Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024  
Thứ hai, ngày 8 tháng 8 năm 2022 | 15:48

Cần một tầm nhìn và trách nhiệm cho sản phẩm OCOP

Việc đưa các sản phẩm OCOP lên kệ siêu thị, rất cần có những chính sách hỗ trợ cũng như trách nhiệm của các cơ sở, HTX sản xuất tự chuẩn hóa quy trình, nâng cao chất lượng sản phẩm để chinh phục, đứng vững trên thị trường.

1_58.jpg

Vĩnh Phúc: Chuẩn hóa chất lượng và tạo “chỗ đứng” cho sản phẩm OCOP

Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) đã giúp các địa phương trong tỉnh phát triển các nhóm sản phẩm hàng hóa đặc thù với chất lượng ngày càng được khẳng định và được người tiêu dùng đón nhận. 

Sau hơn 3 năm triển khai chương trình mỗi xã một sản phẩm, đến nay, toàn tỉnh đã có 61 sản phẩm được UBND tỉnh cấp giấy chứng nhận OCOP. Nhằm tìm kiếm chỗ đứng trên thị trường, các doanh nghiệp (DN), HTX, cơ sở sản xuất đã chủ động cải tiến bao bì, mẫu mã, đa dạng hóa sản phẩm, ứng dụng KHKT vào sản xuất và đẩy mạnh xúc tiến thương mại. Thực tế, nhiều sản phẩm trong số đó đã dần khẳng định được thương hiệu, được thị trường đón nhận, đánh giá cao; một số sản phẩm đã tìm đường xuất khẩu ra nước ngoài.

Tuy nhiên, hiện nay chỉ có rất ít các sản phẩm OCOP của tỉnh vào được hệ thống bán lẻ lớn như siêu thị, chuỗi cửa hàng tiện lợi hiện đại. Với mong muốn phát triển chuỗi sữa bò, tạo đầu ra ổn định cho sản phẩm sữa bò, năm 2019, HTX chăn nuôi bò sữa Tam Đảo, xã Bồ Lý (Tam Đảo) đã đầu tư hơn 3 tỷ đồng để mua sắm máy móc, trang thiết bị phục vụ sản xuất chế biến các sản phẩm từ sữa bò.

Với sự đầu tư bài bản, đến nay, HTX đã có 6 sản phẩm được chứng nhận OCOP 3 sao. Tuy nhiên, đến nay, việc tiêu thụ vẫn chủ yếu thông qua điểm bán hàng tại Trung tâm giao dịch, giới thiệu, quảng bá các sản phẩm nông sản làng nghề Vĩnh Phúc và một số đại lý nhỏ.

Chị Kim Thị Tân, Giám đốc HTX chăn nuôi bò sữa Tam Đảo cho biết: “Chúng tôi cũng từng có ý định kết nối đưa sản phẩm của HTX vào hệ thống các siêu thị trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa thực hiện được. Bên cạnh vấn đề về giấy tờ, thủ tục, hồ sơ sản phẩm, một phần là do hầu hết sản phẩm của HTX đều có hạn sử dụng ngắn, không thực sự phù hợp để đưa vào kênh phân phối này”.

Thực tế qua tham quan tại siêu thị Go! Vĩnh Phúc, khách hàng không khó để tiếp cận với các sản phẩm OCOP, tuy nhiên, các sản phẩm này chủ yếu đến từ các tỉnh, thành phố khác, còn các sản phẩm OCOP của Vĩnh Phúc gần như vắng bóng.

Anh Hoàng Bằng Lâm, Giám đốc Siêu thị GO! Vĩnh Phúc chia sẻ: “Siêu thị sẵn sàng hỗ trợ toàn bộ các DN trong tỉnh có chứng nhận OCOP. Chúng tôi đã nhờ Sở Công thương kết nối, đồng thời trực tiếp làm việc với một số đơn vị cung ứng trong tỉnh để đưa các sản phẩm OCOP của tỉnh vào siêu thị, song nguồn cung gần như không có. Các đơn vị sản xuất trong tỉnh chủ yếu vẫn mang tính nhỏ, lẻ, không đáp ứng được yêu cầu về số lượng sản phẩm”.

