“Nhiệm vụ nặng nề của Cao Bằng là phải trở thành một trong những địa phương có hình mẫu vượt khó vươn lên của cả nước, đặc biệt là thoát nghèo, tạo sinh kế bền vững cho người dân các dân tộc thiểu số...”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh tại buổi làm việc với lãnh đạo chủ chốt của tỉnh.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trong buổi làm việc với tỉnh Cao Bằng.
Là tỉnh miền núi, biên giới nằm ở vùng Đông Bắc, giáp Quảng Tây (Trung Quốc), Cao Bằng có đường biên giới đất liền dài trên 333km (dài nhất trong số các tỉnh, thành phố có biên giới).
Thời gian qua, mặc dù liên tục triển khai các biện pháp xóa đói giảm nghèo dưới sự hỗ trợ mạnh mẽ của Trung ương, tuy nhiên, toàn tỉnh vẫn có tới 52.409 hộ nghèo (chiếm hơn 42% tổng số hộ dân) và 12.110 hộ cận nghèo (chiếm 9,83%).
Cao Bằng cũng có tới 6 huyện nghèo thuộc diện 30a. Mặc dù kinh tế luôn có mức tăng trưởng khá nhưng thu nhập bình quân của tỉnh chỉ đạt 21 - 23 triệu đồng/người/năm, chưa bằng một nửa so với mức bình quân của cả nước. Tổng thu ngân sách trên địa bàn được 1.386,4 tỷ đồng, xếp thứ 60 trong tổng số 63 tỉnh, thành phố cả nước, chỉ trên Điện Biên, Hà Giang.
Riêng về hỗ trợ nguồn lực từ Trung ương, cụ thể là nguồn vốn cho vay ưu đãi từ NHCSXH, Tổng giám đốc NHXHCS Việt Nam Dương Quyết Thắng khẳng định, đơn vị cam kết bố trí nguồn lực ở mức cao nhất để cùng địa phương thực hiện xóa đói giảm nghèo, tuy nhiên, trên tinh thần “cho cần câu chứ không cho con cá”, chuyển từ trợ cấp trực tiếp sang cho vay ưu đãi.
Ghi nhận nỗ lực của Cao Bằng trong phát triển kinh tế - xã hội, Thủ tướng nhấn mạnh đến kết quả giảm 3,92% hộ nghèo trong thời gian qua. Thu ngân sách tăng bình quân 18%/năm. Tuy nhiên, Thủ tướng bày tỏ sự băn khoăn, trăn trở về tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh vẫn còn ở mức cao. Cao Bằng là một trong 3 tỉnh có hộ nghèo cao nhất cả nước.
Thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu tỉnh phải triển khai Nghị quyết 01 của Chính phủ ngay từ đầu năm, chọn lựa một số lĩnh vực ưu tiên để tập trung chỉ đạo để “làm đâu ra đó”, không nên cứ bàn mãi mà không hành động. “Tầm nhìn của Cao Bằng là gì? Đó là phấn đấu trở thành một trong những tỉnh phát triển xanh nhất, sạch nhất và toàn diện nhất về kinh tế, xã hội, quốc phòng và an ninh ở vùng địa đầu phía Bắc của Tổ quốc, mãi mãi là niềm tự hào về ý chí kiên cường, tình đoàn kết quân dân của các dân tộc cùng nhau xây dựng, hướng tới một nền kinh tế có bản sắc, một xã hội đa dân tộc, hài hòa, một nền văn hóa độc đáo, riêng có của Cao Bằng”, Thủ tướng nhấn mạnh - “Xanh nhất, sạch nhất nhưng người nghèo đông thì đâu có được, nên phải toàn diện nhất”.
Đánh giá cao NHCSXH trong việc cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách vay vốn sản xuất, Thủ tướng cho rằng đây là kênh tín dụng quan trọng, cần đẩy mạnh cho vay, giúp người dân thoát nghèo bền vững.
Nhân dịp Tết Nguyên đán sắp đến, Thủ tướng yêu cầu tỉnh quan tâm lo Tết thật tốt cho đồng bào, không để người dân thiếu đói, đứt bữa.
Theo Bí thư Huyện ủy Bảo Lâm Ma Thế Tuyết, huyện biên giới Bảo Lâm có 59.000 người, trong đó chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số… Bảo Lâm vẫn là huyện nghèo với tỷ lệ nghèo đa chiều còn lớn, trên 60%, nếu tính cả hộ cận nghèo là trên 70% số hộ. Huyện có hơn 8.000 hộ nghèo và các đối tượng chính sách được vay vốn của NHCSXH, nhưng nhu cầu vay vốn vẫn còn lớn. Sản xuất trên địa bàn chủ yếu là nông nghiệp, trong đó chủ yếu là chăn nuôi. Thủ tướng mong muốn các cấp ủy Đảng, chính quyền nỗ lực thực hiện tốt công tác giảm nghèo cho người dân, trong đó NHCSXH cần thống kê hộ nghèo, cấp vốn theo nhu cầu chính đáng của người dân. Huyện, xã bàn chủ trương, biện pháp để giúp bà con có cuộc sống ấm no, thoát nghèo trong đó, tập trung vào trồng trọt và chăn nuôi. Thủ tướng cũng mong muốn, bên cạnh sự hỗ trợ của Nhà nước, trong đó có nguồn vốn cho vay từ NHCSXH, từng hộ dân phải có tinh thần tự lực, tự cường, vươn lên thoát nghèo. |
P.V