Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ hai, ngày 25 tháng 11 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 6 tháng 10 năm 2017 | 2:7

Các hội, đoàn thể: Cầu nối đưa vốn tín dụng chính sách đến với người nghèo

Nhằm trao đổi, thu nhận ý kiến đại biểu Quốc hội (ĐBQH), chuyên gia, nhà quản lý, cử tri về hiệu quả hoạt động của công tác nhận ủy thác tín dụng chính sách qua các hội, đoàn thể, NHCSXH phối hợp với Báo Đại biểu nhân dân tổ chức Tọa đàm trực tuyến với chủ đề “Hội, đoàn thể - cầu nối đưa vốn tín dụng chính sách đến với hộ nghèo”.

Quang cảnh buổi Tọa đàm.

Nối dài kênh dẫn vốn

Trả lời câu hỏi: Tại sao NHCSXH lại kết hợp với các hội, đoàn thể để ủy thác dòng vốn vay chính sách xã hội, ông Nguyễn Văn Lý, Phó tổng giám đốc NHCSXH Việt Nam khẳng định, đối với NHCSXH, việc cần thiết phải kết hợp với các hội, đoàn thể để ủy thác dòng vốn vay chính sách xã hội là vì:

Thứ nhất, xuất phát từ yêu cầu, Chính phủ thành lập ra NHCSXH để thực hiện chủ trương của Chính phủ. Chính phủ trực tiếp là chủ thể đứng ra tập hợp các nguồn lực để tạo nguồn vốn cho người nghèo và các đối tượng chính sách vay để cải thiện cuộc sống, giảm nghèo, tạo việc làm. Và việc này được giao cho NHCSXH thực hiện theo phương châm “cho cần câu hơn cho con cá”. Vốn tín dụng chính sách qua NHCSXH được yêu cầu phải đúng đối tượng, đúng địa chỉ.

Thứ hai, NHCSXH phải sử dụng vốn có hiệu quả, biết quay vòng, bảo toàn vốn. Còn Chính phủ thực hiện việc giám sát. Đối tượng là người dân nên phải thực hiện dân chủ, công khai, xã hội hóa và đảm bảo nguồn vốn phát triển bền vững, bảo toàn. Khi nghiên cứu lại đối tượng thụ hưởng là người nghèo và các đối tượng chính sách, chúng tôi thấy gần như 70 - 80% là hội viên nông dân, phụ nữ, thanh niên, cựu chiến binh. Do đó, các nhà hoạch định chính sách thấy rằng, nếu các tổ chức chính trị - xã hội tham gia vào việc truyền tải tín dụng chính sách sẽ đạt được các yêu cầu: Vừa là cầu nối, vừa thực hiện được giám sát, phản biện xã hội cũng như xã hội hóa. Và đã đề xuất với Chính phủ ban hành Nghị định 78 của Chính phủ về tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác, đưa các tổ chức hội, đoàn thể vào cuộc.

“Thực tế, 15 năm hoạt động của NHCSXH đã chứng minh quyết sách trên là hoàn toàn đúng. Hiện, NHCSXH có tới 98,5% khách hàng vay vốn thông qua 4 tổ chức chính trị - xã hội. Và qua 4 tổ chức này, chúng tôi thành lập các tổ, nhóm và xây dựng mạng lưới ở dưới. Gần như vốn tín dụng chính sách đến đúng đối tượng thụ hưởng. Đặc biệt, tỷ lệ bảo toàn nguồn vốn rất cao”, ông Lý khẳng định.

