Từ sản xuất nông hộ, năng suất thấp, chất lượng không đồng đều, thường bị ép giá, nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, giờ đây, người trồng vải thiều Bắc Giang đã thay đổi tư duy SX, để có những vụ vải bội thu.
Từ sản xuất nông hộ...
Theo ông Đinh Văn Phương, Phó trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT Lục Ngạn, những năm trước, vải thiều trồng rải rác, nhà vườn chưa chú trọng áp dụng tiến bộ kỹ thuật nên thường bị rụng cuống, sâu cuống, năng suất chỉ đạt 4-5 tấn/ha, mẫu mã không bắt mắt, chất lượng quả thấp, giá bán không cao.
Chia sẻ với phóng viên, ông Dương Văn Tiến, ở thôn Muối, xã Giáp Sơn, cho biết, gia đình có gần 1ha vải, trước đây do chưa nắm vững kỹ thuật chăm sóc nên vải hay bị bệnh, quả bé, mẫu mã xấu, giá bán chỉ 10.000 đồng/kg, có thời điểm chỉ còn 5.000 đồng/kg. Giá rẻ, đầu ra không ổn định, có thời điểm gia đình không muốn đầu tư vào vải.
Ông Cao Văn Hoàn, Phó chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn, cho rằng, những năm trước, nhà vườn trồng vải theo hình thức tự phát, sản xuất nhỏ dẫn tới rất khó kiểm soát chất lượng cũng như an toàn vệ sinh thực phẩm, quy trình kỹ thuật thì ai biết người ấy làm, dẫn tới tiêu thụ sản phẩm gặp khó khăn.
Trên quan điểm chỉ đạo, ông Dương Văn Thái, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang, cho biết, trước đây, với tư duy kinh tế nông hộ, nhỏ lẻ, chưa xây dựng thương hiệu nên vải chỉ tiêu thụ trong nước, sấy làm thuốc Bắc, một phần xuất sang Trung Quốc.
“Năng suất vải không cao, chất không tốt, thị trường tiêu thụ hạn hẹp. Đặc biệt, sự liên kết giữa doanh nghiệp thu mua với người trồng còn lỏng lẻo. Do vậy, có chuyện thương lái ép giá, được mùa lại mất giá”, ông Thái nói.
Đến hành trình đổi mới
Ông Thái cho hay, thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, Bắc Giang xác định chuyển cây vải sang sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn. Trên cơ sở đó, định hướng cho người dân sản xuất, áp dụng quy trình an toàn, ứng dụng khoa học kỹ thuật, thực hiện biện pháp thâm canh nâng cao năng suất, chất lượng.
Theo đó, tỉnh rà soát lại quy hoạch trên cơ sở không tăng diện tích, tập trung vào chất lượng. Do vậy, trước năm 2015, tỉnh có 31.000ha, xác định đến năm 2020 còn 28.000ha, năm 2025 chỉ còn 26.000ha vải; diện tích vải hiệu quả không cao chuyển sang cây trồng khác.
Hình thành chuỗi liên kết, đẩy mạnh liên kết doanh nghiệp thu mua với các hộ trồng vải thông qua các hợp đồng thu mua là đổi mới từ tư duy sản xuất đơn lẻ sang tư duy gắn kết với doanh nghiệp.
Sự thay đổi bắt đầu từ việc các cơ quan quản lý nhà nước thay đổi từ quản lý sang hỗ trợ. Tức là vừa đóng vai trò là nhà quản lý về quy hoạch, vừa đóng vai trò là cầu nối kết nối doanh nghiệp với người dân, vừa đóng vai trò tạo môi trường, mở rộng thị trường tiêu thụ vải thiều theo tư duy kinh tế thị trường.
Khuyến khích, mời gọi các doanh nghiệp vào để nâng cao giá trị quả vải, nếu chính quyền không xắn tay vào cuộc, chắc chắn nông dân khó tiêu thụ, còn thương lái thì ép giá.
