Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ hai, ngày 25 tháng 11 năm 2024  
Thứ tư, ngày 26 tháng 8 năm 2020 | 16:2

Cách mạng tháng 8/1945: 15 ngày thay đổi vận mệnh dân tộc

Chỉ trong vòng 15 ngày cuối tháng Tám 1945, dưới sự chỉ đạo của Bác, sự lãnh đạo của Trung ương Đảng, 21 triệu dân Việt Nam đã nhất tề đứng lên đánh đổ ách thống trị của phát xít...

t34.jpg
Ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - Nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á.

 

Chỉ trong vòng 15 ngày cuối tháng Tám 1945, dưới sự chỉ đạo của Bác, sự lãnh đạo của Trung ương Đảng, 21 triệu dân Việt Nam đã nhất tề đứng lên đánh đổ ách thống trị của phát xít, thực dân, chế độ phong kiến và chính quyền bù nhìn tay sai, giành lại độc lập, tự do, mở ra kỷ nguyên mới cho lịch sử dân tộc - kỷ nguyên nhân dân làm chủ đất nước, làm chủ vận mệnh.

Trong cuộc cách mạng “long trời, lở đất” ấy, có nhiều mốc son quan trọng, Kinh tế nông thôn xin điểm lại những dấu mốc.

Sáng 13/8/1945: Ngay khi được tin Nhật đầu hàng đồng minh, Trung ương Đảng và Tổng bộ Việt Minh đã thành lập ngay Ủy ban Khởi nghĩa toàn quốc. Tại Hội nghị, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: Thời cơ đã chín muồi. Dù có phải đốt cháy dãy Trường Sơn cũng phải dành cho được độc lập. 23 giờ cùng ngày, Ủy ban khởi nghĩa ra Quân lệnh số 1: “Giờ Tổng khởi nghĩa đã đến! Cơ hội có một cho quân, dân Việt Nam cùng giành lấy chính quyền độc lập của nước nhà… Chúng ta phải hành động cho nhanh, với một tinh thần vô cùng quả cảm, vô cùng thận trọng!... Cuộc thắng lợi hoàn toàn nhất định sẽ về ta”.

Ngày 14 tháng 8, một số cán bộ Đảng Cộng sản và Việt Minh dù chưa nhận được lệnh khởi nghĩa nhưng căn cứ vào tình hình hiện tại và chỉ thị “Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta” đã quyết định cùng nhân dân khởi nghĩa, khởi nghĩa lan rộng ra xã thuộc các tỉnh ở Đồng bằng sông Hồng như Thanh Hóa, Thái Bình,...

Ngày 16/8/1945, Quốc dân Đại hội Tân Trào, tiền thân của Quốc hội Việt Nam đã được triệu tập tại Tân Trào. Đây là dịp để những người đại biểu nói lên tiếng nói của tầng lớp mình, quyết định tương lai của đất nước, cũng là hình thức tập dượt để chuẩn bị ra đời Quốc hội trong những năm tháng tiếp theo. Đại hội đã biểu thị lòng quyết tâm cao độ, quyết định những vấn đề quan trọng mang tính sống còn như: Thông qua 10 chính sách của Việt Minh, nhất trí tán thành Chủ trương Tổng khởi nghĩa của Đảng… và bầu ra chính phủ lâm thời, đứng đầu là Chủ thịch Hồ Chí Minh - Nguyễn Ái Quốc.

Theo đó, cùng ngày, một đơn vị Giải phóng quân của Việt Minh do Võ Nguyên Giáp chỉ huy từ Tân Trào (Tuyên Quang) kéo về bao vây, tấn công quân Nhật ở thị xã Thái Nguyên.

Hưởng ứng lệnh Tổng khởi nghĩa, nhân dân ta từ Bắc chí Nam, từ đồng bằng đến miền núi, từ nông thôn đến thành thị đã nổi dậy giành chính quyền.

Ngày 17 tháng 8 năm 1945, chính phủ Trần Trọng Kim tổ chức mít tinh ra mắt quốc dân, nhưng cuộc mít tinh đã biến thành cuộc tuần hành ủng hộ lực lượng Việt Minh.

Sáng 19 tháng 8, hàng chục vạn người dân ở Hà Nội và các tỉnh lân cận theo các ngả đường kéo về quảng trường Nhà hát Lớn Hà Nội (nay là Quảng trường Cách mạng Tháng Tám). Khoảng 10 giờ 30, cuộc mít tinh lớn chưa từng có của quần chúng cách mạng được sự bảo vệ của Thanh niên tự vệ, của tổ chức Việt Minh Hoàng Diệu Hà Nội đã diễn ra. Đại diện Việt Minh tuyên bố: Tổng khởi nghĩa! Chỉ đạo khởi nghĩa ở Hà Nội có Nguyễn Khang, Trần Tử Bình, Nguyễn Quyết...

