Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Chủ nhật, ngày 24 tháng 11 năm 2024  
Thứ tư, ngày 17 tháng 6 năm 2020 | 14:22

Chúng tôi đồng hành cùng nông dân

Đi nhiều nơi, viết nhiều mảng đề tài, nhưng viết về tam nông, đặc biệt là về người nông dân quanh năm “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” luôn là đề tài cho tôi nhiều cảm hứng.

Niềm vui, khi được mùa, được giá và nỗi buồn khi mất mùa, mất giá của bà con cũng là niềm vui, nỗi buồn của người làm báo chúng tôi.

Chia sẻ niềm vui

Cuối năm 2017, tôi về xã Tàm Xá (Đông Anh - Hà Nôi) viết bài về sự phát triển kinh tế của người dân ở đây, sau khi chuyển đổi cây trồng từ ngô sang  quất cảnh. Cũng nhờ sự chuyển đổi này mà cuộc sống của bà con được cải thiện rõ rệt.

 

t6a.jpg
Chị Nguyễn Thị Toan bên vườn quất của mình.

 

Đến vùng đất bãi ven con sông Hồng đỏ quạch phù sa những ngày áp Tết, đập vào mắt tôi không chỉ có màu đỏ của những cánh đồng trồng hoa đào, mà còn cả cánh đồng quất cảnh bạt ngàn đang vào vụ chín, màu vàng óng của những trái quất đang khoe mình trong nắng đông. Những cây quất có dáng truyền thống được trồng xen kẽ với những cây quất bon sai làm mê mẩn lòng người.

Vào vườn quất của chị Nguyễn Thị Toan, tôi được chị kể cho nghe về cuộc sống “ba chìm, bảy nổi” trước kia của người dân nơi đây. Khi chưa chuyển đổi cây trồng, đến vùng đất bãi này chỉ thấy toàn ngô là ngô, đi đến đâu cũng thấy bà con thu hoạch ngô mang về. Bán hết những sản phẩm nông nghiệp đó không biết có lo nổi cho gia đình một cái Tết đủ đầy...

Thế rồi người dân ở đây đã mạnh dạn chuyển  từ ngô, khoai, rau sang trồng cây quất, một loại cây mà tất cả các gia đình miền Bắc đều trưng trong nhà vào dịp Tết đến Xuân về. Chị nói, cũng cùng một con sông, nhưng sao bên Nhật Tân  trồng được quất mà bên này Tàm Xá lại không? Và rồi cuộc chuyển đổi cây trồng từ ngô sang quất đã làm thay da đổi thịt vùng đất này.

Sau 10 năm trồng quất, thất bại không ít, nhưng thắng lợi cũng nhiều. Nhờ học hỏi và áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào việc trồng, chăm sóc cho cây quất, người dân ở đây mỗi năm cũng thu được trăm triệu, hơn nhiều so với trồng ngô trước đây.

“Quất Tàm Xá được nhiều người thích, bởi quả to, chín đều, mẫu mã đẹp, thậm chí nhiều chủ buôn quất cảnh đến Tàm Xá mua và mang về nội thành, nhiều người tưởng lầm là quất Nhật Tân. Người trồng quất chúng em rất mong các anh chị phóng viên về đây, viết về trái quất cảnh của chúng em, để nhiều người biết thêm, ngoài quất Nhật Tân còn có thêm quất cảnh Tàm Xá”, chị Toan tự hào chia sẻ.

Cũng giống như niềm mong mỏi của chị Toan và người trồng quất cảnh Tàm Xá, ông Lê Hồng Thái, nhà ở Đông Tảo (Khoái Châu – Hưng Yên), chủ  trang trại tư nhân nuôi giống gà tiến vua nổi tiếng Đông Tảo cho biết, nhờ có  anh chị em phóng viên về tham quan và viết bài mà giống gà của địa phương đã có chỗ đứng trên thị trường  cả nước. Giá trị gà Đông Tảo được nâng cao, thu nhập của chúng tôi được cải thiện rất nhiều, cuộc sống không ngừng được cải thiện.

Anh Thái cho biết, trước đây làm nông nghiệp khá vất vả, nhưng thu nhập lại chẳng được bao nhiêu. Còn bây giờ chăn nuôi gà khá đơn giản, nhưng thu nhập lại khá. Có được nhiều người tìm về Đông Tảo là nhờ phóng viên, nhà báo, mong các anh chị thường xuyên về thăm chúng tôi.

 

t6.JPG
Ông Lê Hồng Thái, chủ một cơ sở chăn nuôi gà Đông Tảo.

 

Niềm vui của anh Thái, chị Toan khi trồng trọt và chăn nuôi thu được thắng lợi cũng là niềm vui của nhà báo chúng tôi, vì được chia sẻ với họ qua mỗi bài viết, đó là vị mặn của mồ hôi, nhưng cũng là niềm hân hoan, phấn khởi của các anh, chị, những người nông dân đang canh tác trên  mảnh đất của quê hương.

