Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ năm, ngày 18 tháng 4 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 16 tháng 12 năm 2016 | 2:16

Chuyện “ba đúng” ở Yên Lộc

Đến nay, tổng dư nợ vốn vay từ NHCSXH của xã Yên Lộc (Kim Sơn - Ninh Bình) đạt trên 15,7 tỷ đồng, với 547 hộ đang vay vốn. “Dư nợ lớn, hộ vay nhiều, nhưng nợ quá hạn chỉ chiếm 0,029%. Có được kết quả khả quan này là nhờ xã chúng tôi thực hiện nghiêm túc “3 đúng”. Đó là cho vay đúng đối tượng, đúng quy định và bà con sử dụng vốn đúng mục đích”, Chủ tịch UBND xã Phạm Văn Son khẳng định.

Chị em phụ nữ nghèo xã Yên Lộc vay vốn ưu đãi phát triển nghề chiếu cói.

Xã Yên Lộc có 21 Tổ tiết kiệm và vay vốn, trong đó Hội Nông dân quản lý 10 tổ với dư nợ 7,7 tỷ đồng, chiếm 50% tổng dư nợ toàn xã.

Ông Mai Văn Dũng, Chủ tịch Hội Nông dân xã, cho biết: “Thực hiện “3 đúng”, chúng tôi cho vay 6 chương trình, trong đó cho vay hộ cận nghèo có dư nợ lớn nhất, 2,4 tỷ đồng; tiếp đến là cho vay hộ nghèo 1,7 tỷ đồng; cho vay nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn 1,6 tỷ đồng; HSSV 1,3 tỷ đồng; cho vay hộ mới thoát nghèo 400 triệu đồng; giải quyết việc làm 120 triệu đồng.

Các hộ vay vốn đều sử dụng đúng mục đích và hiệu quả, tiêu biểu có hộ ông Nguyễn Việt Liên ở xóm 6. Cuối năm 2014, được vay 50 triệu đồng từ chương trình cho vay hộ cận nghèo, cộng thêm một ít vốn của gia đình, ông đầu tư mua 3 con bò sinh sản. Nhờ chăm sóc đúng kỹ thuật, đến nay, đàn bò phát triển thành 5 con. Ngoài chăn nuôi bò, ông Liên còn nuôi 2 con lợn nái. “Tiền xuất bán lợn giải quyết đủ tiền sinh hoạt cho gia đình, còn tiền lãi nuôi bò, gia đình tích cóp để hoàn trả nợ ngân hàng và mở rộng chăn nuôi”, ông Liên chia sẻ.

Cũng ở xóm 6, hộ ông Trần Văn Mỹ trước đây vay trên 90 triệu đồng cho 2 con học Đại học Luật và Bách Khoa ở Hà Nội. Sau khi hai con ra trường hơn 1 năm, có việc làm ổn định, ông đã trả hết nợ gốc và lãi cho NHCSXH. Năm 2014, ông tiếp tục được NHCSXH huyện Kim Sơn cho vay 12 triệu đồng từ chương trình tín dụng nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn. Được các con gửi tiền về giúp đỡ, ông xây nhà tắm, nhà vệ sinh, “kéo” nước sạch vào tận bếp.

Kim Sơn là huyện ven biển, do đó nhiều xã của huyện bị nhiễm mặn, trong đó có Yên Lộc. Trước đây, nhân dân phải xây bể chứa nước mưa, đào giếng mới có nước dùng. Năm 2010, xã được Nhà nước đầu tư 13 tỷ đồng xây dựng nhà máy cấp nước, năm 2011 đưa vào khai thác. Từ đường ống trục toả về 13 xóm, mỗi hộ muốn đưa nước vào tận nhà phải mất 5-7 triệu đồng. Mấy năm qua, nhờ vốn vay chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn mà đến nay 85% số hộ dân trong xã đã được dùng nước sạch.

“Năm 2016, dư nợ cho vay chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn xếp thứ 3, sau chương trình cho vay hộ cận nghèo và hộ nghèo. Còn khoảng 15% số hộ chưa được dùng nước sạch, tín dụng chính sách sẽ tiếp tục “phủ sóng” trong năm 2017", Giám đốc NHCSXH huyện Kim Sơn, ông Đặng Văn Thắng cho biết.

Yên Lộc có 423ha đất nông nghiệp, chủ yếu là trồng lúa. Cùng với trồng trọt, chăn nuôi, xã còn có thế mạnh phát triển ngành nghề, tiểu thủ công nghiệp, “nổi tiếng” là nghề dệt chiếu cói.

Với mục đích mở rộng, phát huy thế mạnh nghề truyền thống để cải thiện cuộc sống cho nhân dân, chính quyền xã đã phối hợp với tổ chức hội, đoàn thể tạo điều kiện, hướng dẫn bà con vay vốn ưu đãi từ NHCSXH.

Nhờ nhận được sự hỗ trợ tích cực từ các tổ chức hội, đoàn thể, nhiều hội viên đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu, mở rộng mô hình sản xuất, như hộ chị Đỗ Thị Loan ở xóm 2, xã Yên Lộc, với mô hình dệt chiếu bằng máy cho thu nhập gần 200 triệu đồng/năm, tạo việc làm cho hơn 20 lao động nữ; chị Dương Thị Miến ở xóm 6, xã Thượng Kiệm thu gom hàng cói, bèo bồng, hỗ trợ dạy nghề cho phụ nữ và tạo việc làm thường xuyên cho 40 - 50 lao động nữ…

Cuối năm 2015, cùng lúc hai niềm vui lớn đến với nhân dân Yên Lộc khi xã đón nhận danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang và bằng công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới. “Trong niềm vui chung, chúng tôi luôn nhớ và ghi công “người bạn” đồng hành cùng nhân dân Yên Lộc hơn một thập kỷ qua - NHCSXH. Năm 2016, tỷ lệ hộ nghèo của xã còn 2,9% (theo tiêu chí cũ), 60% lao động tham gia làm nghề tiểu thủ công nghiệp, mang lại thu nhập ổn định cho từng gia đình, bình quân đạt trên 26 triệu đồng/người. Để tiếp tục sự nghiệp giảm nghèo bền vững, chúng tôi hy vọng sẽ có thêm nguồn lực mới từ NHCSXH trong thời gian tới”, Chủ tịch UBND xã Yên Lộc, ông Phạm Văn Son cho biết.

Hồ Khánh Thiện

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
Top