Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ năm, ngày 10 tháng 3 năm 2016 | 8:43

Chính sách an sinh xã hội - vai trò của Đại biểu Quốc hội

Nhằm cung cấp thông tin tới cử tri và bạn đọc về vai trò tín dụng chính sách, quyền lợi, trách nhiệm các bên tham gia và phương thức thực hiện thiết thực, hiệu quả; đồng thời thu nhận ý kiến đóng góp của bạn đọc và cử tri về việc xây dựng, điều chỉnh, giám sát triển khai thực hiện chính sách an sinh xã hội (ASXH), NHCSXH vừa phối hợp với báo điện tử Đại biểu nhân dân tổ chức giao lưu trực tuyến với chủ đề “Chính sách an sinh xã hội - Vai trò của đại biểu Quốc hội”.

Các khách mời tham gia buổi giao lưu trực tuyến.

Bạn đọc Vũ Anh Minh (Hà Nội): Nhiều người cho rằng, hiện đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) còn nhiều khó khăn do thiếu kiến thức về sản xuất kinh doanh cũng như còn khó khăn khi tiếp cận nguồn vốn để phát triển sản xuất. Từ thực tế giám sát, quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

ĐBQH Đỗ Mạnh Hùng: Đúng vậy, tôi đi giám sát tại xã Đắk Pơ Pho, huyện Kông Chro (Gia Lai) thì thấy một thực tế, ngoài những khó khăn chung như trình độ phát triển kinh tế - xã hội còn hạn chế, hạ tầng (giao thông, thủy lợi, điện...) rất khó khăn thì đồng bào DTTS ở đó còn phải đối mặt với những khó khăn rất cụ thể như: thiếu đất ở, đất sản xuất, học vấn thấp, một số phong tục tập quán lạc hậu vẫn tồn tại... Đó là những rào cản cho quá trình xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế, cải thiện đời sống của người dân.

Từ thực tế như vậy, nên trong Báo cáo kết quả giám sát về thực hiện chính sách pháp luật giảm nghèo trình tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIII diễn ra tháng 6/2014, chúng tôi đã đề xuất một số giải pháp nhằm khắc phục những khó khăn trong giảm nghèo đối với đồng bào DTTS. Trên cơ sở đó, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 76 về thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững đến năm 2020, trong đó, quy định phải tăng cường nguồn lực cho giảm nghèo ở vùng đồng bào dân tộc, nhất là phát triển giáo dục, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, thu hút doanh nghiệp, đầu tư SXKD tại vùng đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào DTTS. Nghị quyết cũng đề ra mục tiêu đến năm 2020, cơ bản giải quyết tình trạng thiếu đất ở, giải quyết 80% số hộ thiếu đất sản xuất ở vùng đồng bào DTTS.

Bạn đọc Lê Ngọc Minh (Hà Nội): Qua giám sát, bà có thể cho biết nguồn vốn tín dụng chính sách đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách tại địa phương triển khai như thế nào? Hiệu quả mà tín dụng chính sách đó mang lại ra sao, thưa bà?

ĐBQH Hoàng Thị Hoa: Chính sách ASXH nói chung hay nguồn vốn tín dụng chính sách mà Chính phủ giao NHCSXH thực hiện cho một số đối tượng vay vốn là hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ DTTS, HSSV có hoàn cảnh khó khăn và nhiều đối tượng chính sách khác đã đạt được nhiều kết quả, qua đó giúp cho nhiều hộ dân thoát nghèo, có cuộc sống ổn định hơn, HSSV học tập đạt kết quả cao hơn và đặc biệt không còn tình trạng sinh viên phải bỏ học vì không đủ khả năng tài chính. Những năm qua, việc tách NHCSXH ra khỏi các ngân hàng thương mại đã tạo điều kiện thuận lợi cho các đối tượng vay vốn. Sau 13 năm thực hiện đã có trên 27,9 triệu hộ được tiếp cận vốn vay ưu đãi. Đây là một kết quả đáng mừng.

­Bạn đọc Vũ Minh (Thái Bình): Với vai trò là người đại diện của cử tri, bà đánh giá thế nào về các chính sách ASXH thời gian vừa qua?

