Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ năm, ngày 25 tháng 4 năm 2024  
Thứ bảy, ngày 21 tháng 1 năm 2017 | 10:34

Cam sành Hà Giang rớt giá "thê thảm" dịp Tết Nguyên đán

Trái ngược với những năm trước, dịp Tết Nguyên đán 2017 giá cam Hà Giang các loại đã giảm mạnh. Đặc biệt, giá cam sành Hà Giang đã giảm khoảng một nửa so với năm trước, khiến nhiều người trồng cam nơi đây không khỏi lo lắng.

Thu hoạch cam cành. (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)

Nguyên nhân cam Hà Giang rớt giá được xác định là do sản lượng cam mà các tỉnh cung cấp ra thị trường quá nhiều; trong đó, cam sành Hàm Yên (Tuyên Quang) năm nay chín trước nên các chủ vườn đã bán ồ ạt ra thị trường trước Tết Nguyên đán, kéo theo giá cam sành Hà Giang cũng bị giảm. Bên cạnh đó, việc quy hoạch và phát triển cây cam tại Hà Giang vẫn còn bất cập, dẫn tới chưa kiểm soát được nguồn cung ra thị trường.

Tại huyện Bắc Quang - địa phương chiếm phần lớn sản lượng cam của Hà Giang, cam sành cũng không tránh khỏi hiện tượng rớt giá. Ông Ngô Quang Tuấn, người trồng cam theo tiêu chuẩn VietGAP tại xã Vĩnh Hảo, lo lắng năm nay các nơi trồng cam quá nhiều trong khi lượng cam từ Trung Quốc sang cũng rất lớn. Hiện gia đình ông Tuấn có 9ha cam cho thu hoạch, sản lượng ước tính đạt trên 200 tấn. Do giá thấp nên gia đình chưa dám bán nhiều.

Năm ngoái, giá cam sành VietGAP dao động từ 24.000-32.000 đồng/kg nhưng năm nay chỉ còn 10.000-15.000 đồng/kg. Nếu bán ở mức giá như hiện nay, doanh thu của gia đình sẽ giảm một nửa.

Theo ông Lã Hồng Việt, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Vĩnh Hảo, để ổn định tâm lý cho người trồng cam, chính quyền xã Vĩnh Hảo đã tuyên truyền người dân kiên trì chăm sóc cam để sau Tết bán cho được giá, đồng thời đảm bảo chi phí và thu nhập. Niên vụ cam năm 2016-2017, sản lượng ước tính của toàn xã đạt trên 6.000 tấn. Đến thời điểm này mới bán ra thị trường khoảng 300 tấn.

Tình hình tiêu thụ cam niên vụ này chậm hơn so với niên vụ trước bởi sản lượng cam ở các nơi đều tăng. Ngoài ra, diện tích cam của xã Vĩnh Hảo niên vụ này tăng gần 300ha lên 861ha; trong đó, 540ha đang cho thu hoạch và chủ yếu là cam sành. Bình quân mỗi ha cho thu hoạch khoảng 15-17 tấn.

Bà Hoàng Thị Dự - người trồng cam ở thôn Việt Tân, thị trấn Việt Quang (Bắc Quang) cho biết: “Năm nay không có nhiều thương lái vào vườn mua nên giá cả không được bao nhiêu. Cam sành đẹp mới bán được 12.000-13.000 đồng/kg còn loại bình thường giá chỉ 7.000-8.000 đồng/kg.

Mức giá này quá rẻ bởi mọi năm dịp Tết nguyên đán chúng tôi thường bán 20.000 đồng/kg. Thương lái không vào mua nhiều nên nhà tôi hiện còn 10 tấn cam sành chưa bán được; các gia đình khác còn rất nhiều, có hộ tồn vài chục tấn. Tết sắp đến và cam không bán được nên nhiều gia đình không có đủ tiền để trả các khoản vay đầu tư cho cây cam.”