Ngày 20 tháng 8, Bảo Đại cho biết ông sẵn sàng thoái vị ngay nếu người đứng đầu Việt Minh là Nguyễn Ái Quốc. Bảo Đại tuyên bố chấp nhận thoái vị, từ bỏ ngai vàng và trở thành công dân Vĩnh Thụy. Ngày 25 tháng 8, hàng ngàn người tụ tập trước cửa Ngọ Môn xem nhà vua đọc Tuyên ngôn Thoái vị, ông tuyên bố “muốn được làm Dân một nước Tự Do, hơn làm Vua một nước bị trị”.

Ngày 23/8, khởi nghĩa ở Huế giành thắng lợi. Chỉ đạo khởi nghĩa có Nguyễn Chí Thanh và Tố Hữu. Cuộc khởi nghĩa có sự đóng góp của lực lượng Thanh niên tiền tuyến (Thanh niên Phan Anh), đây vốn là bộ phận bảo vệ trị an của chính phủ Trần Trọng Kim nhưng khi cách mạng nổ ra đã quay sang ủng hộ Việt Minh.

 

tr35.jpg
Quần chúng nhân dân Thủ đô đánh chiếm Bắc Bộ phủ, cơ quan đầu não của chính quyền tay sai Pháp ở Bắc Bộ, ngày 1981945.

 

Ở Sài Gòn, hành động chuyển giao quyền lực có ý nghĩa biểu tượng quan trọng là lời cam kết ngày 22 tháng 8 của Thống chế Terauchi với Trần Văn Giàu và Phạm Ngọc Thạch - hai đại diện cao cấp của Việt Minh - về việc quân Nhật không can thiệp nếu Việt Minh giành chính quyền. Ông Terauchi còn trao kiếm cá nhân và khẩu súng tùy thân cho đại diện của Việt Minh để làm tin.

Ngày 25 tháng 8, Việt Minh và Thanh niên Tiền phong làm nòng cốt tổ chức biểu tình và giành chính quyền tại Sài Gòn (nơi chịu sự cai trị trực tiếp của Nhật). Chỉ đạo nổi dậy ở nội thành là nhóm Việt Minh Tiền phong do Trần Văn Giàu chỉ đạo.

Ngày 28 tháng 8, Việt Minh giành được chính quyền trên toàn quốc.

Ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thay mặt Chính phủ lâm thời đọc Tuyên ngôn Độc lập khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, qua đó khẳng định: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, sự thật đã thành một nước tự do, độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy.”

Cách mạng Tháng Tám là một sự kiện vĩ đại trong lịch sử dân tộc, đã phá tan xiềng xích nô lệ của thực dân Pháp và phát xít Nhật, lật đổ chế độ quân chủ chuyên chế tồn tại ngót nghìn năm; là nguồn cổ vũ, động viên to lớn đối với các dân tộc thuộc địa, nhân dân bị áp bức, bóc lột trên thế giới vùng lên đấu tranh giành độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội.

Chỉ sau 15 ngày nổ ra, Đảng Cộng sản Việt Nam chỉ với 15 năm tuổi đời cùng với lực lượng nhỏ bé của mình (khoảng 5.000 đảng viên) đã tổ chức cách mạng thành công trên hầu khắp Việt Nam. Thành công này không thể xảy ra nếu chỉ dựa vào số lượng đảng viên ít ỏi này, mà đến từ sự chuẩn bị kiên trì suốt 15 năm của Đảng: các đảng viên của họ gắn bó sâu rộng với quần chúng, đồng cam cộng khổ, hiểu được tâm tư của nhân dân nên được nhân dân tin tưởng. Khi thời cơ đến, chỉ 5.000 đảng viên đó đã kêu gọi hàng chục triệu người dân nổi dậy, đoàn kết ủng hộ. Thành công còn đến từ việc biết chớp đúng thời cơ từ ban lãnh đạo Việt Minh, mà đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Cách mạng Tháng Tám thành công khẳng định vị thế lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam với phong trào giải phóng dân tộc, chính thức mở ra kỷ nguyên mới cho lịch sử dân tộc.

Trong những năm tháng xây dựng và đổi mới đất nước, nhờ quyết tâm đoàn kết, đồng lòng mà đất nước ta từ nước kinh tế kém phát triển trở thành một nước có kinh tế phát triển khá trong khu vực, đời sống nhân dân được cải thiện; chính trị-xã hội ổn định; quốc phòng, an ninh được giữ vững. Quan hệ đối ngoại ngày càng mở rộng và đi vào chiều sâu; vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế được nâng cao. Những thành tựu đó tạo tiền đề quan trọng để Việt Nam tiếp tục đổi mới và phát triển mạnh mẽ trong những năm tới….


 

 

Đăng Quang
Ý kiến bạn đọc
Top