Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ năm, ngày 25 tháng 4 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 1 tháng 11 năm 2019 | 13:50

Cô giáo tôi

Đã hơn 30 năm rời xa mái trường thân yêu, nhưng cứ mỗi lần quay lại đây, hình ảnh cô giáo, bè bạn thân yêu, lớp học và những kỷ niệm của tuổi học trò lại ùa về.

tr8.JPG
Cô giáo Phùng Thị Minh Vượng.

 

Nhớ lời Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nhắn gửi: “Mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương đạo đức tự học và sáng tạo”, tấm gương ấy trong tâm trí chúng tôi đều nhớ đến đó chính là Nhà giáo ưu tú Phùng Thị Minh Vượng, nguyên Phó hiệu trưởng Trường Nguyễn Gia Thiều (Hà Nội). Người đã chắp cánh cho những ước mơ, lý tưởng, hoài bão, làm nền tảng cho sự nghiệp cho biết bao thế hệ học trò.

Tận tâm với nghề

Bên phía bờ Bắc của con sông Hồng, giữa thị trấn Gia Lâm (cũ), nay là phường Ngọc Lâm (quận Long Biên), có một ngôi trường cấp 3 mang tên Danh sĩ Nguyễn Gia Thiều, có bề dày gần sáu thập kỷ. Đây là ngôi trường mà Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng theo học từ năm 1957 đến năm 1963, đó cũng chính là ngôi trường rèn giũa biết bao thế hệ học trò thành tài, cống hiến cho đất nước.

Ở ngôi trường có bề dày truyền thống ấy, tôi và các thế hệ học sinh đều rất tự hào khi được Nhà giáo ưu tú Phùng Thị Minh Vượng giảng dạy những bài học và truyền lửa chắp cánh những ước mơ. 

Sinh ra và lớn lên tại tỉnh Bắc Giang bán sơn địa, Lục Nam là huyện, Dốc Sàn là địa danh của gia đình cô sinh sống. Cô bảo cuộc sống của người dân ở đây khổ cực lắm, cơm ăn không đủ no, quần áo mặc không đủ ấm. Ngay từ tấm bé, ước mơ  được đứng trên bục giảng đã thôi thúc cô phải học thật giỏi để được làm nghề giáo. Điều mong ước của cô rồi cũng thành sự thật khi cô chính thức bước vào cánh cổng của Trường Đại học sư phạm trong những năm đất nước đang còn chiến tranh ác liệt.

Được về trường giảng dạy trong cuộc chiến tranh ác liệt chống Đế quốc Mỹ xâm lược, nằm trên địa bàn trọng điểm, chính vì vậy, nhà trường phải thay đổi địa điểm học liên tục để tránh giặc ném bom. Nói về giai đoạn này, tôi đã được nghe cô kể, học sinh thì nghèo, nhà khó khăn, neo đơn, các thầy cô giáo phải chia sẻ từng manh quần, tấm áo cho các em mặc khỏi rét, những đêm đông giá lạnh, ngồi soạn giáo án trong căn nhà mái tranh gió lùa rét buốt, nhưng khi nhìn thấy các em đến trường lại thấy thương lũ học trò và thêm yêu nghề này hơn.

Có những đêm phải đốt đuốc để đến tận nhà  học sinh ở trọ để kiểm tra các em học bài, xem chỗ các em ăn, ngủ nghỉ, cùng các em học cho đến tận khuya. Rất nhiều thế hệ học trò của cô đã thành tài, thành danh và luôn khắc sâu công ơn  người lái đò thầm lặng.

Những tháng năm học trò

Nhớ về những tháng năm ngồi trên ghế nhà trường, bao kỷ niệm lại ùa về như mới hôm qua vậy. Cô không phải là người đầu tiên nhận lớp tôi, trước đó đã có hai thầy cô giáo đảm đương nhiệm vụ chủ nhiệm, nhưng cả hai thầy cô này đều “lắc đầu” ngán ngẩm trả lại cho Ban giám hiệu để phân công người khác thay thế, nguyên nhân cũng bởi do lớp chúng tôi quá ư là nghịch ngợm, nghịch đến nỗi được xếp hạng thứ nhất của trường. Cô là người được nhà trường lựa chọn bởi cô vừa là Phó hiệu trưởng, vừa là người có kinh nghiệm nhất trường về tính kỷ luật và rèn giũa học sinh, chả thế mà cứ nghe đến tên Cô Vượng là học sinh đều răm rắp làm theo rồi.

