Bão số 3 áp sát, các tỉnh duyên hải Bắc Bộ ban hành công điện khẩn
Các tỉnh duyên hải Bắc Bộ vừa ban hành công điện khẩn chỉ đạo các ngành, địa phương chủ động các biện pháp phòng, chống bão số 3 đang hướng về các địa phương ven biển vịnh Bắc Bộ.
* Trước diễn biến của bão số 3 có khả năng ảnh hưởng đến các tỉnh, thành ven biển khu vực vịnh Bắc Bộ, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh vừa ban hành công điện khẩn, chỉ đạo các ngành, địa phương chủ động các biện pháp phòng, chống bão số 3 có khả năng ảnh hưởng đến địa phương này.
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh yêu cầu các địa phương ven biển quản lý chặt chẽ việc ra khơi và giữ liên lạc thường xuyên với các tàu thuyền đang hoạt động trong vùng ảnh hưởng của bão, kể cả tàu vận tải, tàu du lịch, các lồng bè nuôi thủy sản, hải sản để kịp thời xử lý các tình huống xấu có thể xảy ra. Kiểm tra hướng dẫn việc neo đậu tại bến, nhất là khu vực neo đậu tránh trú bão, neo đậu quanh các đảo. Chuẩn bị phương án đảm bảo an toàn cho người và phương tiện lưu thông trên các cầu, khách du lịch trên đảo.
Đối với huyện đảo Cô Tô và Vân Đồn, cần khẩn trương rà soát khách du lịch trên các đảo để triển khai phương án đảm bảo an toàn. Tùy vào diễn biến của bão, chỉ đạo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để thực hiện lệnh cấm biển.
* Chiều 31/7, UBND thành phố Hải Phòng ra công điện khẩn yêu cầu các địa phương, các đơn vị liên quan căn cứ diễn biến của bão chủ động xác định thời điểm thông báo cấm biển và tạm dừng các hoạt động vận tải đường thủy nội địa, vui chơi giải trí tại các khu du lịch biển. Chủ động thực hiện các phương án phòng chống bão, phương án sơ tán nhân dân ở các khu vực trũng thấp, ven sông, ven biển, khu nhà cũ yếu, khu du lịch biển, khu vực có nguy cơ sạt lở và trên các phương tiện đã về nơi neo đậu.
* Chiều 31/7, ông Đặng Trọng Thăng, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình chủ trì cuộc họp của UBND tỉnh triển khai công tác ứng phó với bão số 3.
Để chủ động ứng phó với bão số 3, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh đã ban hành 1 công văn và 2 công điện, trong đó tập trung chỉ đạo các sở, ngành, đơn vị, địa phương giữ thông tin liên lạc, kêu gọi tàu thuyền đang hoạt động trên biển về nơi tránh trú an toàn. Triệt để tiêu nước, khơi thông dòng chảy, mở cống tiêu, đóng cống tưới, bảo đảm an toàn lưới điện. Chuẩn bị phương án sơ tán dân tại các khu vực nguy hiểm ven sông, ven biển, nuôi trồng, đánh bắt thủy, hải sản. Có phương án chằng, chống lồng, bè. Đồng thời chủ động kiểm tra vật tư, nhân lực, trang thiết bị, phương tiện xử lý sự cố theo phương châm 4 tại chỗ, kể cả công trình đang thi công.
Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các đơn vị đang thi công các công trình phòng, chống lụt bão khẩn trương xây dựng phương án bảo đảm an toàn cho các công trình, trong đó đặc biệt chú ý đến công tác bảo đảm an toàn cho cống Muối, không để xảy ra tình huống nguy hiểm khi có lũ bão. Giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn căn cứ vào diễn biến của bão số 3 để chủ động tham mưu với tỉnh về thời gian cấm biển đối với các phương tiện, không để các phương tiện hoạt động trong vùng nguy hiểm. Chủ động kiểm soát tàu, thuyền và ngư dân trên biển, nắm chắc số lượng người dân canh tác, hoạt động vùng ven biển để có phương án di dời khi cần thiết.
Tỉnh Thái Bình nghiêm cấm tàu, thuyền ra khơi. Đồng thời, tỉnh cưỡng chế di dời số lao động nuôi ngao, nuôi trồng thủy, hải sản và các hộ dân sinh sống ngoài đê chính, ngư dân trên các phương tiện làm ăn trên sông, trên biển vào trong đê chính.
