Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 27 tháng 4 năm 2024  
Thứ năm, ngày 15 tháng 4 năm 2021 | 15:50

Biết sử dụng đồng vốn, đồng bào ở Y Tý cùng nhau làm giàu

Vốn là xã vùng cao khó khăn của huyện Bát Xát (Lào Cai), những năm gần đây, nhờ định hướng phát triển du lịch và sự hỗ trợ kịp thời và có hiệu quả bởi nguồn vốn của NHCSXH, người dân Y Tý đã thoát nghèo ngoạn mục và từng bước vươn lên làm giàu.

t10.jpg
Anh Ly Cá Sứ Thôn Choản Thèn xã Y Tý (Bát Xát, Lào Cai) chăm sóc vườn lê của gia đình

Đầu tư đúng hướng

Lang thang ngắm những vườn lê trắng muốt, vườn đào đỏ rực và những làn khói lam chiều bảng lảng trên mỗi nếp những ngôi nhà được làm bằng đất (nhà trình tường) của đồng bào Hà Nhì, tôi không thể hình dung ra cuộc sống đói nghèo ở vùng cao xinh đẹp này khi tỷ lệ hộ nghèo tới 51,29%  (năm 2018).

Bước vào ngôi nhà trình tường, vợ chồng anh Ly Cá Sứ - chị Ly Xá Gơ đón tôi bằng nụ cười thân thiện và thái độ gần gũi mộc mạc, cứ như thể mỗi vị khách dừng chân ở làng du lịch cộng đồng này đều là người họ hàng, người anh em của họ vậy. 

Thôn Choản Thèn có diện tích tự nhiên 236ha với 323  nhân khẩu, 96,8% dân số là người Hà Nhì, nơi đây vẫn giữ được không gian văn hoá khá nguyên bản của người Hà Nhì với những ngôi nhà trình tường bao quanh bởi ruộng bậc thang.

Anh Ly Cá Sứ nhớ lại: “Ngày trước nhà mình nghèo lắm, nhiều năm liền không thoát được diện hộ nghèo, mặc dù thấy trồng lúa không đủ ăn, mình bàn với vợ trồng thêm 0,6ha cây dược liệu. Tính ra, mỗi năm một vụ lúa được 2,5 triệu đồng cộng với khoảng 10 triệu đồng từ cây dược liệu thì làm quần quật cũng chỉ đủ rau cháo qua ngày. Năm 2018, được sự khích lệ của chính quyền địa phương và tạo điều kiện của NHCSXH, mình mạnh dạn vay 50 triệu đồng. Đầu tiên mình mua 6-7 con lợn giống về nuôi, đầu tư trồng thêm 1ha rau đậu Hà Lan, su hào, bắp cải… Sau 6 tháng, lợn được xuất chuồng, mỗi con nặng hơn một tạ, bán được 8 triệu đồng/con, mình thu về 40 triệu đồng. Một năm, mình nuôi được 2 lứa, vừa để bán, vừa phục vụ gia đình. Rau thì trồng gối vụ, thu hoạch từ tháng 10 âm lịch cho đến Tết cũng được khoảng 5 triệu đồng/năm. Gia đình đã thoát nghèo và có vốn để mở rộng đầu tư trồng thêm rau, cây ăn quả (lê, mận...). Năm ngoái, lê bán giá 15.000-20.000 đồng/kg, mình cũng thu được 8-9 triệu đồng. Đến nay, trừ chi phí, gia đình mình thu nhập 150 triệu đồng/năm”.

Nhìn quanh ngôi nhà tường đất truyền thống nhưng gọn gàng ngăn nắp, bài trí thêm nhiều khu vực nghỉ ngơi, tôi biết gia đình anh Sứ còn làm thêm dịch vụ homestay, du khách đến vùng này không chỉ tham quan, thưởng thức không khí trong lành, đắm mình vào thiên nhiên vùng vĩ, thơ mộng mà còn được trải nghiệm sinh hoạt văn hoá của người bản địa, được thưởng thức những món ăn đặc biệt mà chỉ ở địa phương mới có.

Tham gia phát triển kinh tế không chỉ đem đến thu nhập ổn định mà nhận thức về xã hội cũng được mở mang, bà con trong thôn Choản Thèn đã biết làm du lịch và bảo nhau đầu tư làm homestay. Hầu hết, bà con cũng nhận thấy, việc chuyển đổi cây trồng kém hiệu quả sang trồng lê vừa cho thu hoạch sản phẩm, vừa tạo cảnh quan thu hút khách du lịch bởi đến vào mùa xuân có thể chụp ảnh trên những vạt đồi hoa lê nở trắng. Mùa hè, khách lại được tự tay hái xuống những quả lê chín mọng, thưởng thức tại vườn. Vì vậy, thay vì trồng manh mún nhỏ lẻ mỗi hộ trồng dăm chục gốc quanh nhà, bà con đã trồng tập trung với tổng diện tích toàn xã lên tới 20ha.

 

t10a.JPG

Phát triển du lịch gắn với nông nghiệp đang phát huy hiệu quả ở Y Tý.

 

Hiện, Y Tý có khoảng 14 nhà du lịch cộng đồng đạt tiêu chuẩn, mỗi năm thu hút gần 50.000 lượt khách du lịch, mỗi hộ trừ chi phí thu lợi hàng trăm triệu đồng và tạo công ăn việc làm cho nhiều hộ gia đình khó khăn khác.

