Đến cao nguyên trắng Bắc Hà (Lào Cai) vào ngày chợ phiên, không ít du khách bị cuốn hút bởi những sản phẩm làm từ rơm và trải nghiệm nét văn hoá đậm tính bản địa mà đồng bào Tày ở Bản Liền lưu giữ.
Nét mộc mạc thu hút
Khắc hẳn với vẻ ồn ào náo nhiệt của thị trấn cao nguyên trắng bởi tấp nập khách du lịch lên Bắc Hà vào ngày chợ phiên, thăm quan khu dinh thự Hoàng A Tưởng, thung lũng hoa Bắc Hà hay những trang trại cây ăn quả ôn đới, rau hoa ở Tả Van Chư, Lùng Phình… vùng cao Bản Liền cách trung tâm thị trấn Bắc Hà chừng hai mươi cây số, với khí hậu mát mẻ quanh năm, thiên nhiên hữu tình đã cho miền đất này vẻ đẹp thanh bình.
Đến Bản Liền, có thể thoả thích ngắm nhìn những nếp nhà sàn lá cọ, những tràn ruộng bậc thang uốn lượn, thưởng thức vị chè hữu cơ “uống sương, tắm trăng” trên núi… Có một điều thú vị là, dưới những nếp nhà sàn, người phụ nữ Tày vẫn đam mê, gìn giữ nghề làm đệm rơm truyền thống của dân tộc mình, coi đó như một nét văn hóa, mong truyền dạy lại cho con cháu đời sau.
Bà Vàng Thị Quyên (thôn đội 1, xã Bản Liền), năm nay 83 tuổi, nhưng hằng ngày bà vẫn ở nhà để bện đệm rơm, ghế rơm… Bà chia sẻ: “Chẳng biết nghề làm đệm rơm, bện ghế rơm có từ bao giờ, nhưng từ khi 15-16 tuổi, tôi đã được mẹ đẻ của mình dạy cách làm rồi. Mỗi mùa gặt xong, nhà nào cũng tích trữ một nhà rơm cạnh bếp để lúc nông nhàn mang ra tuốt rồi bện. Cũng vì thời xưa, vùng cao không có chiếu, đệm, nên đồng bào Tày đã dùng rơm và lên rừng lấy dây cây rừng về để bện đệm rơm. Đệm rơm thay chiếu, nằm vừa êm lại vừa ấm vào mùa đông”.
Bà thích nhất là cảm giác nằm trên đệm mới, vừa ấm vừa êm lại thỏa sức hít hà mùi thơm của rơm nếp. Ngày trước, nhà nào cũng làm đệm rơm để dùng. Nhưng cũng vì làm đệm rơm rất kỳ công nên gần đây, nhiều gia đình chọn cách mua đệm mút về dùng cho tiện. Chiếc đệm rơm cũ được tái sử dụng làm miếng che chắn chuồng nuôi gia súc, hoặc nhiều nhà để không, không sử dụng nữa. Tuy nhiên, người già ở Bản Liền vẫn bảo nhau giữ gìn nghề truyền thống nên cứ mỗi mùa thu hoạch lúa xong, trong bản lại rộn ràng đan, bện rơm mới thành những vật dụng dùng trong gia đình và cũng để tặng cho người thân, bạn bè…
Trước đây, nhiều người dân Bản Liền vẫn làm ghế rơm, đệm rơm để bán ở chợ phiên vào thứ 5 hằng tuần, nhưng nay ít dần. Bà Lâm Thị Trướng (đội 3) cho biết: “Tôi rất thích đan bện đệm rơm, dù cũng khá cầu kỳ và phải tỉ mẩn qua nhiều công đoạn, phơi tích trữ rơm, tuốt rơm, bện rơm, nhưng mỗi sản phẩm làm ra vẫn mang đặc trưng riêng của đồng bào Tày ở vùng này. Nhất là khi du lịch cộng đồng bắt đầu phát triển, nhiều gia đình ở đây biết làm homestay, thì những nét văn hóa của người Tày chúng tôi như nghề làm đệm rơm, ghế rơm vẫn cần được bảo tồn và gìn giữ”.
Vừa nhanh tay bện rơm cùng cô cháu dâu để làm ghế rơm cho chúng tôi và khách du lịch trải nghiệm, bà Vàng Thị Quyên bảo: “Bọn trẻ giờ lớn lên đi học rồi đi làm, bận rộn với công nghệ, ít nhiều không còn quan tâm đến nghề cũ nữa, nhưng tôi vẫn muốn dạy con, dạy cháu giữ nghề truyền thống của tổ tiên truyền lại. Dẫu sao, đó cũng là nét riêng trong đời sống văn hóa của đồng bào Tày chúng tôi. Làm đệm rơm thì khó hơn, bởi khi đan rơm phải dùng các hòn đá cuội ở suối buộc dây treo lên để tạo sự thăng bằng hai đầu. Còn đan ghế rơm thì đơn giản hơn và cũng nhanh hơn, chỉ cần tết bện lại theo lối vặn thừng, sau đó cuộn tròn và nêm bằng nêm gỗ, hoặc buộc thêm dây chỉ thêu nhiều màu…
Để có chiếc đệm rơm đẹp, ngoài tay nghề kỹ thuật khéo léo đan bện của từng người thì điều quan trọng nữa là phải lựa chọn được rơm nếp vừa có mùi thơm, vừa không mốc, lại có độ dai, bóng, khi bện nhìn đều và đẹp. Cũng có nhà chọn cách mua dây dứa về bện, nhưng nhiều gia đình vẫn giữ truyền thống lên rừng lấy cây rừng về làm dây bện”.
