Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ bảy, ngày 9 tháng 9 năm 2017 | 6:25

Câu chuyện buồn sau vụ tai nạn giao thông

KTNT - Cán bộ tông xe rồi bỏ chạy, người bị nạn chật vật với cuộc sống thường ngày. Đó là câu chuyện được nghe phản ánh trong chuyến công tác gần đây, khiến tôi tò mò muốn tiếp cận hoàn cảnh gia đình người bị nạn và muốn nói cái gì đấy cho quyền lợi của người dân một cách chính đáng và cũng có thể là để dư luận đánh giá, nhận xét về cách hành xử của người trong cuộc.

Sau tai nạn của ông Cần, gia đình ông đã khó lại càng khó hơn.

I.

Ông chính là Nguyễn Văn Cần, sinh năm 1962, ở Hòa Phong (Tây Hòa - Phú Yên). Chuyện sẽ chẳng có gì đáng nói nếu không có cái ngày định mệnh đầu năm 2012, khiến dư luận sở tại và cánh báo giới phải xôn xao.

Câu chuyện bắt đầu vào một buổi tối đầu tháng 1/2012, ông và người bạn tên Bình cùng thôn đang trên đường đi làm về đến gần UBND xã Hòa Phong thì bất ngờ bị một chiếc xe ô tô đi ngược chiều tông gây tai nạn nghiêm trọng. Nhưng, điều khiến người dân bất bình là, thay vì dừng xe lại xem người bị nạn có sao không và cứu chữa thì tài xế xe này lại bỏ chạy một cách tháo mạng.

Rất may cho ông Cần và ông Bình, khi sự việc xảy ra, đúng lúc đó có hai vợ chồng cùng thôn thấy vậy liền chạy xe máy đuổi theo chiếc ô tô gây tai nạn và kịp ghi được biển số xe, sau đó trình báo Công an huyện Tây Hòa.

Cú va đập mạnh khiến ông Cần gãy ba vị trí ở chân trái vỡ bánh chè, còn ông Bình bị giập nát mu bàn tay trái. Cũng từ đây, công cuộc cứu chữa cho ông Cần và ông Bình không chỉ có những gian truân, khó khăn về tiền bạc, kinh tế mà còn để lại di chứng, tật nguyền đến suốt phần đời còn lại.

Theo chia sẻ của những thành viên trong gia đình ông Cần, sau khi ông nhập viện và trình báo công an địa phương về biển số xe gây tai nạn cho mình, thời gian sau họ được biết người tài xế bỏ chạy hôm đấy chính là ông Y Thông, công tác tại Ủy ban Dân tộc của Quốc hội và là đại biểu Quốc hội khóa XII.

Cũng chính lúc này, các cơ quan báo chí vào cuộc đấu tranh bảo vệ quyền lợi của người bị hại. Dư luận so sánh, với người dân bình thường, ở bất cứ đâu, khi đụng xe thì phải dừng lại kiểm tra, hỏi han xem có ai bị thương không và xử lý việc một cách thấu tình đạt lý. Nhưng đằng này, với tư cách là đại biểu Quốc hội mà lại hành xử như thế (?!).

Khi ông Cần và ông Bình nhập viện, đúng một tuần sau đó, có người đến tự giới thiệu tên là H’Ring, vợ ông Y Thông, hỗ trợ người bị hại số tiền nhỏ rồi đề nghị họ ký vào giấy bãi nại đã soạn sẵn (?!).

Chỉ nghe lại thôi cũng khiến cho kẻ cầm bút như tôi thấy lộn ruột lên với kiểu hành xử như thế này của ông Y Thông và gia đình với người bị nạn. Phải chăng họ đang cố làm “êm” vụ việc theo cách có lợi cho riêng mình mà không màng đến lợi ích cũng như tính mạng người bị tai nạn?