Chia sẻ thêm về vai trò của hội, đoàn thể trong việc chuyển tải vốn tín dụng chính sách, những hạn chế khi hội, đoàn thể giúp nối dài kênh dẫn vốn, ông Nguyễn Xuân Thắng, Trưởng ban điều hành Quỹ Hỗ trợ nông dân, khẳng định: Những kết quả đạt được của hoạt động tín dụng chính sách trong 15 năm qua đã khẳng định chủ trương đúng đắn ­của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, sự điều hành của Chính phủ. Việc huy động các tổ chức đoàn thể như Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh và Đoàn Thanh niên trong việc chuyển tải nguồn vốn là sự chỉ đạo đúng hướng, rất chính xác, kịp thời, sát với đặc điểm, tình hình kinh tế - xã hội. Năm 2002, sau 7 năm thành lập Ngân hàng Phục vụ người nghèo, Chính phủ ban hành Nghị định số 78, trong đó quy định việc cho vay của NHCSXH thực hiện theo phương thức ủy thác cho các tổ chức tín dụng, tổ chức chính trị - xã hội theo hợp đồng ủy thác hoặc trực tiếp cho người vay.

Chúng tôi đã ký kết với NHCSXH về 6 nội dung chính gồm 3 nhóm công việc: tuyên truyền, giám sát, củng cố, thành lập các tổ, đôn đốc nợ... Điều này đã mang lại hiệu quả. Riêng Hội Nông dân, công tác đào tạo, bồi dưỡng đã xây dựng được một đội ngũ cán bộ Hội, cán bộ Tổ tiết kiệm và vay vốn... khoảng hơn 300.000 người. Một năm thực hiện vài chục nghìn cuộc kiểm tra, giám sát đối với các tổ, hội vay. Đến nay, chỉ còn 1,7% tổ yếu; nợ quá hạn ủy thác qua Hội Nông dân từ 4,11% năm 2004 xuống còn 0,39% vào tháng 8/2017. Đây thực sự là kết quả tốt.

Hộ nghèo, hộ cận nghèo chủ yếu sản xuất nông, lâm ngư nghiệp. Họ vừa là đoàn viên, hội viên, khách hàng vay, vừa là đối tượng tạo ra 98% dư nợ của ngân hàng. Vì vậy, NHCSXH có vai trò rất lớn trong việc cải thiện cuộc sống người nghèo.

Thách thức cũ và mới cho giảm nghèo bền vững

Bên cạnh những kết quả đạt được, nguồn vốn tín dụng chính sách cũng đứng trước nhiều thách thức. Có thể thấy, khó khăn hiện nay của chương trình tín dụng chính sách ủy thác qua các hội, đoàn thể là năng lực quản lý nguồn vốn tín dụng của các Tổ tiết kiệm và vay vốn chưa cao, một số xã chưa kết hợp với hội, đoàn thể thực hiện kiểm tra sau khi cho vay dẫn đến tình trạng lãi tồn đọng và nợ quá hạn tăng, ảnh hưởng đến hiệu quả và tạo nguồn vốn quay vòng để tiếp tục cho vay đối tượng chính sách khó khăn có nhu cầu. Bên cạnh đó, chúng ta vẫn cần chương trình cho vay hộ cận nghèo và hộ mới thoát nghèo để làm sao giải quyết căn cơ, vững vàng, giảm thiểu tỷ lệ tái nghèo... Và, hoạt động của các hội, đoàn thể còn không ít khó khăn, thách thức.

Về những thách thức trong công cuộc giảm nghèo giai đoạn mới, làm sao để đồng vốn tín dụng không phải mang về “dắt lên mái tranh” như trước kia mà tìm đến cách làm mới, tạo ra sản phẩm mới, bà Trần Thị Thu Hà, Phó trưởng ban Hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam cho rằng: Đúng là rất khó khăn khi mà có vốn nhưng vẫn còn tình trạng sử dụng không hiệu quả, nói ví von là mang tiền về  “dắt lên mái tranh”. Mấy chục năm trước, việc sử dụng đồng vốn của chị em phụ nữ có tình trạng này. Tuy nhiên, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam với vai trò hỗ trợ chị em phát triển kinh tế cũng đã sớm nhận ra khó khăn đó. Chúng tôi xác định rằng, vốn đi cùng kỹ năng, kiến thức, có sức lao động; vốn phải đến với người thực sự mong muốn phát triển kinh tế; vốn đến nơi nào làm ra được các mô hình, sử dụng đúng mục đích.