“Đây là đổi mới tư duy, tư duy theo thị trường. Đổi mới tư duy ngay từ khâu sản xuất; đổi mới tư duy làm thương hiệu mẫu mã, bao bì, tem nhãn, truy xuất nguồn gốc; phải có liên kết giữa 5 nhà, nhưng xác định trọng tâm của trục này là người dân và doanh nghiệp. Mấy năm gần đây, Bắc Giang tập trung xúc tiến, mở rộng thị trường nên quả vải bán được giá, được mùa”, ông Thái nói.
Ông Thái cũng nhấn mạnh, giờ đây bà con đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật, thâm canh nên tăng năng suất, tăng chất lượng, diện tích giảm nhưng sản lượng tăng lên, chất lượng quả vải tốt hơn, đặc biệt, vải được trồng theo tiêu chuẩn an toàn nên đã xuất khẩu đi nhiều thị trường khó tính trên thế giới.
“Do mình làm tốt vai trò của nhà quản lý theo cơ chế thị trường nên kết nối được doanh nghiệp với người dân và các hợp tác xã trồng vải. Bây giờ không phải hộ nữa mà tổ hợp tác, hợp tác xã, có những hợp đồng được ký ngay từ đầu vụ. Do làm tốt công tác xúc tiến, thương lái Trung Quốc vào tận vùng vải để thu mua, đưa trực tiếp về nước, không còn việc ép giá, đảm bảo giá ổn định”, ông Thái nhấn mạnh.
Ông Hoàn cho biết, để làm tốt khâu liên kết các hộ với nhau, ngoài Hội Sản xuất và Tiêu thụ vải thiều, các chi hội ở 30 xã, thị trấn, huyện đã hỗ trợ, hướng dẫn thành lập 375 tổ sản xuất cây ăn quả. Đến nay, huyện có gần 50 HTX, thông qua tổ liên kết và HTX, người dân sẽ sản xuất ra sản phẩm đồng đều chất lượng, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Cùng với đó, hướng dẫn thiết kế bao bì, tem truy xuất nguồn gốc, góp phần nâng cao giá trị quả vải.
Những “trái ngọt” thành công
Ông Dương Văn Tiến, ở thôn Muối, xã Giáp Sơn, cho biết, từ trồng vải, năm 2018 gia đình đã làm được nhà mới khang trang với tổng chi phí hơn 700 triệu đồng. Kinh tế ổn định, gia đình tham gia đầy đủ các khoản đóng góp của xã trong xây dựng nông thôn mới. Đặc biệt, trực tiếp hiến khoảng 60m2 đất để làm đường nông thôn.
Từ trồng vải, gia ddingf ông Tiến xây được nhà khang trang.
Ông Hoàn cho biết, hiện giá bán vải ổn định ở mức 30.000 - 50.000 đồng/kg, cá biệt có hôm lên tới 70.000 đồng/kg. Mỗi năm sản lượng vải của huyện đạt khoảng 75.000 tấn, giá trị 2.000 - 3.000 tỷ đồng/năm, và khoảng 1.000 tỷ đồng tiền thu từ các dịch vụ phụ trợ. Như vậy, mỗi năm huyện thu về 3.000 - 4.000 tỷ đồng.
Nhờ cây vải, người dân nhiều xã làm được nhà biệt thự cao 2-3 tầng, diện tích từ 150 - 300m2/căn. Đồng thời, bà con đóng góp rất lớn trong xây dựng nông thôn mới, đặc biệt là làm đường giao thông nông thôn. Từ năm 2017 đến nay, Lục Ngạn làm được 1.200 km đường, trong đó nhân dân đóng góp tới 60%.
Ông Thái tâm sự, trước kia cây vải thiều giúp đồng bào dân tộc miền núi xóa đói giảm nghèo, hiện nay, là cây tỷ phú, cây làm giàu.
Năm 2017 doanh thu từ cây vải của tỉnh Bắc Giang đạt gần 5.000 tỷ đồng, năm 2018 đạt hơn 5.600 tỷ đồng. Nhiều hộ trở thành triệu phú, tỷ phú từ vải. Từ những vụ vải, những vụ trái cây tạo ra kinh tế hộ gia đình có tiềm lực, từ đó người dân quan tâm tới hạ tầng, hiến đất, làm đường giao thông nông thôn.
