Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ hai, ngày 27 tháng 7 năm 2020 | 15:23

Bước chuyển trong công tác giảm nghèo ở Bình Định

Gần 354 nghìn lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn tại NHCSXH tỉnh Bình Định. Nhờ đó, gần 52 nghìn hộ vượt qua ngưỡng nghèo, từ đó đưa tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh xuống còn 5,34% vào cuối năm 2019.

Đây là kết quả thực hiện Chiến lược phát triển NHCSXH giai đoạn 2011 - 2020 trên vùng quê nhiều nắng gió này.

 

tr24.jpg
Tổng Giám đốc Dương Quyết Thắng nắm bắt tình hình hộ vay vốn tại Bình Định.

 

Hiệu quả tín dụng chính sách

Là tỉnh thuộc duyên hải miền Trung, Bình Định có lợi thế bờ biển trải dài, có cả đồng bằng, miền núi, giao thông thuận tiện lại ở vị trí một trong những cửa ngõ ra biển của các tỉnh Tây Nguyên và vùng Nam Lào. Không những vậy, Bình Định lại có điều kiện để phát triển kinh tế toàn diện về công nghiệp - du lịch - dịch vụ - nông nghiệp. Song công cuộc giảm nghèo, phát triển kinh tế còn nhiều thách thức khi có 3/8 huyện miền núi nghèo theo Nghị quyết 30a của Chính phủ, khu vực nông thôn có 1.012 nghìn người (chiếm 68,1% dân số), DTTS 41,6 nghìn người (chiếm 2,8%) với 3 dân tộc chính là Bana, Chăm và Hrê.

Để giải quyết vấn đề này, những năm qua, NHCSXH tỉnh đã tập trung xã hội hóa, nâng cao chất lượng và hiệu quả tín dụng chính sách xã hội, huy động lực lượng toàn xã hội tham gia vào sự nghiệp giảm nghèo, giải quyết việc làm, bảo đảm an sinh xã hội và xây dựng NTM.

Tính đến 30/6/2020, tổng nguồn vốn của chi nhánh đạt 4.264 tỷ đồng, tăng 2.062 tỷ đồng so với năm 2010, tỷ lệ tăng trưởng bình quân hằng năm đạt 10,2%. Trong đó, nguồn vốn cân đối từ Trung ương đạt 3.560 tỷ đồng, tăng 65,9% so với năm 2010, chiếm 83,5% tổng nguồn vốn. Nguồn vốn nhận ủy thác từ ngân sách địa phương đạt 245,5 tỷ đồng. Nguồn vốn tín dụng tăng mạnh là cơ sở để chi nhánh triển khai hiệu quả 19 chương trình tín dụng chính sách với doanh số cho vay từ đầu năm 2011 đến nay đạt 9.960 tỷ đồng, với gần 354 nghìn lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn.

Tổng dư nợ cho vay đến hết tháng 6/2020 đạt 4.255 tỷ đồng, tăng 161,7% so với cuối năm 2010, ước tăng trưởng năm 2020 đạt 13,65%, với 94 nghìn hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách còn dư nợ; bình quân một hộ dư nợ 45,4 triệu đồng, tăng 31 triệu đồng so với năm 2010.

Giám đốc chi nhánh tỉnh Đoàn Trung Thành cho biết, hiện nay, 100% người nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn có nhu cầu, đủ điều kiện đều được tiếp cận các sản phẩm, dịch vụ do NHCSXH cung cấp.

Nghèo khó dần lùi xa

Những con số dư nợ tại 7 chương trình tín dụng đến thời điểm hiện tại chiếm 93% tổng dư nợ cho thấy bước chuyển trong công tác giảm nghèo ở Bình Định từ vốn tín dụng chính sách, khi cho vay hộ nghèo không còn là chương trình có dư nợ lớn nhất như trước khi thực hiện chiến lược. Cụ thể, cho vay hộ cận nghèo chiếm 21,1% tổng dư nợ, với hơn 17 nghìn khách hàng vay, bình quân một hộ dư nợ đạt 51,6 triệu đồng. Cho vay hộ mới thoát nghèo chiếm 11,8%, với gần 10 nghìn khách hàng vay, bình quân một hộ dư nợ 54,4 triệu đồng. Cho vay hộ nghèo chỉ còn chiếm 19% tổng dư nợ.

Nghèo khó từng bước lùi xa, cũng là lúc người dân nơi đây có nhu cầu nâng cao chất lượng sống, cải thiện thu nhập từ việc làm mới hoặc chuyển đổi sinh kế. Điều này thể hiện rõ qua cho vay NS&VSMTNT, chiếm 11,6% tổng dư nợ, với 33 nghìn khách hàng vay; cho vay hộ gia đình sản xuất, kinh doanh vùng khó khăn có dư nợ đạt 454,8 tỷ đồng, chiếm 10,7%, với hơn 10 nghìn khách hàng vay, bình quân một hộ dư nợ 44,6 triệu đồng. Chương trình cho vay giải quyết việc làm chiếm tỷ trọng 9,1%, với gần 10 nghìn khách hàng vay.