Trao đổi với báo chí sau khi gây tai nạn, ông Y Thông nói: “Đây là chuyện xui xẻo. Khi đó, tôi đang lái xe thì một người chạy xe máy tông vào bên hông xe tôi làm vỡ kính chiếu hậu, do đó tôi không quan sát được phía sau. Tôi giảm ga, hạ cửa kính, nhìn lại nhưng cũng không thấy gì nên chạy luôn. Sáng hôm sau, có anh em công an đến hỏi, tôi cũng nói tối qua tôi có va chạm xe”. Lý do vì sao ông không dừng xe lại để kiểm tra xem có người bị nạn hay không, ông Y Thông giải thích: “Lúc này, tôi nghĩ người điều khiển xe máy va chạm làm hư xe tôi, họ sợ đền bù nên đã chạy đi luôn, chứ tôi không phải bỏ chạy”.

Qua một nguồn tin riêng, tôi được biết, ông Y Thông hiện đang công tác tại một ban trực thuộc Trung ương.

Căn nhà tình thương của gia đình ông Cần cũng xuống cấp từ lâu.

 

II.

Thế rồi câu chuyện cũng diễn ra theo “kịch bản” của gia đình ông Y Thông, người bị nạn đã ký vào giấy bãi nại mà họ không hiểu những hậu quả khôn lường về sức khỏe của mình sau này. Sau tai nạn, chân ông Cần không co lại và đi lại bình thường được, khó khăn trong sinh hoạt hàng ngày và điều khốn khó nhất là không lao động kiếm tiền nuôi gia đình như trước. Ông phải nhờ anh Lộc, cháu họ chở lên thành phố Tuy Hòa bán vé số, đậu phộng kiếm sống qua ngày và giúp đỡ phần nào cho gia đình.

Còn ông Bình thì may mắn hơn, bị nhẹ hơn, nhưng cũng mang thương tật từ bàn tay bị nạn, các ngón tay cứ thẳng đơ, không cầm nắm được vật gì.

Trong hai căn nhà tình thương rộng khoảng 20m2, được chính quyền xã Hòa Phong xây hỗ từ năm 2012, lợp ngói, nắng thì chiếu xuyên nhà, còn mưa thì dột vì đã quá cũ. Trong căn nhà đấy, hai vợ chồng ông Cần cùng chị gái và cô em kế ông bị bệnh nương tựa vào nhau lay lắt ở vùng quê nghèo.

Nếu đây, ông Cần còn đi làm các công việc lao động phổ thông để kiếm thêm thu nhập nuôi gia đình; thì sau khi tai nạn, cuộc sống của 4 con người bước vào tuổi ngũ tuần này đã khó lại càng khó hơn. Thu nhập của họ ngoài tiền phụ cấp khuyết tật, không có gì khác ngoài tiền bán vé số, đậu phộng của ông Cần và bà vợ cả ngày sống trên bãi rác nhặt những đồ gì có thể bán được để phụ giúp gia đình.

Giờ đây người bị nạn sống trong cảnh nghèo khó, thương tật, thấy vậy, thỉnh thoảng chòm xóm láng giềng hay các phật tử ở ngôi chùa gần làng có giúp đỡ nhưng cũng chỉ phần nào. Bởi, lao động chính là ông Cần thì bị tật nguyền, một chân đi lại còn khó khăn, chứ chưa nói đến lao động.

Có lẽ với kẻ sống nhờ vào lương và nhuận bút như tôi thì không có tiền để hỗ trợ cho những con người khốn khổ của gia đình ông Cần. Nhưng từ tận tâm can mình, tôi xin cầu chúc cho họ được bình an, được nhiều sự giúp đỡ của xã hội.

Tai nạn giao thông không chừa bất cứ ai, có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Chính vì vậy, vì cuộc sống bình yên của chính bản thân, của gia đình và cộng đồng, mỗi cá nhân hãy phát huy tinh thần tích cực, tự giác chấp hành tốt các quy định khi tham gia giao thông. Đồng thời, hãy quan tâm và chia sẻ khó khăn vật chất, tinh thần đối với những nạn nhân và gia đình bị tai nạn giao thông, giúp họ vượt qua khó khăn trong cuộc sống và xoa dịu phần nào nỗi đau mất mát họ đang gánh chịu.

Và qua câu chuyện này, cũng mong ông Y Thông thấy rõ hậu quả mà hành vi của mình gây ra và có cách hành xử phù hợp theo đạo lý của dân tộc.

Thanh Thái

 

 

 

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
Top