Mặt khác, theo anh Lâm, việc thiếu một số giấy tờ cần thiết cũng là vấn đề mà nhiều đơn vị gặp phải khi đưa sản phẩm vào siêu thị. Bởi lẽ, để đưa một sản phẩm lên kệ hàng các siêu thị luôn đòi hỏi những yêu cầu và tiêu chuẩn cụ thể, nhất là đối với các mặt hàng thực phẩm thì các tiêu chuẩn này lại càng nhiều hơn.

Tương tự, anh Huỳnh Nguyên Hà, Giám đốc Siêu thị Co.opmart Vĩnh Phúc cho biết: “Siêu thị luôn ưu tiên và tìm kiếm đưa những sản phẩm OCOP của các địa phương vào hệ thống siêu thị của Co.opmart.

Thậm chí, đối với một số mặt hàng như rau, củ, trái cây của địa phương, chúng tôi cũng linh động trong việc sử dụng giấy giới thiệu của Liên minh HTX tỉnh thay thế cho giấy đảm bảo chất lượng. Tuy nhiên, tại Vĩnh Phúc, chưa có đơn vị trung gian nào đứng ra để kết nối giữa siêu thị với các chủ thể OCOP. Số lượng các đơn vị có sản phẩm OCOP kết nối với chúng tôi để đặt vấn đề tiêu thụ sản phẩm cũng rất ít".

Ngay sau khi được chứng nhận OCOP 3 sao, năm 2021, sản phẩm thanh long ruột đỏ của HTX sản xuất thương mại và dịch vụ nông lâm thủy sản Lộc Thúy Quỳnh, xã Nhạo Sơn (Sông Lô) đã có mặt tại siêu thị Co.opmart Vĩnh Phúc và một số cửa hàng thực phẩm sạch trên địa bàn tỉnh.

Bà Trần Thị Thúy, Giám đốc HTX chia sẻ: “Để vào được siêu thị không khó; quan trọng là phải có đủ những giấy tờ thủ tục cần thiết mà phía nhà phân phối yêu cầu. Còn về chất lượng, ngay từ đầu, chúng tôi đã xây dựng các vùng trồng thanh long theo đúng quy trình VietGAP.

Phía siêu thị cũng thường xuyên lên kiểm tra, đánh giá lại trong suốt quá trình hợp tác. Sự khắt khe này không chỉ đảm bảo uy tín của siêu thị, mà còn là động lực để các chúng tôi tự chuẩn hóa quy trình sản xuất, không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm, có như vậy mới khẳng định được thương hiệu và đứng vững trên thị trường”.

Bắc Ninh: Giải pháp nâng hạng các sản phẩm OCOP

Thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), đến nay, toàn tỉnh có 146 sản phẩm của 60 chủ thể đăng ký tham gia Chương trình; trong đó, tỉnh công nhận 75 sản phẩm đạt từ 3 sao trở lên. Các sản phẩm sau khi được công nhận đều mở rộng thị trường, phát triển hệ thống mạng lưới tiêu thụ, nâng cao giá trị gia tăng và thu nhập của các cơ sở sản xuất, hộ kinh doanh. Góp chung vào sự phát triển của các sản phẩm OCOP, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thông (Agribank) Chi nhánh tỉnh Bắc Ninh chủ động triển khai nhiều gói vay với lãi suất ưu đãi nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất có thêm nguồn vốn nâng cao hiệu quả đầu tư kinh doanh.

 

3.jpg
Sản phẩm mắm tép chưng của Công ty TNHH PTK 879 Việt Nam được chứng nhận đạt tiêu chuẩn OCOP 4 sao.

