Một vụ mùa dâu tây mất thời gian hơn nhiều loại rau trong khi thị trường lại thất thường, nhân công thiếu và lợi nhuận mỏng.
Chỉ hơn một năm trước, Soren Bjorn - Chủ tịch phụ trách thị trường châu Mỹ của Driscoll - công ty kinh doanh quả mọng lớn nhất thế giới - còn đối diện với nhu cầu quả mọng lao dốc vì đại dịch khiến các nhà hàng đóng cửa, trong khi tạp hóa chỉ ưu tiên các các mặt hàng trữ được lâu. Ông đã nói với nông dân hãy trồng ít dâu tây hơn 5% so với diện tích dự kiến.
Nhưng sau đó, khi người Mỹ mắc kẹt ở nhà muốn tiệc tùng, nhu cầu dâu tây lại tăng đột biến. Tháng 3 năm nay, ông lại phải đi báo với nông dân rằng cần tăng diện tích trồng dâu từ sớm, bởi họ phải trồng vào mùa thu và thu hoạch vào mùa xuân năm sau.
Từ thừa hàng lúc đầu, khi đại dịch chuyển sang giai đoạn mới, các doanh nghiệp thực phẩm phải chạy theo nhu cầu ngày càng tăng của người tiêu dùng và đối mặt với một chuỗi cung ứng thiếu thốn. Danh sách những ẩn số cũng còn rất dài, như bao nhiêu nhà hàng sẽ mở cửa trở lại, tốc độ ra sao hay người Mỹ sẽ tiếp tục làm việc tại nhà đến khi nào. Tình trạng thiếu lao động và gián đoạn nguồn cung cũng làm phức tạp thêm kế hoạch nào mà các công ty thực phẩm đề ra.
Sự bất ổn ảnh hưởng đến tất cả các loại thực phẩm, người trồng và người mua. Nhưng với những nhà cung cấp quả tươi như dâu tây thì càng khó khăn hơn, bởi các quyết định có tác động khá chậm (thời gian trồng khá dài) trong khi thành phẩm rất dễ hỏng, không trữ được lâu.
Dự báo nhu cầu của người tiêu dùng luôn là một nghệ thuật phức tạp. Trong đó, sai sót có thể dẫn đến một biển thực phẩm lãng phí hoặc khiến nông dân phá sản. Các cây trồng khác, với chu kỳ phát triển ngắn hơn, lại linh hoạt hơn. Ví dụ, cải bó xôi được thu hoạch sau khi trồng 30 ngày. Rau diếp mất từ 65 đến 120 ngày.
"Đó là canh bạc với một sản phẩm dễ hỏng", Steve Church - Đồng chủ tịch của Church Brothers Farms nói. Năm ngoái, ông phải đổ bỏ 5 triệu USD nông sản dư thừa.
Đối với Bjorn, canh bạc đến vào tháng 3/2020, khi những người mua quả mọng lớn như các công viên giải trí và các tuyến du thuyền đột ngột đóng cửa. Một khách hàng đã hủy đơn 15 xe tải mâm xôi. Công ty ông phải mang số hàng trị giá 20 triệu USD đi đông lạnh, chuyển thành nước trái cây, và chỉ thu hồi được 10 cent trên mỗi USD giá trị hàng. Còn số dư thừa, họ đành ném xuống mương.
Nhưng chỉ hai tháng sau, nhu cầu quả mọng đã phục hồi. Theo dữ liệu của Nielsen, doanh số bán quả mọng tại các cửa hàng tạp hóa ở Mỹ đã tăng 8% trong 52 tuần tính đến ngày 17/4 vừa qua. Giá trung bình tăng 4%.
Số đơn hàng dâu tây từ các nhà hàng đang tăng lên. Theo Rabobank (Hà Lan), giá bán buôn dâu tây của Mỹ đang dao động gần 18 USD cho một hộp 8 pound (3,6 kg), gần gấp đôi một năm trước.
Trong khi đó, một cơn bão mùa đông đã ảnh hưởng đến sản xuất dâu tây Mexico của Driscoll. Cộng với diện tích giảm, Bjorn cho biết công ty sẽ thiếu trái cây trong năm nay. Tháng 3 này, ông đã kêu gọi tăng 8% diện tích trồng dâu tây ở California.
14 tháng sau Covid-19, Bjorn cho rằng các mô hình dự báo cũ không còn giúp ông đánh giá được xu hướng giá cả và cách hành xử của người tiêu dùng khi đại dịch lắng xuống. Vì vậy, ông phải thường xuyên liên lạc với các khách hàng như Costco Wholesale và Whole Foods Market, để nắm tình hình cung ứng.
Những cánh đồng màu mỡ dọc theo bờ biển của California là trung tâm sản xuất quả mọng của Mỹ. Dâu tây từ lâu đã là ngôi sao, nhưng kinh tế của nông dân ngày càng khó khăn do chi phí nhân công ăn mòn lợi nhuận.
