Việt Nam là nước duy nhất hiện nay trên thế giới có 2 hệ thống tiêm chủng vắc xin, đó là Chương trình tiêm chủng mở rộng và tiêm chủng dịch vụ, không nước nào có 2 hệ thống như vậy.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chia sẻ điều này tại Hội nghị trực tuyến của Chính phủ với các địa phương ngày 28/12.
Sau khi nghe báo chí phản ánh về tình trạng khan hiếm vaccine dịch vụ ở Hà Nội, Phó Thủ tướng đã yêu cầu Bộ Y tế báo cáo.
Các chuyên gia của Bộ Y tế cho biết, vắc xin quinvaxem có tác dụng phòng bệnh có phần tốt hơn vắc xin pentaxim vì sử dụng công nghệ nguyên bào.
Vắc xin quinvaxem có tỷ lệ gây phản ứng cao hơn nhưng không đồng nghĩa với tỷ lệ tử vong cao hơn.
Các trường hợp tử vong do tiêm vắc xin Quinvaxem thường xảy ra ở vùng núi, vùng sâu vùng xa; còn ở Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh không có tử vong. Lý do dẫn đến tử vong không phải do vắc xin, mặc dù phản ứng của Quinvaxem nhiều hơn. Tử vong chủ yếu do liên quan đến quá trình vận chuyển vắc xin, do sàng lọc trước khi tiêm và xử lý cấp cứu sau khi tiêm nếu có sự cố.
Vắc xin Pentaxim tiêm nhiều thì cũng sẽ có phản ứng, có tử vong nếu các vấn đề nói trên không được cải thiện.
Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế cần nói rõ, nói đúng sự thật về những vấn đề này để nhân dân hiểu đúng.
Một vấn đề nữa là ở các nước khi đã xác định số lượng bệnh cần được tiêm vắc xin cho toàn dân thì chỉ có một cơ chế là tiêm mở rộng (theo nghĩa người dân không phải trả tiền).
Tiêm chủng dịch vụ trên thế giới được hiểu là tiêm các loại vắc xin phòng các bệnh không phổ biến (hiện có vắc xin phòng gần 30 loại bệnh và các nước thường chọn tiêm vắc xin phòng 10-20 loại bệnh trong tiêm chủng mở rộng, ở nước ta hiện nay là 12-PV).
Việt Nam là nước duy nhất có cơ chế tiêm chủng mở rộng và tiêm chủng dịch vụ theo nghĩa tiêm dịch vụ thì giá vắc xin và công tiêm cũng cao hơn. Đây là hệ quả của cơ chế chuyển dịch từ bao cấp sang xã hội hóa từ nhiều năm, tới lúc cần phải thay đổi.
Phó Thủ tướng đã chỉ đạo Bộ Y tế xây dựng lộ trình để tới 2020 chỉ còn một cơ chế tiêm mở rộng như các nước. Khi đó Nhà nước sẽ chọn 1 hoặc một số loại vaccine cho mỗi loại bệnh và người dân sẽ được tiêm miễn phí dù chọn loại vaccine nào. Cùng với đó, Bộ Y tế cần thúc đẩy chương trình đầu tư sản xuất vaccine để có thể chủ động hơn.
Phó Thủ tướng cho biết, hiện nay, Bộ Y tế cũng đang xây dựng một Nghị định về tiêm vaccine để giải quyết căn bản những vấn đề đặt ra liên quan tới tiêm chủng, trong đó có vấn đề tính đúng, tính đủ giá tiêm vắc xin để khắc phục tình trạng cùng một cán bộ y tế, cùng một cơ sở y tế nếu tiêm vắc xin mở rộng thì công tiêm được nhà nước, bảo hiểm trả thấp hơn tiêm dịch vụ dễ dẫn tới xu hướng tự nhiên là hướng người dân tiêm dịch vụ.
P.V