Trong điều kiện ngân sách Nhà nước còn rất khó khăn, nhưng Đảng, Chính phủ luôn dành nguồn cho tăng trưởng vốn tín dụng chính sách. Do đó, chúng tôi luôn thấy rõ trách nhiệm của tổ chức hội đối với các thành viên của mình trong việc hỗ trợ, tìm ra các phương cách để chị em phụ nữ phát triển kinh tế, kể cả các hội viên thông qua các Tổ tiết kiệm và vay vốn.

Để làm được điều đó, chúng tôi chỉ đạo các giải pháp phải được thực hiện đồng bộ, như: đào tạo nghề phải gắn với việc làm, đào tạo nghề phải xây dựng các mô hình tập hợp chị em đến với nhau, cùng tác động, giúp đỡ lẫn nhau, trong tổ nhóm đó có cả các chị em thuộc đối tượng giàu, trung bình và nghèo. Chúng tôi giúp các chị em khởi sự doanh nghiệp, phát triển kinh tế, đến là để học hỏi từng mô hình, cách làm, khơi gợi sự hỗ trợ từ các mạnh thường quân, trách nhiệm xã hội của các doanh nghiệp lớn để hỗ trợ chị em.

Kết hợp các khoản vốn vay với kỹ năng được đào tạo, chị em phụ nữ đạt được kết quả tốt trong sử dụng đồng vốn tín dụng chính sách. Tỷ lệ nợ quá hạn 6 tháng đầu năm thông qua Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam chiếm tỷ lệ rất thấp, 0,33%. Đây là 2 trong 5 điểm hoạt động tốt nhất của Hội trong hoạt động ủy thác tín dụng.

Đồng quan điểm, ông Dương Quang Huy, Phó trưởng ban Thanh niên nông thôn (Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh) cho rằng, với Đoàn Thanh niên cũng có nhiều khó khăn trong việc quản lý sử dụng, cũng như giúp đỡ vay vốn cho đoàn viên thanh niên.

Thách thức thứ nhất, đối với Đoàn Thanh niên do đối tượng quản lý đoàn viên và cán bộ đoàn trẻ, thời gian công tác không kéo dài nên công tác quản lý cũng ảnh hưởng đến việc quản lý chung nguồn vốn.

Đối với đoàn viên thanh niên, bà con nông dân vay vốn khi họ đã nghèo thì khả năng tiếp cận khoa học công nghệ rất hạn chế. Thực tế tại một số địa phương, vùng miền khi xây dựng nông thôn mới, việc quy hoạch, phát triển sản xuất không đồng đều, một số địa phương không quan tâm tập trung quy hoạch phát triển sản xuất mà tập trung nhiều đến quy hoạch phát triển xây dựng, do vậy, bà con nông dân có khả năng bám ruộng đồng, khu vực chăn nuôi hoặc sản xuất kinh doanh cũng rất khó khăn.

Điểm mấu chốt mà chúng tôi  đang khắc phục là làm sao để bà con nông dân và đoàn viên thanh niên tiếp cận khoa học kỹ thuật. Vừa qua, cũng có một số tỉnh theo sự chỉ đạo của Trung ương, ngoài việc hỗ trợ vay vốn, đã cử các sinh viên có chuyên ngành kỹ thuật về sản xuất nông nghiệp hỗ trợ cho từng đối tượng vay vốn, đến từng hộ hướng dẫn kỹ thuật. Chúng tôi đang áp dụng làm việc trực tiếp, hỗ trợ trực tiếp.

Thách thức cuối cùng theo chúng tôi, đó chính là quá trình đô thị hóa các vùng nông thôn. Do vậy, việc giảm diện tích canh tác cũng như ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi... đang đặt ra những thách thức mới khiến việc tham gia sản xuất trực tiếp của họ cũng rất khó khăn. Đây cũng là thách thức đặt ra cho Đoàn Thanh niên trong những năm tới.

P.V

 

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
Top