Một buổi lên lớp, thấy học sinh của mình viết than đen đầy lên tường, cô nhìn chúng tôi không nói câu gì, nhưng trong ánh mắt của cô ánh lên nỗi buồn và thất vọng. Lúc sau cô nói nhẹ nhàng: “Em nào viết, chiều nay ở lại lớp xóa đi nhé”, rồi bắt đầu giảng bài.

Buổi lên lớp hôm đó chúng tôi biết cô buồn lắm, nỗi buồn không nói  thành lời, lũ chúng tôi thì thấy ân hận, cúi gằm mặt không dám ngẩng lên và ngay sau buổi học đó không ai bảo nhưng gần như cả lớp chúng tôi đã ở lại để xóa đi những dòng chữ nguệc ngoạc đã viết trước đó.

Những tưởng cô sẽ xử lý kỷ luật chúng tôi, những người viết ra dòng chữ đó, nhưng không, trong một buổi sinh hoạt lớp, cô đã đưa ra chuyện đó nhưng không phải là để kỷ luật mà là chỉ cho chúng tôi cái đẹp và không đẹp khi viết lên tường. Lũ chúng tôi ngồi nghe như nuốt từng lời, trong bụng thầm hứa với cô sẽ không bao giờ như thế nữa.

Cô không dạy chúng tôi bằng hình phạt, không dạy chúng tôi bằng những biện pháp cứng rắn, mà cô dạy chúng tôi bằng cái tâm của một người làm giáo dục, bằng cái tâm của một người mẹ. Cô lấy tình yêu thương học trò để cảm hóa những bạn học sinh cá biệt, lấy tình cảm để dạy dỗ cho chúng tôi nên người.

Nhiều bạn trong lớp tôi vẫn còn nhớ như in những lời nói ân cần của cô khi chúng tôi chuẩn bị bước vào giai đoạn nước rút thi tốt nghiệp, cô miệt mài ôn luyện cho chúng tôi quên giờ giấc. Thậm chí có những hôm trời đã tối nhưng trên bục giảng, cô vẫn say sưa giảng cho chúng tôi những bài học làm hành trang cho kỳ thi.

In sâu bài giảng nhân cách

Được học văn từ nhiều  thầy cô giáo, tuy nhiên, với những gì mà chúng tôi được học ở cô thì hoàn toàn khác lạ, cô dạy cho chúng tôi sự cảm nhận văn chương chứ không phải học thuộc lòng.

Cô nói với chúng tôi, học văn chính là học nhân cách để làm người, một con người có nhân cách sẽ biết yêu thương nhau, giúp đỡ nhau trong cơn hoạn nạn, biết yêu Quê hương mình, đất nước mình, biết xả thân cho lý tưởng cao đẹp, biết sống vì mọi người.

Vì thế mỗi khi đến giờ học văn của cô, lũ học trò chúng tôi dần dần được cảm hóa, học hành chăm chú hơn, lắng nghe cô giảng bài hơn và đã bớt đi những trò nghịch ngợm nhiều hơn.

Khi vinh dự được Nhà nước công nhận là Nhà giáo ưu tú, cô nói để được như ngày hôm nay cô phải cảm ơn rất nhiều đến đồng nghiệp, đến các thế hệ học trò đã cùng cô trải qua biết bao năm tháng học tập và rèn luyện. Mặc dù đã là một lãnh đạo nhưng những tình cảm và tình yêu thương của cô đối với học trò dường như không hề thay đổi.

Nhân dịp Hội khóa kỷ niệm 30 năm ngày ra trường, chúng tôi vui mừng khi nhìn thấy những nét cười vui tươi hiền hòa hiện rõ trên nét mặt rạng ngời của các thầy cô giáo. Ghé tai tôi cô nói, giáo dục những năm gần đây có nhiều  vụ việc đáng tiếc xảy ra, nhưng đừng nhìn vào đó để đánh giá nền giáo dục hiện nay xuống cấp con nhé, đấy chỉ là những con sâu làm rầu nồi canh thôi.