Trong 2 năm 2017 - 2018, Bắc Giang huy động người dân đóng góp làm được hơn 2.000 km đường giao thông nông thôn. Riêng Lục Ngạn làm được 800km, năm 2019 đăng ký làm 900km. Kinh tế phát triển sẽ tạo đà để tất cả các lĩnh vực khác cùng đi lên, đặc biệt là phong trào xây dựng nông thôn mới. Ngoài ra, tỉnh thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội, hỗ trợ xóa đói giảm nghèo nên số hộ nghèo giảm đáng kể.
Hướng đi đúng
Theo ông Hoàn, từ sản xuất nhỏ lẻ, người dân đã chuyển sang liên kết các hộ với nhau thành tổ sản xuất, hợp tác xã, doanh nghiệp. Người dân biết, chỉ có sản phẩm đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm mới bán được giá cao nên chủ động thay đổi tư duy . Đặc biệt là sử dụng các biện pháp kỹ thuật, sử dụng thuốc sinh học, thuốc thảo mộc phòng trừ dịch bệnh. Nhiều doanh nghiệp phát triển khá tốt, doanh số cao, tạo được uy tín trên thị trường.
Ông Thái cũng cho rằng, tư duy người nông dân ngày nay khác hẳn với tư duy trước đây. Trước đây làm ra quả vải là của người dân, giờ là tư duy của thị trường, làm quả vải để bán ra thị trường, để cung cấp ra thị trường trong và ngoài nước, cho nên nhà vườn biết phải làm như thế nào để cho ra quả vải có chất lượng tốt nhất, được nhiều thị trường chấp nhận.
Sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị đã giúp nhà vườn tiêu thụ vải ngày càng thuận lợi. Cùng với đó, có vai trò hết sức quan trọng của các cơ quan truyền thông trong việc tuyên truyền sản xuất an toàn; quảng bá quả vải đến các thị trường trong và ngoài nước, góp phần mở rộng thị trường, làm cho người tiêu dùng biết, tin dùng, ưa chuộng quả vải của Bắc Giang.
“Tôi đánh giá rất cao vai trò của các cơ quan truyền thông từ Trung ương đến địa phương, đặc biệt là Báo Kinh tế nông thôn, đã luôn sát cánh cùng địa phương. Không chỉ là với vải thiều, tôi thấy trên tất cả các lĩnh vực, nhất là về mảng nông nghiệp, nông dân, nông thôn, Báo Kinh tế nông thôn tham gia rất tích cực, luôn cử phóng viên bám sát địa bàn, phát hiện nhiều vấn đề, giúp lãnh đạo tỉnh trong việc chỉ đạo cũng như định hướng sản xuất theo thị trường”, ông Thái nói.
Sau lầm lỡ, nhiều người mãn hạn tù trở về cuộc sống thường nhật trong nỗi ngổn ngang về tương lai. Ở vùng cao Bắc Hà (Lào Cai), nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), không ít người sau lầm lỡ có điểm tựa để làm lại từ đầu, từng bước xây dựng kinh tế gia đình và tái hòa nhập cộng đồng.
Vùng cao Văn Bàn (Lào Cai), nơi những mái nhà tạm bợ từng là vết tích của cuộc sống nghèo khó, giờ đây đang bừng lên sức sống mới. Với tinh thần đoàn kết và quyết tâm cao, cả hệ thống chính trị, toàn quân dân đang chung sức, nỗ lực không ngừng nghỉ trong hành trình xóa bỏ những ngôi nhà tạm, dột nát, thay thế bằng những ngôi nhà vững chãi, kiên cố.
Sau 5 năm triển khai, Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) đã đạt những kết quả ban đầu rất quan trọng, tạo nên động lực mới trong trong phát triển kinh tế nông thôn, góp phần xây dựng thành công Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới (NTM) trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi. Trong quá trình thực hiện, xuất hiện nhiều cách làm sáng tạo để sản phẩm OCOP Quảng Ngãi vươn xa…