* Ngày 31/7, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Nam Định ra Công điện số 02/CĐ-PCTT yêu cầu các địa phương, đơn vị trong tỉnh sẵn sàng phương án ứng phó với cơn bão số 3.
Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh yêu cầu các lực lượng chức năng: Tổ chức kiểm đếm, quản lý chặt chẽ việc ra khơi và giữ liên lạc thường xuyên với chủ các phương tiện để xử lý kịp thời các tình huống xấu có thể xảy ra, kiểm tra hướng dẫn việc neo đậu tàu thuyền tại bến để đảm bảo an toàn về người và tài sản.
Triển khai các phương án bảo vệ sản xuất, chống úng ngập. Bảo vệ công trình kết cấu hạ tầng, khu kinh tế, khu công nghiệp, nhà máy, các dự án đang thi công. Kiểm tra, rà soát lại toàn bộ hệ thống đê sông, đê biển, nhất là các đoạn đê bị sạt, sụt, đang thi công.
Các địa phương trong tỉnh đã rà soát, lập danh sách các hộ dân đang ở trong nhà tạm, nhà yếu, có phương án sơ tán dân trong trường hợp bão mạnh đổ bộ trực tiếp vào địa bàn.
Được biết, tại các khu vực ven biển tỉnh Nam Định có trên 1.000 lều, chòi nuôi ngao với trên 1.300 ngư dân; Nam Định có trên 2.100 tàu thuyền với trên 5.720 lao động; trong đó có 559 tàu với gần 2.490 lao động đánh bắt xa bờ, còn lại là các tàu đánh bắt gần bờ.
Hiện nay, các ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị đã chuẩn bị đầy đủ lực lượng, phương tiện để ứng phó với bão theo phương châm "bốn tại chỗ", đồng thời chủ động rà soát, bổ sung phương án phòng, chống bão số 3, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do bãi gây ra.
Chương trình từ thiện: Cùng em đến trường hỗ trợ học sinh nghèo “Viết tiếp ước mơ” giai đoạn 2025 - 2028 sẽ hỗ trợ cho hàng nghìn học sinh nghèo tại các vùng khó khăn, biên giới, hải đảo và vùng chịu thiệt hại nặng nề do bão lũ.
Ngân hàng TMCP Đại Chúng Việt Nam (PVcomBank) đã triển khai gói tín dụng 2.500 tỷ đồng để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp khắc phục thiệt hại do bão Yagi gây ra. Ngoài ra, Ngân hàng cũng thực hiện các giải pháp cơ cấu nợ, giãn, hoãn nợ cho khách hàng phù hợp với tình hình thực tế.
Mới đây, tại các Điện lực trực thuộc Công ty Điện lực Đắk Nông đã tổ chức trao giải và cấp giấy chứng nhận cho các khách hàng tiêu biểu đạt tiêu chí của chương trình “Hộ gia đình tiết kiệm điện năm 2024” do công ty phát động.
UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế vừa tổ chức Lễ đón nhận Bằng công nhận di sản tư liệu khu vực châu Á - Thái Bình Dương của UNESCO cho “Những bản đúc nổi trên chín đỉnh đồng ở Hoàng cung Huế”; công bố hoàn thành Dự án bảo tồn, tu bổ tổng thể di tích điện Thái Hòa” và động thổ công trình “Tu bổ, phục hồi di tích Điện Cần Chánh”.
Sáng 23/11, tại nhà thi đấu thể dục thể thao huyện, UBND huyện Vĩnh Bảo (Hải Phòng) tổ chức Hội thi pháo đất năm 2024 nhằm bảo tồn và phát huy giá trị trò chơi dân gian truyền thống.
Hưởng ứng Đề án trồng một tỷ cây xanh của Thủ tướng Chính phủ và nhân kỷ niệm 65 năm ngày Lâm nghiệp Việt Nam, Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Thừa Thiên - Huế đã triển khai trồng hơn 1.000 cây xanh có hoa, lá màu sắc đẹp trên núi Kim Phụng.
Thời gian qua, tỉnh Nghệ An triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp, cơ chế, chính sách thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, bước đầu đạt được những kết quả tích cực. Đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) nâng cao ý thức tự lực, tự cường vươn lên phát triển kinh tế, xây dựng cuộc sống, góp phần xóa đói giảm nghèo, tạo nên diện mạo mới cho nông thôn miền núi xứ Nghệ.