Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 20 tháng 4 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 30 tháng 8 năm 2019 | 14:46

Chuyện giảm nghèo ở huyện vùng cao Lâm Bình

Lâm Bình là huyện thuộc diện khó khăn nhất của tỉnh Tuyên Quang. Song được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và chính quyền địa phương, giờ đây đời sống của nhân dân nơi đây ngày càng được nâng cao.

2.jpg
Từ nuôi cá kết hợp mở dịch vụ hồ tắm, trồng cây đặc sản, trừ chi phí, mỗi năm gia đình ông Nhật thu về hơn 100 triệu đồng.

 

Chuyện về “cái nghèo”

Trong không khí cả nước tổ chức nhiều hoạt động kỷ niệm 74 năm Cách mạng Tháng Tám, Quốc khánh 2/9, tôi có dịp lên huyện vùng cao Lâm Bình thăm nhiều mô hình giảm nghèo hiệu quả, cũng là dịp được thấu hiểu hơn về “cái nghèo, cái khổ” ngày trước của người dân nơi đây thông qua lời kể của các bậc cao niên.

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Công Hựu, Bí thư xã Lăng Can (sinh năm 1959), tâm sự, trước đây người dân làm nông nghiệp chưa biết cách chăm sóc, bón phân, trong khi cỏ mọc um tùm dẫn tới năng suất thấp, có năm mất trắng nên “cái đói” bao vây quanh năm. Để chống lại “cái đói”, người dân phải lên rừng đào củ mài, củ sắn về ăn qua bữa.

Ông Nguyễn Văn Nhật (sinh năm 1953, thôn Nặm Đíp, xã Lăng Can) nhớ lại, những năm 1969 - 1972, thời kháng chiến chống Mỹ, đời sống vất vả, khó khăn lắm. Đường liên thôn, liên xã toàn đường đất, lối mòn. Lương thực không đủ, gạo phải nấu độn với ngô, khoai, sắn. Chỉ rằm tháng 7 và Tết Nguyên đán mới được mổ lợn, do vậy, năm được ăn thịt 2 lần. Quần áo rách vá chi chít mà thậm chí không có để mặc. Mùa đông rét cắt da, cắt thịt nhưng vẫn phải chịu, khổ nhất là trẻ em. Đến nay, cuộc sống đã đủ ăn, đủ mặc, có nhiều mô hình thoát nghèo, làm giàu chính đáng.

 

3.jpg
Nhờ biết phát huy thế mạnh của địa phương, gia đình ông Hoàng Ngọc Chỉ có nguồn thu ổn định từ trồng rau bò khai.

 

Cùng ở thôn Nặm Đíp, ông Hoàng Ngọc Chỉ (sinh năm 1949), tâm sự, trước đây làm lụng vất vả nhưng không đủ ăn. Là bệnh binh, mỗi tháng tôi được trợ cấp 8kg gạo nhưng gia đình vẫn đói. Tôi nhớ, năm 1988, gia đình không có gì ăn nên phải lên rừng đào cây đao chế biến thành tinh bột nấu ăn. Các hộ dân khác không được trợ cấp gạo còn khó khăn gấp bội, họ phải vào rừng đào củ mài, củ sắn về ăn thay cơm.

Ông Chỉ tâm sự, bây giờ cuộc sống đã khác một trời, một vực. Điện, đường, trường, trạm đầy đủ, cuộc sống ấm no, trẻ em được đi học đầy đủ.

Phát huy thế mạnh địa phương

Ông Nguyễn Công Hựu cho biết, Lăng Can là xã vùng sâu, vùng xa, tỷ lệ hộ nghèo còn cao, cao nhất tới 60%. Khi thành lập huyện, chính quyền địa phương đã triển khai nhiều giải pháp để giảm nghèo như: đưa các giống lúa có năng suất cao vào sản xuất, phát triển chăn nuôi trâu, bò…

 

Đặc biệt, những năm gần đây, xã tập trung phát triển các sản phẩm đặc sản như: rau bò khai, giảo cổ lam, nuôi dê, lợn đen; phát triển du lịch homestay. Do vậy, thu nhập của người dân từng bước được tăng lên, tỷ lệ hộ nghèo giảm dần từng năm. Năm 2016, thu nhập bình đầu người của xã đạt 16 triệu đồng. Đến năm 2018 đạt 30,6 triệu đồng.