 

Năm 2020 và 2021, Công ty TNHH PTK 879 Việt Nam, thị trấn Lim (Tiên Du) đón nhận niềm vui “kép” khi 4 sản phẩm: Mắm tép chưng thịt, Thịt xào mắm ruốc, Trâu khô, Heo khô được Hội đồng thẩm định cấp tỉnh Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” công nhận đạt hạng 4 sao (hạng cao nhất) và hoàn thiện quy trình sản xuất đạt chuẩn ISO 22000:2018. Ông Nguyễn Đình Dũng, Giám đốc Công ty phấn khởi cho biết: Khi mới đi vào hoạt động, Công ty gặp không ít khó khăn trong sản xuất, nhất là về thị trường và nguồn vốn đầu tư máy móc.

Đến nay, doanh nghiệp được Agribank giải ngân cho vay 3 tỷ đồng để mua sắm trang thiết bị hiện đại. Nhờ vậy, doanh nghiệp mở rộng sản xuất lên 8 sản phẩm, trong đó có 4 sản phẩm được công nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh; được vinh danh trong tốp 100 thương hiệu nổi tiếng ASEAN (năm 2020) cung ứng cho hơn 300 điểm kinh doanh trong và ngoài tỉnh, trong đó có nhiều siêu thị hiện đại. Thời gian tới, dự kiến Công ty tiếp tục mở thêm cơ sở sản xuất, hướng đến xuất khẩu một số sản phẩm tiêu biểu; mong muốn được các ngân hàng xem xét, giải ngân cho vay gói vay lãi suất ưu đãi nhằm tiết giảm chi phí, nâng cao hiệu suất kinh doanh, tạo việc làm ổn định cho người lao động.

Thành lập năm 2019, HTX Nông nghiệp sạch Việt Nam, thôn Thủ Pháp, xã Quỳnh Phú (Gia Bình) do anh Nguyễn Văn Khoát làm Giám đốc mạnh dạn đầu tư máy móc, dây chuyền hiện đại để sản xuất rượu sạch. Từ nguồn vốn tự có và được Agribank huyện Gia Bình cho vay thêm 2 tỷ đồng, HTX đầu tư xây dựng khu sản xuất khép kín với trang thiết bị hiện đại và ký hợp đồng thu mua gạo nếp chất lượng với sản lượng lớn của người dân trong, ngoài vùng. Nhờ vậy, các sản phẩm của HTX được chứng nhận đạt tiêu chuẩn OCOP 4 sao và được người tiêu dùng đón nhận, phát triển nhiều đại lý ở khu vực phía Bắc; tạo việc làm thường xuyên cho 10 lao động. Tương tự, cơ sở sản xuất Nem Bùi Tuấn Liên (thôn Bùi Xá, xã Ninh Xá, huyện Thuận Thành) vừa được Agribank chi nhánh huyện tăng hạn mức cho vay 2,5 tỷ đồng để xây dựng thêm khu sản xuất mới.

Ông Lê Anh Tuấn, chủ cơ sở sản xuất nem Bùi Tuấn Liên cho biết: “Nhờ vốn vay với lãi suất ưu đãi của Agribank, gia đình đầu tư thêm 3 dàn máy thay thế những công đoạn làm thủ công góp phần làm cho quy trình sản xuất nem bảo đảm và đáp ứng các tiêu chí; sản phẩm đạt chứng nhận OCOP 4 sao và tiêu thụ tại nhiều địa phương trong nước mang lại hiệu quả kinh tế cao”.

Thực hiện sứ mệnh của một ngân hàng phục vụ “tam nông”, với mong muốn góp phần phát triển kinh tế- xã hội của các địa phương, Agribank Chi nhánh tỉnh Bắc Ninh luôn quan tâm, nâng cao nguồn vốn cho vay phát triển các sản phẩm OCOP. Hiện tổng dư nợ của đơn vị đạt hơn 16.000 tỷ đồng, trong đó nguồn tín dụng dành cho nông nghiệp - nông thôn chiếm khoảng 77% tổng dư nợ và số vốn cho vay Chương trình mỗi xã một sản phẩm đạt hơn 6.000 tỷ đồng. Hầu hết các khoản vay đối với doanh nghiệp, HTX, hộ sản xuất tham gia chương trình OCOP đều được hưởng lãi suất ưu đãi từ 5,5%-8%/năm. Trong điều kiện ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19, các chi nhánh Agribank trên địa bàn tỉnh thực hiện giảm lãi suất, giãn, cơ cấu lại thời hạn trả nợ đối với hơn 100 khoản vay cho lĩnh vực này.