Cô giáo chúng tôi vẫn thế, vẫn nhẹ nhàng, vẫn ân cần chỉ bảo cho chúng tôi nhìn nhận những điều hay, lẽ phải, hỏi thăm từng đứa học trò của mình. Bất giác tôi chợt nghĩ, nếu như nền giáo dục của chúng ta toàn những người tâm huyết như cô thì có lẽ sẽ không có những sự việc đáng buồn xảy ra  như vừa qua. Tôi mong, điều này sẽ trở thành hiện thực vì một nền giáo dục văn minh, hiện đại, đạo đức và sáng tạo.

 

 

Ngọc Thủy
Ý kiến bạn đọc
  • Nghệ An hoàn thành hơn 8.400 căn nhà cho người nghèo

    Nghệ An hoàn thành hơn 8.400 căn nhà cho người nghèo

    Ngày 19/4, UBND tỉnh Nghệ An tổ chức sơ kết 1 năm triển khai chương trình vận động, hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà cho người nghèo, người có khó khăn về nhà ở giai đoạn 2023-2025 (Chương trình 1838).

  • “Chỉ cần sức khỏe tốt, tôi còn hiến máu cứu người”

    “Chỉ cần sức khỏe tốt, tôi còn hiến máu cứu người”

    Với 28 lần hiến máu nhân đạo, trình dược viên Từ Thị Tuyên (SN 1989), xã Thạch Thắng, Thạch Hà (Hà Tĩnh) đã trở thành tấm gương sáng trong các hoạt động an sinh xã hội, tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng…

  • PVcomBank mang yêu thương đến những hoàn cảnh khó khăn tại Lào Cai

    PVcomBank mang yêu thương đến những hoàn cảnh khó khăn tại Lào Cai

    Với tinh thần tương thân tương ái, vừa qua, Đoàn Thanh niên Ngân hàng TMCP Đại Chúng Việt Nam (PVcomBank) đã tổ chức chương trình từ thiện “Xuân tình nguyện 2024” để thăm hỏi, động viên và trao quà đến các em học sinh nghèo, các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn tại xã Nậm Chảy, huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai. Đây là hoạt động hưởng ứng tinh thần Tháng Thanh niên và Năm Thanh niên tình nguyện của tuổi trẻ PVcomBank.

  • Thanh Hóa - Hậu phương lớn trong chiến dịch Điện Biên Phủ

    Thanh Hóa - Hậu phương lớn trong chiến dịch Điện Biên Phủ

    Cách đây 70 năm, cuộc kháng chiến chống Pháp của dân tộc ta kết thúc thắng lợi bằng chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, trở thành mốc son chói lọi bằng vàng tạc vào lịch sử dân tộc.

  • Khai mạc Lễ hội Du lịch biển Hà Tĩnh năm 2024

    Khai mạc Lễ hội Du lịch biển Hà Tĩnh năm 2024

    Tối 21/4, tại quảng trường Hồ Tùng Mậu (Khu du lịch Thiên Cầm, Cẩm Xuyên), UBND tỉnh Hà Tĩnh long trọng tổ chức khai mạc Lễ hội Du lịch biển năm 2024 với chủ đề “Hà Tĩnh – Thanh âm ngày nắng mới”.

  • Người dân Cổ Loa mong sớm xây dựng đền thờ vua Ngô Quyền

    Người dân Cổ Loa mong sớm xây dựng đền thờ vua Ngô Quyền

    Sau chiến thắng quân xâm lược Nam Hán (năm 938) trên sông Bạch Đằng, Ngô Quyền xưng Vương và chọn đất Cổ Loa làm kinh đô, mở đầu cho kỷ nguyên mới của dân tộc sau gần 1000 năm Bắc thuộc. Mặc dù đóng đô ở Cổ Loa từ tiền Ngô Vương đến hậu Ngô Vương gồm 26 năm, nhưng đến nay vẫn chưa có một công trình tôn vinh Ngô Vương Quyền trên vùng đất Cổ Loa nơi ông dựng nghiệp và chọn làm kinh đô. Xây dựng đền thờ Ngô Quyền tại mảnh đất linh thiêng này là thỏa nỗi ước mong của các hậu thế.

Top