Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 1 tháng 7 năm 2016 | 2:48

Cần tăng vốn để tạo thêm việc làm

Nhờ nguồn vốn ưu đãi từ Chương trình cho vay giải quyết việc làm (GQVL) của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), nhiều hộ gia đình ở các vùng nông thôn đã mở rộng sản xuất kinh doanh (SXKD), tạo thêm việc làm mới, từng bước cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống. Tuy nhiên, nguồn vốn dành cho chương trình hiện còn hạn chế so với nhu cầu vay vốn để tạo việc làm của người dân.

Hiệu quả GQVL

Những năm qua, đã có hàng triệu lao động có việc làm ổn định, hàng nghìn mô hình SXKD trở thành “điểm sáng” từ những nguồn vốn ưu đãi thông qua Chương trình cho vay GQVL của NHCSXH. Tính đến hết quý I/2016, tổng nguồn vốn cho vay Chương trình GQVL đạt 6.858 tỷ đồng, trong đó ngân sách Trung ương 4.261 tỷ đồng (chiếm 62%), Quỹ việc làm của địa phương 2.597 tỷ đồng (chiếm 38%), nguồn vốn này đã giúp tạo việc làm cho hơn 3 triệu lao động.

Một trong những điểm sáng của chương trình này phải kể đến Cơ sở sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ Tây An của gia đình chị Phạm Thị Ngắn ở xã Tây An (Tiền Hải - Thái Bình). Khởi nghiệp từ năm 1996 nhưng phải đến năm 2003, cơ sở sản xuất cói truyền thống của chị Ngắn mới phát triển mạnh. Nhớ lại những ngày đầu khởi nghiệp, chị kể: “Ngay cả việc đi chào hàng cũng chỉ có chiếc xe đạp cũ, vốn ít nên việc mở rộng sản xuất gặp nhiều khó khăn. May mắn thay, gia đình tôi được vay 50 triệu đồng từ nguồn vốn cho vay GQVL của NHCSXH. Nhờ sử dụng đồng vốn hiệu quả, thời gian sau đó cơ sở tiếp tục được NHCSXH cho vay 400 triệu đồng để mở rộng sản xuất”.

Với sản phẩm đa dạng về chủng loại, mẫu mã, cơ sở của chị Ngắn đã đã xuất hàng sang Nhật Bản, Hoa Kỳ, Pháp và Trung Quốc. Cơ sở của gia đình chị hiện tạo việc làm ổn định cho 20 lao động trực tiếp với thu nhập bình quân 3 triệu đồng/người/tháng và khoảng 7.000 lao động phụ trợ với thu nhập tối đa 2 triệu đồng/người/tháng.

Một mô hình sử dụng vốn vay hiệu quả khác tại Thái Bình là Cơ sở sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ cho người tàn tật do anh Lại Ngọc Điệp làm chủ ở xã Vũ Ninh (Kiến Xương - Thái Bình). Từ 300 triệu đồng vay của Chương trình GQVL năm 2014, Anh Điệp đã chủ động cải tạo, xây dựng 200m2 nhà xưởng, mua thêm nguyên liệu, thiết bị máy móc để sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ. Hiện tại, Cơ sở đồ gỗ mỹ nghệ cho người tàn tật đã tạo việc làm thường xuyên cho 20 lao động với thu nhập  5 - 6 triệu đồng/người/tháng. Anh Điệp tâm sự: “Nhờ nguồn vốn hỗ trợ từ Quỹ quốc gia giải quyết việc làm, gia đình có điều kiện mở rộng sản xuất, thu hút thêm lao động có việc làm ổn định, tạo cơ hội cho người tàn tật vươn lên hòa nhập xã hội”.

Theo đánh giá của lãnh đạo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Thái Bình: “Được sự ủng hộ của các cấp, các ngành và đặc biệt là việc triển khai tích cực của NHCSXH Thái Bình, Chương trình cho vay GQVL đã góp phần đắc lực trong việc hỗ trợ vốn cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh và hộ gia đình trong tạo việc làm, mở rộng sản xuất và đóng góp vào việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo hướng sản xuất hàng hóa ở vùng nông thôn tại địa phương”.