ĐBQH Khúc Thị Duyền: Chính sách ASXH thời gian vừa qua được cử tri đánh giá rất cao. Đây là chương trình thể hiện chính sách của Nhà nước và các lực lượng xã hội để giúp người dân nâng cao đời sống vật chất và tinh thần. Có thể kể đến các chính sách về việc làm, y tế, dân số, nhà ở..., đặc biệt là chương trình giảm nghèo để thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Các chính sách về việc làm, giúp cho người nghèo, đặc biệt là những người yếu thế vươn lên trong sản xuất, thoát nghèo và làm giàu cũng như mở cơ hội cho người dân tham gia các cơ chế chính sách, như bảo hiểm thất nghiệp... hoặc hỗ trợ người dân trong lúc rủi ro.

Về vấn đề nhà ở, nước sạch, Nhà nước vừa hỗ trợ cho không, vừa hỗ trợ cho vay vốn... Tôi cho rằng chính sách ASXH của Nhà nước ngày càng được đầu tư cao hơn. Nếu như năm 2012 tổng chi cho ASXH bằng 5,88% GDP thì đến năm 2015 con số này tăng lên khoảng 6,6% GDP. Bên cạnh đó, lần đầu tiên chính sách ASXH được quy định trong Hiến pháp 2013. Điều này thể hiện rất rõ sự quan tâm của Đảng và Nhà nước cho công tác này.

Bạn đọc Hoàng Minh Anh (Hà Nam): Là một trong những người đứng đầu NHCSXH - ngân hàng có vai trò quan trọng góp phần thực hiện chính sách xã hội của Đảng và Nhà nước - ông đánh giá như thế nào về thực hiện chính sách này thời gian qua?

Phó tổng giám đốc NHCSXH Võ Minh Hiệp: Thời gian qua, Đảng và Nhà nước luôn quan tâm thực hiện các chính sách ASXH, vừa là mục tiêu, vừa là động lực để ổn định chính trị - xã hội phát triển bền vững. Bảo đảm ASXH là điều kiện để bảo đảm định hướng xã hội theo sự phát triển nền kinh tế thị trường, phản ánh bản chất tốt đẹp của chế độ ta.

Trong thời gian qua, cùng với những thành tựu về kinh tế, nước ta đã có nỗ lực lớn trong đầu tư nguồn lực và đổi mới cơ chế chính sách về thực hiện công tác ASXH, chăm lo cải thiện cuộc sống của người dân. Cụ thể là, bảo đảm ASXH gắn với sự phát triển xã hội, với thành tựu phát triển kinh tế. Mặc dù nguồn lực của Nhà nước còn hạn hẹp nhưng Đảng và Nhà nước luôn coi trọng công tác bảo đảm ASXH, đặt nhiệm vụ phát triển dân sinh trong mối tương quan hài hòa và gắn kết chặt chẽ với phát triển kinh tế, giữa đầu tư phát triển kinh tế với đầu tư bảo đảm phúc lợi xã hội và ASXH, quan tâm đầu tư cho vùng núi, đồng bào dân tộc thiểu số, các huyện nghèo, xã, thôn bản đặc biệt khó khăn, xã bãi ngang ven biển, hải đảo. Theo đó, nhiều chính sách về ASXH được ban hành. Từ đó, hoạt động tín dụng chính sách xã hội đã được triển khai thực hiện rộng rãi, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu giảm nghèo bền vững của quốc gia.

Bạn đọc Minh Ánh (Hà Nội): Mặc dù đạt nhiều thành tựu nhưng hệ thống chính sách ASXH cũng bộc lộ nhiều tồn tại, bất cập cần được khắc phục và hoàn thiện. Ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào?

Phó tổng giám đốc NHCSXH Võ Minh Hiệp: Bên cạnh thành tựu đạt được còn có những hạn chế tồn tại trong việc thực hiện chính sách ASXH:

Trong giai đoạn từ năm 2009 đến nay, do khủng hoảng kinh tế toàn cầu, đã ảnh hưởng đến kinh tế nước ta, nên khả năng huy động ngân sách cho ASXH gặp nhiều khó khăn.