Để tạo thuận lợi trong phát triển sản xuất, hoàn thiện, nâng hạng các sản phẩm OCOP, tiến tới chuẩn hóa theo tiêu chuẩn quốc tế, phục vụ người tiêu dùng trong nước và xuất khẩu, Agribank Chi nhánh cam kết sẵn sàng cung ứng nguồn vốn nhanh, kịp thời, với lãi suất ưu đãi đối với những khách hàng tham gia chương trình OCOP, đủ điều kiện, có nhu cầu vay vốn phát triển sản xuất, góp phần thúc đẩy nền nông nghiệp hàng hóa phát triển.

Hà Nội: Đẩy mạnh truy xuất nguồn gốc nông sản

Nhằm cung cấp nguồn thực phẩm sạch cho người tiêu dùng Thủ đô, Hà Nội tăng cường kiểm soát an toàn thực phẩm nông, lâm, thủy sản bán trên thị trường. Tuy nhiên, việc truy xuất nguồn gốc xuất xứ còn khó khăn do sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ, nông sản chủ yếu tiêu thụ qua chợ đầu mối và dân sinh...

 

mô-hình-nuôi-tr-ng-th-y-s-n.jpg
Mô hình nuôi trồng thủy sản an toàn tại xã Trung Tú (huyện Ứng Hòa) tạo điều kiện cho việc truy xuất nguồn gốc xuất xứ sản phẩm.

 

Từ đầu năm đến nay, Sở NN&PTNT Hà Nội đã tổ chức ký kết với 28 tỉnh, thành phố trên cả nước về Chương trình phối hợp bảo đảm an toàn thực phẩm, nâng cao chất lượng, giá trị chuỗi cung ứng nông, lâm, thủy sản giữa thành phố Hà Nội và các tỉnh, thành phố trong cả nước giai đoạn 2021-2025. Đặc biệt, thành phố Hà Nội tiếp tục xây dựng, duy trì và phát triển 159 chuỗi liên kết an toàn thực phẩm từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm (trong đó có 47 chuỗi sản phẩm động vật, 6 chuỗi sản phẩm thủy sản, 106 chuỗi sản phẩm nguồn gốc thực vật), tăng 18 chuỗi so với cùng kỳ năm 2021. Các chuỗi đã thu hút nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ nông dân tham gia hợp tác xây dựng, cung cấp hàng nghìn tấn nông sản sạch cho người tiêu dùng Thủ đô. Tuy nhiên, việc kiểm soát nguồn gốc các mặt hàng nông sản trên thị trường vẫn còn khó khăn, đặc biệt tại các chợ đầu mối, chợ dân sinh...

Theo Chủ tịch UBND xã Cao Dương (huyện Thanh Oai) Trần Thế Anh, hiện nay, nông sản bán tại chợ trên địa bàn xã là hàng tự sản xuất hoặc do tiểu thương thu mua tại chợ đầu mối, sau đó mang ra chợ tiêu thụ. Qua kiểm tra nguồn gốc tại các hộ kinh doanh, hầu hết các hộ có sổ theo dõi xuất - nhập hàng hóa nhưng việc ghi chép không đầy đủ và không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc sản phẩm, gây khó khăn cho các ngành chức năng trong việc truy xuất nguồn gốc.

Còn theo Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản Hà Nội (Sở NN&PTNT Hà Nội) Nguyễn Thị Thu Hằng, từ đầu năm đến nay, Chi cục đã phối hợp với các ngành chức năng kiểm tra tại 55 cơ sở sản xuất nông, lâm, thủy sản. Qua thanh tra, kiểm tra xử phạt 19 tổ chức, cá nhân với số tiền hơn 298 triệu đồng. Các lỗi vi phạm chủ yếu là kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ, sử dụng nguyên liệu không rõ nguồn gốc xuất xứ để chế biến thực phẩm; vi phạm các điều kiện chung bảo đảm an toàn thực phẩm, sai nhãn sản phẩm...