Chương trình “khát” vốn

Theo đánh giá của Bộ Lao động - Thương binh - Xã hội, nhu cầu vay vốn từ Quỹ quốc gia giải quyết việc làm để phát triển sản xuất kinh doanh, hỗ trợ giải quyết việc làm rất  lớn trong khi khả năng của quỹ chỉ mới đáp ứng khoảng 30 - 35%.

Chủ tịch Hội Nông dân xã Vũ Chính (TP. Thái Bình, tỉnh Thái Bình) Nguyễn Công Thành cho biết: “Xã vừa được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, tuy nhiên người dân vùng ven thành phố rất cần vốn để GQVL, đặc biệt là những hộ bị thu hồi đất. Những năm qua, người dân xã Vũ Chính đã được tiếp cận nguồn vốn tín dụng ưu đãi của Chính phủ, đến 20/5/2016 có gần 500 hộ gia đình được vay vốn tại NHCSXH với số tiền 9,7 tỷ đồng. Trong đó, 42 hộ vay 880 triệu đồng từ Quỹ quốc gia giải quyết việc làm; nguồn vốn này đã giúp cho hơn 60 lao động có việc làm với thu nhập ổn định. Tuy nhiên, số hộ gia đình được vay vốn so với nhu cầu thực tế tại địa phương còn rất ít; và mức vay cũng còn thấp. Vì vậy, đề nghị cấp trên quan tâm tăng thêm nguồn vốn giúp bà con phát triển sản xuất kinh doanh”.

Là đơn vị trực tiếp thực hiện cung cấp tín dụng chính sách từ Quỹ quốc gia giải quyết việc làm, Phó giám đốc Ban Kế hoạch Nguồn vốn (NHCSXH) Chu Thị Thu Thủy cho biết: “Mặc dù nhu cầu vay vốn để giải quyết việc làm rất lớn và đặc biệt mức vay đã được nâng lên, tuy nhiên việc cân đối nguồn vốn để bổ sung cho Quỹ quốc gia về việc làm hiện nay còn hạn chế”. Trong năm 2015, tổng nguồn ngân sách nhà nước giao NHCSXH để thực hiện Chương trình cho vay giải quyết việc làm chỉ là 50 tỷ đồng, trong khi nhu cầu vay vốn tổng hợp từ các địa phương lớn hơn thế rất nhiều lần.

Để khắc phục tình trạng thiếu vốn, đẩy mạnh các hoạt động cho vay hỗ trợ việc làm trong năm 2016, Bộ Lao động-Thương binh-Xã hội vừa có công văn đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, bổ sung 250 tỉ đồng vốn cho Quỹ quốc gia giải quyết việc làm. Để có nguồn vốn ổn định lâu dài, đề nghị Nhà nước nghiên cứu, hàng năm bổ sung nguồn vốn cho NHCSXH để kịp thời cho vay, từ đó đáp ứng được lòng mong mỏi của hộ vay, chủ cơ sở và doanh nghiệp.

Ngoài nguồn vốn bổ sung từ Chính phủ,  nguồn ngân sách địa phương ủy thác cho NHCSXH thực hiện Chương trình cho vay GQVL có ý nghĩa rất lớn. Mặc dù tỷ lệ nguồn vốn địa phương trong cơ cấu nguồn vốn của chương trình khá cao (hiện chiếm 38%) nhưng chưa đồng đều giữa các địa phương. Tại một số nơi, vấn đề này còn chưa được quan tâm đúng mức, gây khó khăn về vốn trong triển khai chương trình trên địa bàn. Nguồn vốn ủy thác từ ngân sách địa phương không chỉ trực tiếp góp phần đáp ứng nhu cầu vay vốn giải quyết việc làm của người dân trên địa bàn mà còn góp phần tích cực thực hiện các mục tiêu về việc làm, giảm nghèo và công tác an sinh xã hội của địa phương.

Mai Chi

 

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
Top