Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ tư, ngày 6 tháng 1 năm 2021 | 16:21

Bức tranh tín dụng chính sách: Nhiều gam màu ấm và sáng

Dù dịch bệnh Covid-19 và thiên tại lịch sử, song hệ thống NHCSXH đã phát huy những thành tích, nỗ lực phấn đấu, vượt qua khó khăn, thực hiện thắng lợi với kết quả toàn diện trên các mặt công tác.

t10.jpg

Mặc dù trải qua sóng gió trong năm 2020 với nhiều yếu tố tác động ảnh hưởng đến các chính sách an sinh xã hội, nhất là từ dịch bệnh Covid-19 và thiên tại lịch sử, song hệ thống NHCSXH đã phát huy những thành tích, nỗ lực phấn đấu, vượt qua khó khăn, thực hiện thắng lợi với kết quả toàn diện trên các mặt công tác.

Những gam màu “ấm” trong bức tranh tín dụng chính sách

Năm 2020 là năm có nhiều sự kiện có ý nghĩa đặc biệt quan trọng của đất nước và là năm tiến hành Đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII. Với NHCSXH, năm 2020 cũng là năm sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội; Tổng kết 10 năm thực hiện Chiến lược phát triển giai đoạn 2011 - 2020, tạo cơ sở vững chắc, tiền đề thuận lợi cho giai đoạn tiếp theo.

Đến 31/12/2020, tổng nguồn vốn tín dụng ước đạt 235.661 tỷ đồng, tăng 23.767 tỷ đồng (11,2%) so với 31/12/2019, trong đó nguồn vốn nhận ủy thác từ ngân sách địa phương đạt 20.134 tỷ đồng, tăng 4.700 tỷ đồng (30,5%); tổng dư nợ ước đạt 226.264 tỷ đồng, tăng 19.459 tỷ đồng với gần 6,5 triệu người nghèo và các đối tượng chính sách khác đang còn dư nợ; nợ quá hạn và nợ khoanh chiếm 0,70%/tổng dư nợ.

Vốn tín dụng đã giúp cho trên 2 triệu lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và các đối tượng chính sách khác có vốn để sản xuất kinh doanh, cải thiện cuộc sống, vươn lên thoát nghèo bền vững, góp phần tạo việc làm cho gần 361 nghìn lao động, xây dựng trên 1,3 triệu công trình nước sạch và vệ sinh môi trường, giúp trên 40,2 nghìn học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn vay vốn học tập, xây dựng trên 16,6 nghìn căn nhà ở cho hộ nghèo ổn định cuộc sống; gần 5,9 nghìn căn nhà ở xã hội theo Nghị định 100/2015/NĐ-CP, 139 doanh nghiệp được vay vốn để trả lương ngừng việc cho trên 5.200 lao động,…

Hoàn thành các mục tiêu, nội dung công việc mà Chiến lược phát triển NHCSXH giai đoạn 2011 - 2020 đề ra, tổ chức tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện Chiến lược; tiếp tục nghiên cứu xây dựng Chiến lược phát triển NHCSXH giai đoạn 2021 - 2030.

Ông Nguyễn Đức Phong, Phó Bí thư Đảng ủy Khối DNTW ghi nhận, biểu dương những kết quả nỗ lực đạt được của Đảng bộ NHCSXH TW trong năm 2020. Đồng thời nhấn mạnh, NHCSXH đã khẳng định vị thế, vai trò và hình ảnh là trụ cột quan trọng trong thực hiện các giải pháp giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới của Đảng và Chính phủ, góp phần bảo đảm an sinh xã hội, phát triển kinh tế - xã hội đất nước và đã trở thành là một định chế tài chính công thực hiện có hiệu quả các chính sách an sinh xã hội của Đảng và Chính phủ.

Ghi nhận những thành công đó, năm 2020, Chủ tịch nước đã ký tặng danh hiệu “Anh hùng lao động” thời kỳ đổi mới cho NHCSXH. Đồng thời đề nghị NHCSXH tiếp tục giữ vững những kết quả tích cực và phát huy vai trò lãnh đạo của Đảng để đẩy mạnh hơn nữa công tác chỉ đạo hoàn thành các nhiệm vụ chính trị, chỉ tiêu, công tác xây dựng Đảng và kiểm tra, giám sát.

Kết quả của tất cả những chuyển biến ấy đã tạo nên những gam màu ấm áp, sáng màu trong bức tranh tín dụng chính sách. Hiệu ứng từ nguồn vốn tín dụng chính sách trong thời gian tới sẽ còn mạnh mẽ hơn cùng với những trợ lực từ Nhà nước cũng như toàn thể hệ thống chính trị - xã hội. Tuy nhiên, những thách thức mới cũng đang đặt ra cho NHCSXH khi tới đây chuẩn nghèo mới sẽ được ban hành cùng với đó công cuộc hội nhập ngày càng sâu cùng những rủi ro khó lường đang tăng lên.

Tiến tới giảm nghèo bền vững

Chính từ sự “Thấu hiểu lòng dân, tận tâm phục vụ”, câu chuyện thực hiện Chiến lược của NHCSXH không chỉ là những kế hoạch cứng mà được xây dựng chủ động và linh hoạt theo diễn tiến của nền kinh tế, yêu cầu giảm nghèo của quốc gia, đặc biệt là từ nhu cầu thực tế của người nghèo và các đối tượng chính sách khác. Tốc độ hội nhập nhanh của nền kinh tế cùng yêu cầu giảm nghèo đa chiều, bền vững, ứng phó với biến đổi khí hậu đã trở thành bài toán mà lãnh đạo NHCSXH cân nhắc, để rồi từ đó hàng loạt các đề xuất chính sách tín dụng mới đã được NHCSXH đề xuất tới Ngân hàng Nhà nước và các bộ, ngành để tham mưu Chính phủ hoàn thiện chuỗi các chương trình tín dụng mang tính kết nối và hỗ trợ người nghèo trên từng nấc thang tiến tới giảm nghèo bền vững.

Câu chuyện hội tụ nguồn lực không chỉ trên phương diện vốn mà quan trọng hơn là phương thức quản lý và truyền tải vốn tín dụng chính sách trong thời gian qua. Dây chuyền quản lý và truyền tải vốn giờ không chỉ đặt lên vai các các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác, mà có sự tận lực, tận tâm của chính quyền địa phương. Trong đó việc bổ sung Chủ tịch UBND cấp xã vào Ban đại diện Hội đồng quản trị NHCSXH cấp huyện đã tạo sự chuyển biến tích cực và đồng đều trên các mặt hoạt động, nâng cao chất lượng hiệu quả nguồn vốn tín dụng chính sách, nâng cao vai trò quản lý Nhà nước, đặc biệt của chính quyền cấp xã với hoạt động tín dụng chính sách xã hội.

Việc thường xuyên củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động Tổ tiết kiệm và vay vốn được ví như “cánh tay nối dài” của NHCSXH trong việc thực hiện tín dụng chính sách, góp phần chuyển tải nguồn vốn tín dụng chính sách đến các đối tượng thụ hưởng kịp thời, tiết giảm chi phí, thời gian cho người vay và tăng cường khả năng tiếp cận dịch vụ tín dụng chính sách xã hội đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác.


 

Thanh Tâm
Ý kiến bạn đọc
Top