Chỉ tính riêng 2 tháng đầu năm 2017, NHCSXH tỉnh Thái Nguyên được Trung ương giao tăng đến 160 tỷ đồng nguồn vốn hoạt động. Hệ thống chính quyền các cấp từ tỉnh đến huyện đã chuyển 8,7 tỷ đồng vốn ngân sách địa phương để bổ sung cho vay người nghèo và các đối tượng chính sách để kịp vào vụ sản xuất xuân hè.
Nguồn vốn ưu đãi đã phủ xanh những gốc chè xứ Thái tại gia đình chị Tạ Thị Nga (trái) ở thôn Ao Trám (Động Đạt - Phú Lương).
Hiện tại, tổng nguồn vốn tín dụng chính sách trên xứ chè Thái Nguyên đạt trên 2.840 tỷ đồng, tăng hơn 85 tỷ đồng so với cuối năm 2016 với 92.000 khách hàng đang vay. Nguồn vốn ưu đãi ngày càng tăng nhanh không những mang lại niềm vui cho người nghèo và hộ gia đình đồng bào dân tộc thiểu số mà còn tạo thêm điều kiện, nâng cao trách nhiệm tham gia thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới của đội ngũ cán bộ, nhân viên tín dụng chính sách tại địa bàn.
Theo Phó giám đốc NHCSXH tỉnh Thái Nguyên Lê Văn Hồng, do tích cực triển khai các giải pháp đồng bộ, sáng tạo như tranh thủ nguồn vốn của Trung ương, huy động tiền gửi của các tổ chức, cá nhân ở mạng lưới Tổ tiết kiệm và vay vốn, tại hệ thống điểm giao dịch xã và nhận uỷ thác tiền ngân sách của các cấp chính quyền nên nguồn vốn tín dụng chính sách đã không ngừng tăng trưởng, mở ra cơ hội cho mọi đối tượng ở từng thôn bản, xã, huyện trong toàn tỉnh phát triển sản xuất, tăng thêm thu nhập, từng bước thoát nghèo, vươn lên làm giàu, góp phần quan trọng thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển.
Cụ thể, sau 14 năm hoạt động với trên 2.840 tỷ đồng thuộc 12 chương trình tín dụng ưu đãi đã góp phần giúp 6.550 hộ trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên thoát nghèo và thoát cận nghèo; giảm tỷ lệ hộ nghèo năm 2016 xuống còn 11,21% (giảm 2,19% so với cuối năm 2015), tạo việc làm mới cho 1.060 lao động, hỗ trợ hơn 10.000 HSSV có hoàn cảnh khó khăn vay được vốn chính sách yên tâm học tập; xây dựng gần 14.000 công trình cung cấp nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn…
Với sự phối hợp chặt chẽ của các hội, đoàn thể, thực hiện nghiêm túc hợp đồng ủy thác; chú trọng sắp xếp, củng cố mạng lưới trên 3.100 Tổ tiết kiệm và vay vốn theo hướng liền canh, liền cư, đảm bảo mỗi Tổ tiết kiệm và vay vốn có đủ số thành viên, đủ số vốn hoạt động, đủ tổ trưởng có năng lực, nhiệt tình về quản lý kinh tế, tín dụng; đồng thời xây dựng hệ thống 173 điểm giao dịch tại xã, nhờ vậy mọi đồng vốn của các chương trình, tín dụng chính sách đều được chuyển tải kịp thời đến khắp thôn bản, đến đúng đối tượng thụ hưởng.
Cụ thể, tổng dư nợ uỷ thác thông qua 4 hội, đoàn thể chiếm 99,5% tổng dư nợ của NHCSXH. Trong đó, Hội Phụ nữ tỉnh Thái Nguyên nhận uỷ thác vốn vay chính sách với hơn 857 tỷ đồng. Hầu hết hội viên phụ nữ sử dụng vốn vay đúng mục đích, đạt kết quả cao trong sản xuất kinh doanh và thực hiện hoàn trả vốn, lãi đều đặn, đầy đủ, với tỷ lệ nợ quá hạn bình quân chỉ chiếm 0,04%.
Tiêu biểu có xã miền núi Động Đạt, huyện Phú Lương với 30/30 Tổ tiết kiệm và vay vốn hoạt động đạt loại khá, tốt và trên 1.170 lượt người nghèo, hộ gia đình đồng bào dân tộc Tày, Nùng, Sán Chỉ… được tiếp cận 32 tỷ đồng vốn chính sách để đầu tư phát triển kinh tế vườn đồi, thâm canh lúa, ngô cao sản, chăn nuôi lợn, gà theo hướng bán công nghiệp, lập xưởng, mở nghề làm nông cụ, vật liệu phục vụ sản xuất nông, lâm nghiệp, xây dựng nhà ở… Nhiều gia đình sử dụng vốn vay ăn nên làm ra, thoát nghèo bền vững như ông Ma Xuân Dương ở xóm Ao Sen nuôi 400 con thỏ, mỗi năm lãi ròng 40 - 50 triệu đồng; anh Nguyễn Viết Cường, 30 tuổi, lập xưởng rèn nông cụ, sản xuất khung nhôm cửa kính, tạo việc làm ổn định cho 5 lao động tại xóm Cây Hồng với mức thu nhập 4 - 4,5 triệu đồng/tháng/người. Gia đình bà Tạ Thị Nga, ở xóm Ao Trám đã có của ăn, của để cùng 4 gian nhà xây mới kiên cố nhờ phát triển mô hình chăn nuôi lợn nái, lợn giống từ nguồn vốn của NHCSXH. “Tất cả nhờ cậy vào sự giúp đỡ, chỉ dẫn của cán bộ ngân hàng và hội, đoàn thể ở thôn, xã đấy. Mong sao NHCSXH cho nhân dân vay thêm vốn để mở rộng sản xuất”, bà Nga phấn khởi nói.
Ông Nguyễn Trung Thu, Phó chủ tịch Hội Nông dân xã Động Đạt, cho biết: “Xã hiện có 90% nhà dân xây được nhà mới, kiên cố, không còn cảnh nhà ở tạm bợ, dột nát; tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 2,4%. Cuối năm vừa rồi, xã Động Đạt hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới. Kết quả này có phần chung tay góp sức của NHCSXH”.
Nhìn lại thời gian qua, NHCSXH tỉnh Thái Nguyên đã tạo bước chuyển biến tích cực, góp phần thực hiện chương trình giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới trên xứ chè nổi tiếng của đất nước. Phát huy thành tích đạt được, NHCSXH quyết tâm, chủ động tạo lập nguồn vốn, chuyển tải nhanh chóng, đầy đủ nguồn vốn đầu tư cho huyện nghèo, vùng sâu, vùng xa, thôn bản đặc biệt khó khăn để phát triển sản xuất, dựng xây cuộc sống mới tươi vui, no đủ.
Phương Dư