Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024  
Thứ ba, ngày 15 tháng 3 năm 2022 | 10:27

Chủ động sản xuất theo VietGAP và mở rộng thị trường cho quả vải: Bài học Bắc Giang

Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, xuất khẩu trái cây của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc gặp nhiều khó khăn.

Từ vụ vải thiều “thắng lớn” của tỉnh Bắc Giang (năm 2021), nhiều bài học được rút ra, trong đó linh hoạt, chủ động tìm kiếm thị trường là một trong những nguyên nhân thành công.

Bài học thành công

Năm 2021, tình hình dịch bệnh căng thẳng, Bắc Giang là tâm dịch của cả nước, thời điểm đó vải thiều vào thu hoạch chính vụ, với sản lượng hơn 200.000 tấn. Việc tiêu thụ vải thiều là nỗi lo của lãnh đạo Bắc Giang.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Phan Thế Tuấn cho biết, chưa bao giờ Bắc Giang nhận được sự hỗ trợ mạnh mẽ của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương trong cả nước để tiêu thụ vải thiều. Đặc biệt, các hãng hàng không cũng ưu ái cho vải thiều Bắc Giang, ngoài hỗ trợ giá cước còn dành khoang riêng đưa vải thiều vào thị trường phía Nam.

 

02.jpg
Đại diện 2 Tập đoàn Kawamoto và Ribeto Nhật Bản khảo sát vùng sản xuất vải thiều Lục Ngạn.

 

Một trong những giải pháp để tỉnh Bắc Giang tiêu thụ được số lượng lớn vải thiều đó là quan tâm và mở rộng thị trường trong nước, với tổng sản lượng vải được tiêu thụ đạt 126.552 tấn (chiếm khoảng 58,6% tổng sản lượng tiêu thụ). Hầu hết các tỉnh, thành trong nước, đặc biệt là những thành phố lớn đều có các hệ thống tiêu thụ vải thiều từ  siêu thị (Big C, Mega Market, Saigon Co.opmart, Happro, Aeon, Lotte, Vinmart - nay là Winmart…), Trung tâm thương mại, cửa hàng tiện ích đến chợ đầu mối và chợ truyền thống, thông qua  thương nhân, doanh nghiệp, tập đoàn bán lẻ...

Lần đầu tiên vải thiều của Bắc Giang được bán trực tuyến trên nền tảng online (Facebook, Zalo, Youtube …), hạ tầng internet trên các sàn giao dịch thương mại điện tử lớn trong nước và quốc tế (Voso, Sendo, Tiki, Shopee, Lazada, postmark, Alibba…) với số lượng lớn nhất từ trước tới nay, sản lượng tiêu thụ đạt khoảng 6.000 tấn.

Có thể nói, ngay từ đầu vụ vải 2021, lãnh đạo tỉnh Bắc Giang và các sở, ban, ngành chuyên môn đã vào cuộc tích cực để tìm đầu ra cho vải thiều. Với tổng doanh thu từ vải thiều và các dịch vụ phụ trợ, Bắc Giang đạt trên 6.800 tỷ đồng, một con số vô cùng ấn tượng.

Tìm cơ hội trong khó khăn

Để chủ động trong công tác chỉ sản xuất vải thiều xuất khẩu năm 2022, UBND tỉnh Bắc Giang đã chỉ đạo Sở Nông nghiệp và PTNT xây dựng kế hoạch sản xuất gắn với xuất khẩu vải thiều trên diện tích sản xuất 28.300ha; sản lượng vải thiều khoảng 160.000 tấn, trong đó vải sớm 6.750 ha, sản lượng 50 nghìn tấn; vải chính vụ 21.550ha, sản lượng 110 nghìn tấn. Sản xuất vải an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP đạt 15.400ha, sản lượng khoảng 112,9 nghìn tấn. Vải sản xuất đạt tiêu chuẩn GlobalGAP duy trì diện tích 82 ha. Trong năm nay, Bắc Giang xây dựng thêm 20ha đạt tiêu chuẩn GlobalGAP và 20ha sản xuất hữu cơ.