Đời sống vật chất và ý thức vươn lên của hộ nghèo, các đối tượng chính sách còn thấy rõ qua việc chăm sóc đầu tư cho con cái ăn học. Hiện nay, chương trình cho vay HSSV có hoàn cảnh khó khăn có hơn 13 nghìn khách hàng vay, chiếm 9,9% dư nợ của chi nhánh.

Các giải pháp củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng chính sách được thực hiện hiệu quả. Nợ quá hạn và nợ khoanh chỉ chiếm 0,14% tổng dư nợ (giảm 0,51% so năm 2010), thấp hơn nhiều so với mục tiêu của Chiến lược phát triển NHCSXH giai đoạn 2011 - 2020 đề ra.

Cùng với việc cho vay đúng, cho vay đủ, sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền các cấp từ sau Chỉ thị số 40-CT/TW đang tối ưu hóa nguồn vốn tín dụng chính sách theo chiều sâu với việc gắn tín dụng chính sách xã hội với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và mục tiêu giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn.

Đặc biệt, cùng với việc bố trí vốn ngân sách địa phương để bổ sung ủy thác qua NHCSXH, tỉnh Bình Định đã ban hành nhiều cơ chế chính sách đặc thù nhằm giải quyết bài toán tạo việc làm đẩy nhanh tốc độ giảm nghèo bền vững, xây dựng NTM. Có thể kể đến chính sách hỗ trợ vốn ngân sách địa phương ủy thác qua NHCSXH cho vay hộ nghèo sang cho vay tạo việc làm, đi làm việc ở nước ngoài cho người lao động tỉnh  đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng giai đoạn 2017 - 2020.

Tỉnh cũng đã cho phép sử dụng Quỹ dự phòng rủi ro tín dụng từ năm 2017 trở về trước để cho vay hộ nghèo, các đối tượng chính sách. Đồng thời quyết định phân bổ kinh phí Quỹ việc làm cho người tàn tật, ban hành chính sách hỗ trợ cho hộ nghèo làm nhà ở giai đoạn I từ nguồn vốn ngân sách địa phương. Bình Định cũng quyết định chuyển Quỹ xóa đói giảm nghèo của tỉnh sang NHCSXH để cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo.

Tuy nhiên, công tác giảm nghèo vẫn còn khó khăn khi nguồn lực để thực hiện một số chương trình tín dụng chính sách còn hạn chế so với nhu cầu vay vốn. Việc tư vấn, hướng dẫn xây dựng và nhân rộng mô hình SXKD có hiệu quả, mô hình giúp nhau vươn lên thoát nghèo chưa được triển khai thường xuyên và tình hình thiên tai, dịch bệnh diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng đến đời sống, sản xuất của một bộ phận nhân dân, đặc biệt là hộ nghèo, hộ đồng bào DTTS trên địa bàn nên đã ảnh hưởng đến chất lượng tín dụng.

Để giải quyết vấn đề này cũng như tiếp tục xây dựng kế hoạch tín dụng chính sách cho giai đoạn phát triển kinh tế mới của tỉnh từ năm 2021 - 2025, Tổng Giám đốc Dương Quyết Thắng cho biết, Trung ương sẽ tiếp tục quan tâm bổ sung nguồn lực cho chi nhánh, đặc biệt là nguồn vốn cho vay tạo việc làm, duy trì mở rộng việc làm và tiếp tục đề xuất Chính phủ tăng cường nguồn vốn cho vay nhà ở xã hội.

Tổng Giám đốc chỉ đạo đơn vị tiếp tục tham mưu, đề xuất Tỉnh ủy, UBND tỉnh tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo đối với hoạt động tín dụng chính sách, thực hiện có hiệu quả hơn nữa Chỉ thị số 40-CT/TW, trọng tâm là tăng cường nguồn lực vốn ngân sách địa phương để ủy thác sang NHCSXH bổ sung nguồn vốn cho vay; đồng thời, chỉ đạo các cấp, các ngành liên quan phối hợp chặt chẽ với NHCSXH trong việc giải ngân vốn vay, quản lý, nâng cao hiệu quả tín dụng chính sách xã hội. Thường xuyên chỉ đạo tốt công tác củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng chính sách xã hội, chất lượng hoạt động Tổ tiết kiệm và vay vốn, hoạt động giao dịch của NHCSXH tại các Điểm giao dịch xã..

Tỷ lệ hộ nghèo giai đoạn 2011 - 2015 toàn tỉnh Bình Định đã giảm từ 16,31% xuống 6,25%. Riêng các huyện nghèo giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 61,29% xuống 36,95%.

Tỷ lệ hộ nghèo đa chiều giảm từ 13,35% (đầu năm 2016) xuống còn 5,34% (cuối năm 2019), đạt chỉ tiêu Nghị quyết HĐND, UBND tỉnh đề ra; hộ cận nghèo từ 6,81% (đầu năm 2016) xuống còn 5,73% (cuối năm 2019).

Riêng các huyện nghèo giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 62,57% (đầu năm 2016) xuống còn 35,46% (cuối năm 2019), đạt chỉ tiêu Nghị quyết HĐND, UBND tỉnh đề ra.

 

 

Nhật Nam
Ý kiến bạn đọc
Top