Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 19 tháng 4 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 5 tháng 3 năm 2021 | 13:57

Cam Hà Giang giá rẻ, rụng đầy gốc: Cần một giải pháp căn cơ

Những năm gần đây, vào khoảng giữa tháng 2 ở Hà Giang lại xảy ra tình trạng cam sành bị rụng.

Ngoài ảnh hưởng của dịch Covid-19, thời tiết, việc trồng ngoài quy hoạch dẫn tới sản lượng lớn và thiếu chế biến sâu là nguyên nhân chính khiến tình trạng này tiếp tục tái diễn.

Cam rụng, người dân thiệt hại nặng

Niên vụ 2020 - 2021, diện tích cam sành của Hà Giang đạt khoảng 6.600ha, trong đó, khoảng 5.800ha cho thu hoạch với sản lượng khoảng 68.000 tấn. Do ảnh hưởng dịch bệnh Covid - 19 nên quá trình vận chuyển, kinh doanh, tiêu thụ bị ảnh hưởng, dẫn đến hiện tượng nhiều vườn cam đã chín vẫn phải để quả trên cây. Đến trung tuần tháng 2/2021, Hà Giang mới tiêu thụ được khoảng 55 - 60% tổng sản lượng.

 

1.jpg
Ông Lê Minh Hoan (người đối diện thứ 2, bên trái), Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT nếm sản phẩm mứt camta do Công ty Cổ phần Cam Ta chế biến sâu từ cam sành Hà Giang. Tuy nhiên, công suất chế biến sâu của công ty này còn quá nhỏ bé.

 

Thời gian vừa qua, nhiều nhà vườn ở 2 huyện Bắc Quang và Quang Bình xảy ra hiện tượng cam bị rụng quả gây thiệt hai nặng cho người trồng. Ước sản lượng cam bị rụng tại 2 huyện này là gần 3.000 tấn.

Riêng tại huyện Bắc Quang, tính đến ngày 18/2, sản lượng cam bị rụng lên đến trên 2.700 tấn với diện tích bị ảnh hưởng 937 ha/477 hộ, tập trung nhiều ở các xã Vĩnh Phúc, Vĩnh Hảo, Đông Thành, Thượng Bình, thị trấn Việt Quang. Nguyên nhân được cho là do thời tiết mưa, kèm theo có sương muối, thay đổi thời tiết đột ngột làm cho cam bị thối, rụng.

Theo bà Trần Thị Ao, thôn Vĩnh Chính, xã Vĩnh Hảo, Bắc Quang, niên vụ 2020-2021 gia đình bà có 30 tấn cam đến nay bán được khoảng 7 tấn, hiện cam trên cây còn khoảng 2-3 tấn, khoảng 20 tấn quả đã bị rụng. Nguyên nhân là do gặp mưa vào những ngày giáp Tết Nguyên đán.

Bà Ao tâm sự, cam của gia đình bán được giá 10.000 đồng/kg, trong khi người dân ở đây đang bán 3.500 - 4.500 đồng/kg. Hơn 7 tấn cam đã bán giá bình quân 9.000 đồng/kg, tổng thu được 63 triệu đồng, trừ hơn chục triệu tiền thuê người cắt, hộp đựng, công vận chuyển nên chẳng còn là bao. Trong khi, năm 2020, doanh thu được khoảng 300 triệu đồng.

Ông Phạm Quang Lân, Chủ tịch Hiệp hội Cam sành tỉnh Hà Giang, Phó giám đốc HTX Anh Tài, cho biết, HTX có 60ha, năng suất đạt 12 tấn/ha (tổng 720 tấn), đến nay 70% sản lượng đã được tiêu thụ. Cam nhập vào siêu thị giá 12.000 đồng/kg, bán tự do trung bình từ 5.000-5.500 đồng/kg. So với năm ngoái, năm nay sản lượng cam cả tỉnh rụng ít hơn. Riêng, HTX có 10% sản lượng cam bị rụng.

Khâu chế biến còn yếu

Được biết, năm 2020, Hà Giang cũng xảy ra tình trạng cam đồng loạt rụng, sản lượng lên tới 16.000 tấn. Rút kinh nghiệm từ năm trước, năm nay người trồng đã chủ động bán cam trước Tết. Nhưng do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên việc vận chuyển và tiêu thụ gặp nhiều khó khăn.

Trước tình trạng cam rụng, UBND tỉnh Hà Giang đã chỉ đạo Sở Nông nghiệp và PTNT, Sở Công thương, UBND các huyện Bắc Quang, Vị Xuyên, Quang Bình giúp người trồng cam tìm kiếm thị trường tiêu thụ.

Sở Nông nghiệp và PTNT đã thành lập đoàn kiểm tra thực tế tại một số vườn cam bị rụng. Đoàn kết luận, cam rụng do đã bước vào cuối giai đoạn chín. Trong khi, thời kỳ từ cuối tháng 2 đến tháng 3 dương lịch, cây cam sành bước vào giai đoạn ra lộc non và nụ hoa của vụ tới. Bên cạnh đó, trong thời gian qua, thời tiết có nắng và hanh khô kéo dài lại gặp một số trận mưa nhỏ do ảnh hưởng gió mùa Đông Bắc dẫn đến hiện tượng cam bị rụng quả.