Hiện nay, việc kiểm soát an toàn thực phẩm sản phẩm nông, lâm, thủy sản trên thị trường rất khó khăn do sản xuất nông nghiệp của các tỉnh, thành phố còn nhỏ lẻ, manh mún, chưa hình thành những vùng sản xuất tập trung quy mô lớn. Nông sản thực phẩm chủ yếu được tiêu thụ qua các phương thức truyền thống: Chợ đầu mối, chợ dân sinh, chưa quan tâm nhiều đến nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm nên chưa thúc đẩy đầu tư vào sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn.

Về vấn đề này, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn cho biết, hiện nay, ý thức của người sản xuất, kinh doanh thực phẩm đã có nhiều thay đổi nhưng còn một bộ phận người sản xuất, kinh doanh chạy theo lợi nhuận, có hành vi gây mất an toàn thực phẩm. Chất lượng sản phẩm từng mùa vụ chưa đồng đều, tỷ lệ sản phẩm truy xuất nguồn gốc chưa cao, tiêu thụ dưới hình thức thô, không tem nhãn mác, không tiêu chuẩn chất lượng với giá thành không ổn định...

Để nâng cao ý thức của người dân trong sản xuất, kinh doanh nông, lâm, thủy sản theo hướng an toàn, theo Phó Chủ tịch UBND huyện Ứng Hòa Ngô Tiến Hoàng, thời gian tới, huyện tiếp tục đẩy mạnh hình thành vùng sản xuất nông nghiệp an toàn, tạo điều kiện cho việc truy xuất nguồn gốc xuất xứ sản phẩm. Theo đó, huyện hình thành vùng lúa, cây ăn quả hàng hóa tập trung; tỷ lệ lúa chất lượng cao hằng năm đạt 60-70%, chủ lực là giống lúa J02; trồng các loại rau, quả có giá trị cao như dưa vàng, dưa lưới; hình thành vùng nuôi trồng thủy sản an toàn...

Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Hải Dương Bùi Văn Thăng cho biết, tỉnh tập trung phát triển nông sản chủ lực như gạo, cà rốt, quả vải, hành, tỏi... nhằm đẩy mạnh xuất khẩu nông sản và cung cấp nguồn thực phẩm sạch cho người dân trên địa bàn thành phố Hà Nội. Trong đó, ưu tiên nguồn lực phát triển các vùng trọng điểm, chuyên canh sản phẩm nông nghiệp nổi bật của tỉnh, như: Vùng vải thiều (Thanh Hà, Chí Linh), cà rốt (Cẩm Giàng, Nam Sách, Chí Linh), sản xuất lúa hữu cơ kết hợp du lịch sinh thái (Tứ Kỳ, Kinh Môn). Tỉnh cũng cơ cấu lại ngành Nông nghiệp, đẩy mạnh theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm; tiếp tục phối hợp với Hà Nội tổ chức các chương trình kết nối đưa nông sản, đặc sản của tỉnh bán tại hội chợ, siêu thị...

Theo Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ, để kiểm soát được nguồn gốc các mặt hàng nông sản, thực phẩm trên thị trường, ngành Nông nghiệp tiếp tục phối hợp với các địa phương mở rộng sản xuất tập trung gắn với ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ và hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến. Cùng với đó, ngành Nông nghiệp Hà Nội phối hợp với các tỉnh, thành phố phát triển chuỗi sản xuất, cung ứng nông, lâm, thủy sản an toàn cho thành phố, lấy mẫu giám sát thực phẩm nông, lâm, thủy sản trên diện rộng; thanh tra đột xuất, xử lý kịp thời các vi phạm về chất lượng, an toàn thực phẩm trên thị trường./.

 

 

 

Thanh Tâm (T/h)
Ý kiến bạn đọc
Top