Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024  
Thứ hai, ngày 18 tháng 12 năm 2017 | 2:8

Chiến thắng Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không 45 năm trước: Dấu mốc vàng son của lịch sử Việt Nam

Từ ngày 18 - 30/12/1972, sau khi Hội nghị Paris bế tắc và đổ vỡ do hai phía Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Mỹ bất đồng về các điều khoản trong hiệp định, Mỹ đã dùng máy bay chiến lược B52 (pháo đài bay) thả hơn 36.000 tấn bom xuống miền Bắc Việt Nam, vượt quá khối lượng bom ném xuống miền Bắc Việt Nam trong thời kỳ từ 1969 - 1971.

Cán bộ Bảo tàng Phòng không-Không quân đang nói về chiến thắng Điện Biên Phủ trên không cho các em học sinh.

Đập tan cuộc tập kích đường không của Mỹ

Lấy mật danh chiến dịch lần này là  “Linebacker 2”, Tổng thống Mỹ lúc bấy giờ là Richard Milhous Nixon đã điều động gần 200 máy bay B.52, 30 máy bay F.111 và hơn 1.000 máy bay tiêm kích, 6 liên đội tàu sân bay và 50 máy bay tiếp dầu KC.135... mở cuộc tập kích chiến lược bằng không quân với quy mô lớn vào Hà Nội, Hải Phòng và một số mục tiêu phía Bắc.

Chiến dịch tập kích đường không quy mô lớn chưa từng có này kéo dài 12 ngày đêm. Trong thời gian này, với con át chủ bài là máy bay B52, có thể hoạt động trong mọi điều kiện thời tiết, không quân Mỹ đã trút 40.000 tấn bom xuống nhiều khu dân cư: Khâm Thiên, An Dương, Uy Nỗ, Bệnh viện Bạch Mai, Yên Viên, Gia Lâm, Đông Anh, Văn Điển, Giáp Bát, Đài Phát thanh Mễ Trì.... Với đòn đánh có tính chất hủy diệt đối với Thủ đô Hà Nội - trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội của đất nước ta, Mỹ hy vọng “đưa Việt Nam về thời kỳ đồ đá” và buộc Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa phải trở lại bàn đàm phán, chấp nhận các yêu sách của mình.

Tuy nhiên, quân và dân ta đã anh dũng kiên cường đánh trả, chủ động vào trận. Sau 12 ngày đêm anh dũng và sáng tạo chiến đấu (18/12 - 29/12/1972), quân và dân Thủ đô cùng các địa phương miền Bắc đã đập tan cuộc tập kích đường không của Mỹ : bắn rơi 81 máy bay các loại, trong đó có 34 máy bay B52, 5 máy bay F111 và 42 máy bay chiến thuật khác, buộc đế quốc Mỹ phải ký Hiệp định Paris chấm dứt chiến tranh xâm lược Việt Nam, rút hết quân đội Mỹ về nước.

Mãi mãi là niềm tự hào

Đến tham quan Bảo tàng Phòng không-Không quân (173C Trường Chinh, quận Thanh Xuân, TP. Hà Nội) và Bảo tàng chiến thắng B.52, nơi lưu giữ những hình ảnh, tư liệu, hiện vật minh chứng cho quá trình chiến đấu và chiến thắng của bộ đội Phòng không - Không quân Việt Nam trong chiến dịch Điện Biên Phủ trên không, có thể dễ dàng bắt gặp một số hiện vật được trưng bày như: Ra đa phát bằng sóng điện từ được dùng trong chiến dịch 12 ngày đêm năm 1972, bắt được tín hiệu máy bay chiến lược B.52 sớm 35 phút để kịp thông báo cho quân và dân Hà Nội chuẩn bị sẵn sàng chiến đấu; bệ phóng tên lửa bắn rơi máy bay B.52 đầu tiên trong chiến dịch “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”; máy bay Mig.21, phi công của ta đã lái và bắn rơi máy bay B.52 đêm 27/12/1972.

Trao đổi với phóng viên, ông Hoàng Ngọc Sơn, người đã từng tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ trên không, cho biết: “Để làm nên chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”, các lực lượng của Quân chủng Phòng không - Không quân đã chiến đấu dũng cảm, kiên cường, mưu trí, sáng tạo, nêu cao tinh thần đoàn kết hiệp đồng, luôn tâm niệm phải quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh. Tôi còn nhớ như in đêm 18 rạng sáng 19/12/1972, quân ta bắn rơi ba chiếc B.52, có hai chiếc rơi tại chỗ, và năm máy bay chiến thuật, bắt sống một số giặc lái. Lúc đó ai cũng vui mừng, chiến thắng trận đầu đã củng cố lòng tin cho Bộ đội Phòng không - Không quân, khẳng định chúng ta hoàn toàn có thể bắn rơi tại chỗ máy bay B.52 của Mỹ”.

Em Lê Duy Cường, sinh viên năm thứ 2, Đại học Quốc gia Hà Nội, cho rằng: Em sinh ra và lớn lên trong những năm tháng bình yên và tươi đẹp của đất nước, được sống, học tập trong hòa bình, hưởng thành quả cách mạng mà Đảng, Bác Hồ, nhân dân ta đã dũng cảm chiến đấu, hy sinh gian khổ giành được. Tuy không được chứng kiến thời khắc hào hùng của dân tộc, nhưng qua thước phim tài liệu trên truyền hình, những lời kể của ông bà, thầy cô giáo, qua những lời kể của nhân chứng lịch sử, em cảm nhận sâu sắc Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” mãi mãi là niềm tự hào, là biểu tượng sáng ngời của ý chí quyết tâm và sức mạnh của trí tuệ Việt Nam. Những tấm gương chiến đấu dũng cảm trong cuộc chiến 12 ngày đêm sẽ mãi là phần quan trọng trong hành trang của em trên con đường đi tới, đồng thời đặt cho em và thế hệ trẻ trách nhiệm nặng nề nhưng rất vinh quang, tự hào đối với Tổ quốc và nhân dân, đó là dựng xây, phát triển và bảo vệ vững bền nước Việt Nam công bằng, dân chủ, văn minh, sánh vai với các nước trên thế giới như mong ước của Bác Hồ.

Bốn mươi lăm năm nhìn lại, chúng ta càng thấy tự hào về ý nghĩa lịch sử của chiến thắng “Điện Biên phủ trên không”. Đây là một trong những chiến thắng vĩ đại nhất của dân tộc ta trong thế kỷ 20. Để viết nên trang sử vẻ vang đó, bao nhiêu mồ hôi, máu và nước mắt đã đổ xuống trên mảnh đất quê hương, biết bao lớp người đi trước đã ngã xuống, bao người trở về không còn lành lặn. Chính vì vậy, lớp người đi sau phải tự nhủ bản thân, cần sống tốt hơn để xứng đáng với những hy sinh, mất mát của cha anh.

Thanh Xuân

 

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
Top