Giờ đây, khi hòa mình bắt nhịp vào sự mở cửa phát triển du lịch của địa phương, dịch vụ homestay bắt đầu nở rộ ở Bản Liền. Nhiều nếp nhà sàn được sang sửa khang trang với cảnh quan sạch đẹp để đón khách thì những vật dụng bằng rơm lại được du khách đặc biệt thích thú vì được làm hoàn toàn bằng chất liệu tự nhiên của rơm và dây cây rừng. Bài trí trong bất cứ không gian nào cũng mang đến sự gần gũi, ấm cúng của nếp nhà, những chiếc đệm rơm, ghế rơm đã làm nên một nét văn hóa đặc sắc của đồng bào Tày ở Bản Liền.
Sản phẩm thủ công mỹ nghệ độc đáo
Những sản phẩm làm thủ công bằng rơm của bà con ở Bản Liền giờ đây không chỉ có sức hút trong những nếp nhà sàn, nhiều khách du lịch khi đến đây đã đặt mua những chiếc ghế rơm, đệm rơm về trang trí phòng khách, décor (trang trí) phòng trà hoặc không gian đọc sách của gia đình. Nhiều người chọn cách bày ghế rơm xung quanh mâm gỗ, hoặc bàn trà bằng gỗ lũa, hoặc dùng chiếu rơm, đệm rơm để ngồi uống trà, đọc sách…
Chị Đỗ Vân Anh, du khách đến từ quận Ba Đình (Hà Nội) rất thích thú và tỏ ra mãn nguyện khi cùng gia chủ đan bện những chiếc ghế ngồi, vừa được tìm hiểu một nét văn hóa độc đáo, vừa có sản phẩm mang về trang trí không gian nhà của mình. Chị tâm sự: “Tôi thực sự rất thích những sản phẩm làm bằng tay từ rơm vì chất liệu tự nhiên, an toàn sử dụng lại độc đáo, gần gũi thiên nhiên. Thú vị hơn là tôi được đến tận nơi, trải nghiệm và biết thêm cách người dân bản địa làm ra sản phẩm thủ công truyền thống của họ”.
Cùng với nếp nhà sàn truyền thống, những sản phẩm được làm từ rơm dần trở thành sản phẩm thủ công mỹ nghệ độc đáo của vùng đất này. Sau một thời mai một, nghề làm đệm rơm và ghế rơm đang được đồng bào Tày ở Bản Liền khôi phục, trở thành sản phẩm góp phần thúc đẩy du lịch của người Tày ở vùng cao Bản Liền phát triển. Hiện tại, bà con người Tày ở Bản Liền đang tìm tòi, sáng tạo thêm nhiều mẫu mã, sản phẩm hữu ích hơn nữa từ nghề đan rơm độc đáo.
“Giá bán một chiếc ghế rơm khoảng 30.000 -50.000 đồng/chiếc, tùy theo kích cỡ; mỗi chiếc chiếu phải tốn công lâu hơn và nhiều rơm hơn, có giá khoảng 200.000 – 300.000 đồng/chiếc, cũng tùy theo kích cỡ và yêu cầu của khách đặt. Vào những dịp lễ hội, nhiều khách du lịch, mỗi ngày gia đình cũng bán được vài chục sản phẩm, trung bình mỗi tháng cho thu nhập 3 - 5 triệu đồng”, bà Vàng Thị Quyên kể.
Ông Vàng A Dương, Bí thư Đảng ủy xã Bản Liền, cho biết: Bản Liền hiện có 34 hộ dân hoạt động dịch vụ du lịch, làm homestay. Để du lịch trở thành mũi nhọn trong phát triển kinh tế, gắn với giảm nghèo bền vững, nâng cao thu nhập cho người dân thì ngoài bảo tồn nhà sàn, cảnh quan, chúng tôi rất chú trọng bảo tồn bản sắc văn hóa, khôi phục nghề truyền thống để thu hút du khách, đây cũng chính là nơi du khách được trải nghiệm, giao lưu với bà con và tham gia các công đoạn tạo ra sản phẩm. Bản Liền đã hoàn thành 14/19 tiêu chí nông thôn mới. Một trong những thành công nổi bật của Bản Liền trong quá trình thực hiện là gắn xây dựng nông thôn mới với giảm nghèo bền vững, nâng cao thu nhập cho người dân, bảo vệ, tôn tạo môi trường sinh thái, phát triển du lịch nông nghiệp bền vững..., tạo động lực để xã sớm cán đích nông thôn mới.
UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế vừa tổ chức Lễ đón nhận Bằng công nhận di sản tư liệu khu vực châu Á - Thái Bình Dương của UNESCO cho “Những bản đúc nổi trên chín đỉnh đồng ở Hoàng cung Huế”; công bố hoàn thành Dự án bảo tồn, tu bổ tổng thể di tích điện Thái Hòa” và động thổ công trình “Tu bổ, phục hồi di tích Điện Cần Chánh”.
Thời gian qua, tỉnh Nghệ An triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp, cơ chế, chính sách thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, bước đầu đạt được những kết quả tích cực. Đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) nâng cao ý thức tự lực, tự cường vươn lên phát triển kinh tế, xây dựng cuộc sống, góp phần xóa đói giảm nghèo, tạo nên diện mạo mới cho nông thôn miền núi xứ Nghệ.