Theo ông Nguyễn Hồng Tuyên - Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Bắc Quang, huyện có trên 5.300ha cam, diện tích cho thu hoạch là 2.600ha. Riêng cam sành, sản lượng hàng năm đạt trên 30.000 tấn. Huyện Bắc Quang đã làm quy hoạch phát triển cây cam từ vài năm về trước. Tuy nhiên trong những năm gần đây, giá cam sành tăng cao nên người dân đã quay ra tập trung trồng cam. Dù việc quy hoạch đã được triển khai nhưng vẫn còn một số bất cập bởi người dân chưa theo quy hoạch mà theo xu hướng thị trường.

Tại trung tâm thành phố Hà Giang, giá cam sành dịp Tết cũng giảm so với những năm trước và dao động từ 10.000-15.000 đồng/kg. Tuy nhiên, sức mua vẫn duy trì ổn định.

Toàn tỉnh Hà Giang hiện có khoảng 7.900ha cam, trong đó trên 1.400ha được áp dụng theo tiêu chuẩn VietGap. Tỉnh này định hướng tiếp tục ổn định diện tích cam đến năm 2020 với tổng sản lượng đạt 50.000-80.000 tấn/năm./.

 

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
  • Tín dụng chính sách trợ lực giảm nghèo bền vững

    Tín dụng chính sách trợ lực giảm nghèo bền vững

    Nhằm giúp hộ nghèo, hộ cận nghèo vươn lên cải thiện cuộc sống, các sở, ban, ngành và các cấp chính quyền huyện, thị, thành phố của tỉnh Hậu Giang đã và đang triển khai thực hiện các dự án đa dạng hóa sinh kế, nhân rộng mô hình giảm nghèo bền vững. Thông qua vốn tín dụng chính sách của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) đầu tư vào sản xuất - kinh doanh, đời sống người dân đã được nâng cao, từng bước thoát nghèo, vươn lên khá - giàu.

  • “Quả ngọt” từ dòng vốn chính sách

    “Quả ngọt” từ dòng vốn chính sách

    Thời gian qua, từ các chương trình tín dụng ưu đãi, hàng nghìn hộ nghèo trên địa bàn tỉnh Phú Thọ được tiếp cận vốn để phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.

  • Vốn chính sách “kích cầu” hình thành bản du lịch

    Vốn chính sách “kích cầu” hình thành bản du lịch

    Thời gian qua, NHCSXH huyện Quỳ Châu (Nghệ An) đã đồng hành thực hiện các mục tiêu mà nghị quyết phát triển kinh tế - xã hội địa phương đề ra.

  • Nỗ lực Dần Thàng

    Nỗ lực Dần Thàng

    Chỉ vài ba năm trở về trước, xã Dần Thàng (Văn Bàn, Lào Cai) còn là một địa danh ẩn sâu trong những tán rừng, được bao bọc bởi nhiều dãy núi, nơi sinh sống chủ yếu của đồng bào dân tộc Dao. Quyết tâm XD NTM đã khiến Dần Thàng “chuyển động”, mạnh mẽ nhất là phong trào phát triển kinh tế.

  • Quảng Trị đưa xây dựng NTM vào chiều sâu và bền vững

    Quảng Trị đưa xây dựng NTM vào chiều sâu và bền vững

    Thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới (NTM) gắn với thực hiện có hiệu quả cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn đi vào chiều sâu, bền vững, từng bước hiện đại đang được Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân Quảng Trị triển khai có hiệu quả.

  • Khắc phục hạn chế để đưa sản phẩm OCOP vươn tầm thế giới

    Khắc phục hạn chế để đưa sản phẩm OCOP vươn tầm thế giới

    Để "đặt chân" sâu hơn vào thị trường quốc tế đòi hỏi sản phẩm OCOP cần phải khắc phục hạn chế và sản xuất cái thị trường cần thay vì cái mình có, định vị thị trường và mở kênh bán hàng…

Top