Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 7 tháng 12 năm 2018 | 13:39

“Cầu nối” giúp người dân Đại Phong thoát nghèo

Ở thôn Đại Phong, xã Phong Thủy (Lệ Thủy - Quảng Bình), bà Nguyễn Thị Phượng được biết đến là người sống có trách nhiệm, gần gũi, “tư vấn viên” cho nhiều nông hộ biết sử dụng nguồn vốn vay của NHCSXH để làm ăn đạt hiệu quả.

2.jpg
Bà Nguyễn Thị Phượng (trái) hướng dẫn tổ viên nội dung trong sổ vay vốn.

 

Qua hơn 15 năm gắn bó cùng NHCSXH với vai trò là Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn (TK&VV) thôn Đại Phong, bà Phượng không chỉ tích cực tuyên truyền giúp bà con trong thôn vay vốn ưu đãi, sử dụng đúng mục đích, vươn lên thoát nghèo mà còn bảo toàn được nguồn vốn của ngân hàng, điều mà không phải tổ vay vốn nào cũng thực hiện được.

Bà Phượng tâm sự: Nhớ lại những ngày đầu với vai trò là tổ trưởng, tôi gặp không ít khó khăn. Ban đầu tổ chỉ có 8 thành viên, với tổng dư nợ 30 triệu đồng, đa phần đều là những hộ sống bằng nghề nông, làm thuê, làm mướn nên cuộc sống khá vất vả. Ngoài ra, nhiều hộ nghèo, cận nghèo chỉ trông chờ, ỉ lại vào sự trợ cấp của Nhà nước, không chịu phấn đấu tìm hướng làm ăn; có hộ không dám vay vốn vì sợ không trả được nợ...

Trước thực tế đó, bà Phượng luôn suy nghĩ phải làm sao vận động hộ nghèo trong thôn tích cực tham gia vào Tổ TK&VV, giúp bà con tiếp cận nguồn vốn ưu đãi của Chính phủ, biết cách làm ăn, sử dụng đồng vốn đúng mục đích, có hiệu quả. Nhờ bà Phượng kiên trì vận động, cộng với sự hỗ trợ của Hội Phụ nữ xã Phong Thủy và cán bộ NHCSXH huyện, các hộ nghèo trong thôn dần hiểu được lợi ích mà nguồn vốn ưu đãi mang lại.

Hiện nay, tổ đã tăng lên 45 thành viên với tổng vốn vay gần 1,5 tỷ đồng. Điều đáng quý ở bà Phượng là luôn thực hiện cho vay vốn trên tinh thần bình xét công khai, công bằng và tôn trọng ý kiến tổ viên.

Bà Phượng chia sẻ: “Xuất phát từ hoàn cảnh khó khăn của bản thân nên tôi thấu hiểu các hộ nghèo cần nguồn vốn ưu đãi như thế nào. Do đó, khi được vay vốn, không phó thác cho thành viên trong tổ tự tìm hướng làm ăn, tôi chủ động gặp gỡ từng gia đình, hỏi han kỹ lưỡng về nhu cầu, nguyện vọng để góp ý, tư vấn, giúp đỡ kịp thời, thích hợp. Ngoài ra, tôi còn khuyến khích tổ viên của mình tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật gieo trồng, chăn nuôi, áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, nhất là chọn mô hình phát triển kinh tế phù hợp với điều kiện của gia đình”.

Nhờ quản lý tốt nguồn vốn vay nên Tổ TK&VV của bà Phượng không có trường hợp nào có lãi tồn đọng và nợ quá hạn; các hộ vay thực hiện nộp tiền lãi và gốc đúng hạn theo quy định của NHCSXH. “Cái hay” của tổ là 100% hộ vay đều tự giác mang tiền lãi và tiết kiệm đến tận nhà tổ trưởng để nộp chứ không cần tổ trưởng phải trực tiếp đi thu như nhiều tổ khác.

Mặt khác, bà còn động viên các thành viên trong tổ tích cực tham gia gửi tiết kiệm, tạo thói quen tích lũy tiền hàng tháng để dành dụm tiền trả nợ gốc định kỳ và đến hạn, ngoài ra, còn tạo được nguồn vốn xoay vòng cho các tổ viên khác. Hiểu được lợi ích này, các tổ viên đã nhiệt tình hưởng ứng. Đến nay, tất cả tổ viên trong tổ đều tham gia gửi tiết kiệm, bình quân mỗi tháng các tổ viên trong tổ góp trên dưới 4 triệu đồng.

Ông Nguyễn Văn Hoàng, Chủ tịch UBND xã Phong Thủy, nhận xét: Tổ TK&VV Đại Phong đi đầu trong việc thực hiện nghiêm túc các quy định cho vay của NHCSXH. Tổ luôn duy trì họp định kỳ, tiến hành bình xét dân chủ, công khai cho các đối tượng vay vốn, đảm bảo tỷ lệ trả lãi và tham gia gửi tiết kiệm đạt 100%.

“Để đạt được kết quả đó, vai trò của bà Phượng hết sức quan trọng, chúng tôi vẫn luôn ví bà  là “cầu nối hữu hiệu” để nguồn vốn của NHCSXH đến gần hơn với người dân, là điểm sáng trong phong trào phụ nữ vươn lên thoát nghèo, góp phần phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương”, ông Hoàng cho biết thêm.

 

 

Thu Huyền
Ý kiến bạn đọc
Top