Năm 2017, xã còn 37% số hộ nghèo; năm 2019 giảm xuống chỉ còn 10%. Năm 2018, xã đã hoàn thành xây dựng nông thôn mới. Hiện, Đảng bộ xã đang tập trung xây dựng các tiêu chí để xã đạt đô thị loại V, sau năm 2020 - 2021 sẽ lên thị trấn; tập trung phát triển các mô hình kinh tế cho hiệu quả cao gắn với tìm đầu ra cho sản phẩm, từ đó tăng thu nhập cho người dân.

Theo ông Nguyễn Trần Tiến, Phó chủ tịch UBND xã Lăng Can,  xã đã và đang đẩy mạnh phát triển kinh tế nông - lâm nghiệp, từng bước thúc đẩy phát triển tiểu thủ công nghiệp, thương mại dịch vụ. Sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn, hỗ trợ 20 dự án với 238 con lợn đen, 5,57ha rau bò khai, 60 con trâu, bò, 150 con dê.

1.jpg

Nhiều tuyến đường giao thông của huyện Lâm Bình đang từng bước được hoàn thiện sẽ tạo cho việc giao thương phát triển.

 

Một số dự án đã đem lại hiệu quả như: nuôi lợn đen, trồng rau bò khai (hiện có 8,5ha), nuôi trâu, bò sinh sản (đàn trâu, bò của các dự án hỗ trợ hiện nay có 100 con), dê thịt (đàn dê hiện có 549 con)... phát triển thương mại, dịch vụ, trong đó trọng tâm là du lịch cộng đồng Homestay (5 hộ thực hiện tại Nặm Đíp đã đón tiếp gần 3.000 lượt khách, tổng thu nhập gần 400 triệu đồng), ông Tiến cho biết thêm.

Gương làm kinh tế giỏi

Anh Pọong Văn Sơ ở thôn Bản Khiển (Lăng Can) tâm sự, năm 2016, gia đình được xã hỗ trợ 1 con đực, 6 con nái mẹ và 10 con lợn con. Nhờ đó mà giờ đây gia đình có thu nhập ổn định. Từ đầu năm tới giờ, mình đã bán 45 con lợn giống, bình quân lãi 1 triệu đồng/con.

Là gia đình có thu nhập ổn định từ trồng rau bò khai, ông Hoàng Ngọc Chỉ, thôn Nặm Đíp, cho biết, năm 2017, gia đình được hỗ trợ trồng 600 khóm bò khai trên diện tích hơn 1.000m2. Từ đầu năm đến nay, gia đình bán gần 4 tạ rau với giá 40.000 đồng/kg. Hiện, rau trồng ra chưa đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng. So với cây lương thực, bò khai hiệu quả cao hơn rất nhiều.

Đặc biệt nhất, anh Chẩu Xuân Việt ở thôn Nặm Đíp lại chọn làm du lịch homestay. Cùng với sự hỗ trợ của huyện, anh đầu tư sửa sang, cải tạo tạo khuôn viên gia đình với kinh phí hơn 200 triệu đồng. Giờ đây, tuy lượng khách tới đây còn hạn chế nhưng hàng tháng gia đình có nguồn thu nhập tương đối ổn định.

Ông Nguyễn Văn Nhật ở thôn Nặm Đíp cho biết: Trước 2016, gia đình làm nương, trồng ngô, trồng sắn chỉ đủ ăn. Từ năm 2016, tôi quyết định chuyển sang nuôi cá (diện tích 4.000m2), kết hợp mở dịch vụ hồ tắm (hơn 1.000m2), trồng các loại cây đặc sản (hơn 500m2) và nuôi gà. Giờ đây, gia đình có nguồn thu dồi dào, trừ chi phí, mỗi năm thu về hơn 100 triệu đồng.

Theo ông Nhật, chính quyền địa phương nên có định hướng cụ thể cho từng hộ nghèo để họ tự thoát nghèo, không phải cứ cho tiền là thoát được nghèo. Nếu cho hộ nghèo tiền mà không có định hướng sử dụng, họ đem tiền đi mua thịt, mua rượu uống, không những không thoát nghèo mà con nghèo thêm.

Ông Nhật mong thế hệ trẻ hãy làm đi, thử sức mình xem, sức mình có thể làm được đến đâu, làm một, hai lần có thể thất bại nhưng phải làm lại. Không nên cứ thất bại là bỏ cuộc.

Đổi thay sau 8 năm thành lập

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Văn Dưng, Chủ tịch UBND huyện Lâm Bình, cho biết, huyện thành lập năm 2011, trên cơ sở các xã khó khăn của hai huyện Na Hang và Chiêm Hóa. Do vậy, cơ sở hạ tầng còn thiếu thốn, đời sống người dân gặp nhiều khó khăn, sản xuất nhỏ lẻ, tỷ lệ hộ nghèo lên tới 71%, có xã lên tới hơn 90% (tiêu chí nghèo cũ). Trong khi, 90% dân số của huyện là bà con dân tộc thiểu số.

