Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 11 tháng 6 năm 2021 | 9:59

Cẩn thận với thạch rau câu chứa phụ gia độc hại

Thạch rau câu có tác dụng thanh nhiệt, làm mát cơ thể, trong những ngày hè nóng bức này có một ly trà sữa thạch rau câu là lựa chọn của nhiều người, đặc biệt là trẻ em.

Nhưng nguyên liệu chế biến thạch rau câu hẳn nhiều người chưa biết, bởi trong bột thạch có chứa các chất nguy hại đến sức khỏe như chất phụ gia KCl (Kali Clorua).
 
Nguyên liệu làm thạch rau câu chứa phụ gia nguy hại
 
Bột rau câu đảm bảo chất lượng được làm từ caravena (chiết xuất từ cây rong biển) chiếm khoảng 20-30% để tạo độ giòn, 30% konjac chiết xuất từ khoai nưa để tạo độ dai, còn 40-60% còn lại là muối, hương vị và nguyên liệu khác.
 
Tuy nhiên, nhiều nhà sản xuất thạch không đảm bảo hoặc do nhập thạch không rõ nguồn gốc nên trong bột thạch có chứa các chất nguy hại đến sức khỏe như chất phụ gia KCl (Kali Clorua) quá hạn, nguy hiểm hơn, nhiều loại bột làm rau câu, thạch thủy tinh dùng trong trà sữa,... còn có pha asen và thủy ngân có khả năng gây độc cao cho cơ thể.
 
thachraucau1-1351667405.jpg
Sản phẩm thạch rau câu khoai môn New Choice có chứa chất phụ gia độc hại.
 
Ăn phải thạch làm từ bột thạch độc hại có thể gây nguy hiểm tới sức khỏe ở nhiều cấp độ. Nếu nhẹ có thể bị ngộ độc, tiêu chảy, cảm giác khó chịu hoặc bị choáng, da nổi mẩn và phát ban. Nếu ăn thạch nhiễm độc thường xuyên sẽ có biểu hiện các bệnh về thần kinh, nặng hơn là ung thư gan, thận.
 
Trên thị trường hiện nay đang có một loại thạch rau câu khoai môn New Choice có chứa chất phụ gia độc hại, nhiều địa phương đang thu hồi sản phẩm này. Tuy nhiên, trên thị trường Hà Nội, sản phẩm này vẫn đang được bán ở các cửa hàng nhỏ lẻ, thậm chí nhiều người bán sản phẩm này vẫn còn chưa biết thạch rau câu khoai môn này chứa chất phụ gia độc hại đang bị thu hồi.
 
Công ty New Choice Foods nhập chất phụ gia tạo đục từ một công ty của Đài Loan được cho là chứa DEHP để sản xuất thạch rau câu. Vì thế, từ ngày 1/6, Cục An toàn vệ sinh thực phẩm (Bộ Y tế) đã yêu cầu công ty thu hồi toàn bộ thạch Taro.
 
DEHP là một hợp chất hữu cơ lỏng, nhớt không màu, tan trong dầu, không tan trong nước, thường được cho vào nhựa để làm mềm, dễ uốn. Khi vào cơ thể ở một lượng nhất định có thể gây giảm khả năng sinh dục nam, rối loạn dậy thì ở nữ giới và về lâu dài có thể hại đến sức khỏe.
 
Không nên cho trẻ em ăn quá nhiều thạch rau câu
 
Thạch rau câu làm từ bột chế biến sẵn thường mất đi một lượng lớn vitamin, khoáng chất và nước vốn có của rau câu tự nhiên. Do vậy không nên lạm dụng loại thực phẩm này cho trẻ em vào mùa nóng, vì ngoài đường ra, chúng không đem lại dưỡng chất "bổ béo" nào cho cơ thể.
 
Hơn nữa, trẻ em dưới 5 tuổi không nên cho ăn thạch vì thạch mềm, trơn nên dễ bị hóc, mà khi hóc rất khó lấy ra. Có rất nhiều trường hợp trẻ bị tử vong do hóc thạch. Vì vậy, trẻ ăn thạch phải có người lớn trông chừng.
 
kanten-vanilla-kiw-lowi-51342.jpg
Không nên lạm dụng thạch rau câu cho trẻ em.
 
Gia đình có thể chế biến thạch rau câu sử dụng trong những ngày hè nóng bức, nhưng khi mua bột thạch ngoài cửa hàng các bạn nên xem kĩ nhãn mác nơi sản xuất và xuất xứ (nếu là sản phẩm nhập ngoại) để tránh tiền mất tật mang. Khi chế biến nên làm theo đúng hướng dẫn về công thức và liều lượng, không nên “sáng tạo” quá mức, cho thêm vào một số nguyên liệu khác có thể không hợp và gây ảnh hưởng đến tiêu hóa.
 
Mùa hè khi nhiệt độ tăng cao, cơ thể rất cần nước để bù đắp khi lao động ra mồ hôi, tuy nhiên cũng có rất nhiều cách thanh nhiệt và làm mát cơ thể, cân bằng lượng nước thiếu hụt. Lựa chọn đồ uống nào để không làm ảnh hưởng đến sức khỏe, nhất là đối với trẻ em là rất quan trọng. Cha mẹ cũng cần phải có kiến thức và tìm hiểu những sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ trên thị trường, để mua cho con cái. Tránh đừng để “tiền mất, tật mang”.
 
 
 
 
Ngọc Thủy (Tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
Top