Về sản xuất vải thiều xuất khẩu, tỉnh tiếp tục duy trì 149 mã số vùng trồng, với diện tích 15.867ha, sản lượng trên 95.000 tấn và 300 cơ sở đóng gói phục vụ đủ nhu cầu xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Đồng thời, duy trì sản xuất 18 mã số vùng trồng diện tích 218 ha; sản lượng 1.600 tấn xuất sang thị trường Mỹ, Úc, EU.

Riêng đối với thị trường Nhật Bản, Bắc Giang tiếp tục chỉ đạo 30 mã số vùng trồng, diện tích gần 220ha tại 3 huyện: Tân Yên, Lục Ngạn, Lục Nam. Đặc biệt, Bắc Giang  đã rà soát cấp mới 5 mã số vùng trồng với diện tích 50 ha; nâng tổng số mã số vùng trồng năm 2022 lên 35 mã vùng trồng, diện tích gần 300ha, sản lượng khoảng 2.000 tấn để xuất sang  thị trường Nhật Bản và thị trường khác có yêu cầu về mã số vùng trồng; duy trì 01 cơ sở xông hơi khử trùng, đóng gói tại Bắc Giang, liên kết với 03 cơ sở xông hơi khử trùng ngoài tỉnh, đảm bảo phục vụ nhu cầu xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản.

 Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Lê Ánh Dương vừa tiếp và làm việc với ông Kawamoto, Chủ tịch Tập đoàn Kawamoto và đại diện Tập đoàn Ribeto Nhật Bản về việc xuất khẩu vải thiều sang thị trường Nhật Bản. Đại diện 2 tập đoàn cam kết sẽ đồng hành với doanh nghiệp tại Bắc Giang, hỗ trợ công nghệ bảo quản, khử trùng để quả vải giữ nguyên chất lượng, màu sắc, không chín quá và không nấm mốc... đảm bảo tiêu chuẩn xuất khẩu. Đồng thời, khẳng định sẽ cố gắng hết sức để đưa bằng được vải thiều Bắc Giang sang Nhật Bản.

Việc chủ động mời các tập đoàn của Nhật Bản cho thấy sự chủ động của lãnh đạo tỉnh Bắc Giang trong việc tìm kiếm và mở rộng thị trường tiêu thụ vải ngay từ đầu vụ, hy vọng sẽ giúp nhà vườn tiêu thụ thành công vụ vải thiều năm 2022.

Việt Nam hiện có 10 loại trái cây được xuất khẩu chính ngạch vào thị trường Trung Quốc, gồm: Thanh long, dưa hấu, vải, nhãn, chuối, xoài, mít, chôm chôm, măng cụt, ớt. Tuy nhiên, nước này đã ban hành Lệnh 248 và 249 đòi hỏi phải tăng cường sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP và chú trọng an toàn vệ sinh thực phẩm, nguồn gốc, bao bì nhãn mác. Dó đó, yêu cầu để trái cây được nhập khẩu vào Trung Quốc sẽ phải có chất lượng cao hơn, vì thế, rất cần có sự tham gia của chính quyền trong việc tổ chức sản xuất và tiêu thụ nông sản, đồng thời tìm kiếm và mở rộng thêm thị trường tiêu thụ.

Theo ông Trần Thanh Hải, Phó cục trưởng Cục Xuất - nhập khẩu (Bộ Công Thương), bài học tiêu thụ vải của Bắc Giang, Hải Dương, xoài, nhãn của Sơn La là những minh chứng rất rõ cần có chính quyền vào cuộc, đồng hành cùng nông dân thì việc tiêu thụ nông sản không phải là quá khó khăn. Vì chúng ta chưa có những doanh nghiệp lớn, chưa thiết lập được mối quan hệ làm ăn lâu dài giữa nông dân và doanh nghiệp.

 

 

Ngọc Thủy
Ý kiến bạn đọc
Top