Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ năm, ngày 25 tháng 4 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 24 tháng 3 năm 2017 | 1:58

Bước chuyển của tín dụng chính sách trên Tây Nguyên

Bản ghi nhớ về việc phối hợp chỉ đạo, thực hiện các chương trình tín dụng chính sách với Ban chỉ đạo Tây Nguyên được coi là trợ lực giúp NHCSXH thực thi hiệu quả Đề án củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng trên địa bàn được khởi động từ đầu năm 2012. Sau 4 năm thực hiện (từ 12/4/2013), nguồn vốn tín dụng chính sách tại Tây Nguyên đã có bước chuyển mạnh mẽ cả về lượng và chất.

Nguồn vốn ưu đãi đã giúp đồng bào các dân tộc vùng Tây Nguyên có cuộc sống sung túc, đầy đủ hơn.

Trước khi xây dựng Đề án củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng trên địa bàn Tây Nguyên, cuối năm 2011, tổng dư nợ cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác tại vùng là 11.394 tỷ đồng (chiếm 11% dư nợ của toàn quốc), trong khi nợ quá hạn gần 175 tỷ đồng, tỷ lệ nợ quá hạn là 1,54%, cao hơn bình quân chung toàn quốc. Mạng lưới Tổ tiết kiệm và vay vốn nhiều nơi yếu, hoạt động không hiệu quả. Chính vì vậy, việc củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng chính sách đã bắt đầu từ việc tập trung kiểm tra, rà soát, phân loại các xã, huyện có tỷ lệ nợ quá hạn trên 2% để lập Đề án củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng.

Đối với chi nhánh có tỷ lệ nợ quá hạn cao trên 2%, Tổng giám đốc đã chỉ đạo xây dựng Đề án củng cố và chịu sự kiểm soát riêng của Ban chỉ đạo NHCSXH Trung ương. Đồng thời, giao Giám đốc chi nhánh NHCSXH cấp tỉnh, Giám đốc Phòng giao dịch NHCSXH cấp huyện rà soát, phân tích chất lượng nợ và tổ chức xây dựng Đề án củng cố đối với những huyện, xã có nợ quá hạn trên 2%.

Những bước chuyển này đã góp phần đưa chất lượng tín dụng chính sách vùng Tây Nguyên thay đổi căn bản. Tính đến cuối năm 2016, nợ xấu đã giảm một nửa, chỉ còn 75 tỷ đồng, chiếm 0,39% tổng dư nợ. Trong đó, nợ quá hạn 44,6 tỷ đồng (chiếm 0,23% tổng dư nợ), nợ khoanh 30,5 tỷ đồng (chiếm 0,16% tổng dư nợ), thấp hơn so với bình quân chung toàn quốc. Đây là thành công nổi bật trong việc thực hiện Đề án củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng tại Tây Nguyên.

Một trong những yếu tố quan trọng giúp cải thiện chất lượng tín dụng chính sách trong vùng là sự vào cuộc đầy quyết tâm của Ban chỉ đạo Tây Nguyên, đã cùng NHCSXH thường xuyên theo dõi, bám sát các chủ trương, định hướng của Đảng, Chính phủ và tình hình thực tế trong quá trình triển khai thực hiện các hoạt động tín dụng chính sách trên địa bàn, từ đó nghiên cứu, phân tích, đánh giá, phối hợp với NHCSXH giải quyết khó khăn, vướng mắc; đồng thời tham mưu, đề xuất, kiến nghị Chính phủ ban hành một số cơ chế, chính sách và giải pháp hỗ trợ cho người nghèo, hộ cận nghèo và đồng bào dân tộc thiểu số vùng Tây Nguyên, như: chính sách cho vay người lao động của huyện nghèo đi xuất khẩu lao động, chính sách cho vay đối với hộ cận nghèo,... và tập trung nguồn vốn tín dụng ưu đãi để giúp họ vươn lên thoát nghèo.

Những bước chuyển trong tín dụng Tây Nguyên có thêm lực đẩy mới từ việc thực hiện Chỉ thị 40-CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư Trung ương Đảng và Quyết định 401/QĐ-TTg ngày 14/3/2016 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội. Có thể nói, những hiệu ứng từ việc thực thi Đề án và Bản ghi nhớ ngày càng lan toả trong đời sống đồng bào các dân tộc Tây Nguyên.

Hơn 500 gốc cà phê hiện đã trổ hoa trắng muốt của gia đình vợ chồng Y Dôi Byă và H’Trưk Bkrông ở buôn Buôr, xã Hòa Xuân, TP.Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) đang góp thêm hương sắc cho bức tranh Tây Nguyên tháng 3 cũng như Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 6 và Liên hoan Văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên năm 2017. Quan trọng hơn, từ năm nay, gia đình anh có thêm một nguồn thu để sớm bước qua diện hộ mới thoát nghèo. Vợ chồng Y Dôi Byă và H’Trưk Bkrông cũng vừa dựng xong căn nhà mới và dự định sẽ phát triển thêm chăn nuôi bên cạnh 3 còn bò đã có từ nguồn vốn chính sách. Nhìn gia cảnh ấy, ít ai nghĩ rằng năm 2012, đôi vợ chồng trẻ này vẫn là hộ nghèo. Tháng 11/2015, từ nguồn vốn vay hộ mới thoát nghèo 30 triệu đồng, gia đình anh chị đầu tư chăm sóc thêm 5 sào cà phê. Ngoài việc chăm sóc cà phê, chăn nuôi, sản xuất, hàng ngày vợ chồng anh chị đi làm công thuê, nên kinh tế dần ổn định.

Cùng với chất lượng tín dụng chính sách ngày càng được nâng cao, hoạt động tín dụng chính sách xã hội tại vùng Tây Nguyên đã và đang góp phần tích cực vào việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, bảo đảm an sinh xã hội và xây dựng nông thôn mới. Vốn tín dụng chính sách đầu tư tại Tây Nguyên trong thời gian qua đã góp phần giúp 407.157 hộ thoát nghèo; tạo điều kiện cho 276.509 HSSV nghèo được vay vốn đến trường; tạo việc làm cho 189.976 lao động; xây dựng, cải tạo 66.704 nhà ở cho hộ nghèo; xây dựng 636.903 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường cho các hộ gia đình tại khu vực nông thôn; giúp 5.074 lao động đi làm việc ở nước ngoài. Những kết quả này góp phần đáng kể đưa tỷ lệ hộ nghèo của khu vực theo chuẩn giai đoạn 2011 - 2015 giảm từ 18,92% (năm 2011) xuống còn 8,5%, trong đó hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số còn 18%.

Việt Hải

 

 

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
Top