Là bệ đỡ của người nghèo

Đồng hành với chính quyền địa phương trong mục tiêu phát triển Y Tý như một Sapa thứ hai của tỉnh Lào Cai, phát triển du lịch nhưng vẫn gắn với nông nghiệp, tăng thu nhập, giảm nghèo bền vững, NHCSXH huyện Bát Xát đã đưa vốn vay ưu đãi đến tận tay người nghèo dưới sự kiểm tra, giám sát của chính quyền và các tổ chức hội, đoàn thể ở từng địa phương qua 21 điểm giao dịch tại các xã, thị trấn và 276 Tổ tiết kiệm và vay vốn trên địa bàn.

Năm 2020, với tổng nguồn vốn huy động và quản lý 320.784 triệu đồng, doanh số cho vay của NHCSXH Bát Xát chủ yếu tập trung vào một số chương trình: Hộ nghèo (17.113 triệu đồng); Hộ sản xuất kinh doanh vùng khó khăn (22.753 triệu đồng); Hộ cận nghèo (8.632 triệu đồng); Hộ mới thoát nghèo (11.843 triệu đồng); Nước sạch và vệ sinh môi trường (9.169 triệu đồng: Cho vay GQVL (10.180 triệu đồng); Cho vay hộ dân tộc thiểu số theo Quyết định số  2085/2016 QĐ-TTg (7.503 triệu đồng); Cho vay Nhà ở xã hội theo Nghị định số 100/2015/NĐ-CP (2.158 triệu đồng)…Tổng dư nợ đạt 319.817 triệu đồng, tăng 27.996 triệu đồng so với năm 2019.

Tổng dư nợ tăng trưởng  27.996 triệu đồng, đạt 99,99% kế hoạch giao, trong đó, cho vay 03 chương trình (hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ thoát nghèo), tăng trưởng 5.000 triệu đồng, đạt 100%; chương trình cho vay NS&VSMT tăng 2.924 triệu đồng, đạt 100%; Chương trình cho vay hộ Dân tộc thiểu số theo Quyết định 2085/2016/QĐ-TTg tăng trưởng 7.271 triệu đồng, đạt 100%; chương trình cho vay GQVL tăng trưởng 1.898 triệu đồng, đạt 99,99%; chương trình cho vay Nhà ở xã hội theo Nghị định số 100/2015/NĐ-CP tăng trưởng 2.085 triệu đồng, đạt 100%; chương trình cho vay hộ SXKD vùng khó khăn tăng trưởng 4.220 triệu đồng, đạt 100%. Chất lượng tín dụng chính sách ngày càng được duy trì ổn định, đến 31/12/2020, chất lượng hoạt động tín dụng chính sách đạt 94,59 điểm, xếp loại tốt; Có 21/21 xã có chất lượng hoạt động tín dụng xếp loại tốt, không có xã chất lượng tín dụng xếp loại khá.

Ông Lê Xuân Thọ, Giám đốc NHCSXH huyện Bát Xát, cho biết: “Trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch Covid - 19 làm ảnh hưởng tiêu cực toàn diện đến đời sống xã hội, trong đó có một số bộ phận lớn khách hàng vay vốn NHCSXH là hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác. Bám sát sự  chỉ đạo của NHCSXH tại Công văn số 1349/NHCS-TDNN ngày 13/3/2020, trong năm 2020 và  2021, Phòng giao dịch NHCSXH huyện Bát Xát luôn phối hợp chặt chẽ với cấp uỷ chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị -xã hội nhận uỷ thác để rà soát đánh giá mức độ thiệt hại đến các khách hàng vay vốn để thực hiện các biện pháp gia hạn nợ, xem xét điều chỉnh kỳ hạn trả nợ, cho vay bổ sung để giúp khách hàng khôi phục sản xuất, kinh doanh cải thiện đời sống kinh tế gia đình. Trong đợt Covid-19 vừa qua, NHCSXH huyện Bát Xát đã cho gia hạn nợ 496 triệu đồng/12 khách hàng. Đồng thời, ngân hàng cũng đẩy mạnh giải ngân tăng trưởng dư nợ  với số tiền 6 tỷ đồng/ 495 lượt khách hàng vay vốn”.

Đánh giá hiệu quả từ nguồn vốn đã giúp người dân địa phương thoát nghèo, ông Hà Ngọc Linh, Phó Chủ tịch UBND xã Y Tý, cho biết: “Từ nguồn vốn của NHCSXH, hàng trăm hộ nghèo và các đối tượng chính sách trên địa bàn đã đầu tư phát triển trồng trọt, chăn nuôi, làm dịch vụ…;góp phần giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động với thu nhập ổn định. Việc sử dụng đồng vốn đúng mục đích đã đem lại hiệu quả kinh tế, nâng cao đời sống. Chính vì vậy, tỷ lệ hộ nghèo trong các năm liên tục giảm và không có tình trạng tái nghèo: năm 2018, xã có 477 hộ nghèo, chiếm 51,29%; năm 2019 còn 340 hộ, chiếm 36,13%; năm 2020 còn 217 hộ, chiếm 23,11%; năm nào giảm nghèo cũng đạt 100% kế hoạch, mục tiêu đến năm 2022 đạt tiêu chí NTM về hộ nghèo”.


 

 

Nguyên Hoa
Ý kiến bạn đọc
Top