Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 27 tháng 4 năm 2024  
Thứ năm, ngày 25 tháng 6 năm 2020 | 16:47

Cục Bảo vệ thực vật lên tiếng vụ 6 nông sản VN bị Campuchia cấm nhập khẩu

Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN-PTNT) lên tiếng về vụ việc 6 loại nông sản của Việt Nam bị Campuchia cấm nhập khẩu.

cai.jpg
6 loại nông sản Việt chính thức bị cấm xuất sang Campuchia. (Ảnh: TT)

Cục Hải quan tỉnh An Giang có văn bản hỏa tốc báo cáo UBND tỉnh An Giang và Tổng cục Hải quan về việc Campuchia cấm nhập khẩu 6 loại nông sản từ Việt Nam.

Cụ thể, tại Công văn 1700 do Cục trưởng Cục Hải quan An Giang Trần Quốc Hoàn ký ban hành ngày 19/6 cho biết, qua nắm tình hình xuất khẩu hàng hóa sang Campuchia, trong đó có mặt hàng nông sản, Cục Hải quan An Giang được biết, vừa qua cơ quan chức năng tỉnh Kandal, Vương quốc Campuchia đã tiến hành kiểm tra chất lượng đối với hơn 20 loại rau, củ, quả nhập khẩu từ Việt Nam.

Kết quả, phát hiện dấu hiệu thuốc trừ sâu trong 6 loại rau củ, bao gồm: cải bắp, bông cải xanh, đậu bắp, chanh, bí ngô và hẹ có thể gây hại về sức khỏe cho người tiêu dùng.

Sau khi phát hiện các chất gây hại trên rau củ quả trên, cơ quan chức năng tỉnh Kandal đã tịch thu và tiêu hủy toàn bộ, đồng thời quyết định cấm nhập khẩu 6 loại rau củ quả trên của Việt Nam từ ngày 16/6/2020.

Tuy nhiên, qua báo cáo của Cục Hải quan tỉnh An Giang, chúng tôi cũng không rõ là phía cơ quan chức năng của Campuchia phát hiện hoạt chất thuốc trừ sâu gì trong 6 loại rau củ quả của Việt Nam, hàm lượng dư lượng vượt bao nhiêu % và theo tiêu chuẩn nào?

Đại diện Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN-PTNT) cho biết, ngay sau khi có thông tin trên từ phía Hải quan An Giang, đơn vị đã cho tiến hành kiểm tra, rà soát lại toàn bộ các lô hàng làm kiểm dịch thực vật xuất khẩu sang Campuchia trong thời gian vừa qua.

Kết quả báo cáo từ Chi cục Kiểm dịch thực vật vùng 9 (phụ trách tỉnh An Giang), thông qua công tác kiểm dịch thực vật cho thấy, 6 tháng đầu năm 2020 Việt Nam xuất khẩu qua cửa khẩu Tịnh Biên 155 lô bột mỳ, trọng lượng trên 10.000 tấn. Các cửa khẩu Vĩnh Xương, Vĩnh Hội Đông, Bắc Đai, Khánh Bình không có hàng. Hai cửa khẩu thuộc tỉnh Kiên Giang là Hà Tiên và Giang Thành cũng không có hàng.

Như vậy, có thể thấy những lô hàng rau củ quả của Việt Nam bị phía cơ quan chức năng Campuchia cảnh báo dư lượng thuộc trừ sâu và cấm nhập khẩu không làm thủ tục khai báo kiểm dịch thực vật với cơ quan kiểm dịch thực vật của phía Việt Nam là Cục Bảo vệ thực vật.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, với mặt hàng xuất khẩu có nguồn gốc thực vật, nếu phía nhập khẩu không yêu cầu phải làm kiểm dịch thực vật thì đa phần các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam sẽ không làm thủ tục khai báo kiểm dịch thực vật.

Trong đó, Campuchia lâu nay cũng không yêu cầu kiểm dịch thực vật nên các lô hàng nông sản của Việt Nam xuất khẩu qua Campuchia vẫn được Hải quan và Biên phòng cho phép xuất khẩu mà không cần giấy kiểm dịch thực vật từ cơ quan chuyên môn.

Từ ngày 1/8, giảm phí hạ tầng cho xe chở nông sản xuất khẩu

Theo Hội đồng nhân dân tỉnh Lào Cai, từ ngày 1/8 tới đây, các xe chở nông sản xuất khẩu sẽ được giảm phí sử dụng hạ tầng cửa khẩu.

 

5354-img_7066-2-102007_704.jpg
Xe chờ xuất khẩu nông sản tại Cửa khẩu đường bộ số 2 Kim Thành (Lào Cai). Ảnh: H.Đ.

 

Theo đó, Hội đồng nhân dân tỉnh Lào Cai đã ban hành Nghị quyết số 03/2020/NQ-HĐND ngày 12/6/2020 về giảm mức thu một số loại phí và khoản thu đóng góp từ khai thác khoáng sản để đầu tư hạ tầng giao thông, khắc phục môi trường do ảnh hưởng của dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh Lào Cai năm 2020.

