Không quá lời khi ví các hội đoàn thể là cánh tay nối dài của NHCSXH, đưa vốn đến đúng đối tượng, đúng mục đích. Cùng với Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Đoàn thanh niên… Hội cựu chiến binh (CCB) đang làm rất tốt nhiệm vụ của mình, giúp nhiều hội viên thoát nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng. Hội CCB huyện Kim Bảng (Hà Nam) là một trong những đơn vị như thế.
Ông Hưng trao đổi với cán bộ NHCSXH tỉnh Hà Nam.
Chúng tôi đến thăm khu trang trại của ông Phan Duy Hưng, xóm 9, xã Thụy Lôi giữa lúc ông đang tất bật vừa trông cháu, vừa tranh thủ chuẩn bị thức ăn cho gà. Ông Hưng là thương bình hạng ¾, đồng thời cũng là hội viên tích cực của Hội CCB xã Thụy Lôi. Năm 2005, nhờ nguồn vốn vay 20 triệu đồng từ chương trình nước sạch của NHCSXH, ông đã đặt nền móng đầu tiên cho trang trại chăn nuôi riêng. Trong bối cảnh cuộc sống sau khi phục viên gặp nhiều khó khăn, sức khỏe giảm sút thì nguồn vốn nhỏ trên đã mang lại cho ông là cả một hy vọng lớn. Ông đầu tư nuôi lợn, thả gà, tiền lãi vừa dành trả nợ, vừa từng bước đầu tư ở quy mô lớn hơn. Chỉ 2 năm sau, ông đã có thể tự tin với kinh tế hộ ổn định, con cái có điều kiện ăn mặc, học hành. Năm 2016, ông tiếp tục vay 50 triệu đồng từ chương trình giải quyết việc làm để đầu tư chăn nuôi ở quy mô lớn hơn, đa dạng hơn. Hiện mô hình chăn nuôi của ông có 300 gà Ai Cập chuyên cung cấp trứng, 200 gà thịt, 300 con ngan, 16 con lợn sề, 18 con lợn thịt, ngoài ra còn có ao cá với các loại: trắm, chép, trôi… mang lại nguồn thu hơn 100 triệu đồng mỗi năm.
Đàn gà Ai Cập 300 con giúp ông Hưng duy trì được sự ổn định của kinh tế gia đình.
Ông Tạ Duy Dương, Phó chủ tịch Hội CCB xã Thụy Lôi cho biết: “Trước đây ông Hưng đã từng nắm giữ chức chủ tịch Hội CCB xã 2 khóa liên tục, chính vì vậy, ông Hưng không chỉ là hội viên tích cực mà còn rất gương mẫu trong mọi phong trào, mọi hoạt động. Nhờ những người như ông Hưng mà mặc dù chỉ có 2 tổ vay vốn nhưng dư nợ NHCSXH của Hội CCB xã lên tới hơn 3 tỷ đồng với gần 100 hộ vay/200 hội viên, trong đó nợ quá hạn chưa tới 2 triệu đồng. Nguồn vốn từ NHCSXH đang thực sự phát huy hiệu quả, tiếp sức rất nhiều cho sự phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương”.
Đánh giá về hiệu quả của nguồn vốn chính sách, ông Nguyễn Văn Dĩ, Chủ tịch UBND xã Thụy Lôi nhận định: “Tuy nhỏ nhưng nguồn vốn kịp thời từ NHCSXH đã giúp nhiều hộ dân, đặc biệt là các hội viên Hội CCB có thể bắt đầu mô hình kinh tế nhỏ. Tính đến 30/6/2017 dư nợ toàn xã là 15,4 tỷ, phân bổ cho 12 tổ/xã, mỗi đoàn thể đều có đặc thù riêng, đặc biệt Hội CCB đã mang lại luồng gió mới với tư duy “làm giàu không giới hạn tuổi”, điều này đã tiếp sức rất nhiều cho lớp thanh niên địa phương”.
Ông Đôn đầu tư nuôi lợn Mán, vì cho rằng chúng ít bệnh tật, phát triển tốt, phù hợp với điều kiện khí hậu địa phương.
Cũng “khởi nghiệp” từ món vay nhỏ của NHCSXH, nhưng ông Đặng Đình Đôn, tổ dân phố 6, thị trấn Ba Sao lại đầu tư nuôi con đặc sản và lựa chọn trồng nấm là hướng đi chính trong tương lai. Là bộ đội phục viên, sau khi rời quân ngũ, sức khỏe yếu nên ông không thể làm được những việc nặng nhọc khiến kinh tế gia đình cứ trầy trật qua từng năm. Năm 2016 ông vay 30 triệu từ chương trình cho vay hộ nghèo để đầu tư trồng nấm. Sang năm nay, ông vay tiếp 50 triệu đồng (giải quyết việc làm) để mở rộng quy mô trại nấm của mình. Ông cho hay: “Những năm gần đây, ở địa phương phát triển rất mạnh ngành du lịch, đa phần người dân đều hiến đất để mở rộng đường, phục vụ quy hoạch mới của thị trấn nên đất nông nghiệp đã thu hẹp nhiều. Chính vì vậy, tôi chọn trồng nấm vì phù hợp với điều kiện sức khỏe cũng như thực trạng đất đai của gia đình”.
Ông Đôn giới thiệu trại nấm với các hội viên Hội CCB thị trấn Ba Sao.
Hiện, ông có 1.008m2 trồng nấm với hơn 5.000 bịch, được quy hoạch thành 2 khu, chủ yếu là nấm sò và mộc nhĩ. Mỗi năm ông thu về 50-60 triệu đồng nhờ trồng nấm. Bên cạnh đó, ông còn nuôi 4 lợn nái, 2 lợn mán, 2 bò sinh sản, 70 con ngan, gần 100 con gà... mang lại nguồn thu hơn 50 triệu đồng/năm.
Ông Vũ Văn Chính, Chủ tịch Hội CCB thị trấn Ba Sao cho biết: “Hiện, chi Hội có 327 hội viên, dư nợ tính đến 30/6/2017 là 3,4 tỷ đồng, với 101 hội viên vay vốn. Đơn vị có 3 tổ vay vốn, nguồn vốn chủ yếu từ các chương trình: hộ nghèo, hộ cận nghèo, giải quyết việc làm, học sinh-sinh viên… Đa phần các hộ đều đầu tư chăn nuôi quy mô vừa và nhỏ, vừa đảm bảo kinh tế gia đình, vừa góp phần xây dựng nông thôn mới ở địa phương”.
Đánh giá cao sự tiếp sức từ NHCSXH, ông Trần Văn Trung, Phó chủ tịch Hội CCB huyện Kim Bảng nhấn mạnh: “Đồng vốn từ NHCSXH không chỉ mang ý nghĩa nhân văn từ các chủ trương của Đảng, Chính phủ mà còn thực sự động viên, khích lệ các đồng chí CCB tiếp tục cống hiến trên mặt trận kinh tế thời bình. Với 5.929 hội viên, hiện dư nợ của chúng tôi là trên 32,5 tỷ đồng với hơn 2.000 hộ vay. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục tư vấn để giúp các hội viên sử dụng vốn đúng mục đích, mang lại hiệu quả kinh tế cao”.
Tố Loan