Lắng nghe tiếng nói, tuyên truyền cho bà con hiểu

Cũng vẫn là câu chuyện của những người trồng quất cảnh Tàm Xá, cứ sau mỗi mùa quất, tôi lại trở về đây để nghe bà con nói về công việc của mình, những khó khăn cần được tháo gỡ, những chính sách cần được hỗ trợ.

Đơn giản như việc phản ánh của những người trồng quất cảnh Tàm Xá đầu năm 2020 khi chưa xảy ra đại dịch Covid-19. Tôi về đây đúng lúc bà con đang làm đất để chuẩn bị cho  mùa quất mới.

Lân la hỏi chuyện công việc, biết tôi là nhà báo, những người trồng quất ở đây cho biết, mọi năm chính quyền xã Tàm Xá vẫn cho bà con trồng quất được cải tạo lại đất trồng, cho múc lớp đất cũ đi và thay thế vào lớp đất màu, phù sa mới, trồng quất là phải như vậy. Nhưng năm nay, chính quyền lại không cho  cải tạo lại, thật là khó cho việc sản xuất, điều này ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng của cây quất. 

Lấy làm lạ và thấy ý kiến phản ánh của người dân hợp lý, tôi liền gọi điện cho Phó chủ tịch UBND huyện Đông Anh Nguyễn Xuân Linh. Khi nhận được phản ánh của tôi, ông Linh hứa sẽ cho kiểm tra và thông tin lại để nhà báo nắm và tuyên truyền.

Không lâu sau tôi nhận được phản hồi của chính quyền, không phải như những gì bà con ở đây phản ánh. Việc cải tạo lại đất để trồng quất không hề bị ngăn cản, cấm đoán. Chính quyền chỉ  không cho phép bà con thay thế làm biến dạng chất đất, để rồi từ đó đất sẽ không thể canh tác được. Vì vậy, việc thay thế đất phải được chính quyền kiểm soát, không được đào đi hết phần đất màu và không được lấy đất kém chất lượng để đổ vào.

Nhận thấy việc giải thích và quản lý của chính quyền địa phương huyện Đông Anh đúng với chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước về quản lý đất đai, tôi quay lại để thông tin và chia sẻ rõ ngọn nguồn cho bà con ở đây hiểu và nắm rõ. Sau khi nghe tôi trao đổi, bà con trồng quất ở đây đều vui mừng, phấn khởi và thực hiện nghiêm việc cải tạo lại đất để trồng quất.

Người làm báo đi nhiều, nghe nhiều nhưng cũng cần phải kiểm chứng những thông tin mà người dân phản ánh, để rồi kiểm tra lại và có phản hồi chính xác, đó là một trong những quy định của nghề làm báo. Nếu không, vô hình chung, chúng ta sẽ làm phức tạp thêm tình hình và là một trong những nguyên nhân để các đối tượng xấu kích động.

Lắng nghe để thấu hiểu nỗi lòng của người nông dân, chia sẻ những khó khăn vất vả với họ, nhưng không quên nhiệm vụ tuyên truyền và phản ánh đúng sự thật khách quan, để từ đó chính quyền thay đổi chính sách cho phù hợp, an ninh chính trị được đảm bảo, người dân nhận thức đúng vấn đề để thực hiện, đó là nhiệm vụ của chúng tôi - những người làm báo.

Ngày 21/6, ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam, câu chuyện trong nghề làm báo về những người nông dân luôn là động lực thôi thúc tôi viết về họ, những con người làm thay đổi bộ mặt của nông thôn Việt Nam trong thời kỳ mới, thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước..

 

 

 

Ngọc Thủy
Ý kiến bạn đọc
  • Hội thi pháo đất Vĩnh Bảo - bảo tồn nét đẹp truyền thống

    Hội thi pháo đất  Vĩnh Bảo - bảo tồn nét đẹp truyền thống

    Sáng 23/11, tại nhà thi đấu thể dục thể thao huyện, UBND huyện Vĩnh Bảo (Hải Phòng) tổ chức Hội thi pháo đất năm 2024 nhằm bảo tồn và phát huy giá trị trò chơi dân gian truyền thống.

  • Phú Yên trưng bày nhiều hiện vật từ những chuyến Tàu Không số

    Phú Yên trưng bày nhiều hiện vật từ những chuyến Tàu Không số

    Tối 22/11, tại Bảo tàng tỉnh Phú Yên, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh tổ chức khai mạc trưng bày chuyên đề “Bến Vũng Rô và hoạt động tiếp nhận chi viện từ những chuyến Tàu Không số”. Hoạt động nhằm hướng đến kỷ niệm 60 năm Bến Vũng Rô tiếp nhận chuyến hàng đầu tiên của Tàu Không số (28/11/1964 – 28/11/2024).

  • Kỷ niệm 555 năm danh xưng Duy Tiên

    Kỷ niệm 555 năm danh xưng Duy Tiên

    Sáng 22/11, Thị ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ thị xã Duy Tiên long trọng tổ chức Kỷ niệm 555 năm danh xưng Duy Tiên (1469 - 2024) và 95 năm thành lập Chi bộ Đông Dương Cộng sản Đảng Duy Tiên (11/1929 - 11/2024).

Top