Đoàn công tác của Sở Nông nghiệp và PTNT khuyến cáo các nhà vườn thu dọn cam bị rụng đào hố chôn, xử lý bằng vôi và phế phẩm sau đó vùi lấp kín, tránh ảnh hướng đến môi trường và đất vườn. Không nên mở rộng thêm diện tích trồng cam và nên thu hoạch cam đúng độ chín để hạn chế hiện tượng cam bị rụng gây thiệt hại về kinh tế.

Có thể nói, những năm gần đây, được sự quan tâm của chính quyền địa phương, sự vào cuộc của người trồng nên chất lượng, mẫu mã cam sành ở Hà Giang đã được nâng lên, tiêu thụ nhiều hơn ở các siêu thị lớn. Nhưng tại sao địa phương này thường xuyên xảy ra hiện tượng cam rụng, cam bán với giá rẻ?

Thiết nghĩ, ngoài nguyên nhân do dịch Covid-19, dẫn tới cam tiêu thụ chậm, khi gặp mưa làm cam rụng còn có nguyên nhân của việc phá vỡ quy hoạch, kéo theo chất lượng chưa đảm bảo, sản lượng cam lớn, tiêu thụ chậm. Đặc biệt, phần lớn cam ở Hà Giang tiêu thụ tươi sống, khâu chế biến còn rất hạn chế nên dẫn tới sản lượng tiêu thụ chậm, giá bán chưa cao.

Trước thực trạng trên, tỉnh Hà Giang cần có một giải pháp căn cơ như: kêu gọi doanh nghiệp đầu tư cho chế biến sâu với công suất lớn để giảm tiêu thụ tươi sống, hay nghiên cứu giống cam để trồng trái vụ để giảm tiêu thụ cùng một thời điểm từ đó nâng cao giá trị quả cam và nâng cao chất lượng trái cam, mở rộng thị trường tiêu thụ với các hợp đồng bao tiêu ổn định…

 

Hiện, tại Hà Giang có Công ty Cổ phần Cam Ta chuyên chế biến các sản phẩm từ cam sành của Hà Giang như: Kẹo cam, tinh dầu camta, mứt vỏ cam, rượu vang cam, rượu camta, mứt cam cô đặc, siro camta, nước ép cam nguyên chất. Tuy nhiên, số lượng mà công ty này thu mua để chế biến số lượng còn rất hạn chế.

Dự kiến, niên vụ cam 2020-2021 Công ty Cổ phần Cam Ta thu mua khoảng 100 tấn phục vụ chế biến sâu. So với với tổng sản lượng toàn tỉnh khoảng 68.000 tấn thì con số này quá nhỏ bé. Tuy nhiên, đây cũng là sự cố gắng của cả doanh nghiệp và chính quyền địa phương.

 

 

Hoàng Văn
Ý kiến bạn đọc
  • Techcombank được vinh danh về đổi mới sáng tạo khu vực châu Á-Thái Bình Dương 2024

    Techcombank được vinh danh về đổi mới sáng tạo khu vực châu Á-Thái Bình Dương 2024

    Ngân hàng Thương mại cổ phần Kỹ thương Việt Nam (“Techcombank”) là đại diện ngân hàng duy nhất tại Việt Nam được tôn vinh 2 giải thưởng lớn tại hạng mục đổi mới sáng tạo lĩnh vực thương hiệu và tiếp thị của Stevie Awards châu Á-Thái Bình Dương.

  • Bảo chứng vàng cho tiềm năng tăng trưởng đột phá của Vincom Shophouse Diamond Legacy

    Bảo chứng vàng cho tiềm năng tăng trưởng đột phá của Vincom Shophouse Diamond Legacy

    Các shophouse ở vị trí trung tâm, tọa lạc tại những nơi có hạ tầng hoàn chỉnh, kết hợp với mô hình tổ hợp thương mại – giải trí hiện đại… là yếu tố tạo nên sức hút bền bỉ theo thời gian cho loại hình kinh doanh shophouse, đồng thời là bệ phóng gia tăng giá trị BĐS mà các nhà đầu tư sành sỏi luôn nhắm đến.

  • Bất động sản ven sông Đà Nẵng: Đã có những "mảnh ghép" xứng tầm

    Bất động sản ven sông Đà Nẵng: Đã có những

    Quy hoạch phân khu ven sông Hàn và bờ đông chính thức được phê duyệt mở ra kỳ vọng về diện mạo mới của khu vực trung tâm Đà Nẵng. Với giới thành đạt, đó còn là khát khao về không gian sống tiện nghi, đẳng cấp ven sông Hàn, trong những công trình biểu tượng chứng kiến trọn vẹn vẻ phồn hoa của đô thị biển tầm cỡ quốc tế tương lai.

Top