Dâu tây là một trong những loại cây trồng có chi phí sản xuất đắt nhất. Không giống rau diếp, có thể được trồng bằng máy móc, dâu tây được trồng trong đất bằng tay, khoảng 20.000 cây cho mỗi mẫu Anh (0,4 ha). Khi quả đã chín, công nhân phải hái chúng bằng tay, đi kiểm tra từng cây ba ngày một lần trong mùa cao điểm.
Vì vậy, nông dân trồng dâu tây có tỷ suất lợi nhuận thấp, trung bình 2.300 USD mỗi mẫu Anh sau khi đầu tư khoảng 68.000 USD một mẫu Anh để sản xuất một vụ. Một số người đã nghỉ trồng dâu và chuyển sang các loại cây trồng khác.
Dane Scurich đã cắt giảm hơn 80% diện tích trồng dâu tây của trang trại gia đình trong hơn một thập kỷ qua để chuyển sang trồng dâu đen. Nhưng hiện tại, bị thuyết phục bởi sự lạc quan của Driscoll, các giống mới và lợi nhuận năm 2020 lớn, anh chuẩn bị mở rộng diện tích trồng dâu tây của mình thêm 2 ha, tương đương hơn 10%, vào mùa thu này.
Anh đã thuê thêm đất ở Monterey Bay, vay thêm ngân hàng để tuyển thêm 10 lao động vào đội thu hoạch cho vụ mùa năm tới. "Chắc chắn là rất lo", Scurich nói, "Nếu mọi thứ trở nên tồi tệ, nó có thể có tác động lớn đến tương lai của chúng tôi".
Nhưng tìm người sẽ không dễ. Các trang trại từ lâu đã phải vật lộn để tìm đủ nhân công hái và đóng gói sản phẩm. Bjorn nói rằng năm nay, sự cạnh tranh lao động từ ngành xây dựng đang bùng nổ có thể gay gắt hơn. Để giữ người, một số trang trại đã tăng tiền thưởng cho việc ở lại trong suốt mùa thu hoạch, thậm chí cho rút thăm trúng thưởng, với các giải thưởng là cả chiếc ôtô.
Vận chuyển dâu tươi đi đường dài cũng có nhiều rủi ro. Đó là một khó khăn khác trong ngành này. Nhưng bù lại, thị trường quả mọng đông lạnh cũng đang bùng nổ và các nhà chế biến đang trả tiền để mua quả đông lạnh. Điều đó có nghĩa thị trường quả mọng đông lạnh có thể tiêu thụ nhiều trái cây hơn và khiến nguồn cung tươi hạn chế hơn nữa, Anthony Gallino - Phó chủ tịch phụ trách bán hàng của Bobalu Berries - một đơn vị trồng, đóng gói và chế biến ở California cho biết. Bobalu đang đều đặn tăng diện tích trồng dâu tây.
California Giant Berry Farms dự tính diện tích trồng trọt trước nhiều năm và thường theo sát mục tiêu đó. Theo Tom Smith, giám đốc bán hàng của công ty, một rủi ro khác trong thị trường quả mọng là làn sóng những người trồng việt quất chuyển sang trái cây hữu cơ. Những sản phẩm này tràn ngập thị trường và kéo giá những quả mọng cao cấp xuống thấp hơn quả thông thường.
Còn đối với một số nhà cung cấp thực phẩm tươi sống, quản lý mối quan hệ với khách hàng và dự báo nhu cầu hiện trở thành nhiệm vụ tế nhị. Bjorn cho biết các nhà hàng và các doanh nghiệp khác đang phải vật lộn để lấy lại chỗ đứng. Họ muốn quả mọng giảm giá. Trong khi đó, những đơn vị tạp hóa sau một năm căng thẳng sẵn sàng chi tiền để có được trái cây họ cần.
Ông muốn hỗ trợ các nhà hàng khi họ hồi phục, nhưng cũng không thể quay lưng lại với những người bán hàng tạp hóa - vốn đã hỗ trợ công việc kinh doanh của Driscoll trong thời kỳ đại dịch. "Bạn nghĩ rằng mình có thể xoay sở được vì đã làm trong ngành này một thời gian, nhưng vẫn có một chút rắc rối", ông nói.
Phiên An - VnExpress (theo Fox News)
Mỗi năm, huyện Yên Thế (Bắc Giang) bán ra thị trường trên 10 triệu con gia cầm thương phẩm, giá trị sản xuất năm 2024 ước đạt trên 1.600 tỷ đồng. Tuy chăn nuôi đã trở thành một nghề quan trọng trong kinh tế địa phương nhưng vẫn còn nhiều khó khăn trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ. Trước thực trạng này, nhiều giải pháp đã được đưa ra.
Không chỉ từ khi Luật Hợp tác xã năm 2023 chính thức có hiệu lực (01/7/2024), mà trước đó, nhiều hợp tác xã (HTX) trên địa bàn Quảng Ngãi đã chủ động mở rộng các dịch vụ phục vụ và phát triển sản xuất kinh doanh (SXKD) gắn với chuỗi giá trị sản phẩm. Nhờ đó, vai trò của HTX nông nghiệp (NN) đối với kinh tế hộ ngày càng rõ hơn, nhất là khi SX gặp khó khăn: hạn hán, lũ lụt, dịch bệnh,…