyên nhân chủ nguồn thải ngại tốn kinh phí xử lý rác thải công nghiệp, các đơn vị xử lý chất thải công nghiệp hiện chưa đa dạng; hầu hết cơ sở tái chế, xử lý chất thải công nghiệp có quy mô vừa và nhỏ, thường tập trung xử lý tái chế phế liệu.

Đại diện Thanh tra Sở TN-MT TP HCM cho biết Luật Bảo vệ môi trường năm 2015 quy định chủ nguồn thải phải có trách nhiệm phân loại, lưu giữ, ký hợp đồng và chuyển giao chất thải rắn (gồm chất thải rắn sinh hoạt, công nghiệp, nguy hại, xây dựng…) cho đơn vị có chức năng xử lý. Mức xử phạt vi phạm hành chính cũng đã được quy định tại Nghị định 155/2016/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định 55/2021/NĐ-CP) đối với hành vi không phân loại, không lưu giữ chất thải rắn công nghiệp thông thường; không ký hợp đồng hoặc không chuyển giao chất thải công nghiệp thông thường cho đơn vị có chức năng thu gom, vận chuyển và xử lý theo quy định; chôn, lấp, đổ, thải chất thải công nghiệp và công nghiệp đặc thù.

Mới đây, Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, có hiệu lực từ ngày 1/1/2022, cũng quy định trách nhiệm chủ nguồn thải trong việc phân loại, quản lý, tái sử dụng, tái chế làm nguyên liệu sản xuất; ký hợp đồng chuyển giao chất thải cho đơn vị có chức năng thu gom xử lý. 

Trách nhiệm của doanh nghiệp

Việt Nam đang là mảnh đất hấp dẫn với nhiều nhà đầu tư. Tuy nhiên, nhiều dự án đầu tư đang khiến chúng ta phải lo ngại trước nguy cơ trở thành bãi rác công nghệ. GS Trịnh Văn Tuyên, Viện trưởng Viện Công nghệ Môi trường, thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Công nghệ Việt Nam cho rằng đó là thực tế đã và đang xảy ra.

“Có những công nghệ đã quá lạc hậu. Thậm chí, thiết bị hoạt động đã cũ, được tháo dỡ từ quy trình sản xuất cũ, mang sang Việt Nam nhưng vẫn được nâng giá cao hơn thực tế. Nâng chi phí đầu tư, nâng chi phí khấu hao, bảo dưỡng thiết bị.

Đặc biệt, nguy hại hơn là không đảm bảo các tiêu chuẩn xả thải, gây ô nhiễm môi trường. Chính vì vậy, việc thẩm định công nghệ phải được làm tốt, các chuyên gia, thành viên hội đồng thẩm định phải giỏi, tinh thần làm việc phải công tâm, khách quan”, GS Tuyên nêu quan điểm.

Vì vậy, giảm thiểu rác thải công nghiệp không chỉ là câu chuyện của riêng cơ quan quản lý mà còn có cả nhiệm của doanh nghiệp.

 

13-chot2-16483856939632028338493.jpg
Rác thải công nghiệp là vải vụn, xà bần đổ đống trong khu đất trống thuộc khu tái định cư 38 ha, phường Tân Thới Nhất, quận 12, TP HCM

 

Xử lý chất thải công nghiệp, tái chế chất thải công nghiệp hiện nay được các doanh nghiệp quan tâm đầu tư vì họ được trả phí xử lý chất thải, họ lại được thu tiền từ các sản phẩm tái chế.

“Chính vì vậy, các doanh nghiệp cần phải nghiêm chỉnh chấp hành các thủ tục pháp lý của cơ quan quản lý nhà nước, đồng thời phải có trách nhiệm với môi trường của người sản xuất, môi trường xung quanh và các tiêu chuẩn xả thải theo quy định của các cơ quan quản lý môi trường Trung ương và địa phương”, GS. Tuyên bày tỏ.

Đồng tình với quan điểm này, ông Nguyễn Trung Thắng – Phó Viện trưởng, Viện Chiến lược, chính sách TN&MT cho biết theo Luật BVMT 2020, các cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ có trách nhiệm thu gom, phân loại, lưu giữ, tái sử dụng, tái chế, xử lý chất thải.

Với chất thải rắn thông thường, chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp, phát sinh chất thải rắn công nghiệp thông thường có trách nhiệm phân loại tại nguồn.

Ngoài ra, doanh nghiệp phải lưu giữ bảo đảm không gây ô nhiễm môi trường; tái sử dụng, tái chế, thu hồi năng lượng và xử lý chất thải rắn công nghiệp thông thường hoặc chuyển giao cho các đối tượng sử dụng, xử lý.

Còn đối với trách nhiệm của các cơ quan quản lý, ông Nguyễn Trung Thắng – Phó Viện trưởng, Viện Chiến lược, chính sách TN-MT cho biết,  hiện nay Việt Nam vẫn có nhu cầu nhập khẩu phế liệu để tái chế do nguồn cung trong nước chưa đáp ứng yêu cầu.

Hoạt động nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất hay nhập khẩu máy móc, thiết bị, phương tiện đã qua sử dụng, luôn tiềm ẩn nhiều nguy cơ đối với môi trường.

“Như vậy, để kiểm soát chặt chẽ hoạt động này cần có trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân nhập khẩu phế liệu đảm bảo điều kiện về Bảo vệ Môi trường theo quy định pháp luật (Thông tư 41/2015/TT-BTNMT). Bên cạnh đó, cần có sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng (TCMT, cơ quan hải quan, Sở TNMT) để theo dõi, cập nhật thường xuyên tình hình nhập khẩu, sử dụng phế liệu làm nguyên liệu sản xuất, qua đó kiểm soát chặt chẽ việc phá dỡ, thu hồi phế liệu, xử lý và tiêu hủy chất thải theo đúng quy định; kiểm tra việc chấp hành quy định pháp luật về bảo vệ môi trường, phát hiện và xử lý đối với các trường hợp vi phạm; tập trung xử lý dứt điểm các container phế liệu, rác thải không đáp ứng yêu cầu về vảo vệ môi trường đang tồn đọng tại các cảng biển.

 

Thanh Xuân (Tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
  • Tháng 5, hương sen thơm ngát trên quê Bác

    Tháng 5, hương sen thơm ngát trên quê Bác

    Cứ đến dịp tháng 5 về, những đầm sen trên quê hương Chủ tịch Hồ Chí Minh lại đua nhau nở hoa, tỏa hương thơm ngát.

  • Bế mạc Lễ hội Làng Sen năm 2024

    Bế mạc Lễ hội Làng Sen năm 2024

    Tối 19/5, tại sân vận động Làng Sen (xã Kim Liên, huyện Nam Đàn), tỉnh Nghệ An phối hợp với TP. Hồ Chí Minh tổ chức Chương trình nghệ thuật đặc biệt bế mạc Lễ hội Làng Sen năm 2024 với chủ đề “Từ Làng Sen đến thành phố Hồ Chí Minh” kỷ niệm 134 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh.

  • Quảng Nam giới thiệu Nhà bảo tàng đa dạng sinh học

    Quảng Nam giới thiệu Nhà bảo tàng đa dạng sinh học

    Bảo tàng đa dạng sinh học tỉnh Quảng Nam – nơi trình diễn, quảng bá các giá trị tài nguyên đa dạng sinh học, sự phong phú của các loài động, thực vật quý hiếm, đặc hữu, đặc trưng mà thiên nhiên ban tặng; đồng thời góp phần thúc đẩy lối sống có trách nhiệm với thiên nhiên, phục hồi đa dạng sinh học.

Top