Mặc dù chiến tranh đã kết thúc từ hơn 40 năm nhưng hậu quả của nó để lại vẫn nặng nề, đối tượng trợ cấp xã hội còn nhiều, Việt Nam lại thuộc nhóm nước Đông Nam Á chịu tác động mạnh của biến đổi khí hậu như hạn hán, mưa bão, lũ lụt thường xuyên, nước biển dâng... gây thiệt hại lớn.

Theo đánh giá của Quốc hội, kết quả thực hiện chính sách giảm nghèo chưa thật bền vững, tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào DTTS, vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn còn cao.

Cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội, xu hướng già hóa dân số cao hơn đặt ra những thách thức về chi phí liên quan đến chăm sóc sức khỏe người cao tuổi, chính sách ASXH...

Để chính sách ASXH bảo đảm tốt hơn cho đời sống người dân, góp phần tích cực hơn nữa vào việc ổn định an toàn xã hội, đẩy mạnh sự nghiệp phát triển kinh tế của đất nước thì việc đầu tư nguồn lực cho chính sách cần nhiều hơn, chính sách xã hội phải được đặt ngang tầm với chính sách kinh tế và thực hiện đồng bộ với phát triển kinh tế, phù hợp với trình độ phát triển và khả năng nguồn lực trong từng thời kỳ.

Đồng thời thực hiện có trọng tâm, trọng điểm bảo đảm mức sống tối thiểu và hỗ trợ kịp thời người có hoàn cảnh khó khăn, coi đảm bảo ASXH là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng của Đảng, Nhà nước, của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, bảo đảm cho người dân tiếp cận được các dịch vụ xã hội cơ bản ở mức tối thiểu, từng bước nâng cao thu nhập, bảo đảm cuộc sống của nhân dân. Trong đó, chính sách tín dụng ưu đãi đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách cần được quan tâm, dành nhiều nguồn lực hơn nữa.

Bạn đọc Hoàng Bá Thỉnh (Hà Giang): Thưa đại biểu Khúc Thị Duyền, việc chồng chéo về chính sách, trùng lặp về địa bàn và đối tượng thụ hưởng dẫn đến cùng địa bàn và đối tượng thụ hưởng nhưng mức hỗ trợ một số chính sách khác nhau, gây khó khăn trong thực hiện và đánh giá hiệu quả. Theo bà, đâu là giải pháp của tình trạng này?

ĐBQH Khúc Thị Duyền: Sự chồng chéo này là do chúng ta dàn trải trong việc xây dựng chính sách. Trước kia có 16 chương trình mục tiêu quốc gia, nên có một số nội dung nhiều bộ, ngành cùng triển khai, dẫn đến chồng chéo. Theo tôi, việc Quốc hội quyết định giai đoạn năm 2016 - 2020 chỉ còn 2 chương trình mục tiêu quốc gia là xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo là hoàn toàn phù hợp. Điều này sẽ giúp cho có sự phân cấp trong quản lý và các chính sách sẽ được đầu tư tập trung. Bên cạnh đó cũng giảm bớt được kinh phí trong quản lý, điều hành.

Bạn đọc Kim Thoa ([email protected]): Thưa bà, cán bộ của NHCSXH có vai trò như thế nào trong việc giúp hộ nghèo và các đối tượng chính sách trong việc sử dụng hiệu quả nguồn vốn?

ĐBQH Hoàng Thị Hoa: Việc cán bộ NHCSXH thẩm định để cho vay có vai trò quan trọng. Nếu thẩm định càng kỹ thì hiệu quả sử dụng vốn của người nghèo và các đối tượng chính sách càng cao. So với những năm trước đây, qua giám sát tôi thấy người dân có tiến bộ rất nhiều trong việc sử dụng vốn vay. Tuy nhiên, tôi thấy rằng cần quan tâm hơn nữa việc kết hợp giữa cho vay vốn với hướng dẫn nhân dân tổ chức sản xuất để sao cho việc sử dụng vốn đạt hiệu quả cao hơn.

Thùy Trang (ghi)

 

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
Top