Đặc biệt, nghị quyết này giảm phí sử dụng hạ tầng cửa khẩu cho các xe nông sản của Việt Nam xuất khẩu từ 30.000 - 210.000 đồng/lần/xe. Cụ thể, xe ô tô có trọng tải dưới 4 tấn, áp dụng mức thu 50.000 đồng/lần/xe (giảm 30.000 đồng/lần/xe so với mức thu cũ).

Đối với ô tô có trọng tải từ 4 - 10 tấn, áp dụng mức thu 140.000 đồng/lần/xe (giảm 60.000 đồng/lần/xe so với mức thu cũ).

Đối với ô tô có trọng tải từ 10 tấn đến dưới 18 tấn, áp dụng mức thu 280.000 đồng/lần/xe (giảm 120.000 đồng/lần/xe so với mức thu cũ).

Đối với xe container 20 feet, áp dụng mức thu 210.000 đồng/lần/xe (giảm 90.000 đồng/lần/xe so với mức thu cũ).

Xe container 40 feet, áp dụng mức thu 350.000 đồng/lần/xe (giảm 150.000 đồng/lần/xe so với mức thu cũ).

Ô tô có trọng tải từ 18 tấn trở lên, áp dụng mức thu 490.000 đồng/lần/xe (giảm 210.000 đồng/lần/xe so với mức thu cũ)...

Việc giảm phí sử dụng hạ tầng đối với xe chở nông sản xuất khẩu có hiệu lực từ ngày 1/8/2020.

Ngoài ra, các nội dung khác về phí sử dụng công trình kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ, tiện ích công cộng trong khu vực cửa khẩu trên địa bàn tỉnh Lào Cai vẫn thực hiện theo quy định tại Điều 2 Quy định ban hành kèm tho Nghị quyết số 79/2016/NQ-HĐND ngày 15/12/2016 và Nghị quyết số 04/2019/NQ-HĐND ngày 10/7/2019 của Hội đồng nhân dân tỉnh Lào Cai.

Cú hích hơn 100 nghìn tỉ cho ngành giống

Chương trình giống giai đoạn 2021-2030 với tổng mức đầu tư hơn 100 nghìn tỉ đồng vừa được Chính phủ phê duyệt sẽ là cú hích lớn cho tái cơ cấu ngành nông nghiệp.

 

gi.jpg
Chính phủ sẽ dành nguồn vốn đầu tư 103.050 tỷ đồng cho việc phát triển khoa học công nghệ về giống; nuôi giữ giống gốc; nghiên cứu chọn tạo giống; phát triển sản xuất giống; thương mại về giống. (Ảnh: IT)

 

Ngày 28/5/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định số 703/QĐ-TTg về việc Phê duyệt Chương trình Phát triển nghiên cứu, sản xuất giống phục vụ cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2021 - 2030 (gọi tắt là Chương trình giống). Chương trình được chia làm 2 giai đoạn (2021-2025 và 2026 - 2030).

Theo đó, mục tiêu tổng quát nhằm nâng cao năng lực nghiên cứu, sản xuất giống cây nông, lâm nghiệp, giống vật nuôi và giống thủy sản theo hướng công nghiệp hiện đại nhằm cung cấp cho sản xuất đủ giống có năng suất, chất lượng, thích ứng với biến đổi khí hậu; góp phần thực hiện thành công định hướng cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.

Cụ thể đến năm 2030, mở rộng lưu giữ khoảng 45 - 52 nghìn nguồn gen cây trồng, vật nuôi; đánh giá và khai thác nguồn gen nhằm phục vụ có hiệu quả công tác nghiên cứu chọn tạo, sản xuất giống.

Nghiên cứu đưa vào sản xuất những giống cây trồng, vật nuôi mới có năng suất, chất lượng cao, chống chịu cao với sâu và bệnh hại, thích ứng với điều kiện biến đổi khí hậu.

Đồng thời, đẩy mạnh công nghiệp hóa sản xuất giống, tăng cường công tác quản lý giống nhằm tăng nhanh tỷ lệ sử dụng giống đúng tiêu chuẩn cho sản xuất, tạo ra đột phá mới về năng suất, chất lượng sản phẩm; xuất khẩu một số giống cây trồng, vật nuôi sang thị trường các nước.

Để đạt được mục tiêu này, Chính phủ sẽ dành nguồn vốn đầu tư 103.050 tỷ đồng cho việc phát triển khoa học công nghệ về giống; nuôi giữ giống gốc; nghiên cứu chọn tạo giống; phát triển sản xuất giống; hoàn thiện hệ thống nghiên cứu, sản xuất, thương mại về giống.

Ngân sách nhà nước sẽ ưu tiên cho việc nghiên cứu chọn tạo và sản xuất giống với những đối tượng cây trồng, vật nuôi mà các tổ chức, cá nhân chưa hoặc ít quan tâm đầu tư.

Đồng thời khuyến khích mọi thành phần kinh tế tham gia nghiên cứu chọn tạo, sản xuất giống, đặc biệt là nhân giống cấp xác nhận (hoặc tương đương), đáp ứng yêu cầu giống đúng tiêu chuẩn cho sản xuất.

Bên cạnh đó, sẽ có các chính sách đồng bộ về tín dụng, đất đai, tăng cường nguồn nhân lực cho công tác nghiên cứu phát triển giống.../.

Thanh Tâm (Tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
Top