Ông Dưng đánh giá, sau 8 năm thành lập, hệ thống chính trị của huyện đã kiện toàn, cơ sở hạ tầng từng bước được đầu tư, hoàn thiện, đời sống người dân ngày càng được nâng lên, tỷ lệ hộ nghèo 2018 còn trên 40%, phấn đấu hết năm 2019 giảm xuống chỉ còn hơn 30%.

Thời gian tới, huyện tiếp tục phát huy kết quả đạt được, xây dựng giao thông, đẩy mạnh tăng gia sản xuất theo hướng hàng hóa, phát triển du lịch… Tuyên truyền cho người dân biết, Nhà nước chỉ hỗ trợ về khoa học kỹ thuật, giải quyết việc làm, nâng cao chất lượng lao động; người dân là chủ thể giảm nghèo, tránh tư tưởng trông chờ ỷ lại.

“Đặc biệt, căn cứ vào hiện trạng, Lâm Bình luôn chú trọng mục tiêu xây dựng kế hoạch giảm nghèo hàng năm. Trong kế hoạch đánh giá thực trạng, làm rõ nguyên nhân nghèo, từ đó có giải pháp giảm nghèo hiệu quả”, ông Dưng nhấn mạnh.

 

 

 

 

Hoàng Văn
Ý kiến bạn đọc
  • Nghệ An hoàn thành hơn 8.400 căn nhà cho người nghèo

    Nghệ An hoàn thành hơn 8.400 căn nhà cho người nghèo

    Ngày 19/4, UBND tỉnh Nghệ An tổ chức sơ kết 1 năm triển khai chương trình vận động, hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà cho người nghèo, người có khó khăn về nhà ở giai đoạn 2023-2025 (Chương trình 1838).

  • “Chỉ cần sức khỏe tốt, tôi còn hiến máu cứu người”

    “Chỉ cần sức khỏe tốt, tôi còn hiến máu cứu người”

    Với 28 lần hiến máu nhân đạo, trình dược viên Từ Thị Tuyên (SN 1989), xã Thạch Thắng, Thạch Hà (Hà Tĩnh) đã trở thành tấm gương sáng trong các hoạt động an sinh xã hội, tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng…

  • PVcomBank mang yêu thương đến những hoàn cảnh khó khăn tại Lào Cai

    PVcomBank mang yêu thương đến những hoàn cảnh khó khăn tại Lào Cai

    Với tinh thần tương thân tương ái, vừa qua, Đoàn Thanh niên Ngân hàng TMCP Đại Chúng Việt Nam (PVcomBank) đã tổ chức chương trình từ thiện “Xuân tình nguyện 2024” để thăm hỏi, động viên và trao quà đến các em học sinh nghèo, các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn tại xã Nậm Chảy, huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai. Đây là hoạt động hưởng ứng tinh thần Tháng Thanh niên và Năm Thanh niên tình nguyện của tuổi trẻ PVcomBank.

  • Lễ hội Hoa Phượng Đỏ, niềm tự hào của người dân Hải Phòng

    Lễ hội Hoa Phượng Đỏ, niềm tự hào của người dân Hải Phòng

    Lễ hội Hoa Phượng Đỏ là sự kiện chính trị, văn hóa, xã hội, là lễ hội truyền thống đặc trưng, niềm tự hào của người dân Hải Phòng được tổ chức thường niên vào tháng 5 gắn với kỷ niệm Ngày giải phóng Hải Phòng.

  • Hội Sách Hải Phòng 2024: Nơi gặp gỡ giữa những người yêu sách

    Hội Sách Hải Phòng 2024: Nơi gặp gỡ giữa những người yêu sách

    Hội Sách Hải Phòng 2024 với hơn 20 gian hàng và khoảng 12.000 đầu sách, nhiều thể loại sách phong phú, đa dạng được giới thiệu đến nhân dân thành phố Cảng.

  • Khai hội Du lịch Cửa Lò năm 2024

    Khai hội Du lịch Cửa Lò năm 2024

    Tối 18/4, tại Quảng trường Bình Minh (thị xã Cửa Lò), UBND tỉnh Nghệ An, UBND thị xã Cửa Lò tổ chức khai mạc Lễ hội Du lịch Cửa Lò 2024 gắn với sự kiện công bố, đón nhận quyết định công nhận Di sản văn hoá phi vật thể Quốc gia - Lễ hội Đền Yên Lương (phường Nghi Thủy).

Top