Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ năm, ngày 25 tháng 4 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 6 tháng 5 năm 2016 | 2:44

Cho vay Chương trình Giải quyết việc làm: Cần bổ sung nguồn vốn

Nhờ đồng vốn tín dụng Chương trình giải quyết việc làm (GQVL) của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), nhiều gia đình đã có điều kiện mở rộng sản xuất, kinh doanh, tự tạo thêm nhiều việc làm mới, từng bước cải thiện và nâng cao cuộc sống… Song, nhiều hộ vay vốn mong chương trình cần có sự điều chỉnh để phù hợp hơn với nhu cầu thực tế.

Những năm qua, vốn vay ưu đãi chương trình GQVL từ NHCSXH đã thu hút và tạo việc làm cho hơn 3 triệu lao động.

Những mô hình điểm

Theo thống kê của các cơ quan chức năng, trong những năm qua, hàng triệu lao động đã có việc làm, hàng trăm nghìn hộ gia đình đã phát triển kinh tế hiệu quả và hàng nghìn mô hình sản xuất kinh doanh (SXKD) đã thành “những điểm sáng” từ đồng vốn trong chương trình cho vay GQVL của NHCSXH, góp phần không nhỏ vào phát triển kinh tế - xã hội ở các địa phương.

Tính đến hết tháng 3/2016, tổng nguồn vốn của chương trình đạt 6.858 tỷ đồng (trong đó vốn ngân sách Trung ương là 4.261 tỷ đồng, quỹ việc làm của địa phương là 2.597 tỷ đồng), đã thu hút và tạo việc làm cho hơn 3 triệu lao động.

Nhiều vùng nông thôn, vào thời điểm nông nhàn, nhờ có nguồn vốn GQVL mà người dân được làm nghề “tay trái” ngay tại quê nhà. Trong chuyến công tác mới đây, chúng tôi đã đến thăm cơ sở sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ Tây An, xã Tây An, huyện Tiền Hải (Thái Bình), một trong những đối tượng vay vốn từ chương trình GQVL mang lại hiệu quả cao. Chị Phạm Thị Ngắn, chủ doanh nghiệp cho biết, với tâm niệm luôn hướng về người nông dân và phải làm gì đó cho quê hương, chị đã chọn nghề cói truyền thống làm hướng đi của mình.

Khởi nghiệp từ năm 1996 nhưng phải đến năm 2003, cơ sở sản xuất cói truyền thống của chị Ngắn mới có bước phát triển vượt bậc. Chị  nhớ lại: “Ngay cả việc đi chào hàng cũng chỉ có chiếc xe đạp cũ, vốn ít nên việc mở rộng sản xuất gặp rất nhiều khó khăn”. May mắn thay, cơ sở sản xuất của chị Ngắn là một trong những đơn vị được vay 50 triệu đồng từ nguồn vốn GQVL của NHCSXH. Sử dụng đồng vốn có hiệu quả, cơ sở của chị tiếp tục được vay 400 triệu đồng từ NHCSXH. Với các sản phẩm đa dạng về chủng loại, mẫu mã, chị Ngắn đã tìm kiếm thị trường xuất khẩu đi nhiều nước như Nhật Bản, Hoa Kỳ, Pháp, Trung Quốc…, tạo việc làm trực tiếp cho 20 lao động và 5.000 - 7.000 lao động vệ tinh với thu nhập trung bình 3 triệu đồng/người/tháng đối với lao động trực tiếp và 1,7 - 2 triệu đồng/người/tháng với lao động vệ tinh.

Một mô hình điểm nữa mà chúng tôi có dịp đến thăm là gia trại của cựu chiến binh Đỗ Trung Thành ở xóm 3, xã Nhân Khang, huyện Lý Nhân (Hà Nam). Cách đây 3 năm, được Hội Cựu chiến binh giúp đỡ, gia đình ông Thành vay 20 triệu đồng từ NHCSXH đầu tư mua vật liệu, vật tư, giống mới, phục vụ trại sản xuất nấm. Đến nay, gia đình ông đã quy hoạch 5 dãy nhà với 5.000 bịch nấm rơm, mộc nhĩ. Tận dụng quỹ đất vườn, gia đình ông còn trồng xen các loại cây ăn quả như bưởi, ổi, chuối... Nhờ có vốn và sự cần cù chịu khó, đồng vốn của ông Thành vay về cứ thế “nở hoa”. Đến nay, tổng thu nhập từ mô hình kinh tế gia trại của gia đình ông đạt tới cả trăm triệu đồng mỗi năm, đồng thời giải quyết việc làm thường xuyên cho 6 lao động.

Nguồn vốn còn hạn chế

Đánh giá của chính quyền, hội đoàn thể các địa phương cho thấy, thời gian qua, cơ chế quản lý, cho vay vốn theo chương trình quốc gia về GQVL có nhiều đổi mới, đã tạo sự thông thoáng, hiệu quả đối với chương trình cho vay vốn hỗ trợ việc làm. Nhìn chung, các dự án vay vốn đúng đối tượng, sử dụng đúng mục đích, hoàn trả vốn vay đúng kỳ hạn, diện vay vốn rộng, vốn được quay nhiều vòng. Nhờ tiếp cận và sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay đã góp phần GQVL cho nhiều lao động, hỗ trợ vốn cho các cơ sở sản xuất kinh doanh và hộ gia đình để mở rộng sản xuất.

Chương trình cho vay GQVL đã góp phần khôi phục các ngành nghề truyền thống, đã hỗ trợ vốn cho các cơ sở sản xuất kinh doanh và hộ gia đình mở rộng sản xuất, tạo việc làm cho nhiều lao động, đặc biệt là lao động bị chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp, lao động nữ, lao động là người khuyết tật, góp phần giảm tỷ lệ thất nghiệp, tăng thu nhập, cải thiện đời sống cho người lao động, góp phần thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo, tạo việc làm và các chính sách bảo đảm an sinh xã hội. Thông qua chương trình đã xuất hiện nhiều điển hình làm kinh tế giỏi, không chỉ ở khu vực thành thị mà còn có ở khu vực nông thôn, vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa, hải đảo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số.

Thông qua hoạt động cho vay, các tổ chức chính trị - xã hội đã có điều kiện đi sâu, đi sát tới từng cơ sở, gắn kết hoạt động kinh tế với nhiệm vụ chính trị của tổ chức mình, đẩy mạnh các phong trào thi đua làm kinh tế giỏi. Tuy vậy, theo phản ánh của các tổ chức hội đoàn thể và người vay vốn, thì hiện nay nguồn vốn cho vay còn hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu vốn để tạo việc làm, nhất là trong giai đoạn hiện nay.

Với những kết quả đã đạt được, có thể khẳng định, chủ chương, chính sách tín dụng thực hiện cho vay GQVL thời gian qua là đúng, phù hợp với cuộc sống và được nhân dân, cấp uỷ chính quyền địa phương đồng tình ủng hộ. Do đó, để chương trình hiệu quả hơn nữa, rất mong Chính phủ, các bộ ngành liên quan nghiên cứu để bổ sung nguồn vốn để chương trình GQVL hiệu quả hơn nữa.

Mai Phương

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
Top